Mỗi Dòng Đời Của Đức Ngự Mã Thiên Quân. * Sưu tầm, Hương Hạnh.

- Đức Ngự Mã Thiên Quân.
- Đức Vi Đà Thiên Tôn.
- Đức Hộ Giá Tiên Đồng Tá Cơ Đạo Sĩ.
- Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc Cao Đài Đại Đạo.

* Phát nguyên.
- Đức Ngự Mã Quân hay Ngự Mã Thiên Quân là một vị Thiên Quân làm thị giả cho Đức Chí Tôn, tức Đức Đại La Thiên Đế Thái Cực Thánh Hoàng.
- Ngài là vị Đại Nguyên Soái thống lãnh tất thảy chư Thần Tiên của Tam Châu Bát Bộ hộ trì Chánh Pháp, phụ trách tiên phong dẫn đường mở lối trong các chuyến du hóa truyền Đạo của Đức Chí Tôn khắp các cõi Tam Giới.
- Tam Châu là nói về Nam Thiệm Bộ Châu, Tây Ngưu Hóa Châu, Đông Thắng Thần Châu.
- Bát Bộ là nói về Chánh Thần Bát Bộ cai quản sự vận hành Tam Giới gồm:
Lôi Bộ, vị chưởng quản là Đức Cửu Thiên Cảm Ứng Lôi Thinh Phổ Hóa Thiên Tôn.
Thủy Bộ, vị chưởng quản là Bắc Đẩu Ngũ Khí Thủy Đức Tinh Quân.
Hỏa Bộ, vị chưởng quản là Nam Phương Tam Khí Hỏa Đức Tinh Quân.
Thái Tuế Bộ, vị chưởng quản là Chấp Niên Tuế Quân Thái Tuế.
Ôn Bộ, vị chưởng quản là Chủ Chưởng Ôn Hoàng Hạo Thiên Đại Đế.
Đậu Bộ, vị chưởng quản là Chủ Đậu Chánh Thần Nguyên Quân.
Phúc Bộ, vị chưởng quản là Kim Long Như Ý Chánh Nhất Long Hổ Huyền Đàn Chân Quân.
Đẩu Bộ, vị chưởng quản là Bắc Cực Tử Khí Chi Tôn Vĩnh Tọa Khảm Cung Đẩu Mẫu Nguyên Quân.
....
- Lại có sự phân chia khác về Bát Bộ là nói về Bát Đẳng Chân Hồn từ Vật Chất Hồn, Thảo Mộc Hồn, Cầm Thú Hồn, Nhân Hồn cho đến Thần Hồn, Thánh Hồn, Tiên Hồn, Phật Hồn.
Như thế, quyền năng của Ngài chỉ chừa mỗi Bắc Câu Lưu Châu là không quản mà thôi. Vì Bắc Câu Lưu Châu là khu vực tự trị của chư vị Quỷ Vương ở các cõi giới khác nhau nơi Châu ấy.
- Ngài từng có kiếp giáng trần chuyển thế vào cõi Hạ Giới này thời Thương Chu đại chiến khoảng 3.300 năm trước, Ngài là Vi Hộ đệ tử chân truyền của một trong Thập Nhị Đại Tiên Xiển Giáo, Đức Đạo Hành Thiên Tôn. Sau khi giúp nhà Chu chiến thắng nhà Thương, Ngài được phong Thánh, là một trong Thất Thánh lúc bấy giờ.
- Ngài từng chiết linh giáng trần chuyển thế một lần nữa vào cuối thế kỷ 19 ở Việt Nam, thế danh là Phạm Công Tắc sinh năm 1890 - 1959. Sau kỳ ngộ với Đức Cao Đài Ngọc Đế tức Đức Từ Phụ, Đức Đại La Thiên Đế, Ngài trở thành một trong các môn đệ đầu tiên trong Hội Thánh, giúp khai mở nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Cao Đài vào năm 1926.
Ngài đắc phong Hộ Giá Tiên Đồng Tá Cơ Đạo Sĩ, trở thành một đồng tử đặc biệt giúp truyền bá Đạo Pháp qua cơ bút.
