ĐẠO YÊU THƯƠNG. * Lê Thị Ngọc Vân.

Kính thưa Quý Hiền thân hữu,theo nhịp bước thời gian chúng ta đã bước vào tháng 10 với cột mốc Kỷ niệm 100 năm tuổi Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ được Hoằng Pháp.Nhân ngày lễ long trọng này,tiện muội xin góp nhặt mạn đàm cùng Quý Hiền về một đề tài " ĐẠO YÊU THƯƠNG".Tiện muội xin thưa rằng vì chỉ là một đạo hữu Cao Đài, và cũng không là một nhà sử học nên bài viết chỉ góp nhặt lời thô thiển trên đường đi vạn dặm, tất nhiên sẽ có những hạt sạn đá sỏi,xin Quý Hiền lượng thứ và cùng tiện muội đi tiếp quãng đường về Đạo Yêu Thương.
Đa số người Việt chúng ta đều tin tưởng vào một Đấng siêu nhiên gọi là Ông Trời, tất nhiên không phải là bầu trời trên không trung, nhưng là một Đấng ngự ở cõi Thiêng Liêng, nghĩa là chúng ta không nhìn thấy bằng hữu hình hữu tướng.Niềm tin này được hun đúc từ truyền thống Á đông thấm nhuần triết lý Nho giáo, Lão giáo.Nho giáo gọi Đấng ấy là Tạo Hóa, Lão Tử gọi Đấng ấy là Hư Vô Chi Khí, nghĩa là khởi thủy Đấng ấy đã có mặt trong cõi hồng mông mờ mịt từ một khối khí rất to lớn,khối khí có một năng lượng vĩ đại tự quay rất nhanh đến lúc tạo ra một tiếng nổ thật lớn ( Big bang). Từ đó các phần được chia ra tạo thành vũ trụ.Những phần trọng trược tạo nên vật chất và lắng xuống. Những phần nhẹ hơn là khí thanh sẽ bay lên trên như vậy Âm Dương đã được hình thành.Lão Tử gọi là Hư Vô Chi Khí.Nho giáo gọi là Thiên Lý.
    Từ quan niệm vũ trụ quan trong triết học phương Đông, người Việt kêu Ông  Trời như tiếng gọi "Trời ơi "  khi gặp hoạn nạn khó khăn. Những câu ca dao tin tưởng vào Đấng siêu nhiên này sẽ che chở bảo vệ con người như câu " Lạy Trời mưa xuống lấy nước tôi uống , lấy ruộng tôi cày, lấy bát cơm đầy..." Nhắc nhở để sợ Ông Trời nhìn thấy những tội lỗi " Ông Trời có mắt" để không phạm tội.
 Những quan niệm này giúp cho người Việt có một lối sống nhân ái, hòa theo cái lý của thiên nhiên. Họ chấp nhận các triết lý nhân sinh quan du nhập vào đất nước như Nho giáo đã theo chân người Hán ở phương Bắc đến xâm lăng đô hộ người Việt cả ngàn năm.Tuy học Nho giáo nhưng người Việt vẫn giữ được truyền thống tổ tiên Lạc Việt không để hòa tan trong dòng chảy của Hán tộc. Rồi đến Phật giáo, và Lão giáo qua thành phần sĩ phu trí thức,quan lại tạo thành ba nền triết lý vững vàng hòa đồng trong đời sống tinh thần của người Việt.
      Tam giáo đồng hoà chung trong dòng chảy lịch sử của dân tộc Việt, khi tiến dần về phương Nam mở ra một đất nước chạy dài theo bờ biển Nam Hải của Thái Bình Dương cũng đã thêm vào một tôn giáo mới xa lạ với cách thờ phượng xưa nay. Sự chấp nhận một tôn giáo mới hòa nhập vào đời sống tâm linh của người Việt đã chứng tỏ bản chất hiền hòa, có tình thương yêu giữa con người với nhau, xây dựng bằng một chữ Hòa với quan niệm Đạo nào cũng dùng tình thương để đưa con người đến gần Thượng Đế, đều tin vào một Ông Trời.
