HOA SEN và BỒ ĐỀ. * Lê Thị Ngọc Vân.

K
ính thưa Quý Hiền thân hữu, ngày tháng thấm thoát trôi qua nhanh, vừa mới dự Đại Lễ Hội Yến Diêu Trì trong thời tiết Trung thu, mà nay đã vào cuối thu. Những người tín đồ Cao Đài lại chuẩn bị đón ngày Kỷ niệm 100 năm Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Hoằng Khai.
Mùa thu sắp tàn đánh dấu những cái nắng hanh hao kèm theo những cơn gió nhẹ sẽ thôi thổi qua, thay vào đó những cơn gió se lạnh, mang theo những chiếc lá vàng rơi, để lại hàng cây buồn hắt hiu chỉ còn cành khô. Thế giới đầy màu sắc của địa cầu thay đổi theo nhịp bước thời gian, hoa lá tàn hàng cây đứng hững hờ, lời của bài hát đã cũ.Hoa sen cũng không ngoại lệ dù người ta thương mến hoa sen, đặt hoa sen vào loại hoa dành cho Trời Phật. Trong một thế giới vô thường còn - mất, đẹp - xấu, được - thua, hay - dở, phiền não - hạnh phúc, v.v... là một lý nhị nguyên, khiến chúng ta luôn luôn chạy theo những bóng sắc ảo vọng. Đến một ngày mỏi mệt, hoàng hôn đã chạm ngõ, ta tìm một chút bình yên cho tâm an lạc, lúc đó chỉ mong hạnh phúc thật sự, trút bỏ phiền não mà bây giờ người ta hay kêu gọi "buông xả đi"
Thực ra khi nhập thế, cùng đi trên nẻo trần ai thì lý Nhị nguyên vẫn là một sự hiển nhiên không thể rời bỏ, phiền não khổ đau có mặt để ta hiểu rõ giá trị của bình an hạnh phúc.Điều quan trọng là con người có vượt qua được phiền não để đứng vững trụ tâm trong an lạc bằng chính nội lực của ta không? Muốn được như vậy, mỗi người đều phải có sự tu dưỡng nội tâm, hàng ngày trau tâm dưỡng tánh, kềm chế được hỷ nộ ái ố như lời dạy của Đức Hộ Pháp "Vui cũng vui, buồn cũng buồn nhưng đừng để nọc buồn vui thấm vào chơn tánh" Vậy chơn tánh là gì? Có lẽ sẽ có một bài dài để nói về chơn tánh, nhưng ở bài viết này tiện muội xin phép chỉ cần nhớ lời Đức Hộ Pháp dạy đừng để những xáo trộn vui buồn che lấp cái tâm trong sáng bất tiêu bất diệt. Là người phàm chúng ta không thể bỏ đi những buồn vui trong cuộc sống, đó là những bài học để trau dồi cái tâm lặng lẽ hơn trên đường tấn hóa.
    Mang xác phàm làm người là một vinh dự một đặc ân của ĐẤNG THƯỢNG ĐẾ ban cho chúng ta giữa muôn vàn sinh linh khác.Với đầy đủ lục căn: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, vì vậy những liên đới giữa lục căn khi tiếp xúc với lục trần" sắc, thanh, hương, vị, xúc, và pháp, tạo ra lục thức để thành hành động mà nhà Phật gọi là trùng trùng duyên khởi. Do vậy con người bị vây quanh trong những duyên nghiệp của lý Nhị nguyên. Hiểu như vậy để biết con người vì sao phiền não.Biết là cái tánh chơn như nhà Phật gọi là Phật tánh mà con người ai cũng có. "Cái Biết" là để nhận ra lý nhị nguyên vô thường của thế gian, từ nhận biết đó mà xem nhẹ ảo vọng bóng sắc gây ra phiền não. Con người được ân sủng hơn những sinh vật khác nhờ vào cái Tánh Biết này, người tín đồ Cao Đài gọi là Chơn Linh, và cái hiểu là Chơn thần (hiểu là bán hữu hình trụ ở não và tùy theo lục căn). Khi đã hiểu và biết vì sao con người cứ lẩn quẩn mãi trong lý nhị nguyên "khen - chê, thắng - thua, khổ đau - hạnh phúc, như một vòng xích làm con người xính vính không thoát ra được. Nhưng chúng ta phải chấp nhận phiền não hiện diện trong cuộc sống của mình nhưng đừng để nọc buồn vui thấm vào chơn tánh.
Hôm nay tiện muội mời Quý Hiền cùng đọc bài thi dạy đạo của Đức Phật Mẫu Diêu Trì liên quan đến phiền não, NGÀI là MẸ THIÊNG LIÊNG hóa sanh muôn loài, nhận trách nhiệm dạy con cái của Ngài để đưa những đứa con trở về với CHA THIÊNG LIÊNG là ĐỨC CHÍ TÔN hay người tín đồ Cao Đài gọi một cách trân trọng là ĐỨC ĐẠI TỪ PHỤ để khẳng định Ngài là Đấng Chướng Quản Càn Khôn vũ trụ, là Khí Uyên Nguyên khởi thủy vô thủy vô chung. Bài thơ rất nhẹ nhàng mà sâu sắc.