Ngài được Đức Từ Phụ hành pháp Trục Chân Thần, giúp cho phần thần thức của Phạm Công Tắc dễ dàng xuất ra trọn vẹn khỏi thân xác Ngài Phạm Công Tắc mà đi học hỏi trong Tam Giới. Việc ấy đồng thời giúp cho thân xác Ngài Phạm Công Tắc tinh khiết thanh tịnh để chân linh của Đức Vi Đà Thiên Tôn có thể giáng linh nhập thể trọn vẹn vào thân xác chiết linh của mình, thêm vào đó thì chân linh của Đức Di Lặc Vương Phật cũng có thể giáng điển độ duyên trong nền Đại Đạo.
Như thế, sau khi Đức Từ Phụ hành pháp Trục Chân Thần thì phần thân xác Ngài Phạm Công Tắc có ba phần linh thể cùng nhau luân phiên thị hiện ở các thời điểm khác nhau trong quá trình hành Đạo gồm.
- Chân thần của Ngài Phạm Công Tắc với các mặt đời, tức là Hộ Giá Tiên Đồng Tá Cơ Đạo Sĩ chuyên phụ trách việc làm đồng tử thông công, phò loan thủ cơ chấp bút.
- Chân linh nguyên căn của Ngài Phạm Công Tắc là Đức Vi Đà Thiên Tôn tức Ngự Mã Quân hay là Tam Châu Bát Bộ Hộ Pháp Thiên Tôn, vị nắm quyền năng vô cùng lớn lao trong việc hộ trì Chánh Pháp.
- Chân linh Đức Di Lặc Vương Bồ Tát, là Giáo Chủ của Long Hoa Đại Hội thời Tam Kỳ Phổ Độ, Chưởng Quản Cực Lạc Thế Giới, nắm quyền tuyển phong cho chư Thần Thánh Tiên Phật khắp Tam Giới có thể nhập được vào Cửu Trùng Thiên, Niết Bàn.
Năm 1934, sau nhiều biến cố thăng trầm của Cao Đài Đại Đạo, Ngài đắc phong phẩm vị Hộ Pháp Chưởng Quản Nhị Hữu Hình Đài của nền Cao Đài Đại Đạo, được hiểu như là người nắm quyền hành tối cao nơi thế gian của Cao Đài Đại Đạo.
- Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc là vị chức sắc có nhiều bài thuyết giảng, diễn văn nhất trong nền Cao Đài Đại Đạo trong quá trình hình thành và phát triển từ năm 1926 đến nay.
Ngài Phạm Công Tắc đăng tiên ngày mùng 10 tháng 4 năm 1959 âm lịch ở Phnôm Pênh – Campuchia.
- Trong nội ô khuôn viên Tòa Thánh Tây Ninh có một Hộ Pháp Đường, là nơi gìn giữ những kỷ vật của Ngài, có pho tượng Ngài đứng ở bao lơn dang tay ban phép lành cho muôn sinh.
* Hình dạng và tính chất đặc trưng.
- Đức Vi Đà Thiên Tôn được chúng sinh Tam Giới tôn kính bởi đức độ, quyền năng vi diệu của Ngài trong Tam Giới.
Ngài sử dụng Bảo Pháp là Giáng Ma Xử, dùng hàng ma phục yêu hộ trì Chánh Pháp. Đây là cây gậy có ba chia, 9 khúc đoạn, giống với Kim Tiên của Đức Huyền Thiên Quân, thoạt nhìn có thể trông giống như một thanh kiếm gỗ vậy.
- Ngài thường thị hiện thân ảnh là một vị Thiên Tướng Chiến Thần Dạng, gương mặt nam nhân trung niên khoảng bốn mươi tuổi, nét mặt trang nghiêm thanh tịnh nhưng vẫn thấy rõ nét thuần lương đôn hậu, đôi mắt sáng, chân mày rậm, toàn thân khoác hoàng kim khôi giáp, sau lưng là bát lệnh kỳ tượng trưng cho phẩm vị Đại Nguyên Súy thống lĩnh Thiên Long Bát Bộ Chúng, hào quang hỏa diễm kim quang rực rỡ quanh mình.
- Trong Phật Giáo thì Đức Tam Châu Bát Bộ Vi Đà Thiên Tôn Hộ Pháp có vị trí rất quan trọng trong việc bảo vệ gìn giữ Chánh Pháp trước tà quyền, tinh quái. Ngài được tin thờ chung trong khối đức tin Nhị Thập Chư Thiên. Trong các chùa chiền, tôn tượng của Ngài thường được thờ ở trong khuôn viên trước Đại Hùng Bảo Điện, hoặc là được chạm khắc ngay cổng vào Bảo Điện, có khi thì được đặt ở gian thờ ngoại nghi trong Bảo Điện, hoặc là thờ riêng một gian ở Hậu Điện sau Đại Hùng Bảo Điện.