     Cùng trải qua thăng trầm dựng nước và giữ nước, đến gần cuối thế kỷ X I X  nước Việt đã không còn trọn vẹn một dải đất hình chữ S bên bờ biển Nam Hải. Miền Nam sau thời gian chống cự giặc Pháp đã thất thủ trước khí giới tối tân của Châu âu điển hình là người Pháp. Lúc này miền Nam Việt Nam trở thành thuộc địa của người Pháp mà Pháp Quốc coi như là một mẫu quốc chính, người Pháp hoàn toàn nắm hết chủ quyền hành chánh,quân sự, giáo dục...v.v...Từ giai đoạn đó, một lớp sĩ phu miền Nam tiếp nhận nền văn hóa của người Pháp mang lại qua nền giáo dục đã thay đổi nhận thức xã hội, lòng yêu nước trong quan niệm mới là phải mang trí tuệ phục vụ người dân chớ không trung thành cho một chế độ quân chủ nào ,cho một triều đình lấy vua làm gốc.Họ hiểu những oan ức khổ đau của một đất nước nghèo đói trì trệ không phát triển dân trí đã trở thành nô lệ cho một nền văn minh không giống như lời Khổng Tử, Lão Tử đã dạy chỉ tôn thờ một ông vua cho một chế độ quân chủ.Với quan niệm tự do mới, mở ra một ý thức hệ về lòng yêu nước, yêu dân và ngoài tư tưởng muốn thoát khỏi nô lệ của người Pháp đặt trên người dân nghèo khổ, người ta khuyên học, và đi học để tham gia vào bộ máy chánh quyền thuộc địa với mục đích bảo vệ người dân Việt,tranh đấu với những bất công đang đè nặng lên người nông dân.
      Trong bối cảnh chính trị rối ren của miền Nam vào đầu thế kỷ xx, kéo dài đến thập niên 20 , xã hội Nam kỳ vẫn là một xứ thuộc địa của Pháp, nhiều phong trào kháng chiến chống Pháp hoặc âm thầm đưa thanh niên đi du học để mang trí thức mới về mở mang đất nước. Riêng tại Sài Gòn có một tầng lớp trí thức Tây học làm việc trong bộ máy hành chánh của Pháp đặt ra đã ngao ngán con đường hoạn lộ, thường đêm đêm tụ tập để thông công cùng thế giới vô hình bắt đầu theo cách Thông Thiên học của Châu Âu.Sau nhiều lần thành ý qua cầu cơ, các vị này đã được các Đấng Thiêng Liêng dùng cơ bút hướng dẫn từng bước để đi vào nguồn Đạo Pháp gọi là Đại Đạo.Từ từ các vị được ân sủng Thiêng Liêng khai mở tâm linh để hiểu về Đạo. Sau đó một mối Đạo lớn được công khai trước chánh quyền Pháp và thời kỳ phổ độ bắt đầu với danh xưng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ do chính Đức NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ làm Giáo Chủ dùng huyền linh qua Ngọc cơ tiếp xúc với các bậc trí thức nhân sĩ còn đang làm việc với chánh quyền Pháp là một thuận điểm để nhiều người tin tưởng, đặt niềm tin vào nền Đạo Trời này vào năm 1925. Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ hay còn gọi là Đạo Cao Đài ( vì niệm Hồng Danh của Thượng Đế khi xuống trần dạy Đạo là CAO ĐÀI TIÊN ÔNG ĐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT) đến với người dân miền Nam khi đó như một luồng gió mát thổi qua một hoang mạc khô cằn.Luồng gió tâm linh này đã cho một số người miền Nam thay đổi nhận thức về tâm linh,khi mà Nho giáo, Lão giáo và Phật cũng đều không mang lại sự bình an cho tâm hồn của họ, không thể làm thay đổi cục diện của xã hội mà còn  bất công,đói nghèo.
    Đạo Cao Đài đến trong thời kỳ này mang lại sự đổi thay rời bỏ tập quán tu hành cũ. Một triết lý nhân sinh khai phóng, nhân bản để đưa triết lý Tam giáo Nho Thích, Lão hòa hợp vào  đời sống thực tế.Quan niệm Thượng Đế của Cao Đài có những khác biệt trước đây,tuy vẫn tin rằng THƯỢNG ĐẾ là Đấng tạo thành Càn Khôn vũ trụ, NGÀI đã tạo nên vũ trụ bằng một tình thương yêu của một người CHA , NGÀI yêu thương mọi loài sinh vật vì chính NGÀI là sự sống cho mọi sinh linh vạn vật từ đất đá, đến thảo mộc, rồi thú cầm và con người ở thế gian.
  **/ Điều khác biệt lần này là NGÀI đã đích thân dùng huyền diệu cơ bút của Thần khí Ngài để xuống trần dạy Đạo mà không dùng các Chơn Linh cao trọng xuống thế mang xác phàm để dạy Đạo như những kỳ phổ độ lần trước.Bởi vậy NGÀI gọi là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, là một Đạo quy lại lần thứ ba trong nhiều Đạo của hai kỳ phổ độ trước.
**/NGÀI đã phát Đại thệ rằng chính mình Ngài xuống thế cứu độ nhơn sanh để đưa hết các nguyên nhân trước đây xuống thế mà không trở về vị cũ vì nhiễm hồng trần, nếu không độ hết 92 ức nguyên nhân này thì Ngài phế ngôi Đại La Thiên Đế.
**/ NGÀI không dùng quyền lực của Ngài để thưởng,phạt cho con cái của Ngài. Đã có luật Thiên điều mà chính mình Ngài cũng phải tuân theo.Nên không phải cầu nguyện hay thờ phượng Ngài trong gia đình để Ngài ban phát điều gì thuộc hữu hình hữu tướng vật chất như danh, lợi,quyền lực, tiền tài vật chất đủ đầy để có hưởng thụ cuộc sống cao sang.
   Trong một đàn cơ dạy Đạo, NGÀI xưng là THẦY đã dạy rằng "THẦY đã nói cho các con hay trước rằng: Nếu các con không tự lập ở cõi thế này là cõi đời tạm của các con thì THẦY cũng không bồng ẵm các con mà đỡ lên cho đặng....(15_Avril _ 1927_ Phú Nhuận).
Vòng xoay của thế gian là luật Nhân Quả.
   **/ Đức THƯỢNG ĐẾ đã ký một Hiệp ước THIÊN _NHÂN  với loài người bằng điều luật Tình thương và Công bình.Chính vì vậy NGÀI từng dạy cho các vị Đại Đệ Tử đầu tiên của NGÀI là" Sự thương yêu là giềng bảo sanh của Càn Khôn thế giới. Có thương yêu nhơn loại mới hòa bình,càn khôn mới an tịnh. Đặng an tịnh mới không thù nghịch lẫn nhau, mới giữ bền cơ sanh hóa...."( TNHT,đàn cơ ngày 11_1_1930 ( 12_12 năm Kỷ Tỵ)
    Vậy THẦY cấm các con từ đây, nếu không đủ sức thương yêu nhau thì cũng chẳng đặng ghét nhau, nghe à! ( Thăng)
    **/ THẦY lại nói rằng: Ngày nào các con còn trông thấy một điều bất bình ở cõi đời này thì Đạo chưa thành vậy ( 15_4_1927).
      Trong một thời gian sau khi trình bày công khai với chánh quyền Pháp bằng một thông tri về Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ chính thức truyền giáo tại Việt Nam, lớp người trí thức,phú hào hay nông dân miền Nam đã nhập môn vào Đạo khá đông, thường gọi tắt là Đạo Cao Đài. Vì nhập môn vào Đạo như một làn sóng đông đảo đến nỗi người Pháp lo sợ một sự nổi dậy làm suy yếu chánh quyền ,do họ biết được tuy là một tôn giáo mới nhưng đã có một nền tổ chức hành chánh đạo chặt chẽ từ trên xuống dưới như một nền hành chánh ngoài đời.Và xây dựng bằng một tình thương vĩnh cửu của THƯỢNG ĐẾ ( GOD), một hiện tượng tu tập rất nhân bản đã thay đổi ý thức tâm linh nơi vùng đất đa văn hóa đa sắc tộc này.
    Tôn thờ Đức CHÍ TÔN( THƯỢNG ĐẾ) ,Đấng CHA LÀNH của vạn loài đối với người tín đồ Cao Đài là phải Phụng sự vạn linh,đem tình thương để cứu khổ, thắng khổ và cuối cùng là giải khổ. Tu hành của Đạo Cao Đài nhập thế dựa vào Đức. Đức là cái mà nhơn sanh trông chờ ở Đạo, Đức là thực hiện làm sáng tỏ cái Đạo vì Đạo là vô vi, Đức là hữu hình.Có đức mới đem Đạo vào đời và đưa đời về Đạo.