- Ở Tòa Thánh Tây Ninh Cao Đài Đại Đạo, tôn tượng của Ngài được đặt ở phần ngoại nghi trong Chánh Điện, thuộc khu vực Hiệp Thiên Đài, đối diện với Chánh Điện có thờ Thánh tượng Thiên Nhãn của Đức Từ Phụ. Tượng ở Tòa Thánh Tây Ninh có đặc trưng khác biệt với các tượng trong chùa Phật Giáo ở điểm là Ngài ngự trên Thất Đầu Xà, tượng trưng cho việc Chánh Pháp, Giới Luật trang nghiêm thanh tịnh chế ngự Thất Tình của hành giả vậy.
* Những thư tịch của Đức Ngài để lại cho đời là một công trình đồ sộ gồm:
- 10 bài Kinh Thế Đạo trong Kinh Cao Đài.
- Phương Tu Đại Đạo.
- Phương Luyện Kỷ.
- Thiên Thai Kiến Diện (1927), tập thi trường thiên viết theo thể Thất Ngôn Bát Cú Đường Thi, nội dung của mỗi bài được liên kết với nhau, kể về những sự mắt thấy tai nghe khi Ngài xuất Thần vân du các cõi Thiên.
Rất nhiều bài thuyết giảng, diễn văn được lưu truyền. Chư học giả trong Cao Đài Đại Đạo kết tập thành 7 quyển “Diễn văn và thuyết Đạo của Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc”.
 
Ngoài ra cón có hai (2) bài thơ Đức Lý Giáo Tông Thái Bạch Kim Tinh giáng điển tặng cho Đức Hộ Pháp:
1 -
“Việt thường hữu phúc xuất chơn quân,
Chuyển thế Chí Tôn dĩ định tuần.
Trị loạn Nam phương trừ mãnh hổ,
Thừa bình Bắc địa kiến Kỳ lân.
Hoàng triều hậu nhựt nghi tùng cổ,
Văn hiến tương lai khả hoán tân.
Thánh chúa hiền thần phò Tổ nghiệp,
Khải ca định phận tại thu phân.”
(1 tháng 3 năm Mậu Tý)
 
2 -
Hộ giá Chí Tôn trước đến giờ,
Pháp luân thường chuyển máy Thiên Cơ.
Chưởng quyền cực lạc phân ngôi vị,
Quản suất càn khôn định cõi bờ.
Nhị kiếp Tây Âu cầm máy tạo,
Hữu duyên Đông Á nắm Thiên thơ.
Hình hài Thánh thể chừ nên tướng,
Đài trọng hồng ân gắng cậy nhờ.
* Thiên Quân đến từ vũ trụ, khi các cõi giới nơi Thượng Giới được hình thành, mỗi cõi giới ấy cần có vị chưởng quản, phụ trách gìn giữ trật tự vận hành các lý sự nơi ấy. Lúc bấy giờ, Đức Đại La Thiên Đế Thái Cực Thánh Hoàng phân tánh hóa sinh thành:
+ 36 vị Thiên Đế cai quản 36 cõi Thiên Giới.
+ 4 vị Thiên Đế cai quản 4 phần Trung Giới rộng lớn là Tứ Đại Bộ Châu.
+ 3072 vị Thiên Đế cai quản 72 cõi Địa Hoàn và 3000 Tinh Tú khác nhau.
Như vậy, tổng cộng tất thảy có 3112 vị Thiên Đế do Đức Từ Phụ hóa thân cai quản các cõi giới khác nhau trong vũ trụ. Về sau này, vũ trụ ngày càng tinh tấn, phát triển rộng lớn hơn mỗi ngày, các cõi giới khác nhau cũng liên tục được hình thành bởi tâm tình, ý nguyện của các vị Tiên Hồn trọn lành. Mỗi vị sáng tạo nên cõi giới riêng biệt của mình như thế thì hiển nhiên vị ấy chính là Đức Thiên Đế, hay Đấng Thượng Đế, Đấng Giáo Chủ của cõi giới ấy.