     Trên một triết lý lấy tình thương và Công bình làm nền tảng cho người phát triển tâm linh, giúp người hiểu được giá trị nhân bản của con người và khai phóng để tự mình thắp đuốc tự lập con đường mình đi đến đắc quả là phổ độ chúng sanh. Những điều dạy bảo của Đức CHÍ TÔN rất thực tế trong cuộc sống của người đã làm lay động rất nhiều người ở miền Nam thời đó nên chỉ một thời gian ngắn mà số người nhập môn vào Đạo rất đông.Đó chính là dùng tình thương yêu của Thượng Đế để lâp đầy những khổ đau của kiếp người.Sau nhiều năm người Việt chỉ quan niệm Thần Thánh Tiên Phật sẽ ban phát thưởng phạt qua hành động của mình từ cái nghiệp tiền kiếp và từ đó thụ động trong cách sống, mọi sự sẽ do Thiên định v.v.., hoàn cảnh đất nước trở thành thuộc địa của Pháp cũng vì ý thức trì trệ thụ động này vì người dân phấn nhiều không hiểu giá trị của con người ở đâu, và mình có bình đẳng trước Thượng Đế hay không? Khi Đạo Cao Đài xuất hiện và cho họ biết giá trị của con người đứng vào hàng thứ ba Thiên Địa Nhân. Con người phải tự làm chủ bản thân vì trong con người có phần linh thiêng của Ông Trời ban cho.Người Cao Đài gọi phần linh đó là chơn linh là tiểu Linh Quang của khối Đại Linh Quang của Đức CHÍ TÔN tách ra để hoàn thành phần con người của mình . Và ai cũng bình đẳng trước MẸ THIÊNG LIÊNG,Đấng đã ban cho sự khôn ngoan sự cảm thọ để hiểu biết tìm đường về với Đức Chí Tôn.
     Sự hiểu biết rõ về con ngườì từ đâu tới có giá trị gì trong cuộc đời, người tín đồ Cao Đài đã tự bảo vệ mình trước loạn lạc chiến tranh ( thành lập Quân đội Cao Đài để hoàn thành câu tề gia trị quốc). Những gì Cao Đài giáo đã góp phần cho Tổ Quốc được độc lập tuy sử sách hiện nay không ghi chép công trạng nhưng Thiêng Liêng đều rõ và người tín đồ Cao Đài an nhiên tự tại không màng đến sự thưởng công thị phi của thế sự.Nhưng với người Cao Đài thì những gương sáng của các bậc tiền khai Đại Đạo, các vị tiền bối đã dũng cảm đương đầu với thế lực cường quyền để giữ vững mối Đạo Trời vẫn được nhắc nhở như một niềm hãnh diện riêng.
     Nhân 100 năm tuổi Đạo, ngày lá cờ Tam Thanh với hình Bình Bát Vu, Cây Phất Chủ và Quyển Xuân Thu phất phới bay trên vùng Thánh Địa Việt Nam ghi nhận ngày Hoằng Pháp Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ được tròn một thế kỷ, chúng ta không quên ơn các bậc tiền nhân, và điều quan trọng nhất là để kế thừa Đại nghiệp này, chúng ta có đủ Bi, Trí,Dũng để vượt qua những trở ngại về phần đời hay phần đạo không? Chúng ta hãy nhìn lại chính mình đã đi đến đâu trên đường sự nghiệp kế thừa,khi mà hầu như chúng ta đã chạm ngõ buổi hoàng hôn. Điều trăn trở nhất là lớp người trẻ tuổi với hành trang trí thức khoa học ngoài đời có toàn tâm toàn ý thực hiện Đại Đạo Hoằng Khai, Phổ Độ chúng sanh không?!!!Hay chúng ta tự xây dựng tháp ngà bằng hiểu biết của mình để ngã mạn và sân si che lấp chữ Hòa.
    Bài viết mạn đàm đã dài, tiện muội xin thứ lỗi đã làm mất thì giờ quý báu của Thân hữu
Xin gởi đến bài thơ để kết thúc:
" Tạo mối Càn Khôn bởi ở CHA
Thương yêu dựng nghiệp Nghĩa Nhân mà
Dìu đường con cái theo Thánh Đức
Giữ hạnh thanh cao tạo phước nhà
Danh lợi cơ đời theo bọt nước
Hồng trần mê mãi bởi tại ta
Phương tu Đại Đạo mau bền chí
Đường Thiêng Hằng Sống chẳng còn xa".
Tiện muội kính chúc Quý Hiền thân hữu một mùa Khai Đạo thật đầy Hồng Ân của Đấng Thiêng Liêng và thân an tâm lạc, trên đường hành Đạo.
* Lê Thị Ngọc Vân.

Home. Mục Lục: [ 1 ]  [ 2 ]  [ 3 ]  [ 4 ]  [ 5 ] [ 6 ]  [ 7 ]  [ 8 ]  [ 9 ]  [ 10 ]  [ 11 ]  [ 12 ]  [ 13 ]  [ 14 ]  [ 15 ] [ 16 ] [ 17 ]  [ 18 ]