- Nhưng đó là các vị cai quản tổng thể chung hết các cõi giới từ thuở khởi nguyên vũ trụ. Những sự vận hành mang tính chi tiết, chuyên biệt hóa, hoặc là những bộ, tộc cụ thể thì được giao trọng trách cho các vị trọn lành ở ba phẩm Tiên Hồn trong Cửu Phẩm Thần Tiên chưởng quản. Các vị ấy được gọi chung với tôn danh là Thiên Quân, nghĩa là một vị lãnh tụ, vị đứng đầu ưu tú nơi Thiên Giới.
Các vị Thiên Quân thường được nhắc đến trong kinh sách, chức phẩm thời Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ
+ Đức Ngự Mã Thiên Quân, Tam Châu Bát Bộ Tam Thiên Thế Giới Vi Đà Hộ Pháp Thiên Tôn.
+ Đức Huyền Thiên Quân, Cửu Thiên Cảm Ứng Lôi Thinh Phổ Hóa Thiên Tôn.
+ Hữu Phan Quân, Tả Phan Quân, Hộ Đàn Pháp Quân.
+ Y Quân, Y Cơ.
+ Bảo Quân, Bảo Cơ.
+ Thập Nhị Thời Quân bao gồm:
Tiếp Đạo, Khai Đạo, Hiến Đạo, Bảo Đạo
Tiếp Pháp, Khai Pháp, Hiến Pháp, Bảo Pháp
Tiếp Thế, Khai Thế, Hiến Thế, Bảo Thế.
+ Thập Nhị Bảo Quân bao gồm:
Bảo Văn Pháp Quân
Bảo Huyền Linh Quân
Bảo Thiên Văn Quân
Bảo Địa Lý Quân
Bảo Y Quân
Bảo Học Quân
Bảo Cô Quân
Bảo Sanh Quân
Bảo Sĩ Quân
Bảo Nông Quân
Bảo Thương Quân
Bảo Công Quân.
Hình dạng, tính chất đặc trưng.
Đức Hộ Pháp.
- Về hình dạng, Thiên Quân có muôn hình vạn trạng tùy theo vị ấy có xuất thân thuộc chủng tộc nào, cai quản nơi nào mà có sự thị hiện thân ảnh, hình dáng phù hợp với tâm tình ý nguyện của chúng sinh cõi giới ấy. Cụ thể như vị Thiên Quân của Long Tộc thì thường là phần tử của Long Tộc, hay thường xuyên thị hiện hình dáng quen thuộc của Long Tộc. Vị Thiên Quân cai quản cõi người thì hiển nhiên thường thị hiện thân ảnh là loài người vậy.
- Ở Cửu Trùng Thiên, mỗi tầng Thiên như thế có nhiều cõi giới khác nhau, mỗi cõi giới lại có một hoặc nhiều vị Thiên Quân cai quản. Các vị ấy có quyền quyết định sự vận hành của một cõi giới, một lĩnh vực mình cai quản làm sao để đạt được trạng thái cân bằng nhất có thể và tinh tấn thêm mỗi ngày phù hợp với luật Bác Ái, Công Bình của Thiên Điều ấn định.
- Thiên Quân có thể thêm hoặc bớt các điều luật nhất định so với luật Thiên Điều miễn sao không nằm ngoài khuôn luật Bác Ái, Công Bình, tạm gọi là pháp vận hành cõi giới của mình. Những việc như là phương thức tu học, mức độ tu luyện thân tâm, thời gian chịu khảo nghiệm sự khổ… để chúng sinh cõi giới mình ngày thêm tinh tấn, cũng như có thể tiếp nhận thêm chúng sinh khắp Tam Giới nếu họ đạt các yêu cầu cần và đủ để tiến nhập cõi giới mình cai quản.
- Tùy theo vị trí chưởng quản cõi giới có cấp độ quan trọng ra sao, chúng sinh ở cõi giới ấy nhiều ít thế nào, có trực thuộc các cõi giới lớn hơn hay các tầng Thiên hay không mà vị Thiên Quân sẽ có quyền hành phụ thuộc vị cai quản của cõi giới mình trực thuộc, hoặc là quyền hạn phụ thuộc vào vị Thiên Đế của cõi giới ấy.
- Thiên Quân ngoài những vị là các Đấng Tiên Hồn trọn lành từ thuở ban sơ Khai Thiên Lập Địa, thì sau này còn có các chân hồn do nương theo Chánh Đạo tu luyện, tinh tấn cũng có thể đạt được phẩm Tiên Hồn, trở thành các vị Thiên Quân.
Các chân hồn được lựa chọn vào hàng ngũ Thiên Quân trước nhất cần tinh tấn vào hàng Tiên Vị trọn lành, có thệ nguyện thiện hành rõ ràng, tâm đại bi bao la vĩ đại. Trải qua muôn trùng sự khổ mà chân hồn ấy vẫn giữ tâm thuần lương chân chánh, gìn giữ tâm ý thuận theo lẽ tự nhiên của Thiên Địa, hành xử theo luật định Thiên Điều ban hành, giữ lòng nhiệt thành muốn độ duyên chúng sinh Tam Giới. Bên cạnh đó cần phải có tài năng, năng lực và ý chí mạnh mẽ trong một lĩnh vực chuyên môn nhất định.
- Có các trường hợp phẩm vị Thiên Quân được thay đổi người nhận lãnh trọng trách khi vị Thiên Quân đương nhiệm có vấn đề liên quan đến việc thay đổi thệ nguyện, thiện hành của mình. Lúc bấy giờ, vị Tân Thiên Quân có thể được lựa chọn thông qua các hình thức sau đây:
+ Có khi được vị Thiên Quân đương nhiệm chỉ định thông qua quá trình khảo nghiệm tâm tình, ý nguyện của người ấy.
+ Có khi thông qua Long Hoa Đại Hội mà tuyển chọn người tài đức phù hợp.
+ Có khi do chính chư vị Tam Tôn Khởi Nguyên thông qua họp bàn với các vị Chánh Thần trong bộ, tộc có liên quan mà chỉ định Thiên Phong chức phẩm cho vị Tân Thiên Quân ấy.
+ Có khi một cõi giới hay một bộ, tộc chưa có vị Thiên Quân thì do chúng sinh nơi ấy tín tâm mến phục mà tôn kính một vị Tân Thiên Quân phụ trách cai quản.
- Thời hạn nhiệm kỳ của một vị Thiên Quân khi nhận lãnh trọng trách cai quản các cõi giới dài lâu, nếu so sánh với thời gian của cõi Hạ Giới này thì thường là khoảng 3.600 năm, 7.200 năm, 10.800 năm, với bội số của 60 x 60 x năm vậy.
Thi văn, kinh điển.
Các vị Thiên Quân từng được nhắc đến trong Cửu Thiên Thập Nhị Kinh.
 
Kinh Đệ Tứ Cửu.
Sắc huỳnh chiếu roi vàng đường hạc
Cõi Huỳnh Thiên nhẹ thoát chân Tiên
Năm Rồng đỡ nổi đầu thuyền
Vào Cung Tuyệt Khổ kiến Huyền Thiên Quân
Trừ quái khí Roi Thần chớp nhoáng
Bộ Lôi Công giải tán trược quang
Cửa Lầu Bát Quái chun ngang
Hỏa Tinh Tam Muội thiêu tàn oan gia
Đạp Thái Sơn nhảy qua Đẩu Suất
Định Kim Câu đến chực Thiên Môn
Chân Thần đã nhập Càn Khôn
Thâu quyền độ thế bảo tồn chúng sinh.
* Đức Tứ Nương.
 
Kinh Đệ Ngũ Cửu.
Ánh hồng chiếu đường mây rỡ rỡ
Cõi Xích Thiên vội mở ải quan
Thiên Quân diêu động Linh Phan
Cả miền Thánh Vức nhộn nhàng tiếp nghinh
Ðài Chiếu Giám Cảnh Minh nhẹ bước
Xem rõ ràng tội phước căn sinh
Lần vào Cung Ngọc Diệt Hình
Khai Kinh Vô Tự đặng nhìn quả duyên
Ðắc văn sách thông Thiên định Ðịa
Phép huyền công trụ nghĩa hóa thân
Kỵ Kim Quang kiến Lão Quân
Dựa xe Như Ý, oai thần tiễn thăng.
* Đức Ngũ Nương.
* Sưu tầm, Hương Hạnh.

Home.  Mục Lục: 1 ]  [ 2 ]  [ 3 ]  [ 4 ]  [ 5 ] [ 6 ]  [ 7 ]  [ 8 ]  [ 9 ]  [ 10 ]  [ 11 ]  [ 12 ]  [ 13 ]  [ 14 ]  [ 15 ] [ 16 ]