"Mượn cánh hoa sen trổ cõi đời 
Nhờ bùn sen mới được xinh tươi 
Gương sen khiết tịnh hương sen nức 
Phiền não bồ đề cũng thế thôi"
* Đức Diêu Trì Kim Mẫu.
Bằng lời dạy mượn cánh hoa sen để đưa con cái của Ngài hiểu được cách trở về với Nhất nguyên. Ở thế gian đầy phiền não vây quanh con người như cánh hoa sen phải sống được trong bùn lầy để tạo ra những đóa hoa đẹp đầy hương sắc. Hoa sen tượng trưng cho lý Nhị nguyên, không có bùn thì không có sen,hoa sen khi nở thì đã có hạt ẩn trong gương sen,hoa tàn thì hạt sen đã vừa già cứng,  đó là sự vi diệu của Tạo Hóa mà không loài hoa nào có được.Lại nữa lá sen màu xanh trải rộng trên mặt nước đón nhận khí Dương Quang từ mặt trời. Lá  sen từ nước để đem sức sống cho hoa sen nhưng không để giọt nước nào thấm vào lá, dù trời mưa, lá sen vẫn cho nước trôi đi nhanh chóng để làm được điều đó cũng như chúng ta hãy để những xôn xao của đời sống thế gian được trôi qua, Bởi tính cách của sen như vậy nên Đức Phật Mẫu đã tạm mượn hình ảnh của sen để dạy cho chúng ta. Cũng như khẳng định con người phải vượt qua những khó khăn đến với mình trong kiếp sống, phải đứng trên phiền não, gieo duyên thiện lành cho đời như "Nhờ bùn sen mới được xinh tươi"...
Hành thiện đó là cái nhân mà trong nhân đã có quả như gương sen đã chứa hạt rồi vậy. Và để hương sen tỏa thơm đó là phải giữ tâm thanh tịnh, không để những ngọn gió đời mà nhà PHẬT gọi là Bát phong thổi mất.
"Được-mất, Khen - chê, Vinh - nhục. Vui - buồn" Chỉ có tâm thanh tịnh mới làm cho tám ngọn gió này không còn uy vũ để dẫn dắt ta vào vòng xoáy nghiệp quả luân hồi.
"Gương sen khiết tịnh hương sen nức 
Phiền não bồ đề cũng thế thôi"...
Đã là con người thì chúng ta phải nhìn nhận Sinh, Bệnh, Lão, Tử là điều hiển nhiên như lời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã giảng đạo pháp về tứ khổ. Với tín đồ Cao Đài  phải hiểu rằng đó là một vòng xoay để tiến hóa trên đường trở về hợp nhất với Đức CHÍ TÔN là khí Uyên Nguyên vô thủy vô chung. Hiểu khổ mà không trốn chạy, đồng hành để bước qua, không chán đời để tìm lối thoát cho riêng mình: Sự thanh tịnh của tâm ví như hương sen là Bồ đề tâm.
"Đất phiền não bồ đề vun xới 
Lìa thế gian sao tới Niết Bàn"
* Đức Diêu Trì Kim Mẫu.
Khi chúng ta rời xa thế tục tìm chốn u tịch để cho riêng mình cảnh Niết Bàn là điều không thể có. Chính những trớ trêu ở đời gây cho ta không còn bình an tâm xao động là những bài học khảo thí để tấn hóa. Muốn bỏ phiền não chỉ có lập công lập đức thực hiện tam công của người Cao Đài,đem tình thương lan tỏa đến chúng sanh, cứu giúp khó khăn của tha nhân, giải quyết khổ đau con người qua hành động lời nói gọi là lập ngôn. Dùng phương tiện mình có để xoa dịu nỗi đau thương trong nhân thế gọi là lập đức. Phép Tam Công của Cao Đài cũng tương tự như Pháp môn, "Bố thí Ba la mật" của Nhị kỳ phổ độ. Tình thương, bao dung, tha thứ ngay cả với những người gây oan trái khổ đau cho ta sẽ nhẹ lòng, tâm hoan hỷ đón nhận bằng sự bình an, khi không còn phân biệt "cái của tôi" và "cái của anh". Thì lúc đó "Phiền não bồ đề cũng thế thôi" như lời Đức Phật Mẫu dạy. Khi đã không phân biệt bồ đề tâm hay phiền não thì ta đã tìm về với Nhất Nguyên, để hòa cùng tất cả. Có thương mới Hòa như lời Đức CHÍ TÔN dạy" sự thương yêu là sự sống mà THẦY là CHA của sự sống "hay câu Sự yêu thương là chìa khóa mở cửa Bạch Ngọc Kinh". (Bạch Ngọc Kinh là nơi của Đức CHÍ TÔN ngự).
Bồ đề là sự giải thoát và  phiền não không còn phân biệt với bồ đề, nhị nguyên đã trở về với nhất nguyên. 
" Phiền não bồ đề cũng thế thôi"!
Nói thì dễ nhưng thực hiện được không phải một sớm một chiều, có khi cả một đời tu tập chúng ta cũng vẫn còn vướng mắc trong lý nhị nguyên. Để dễ dàng hơn, chúng ta thực hành theo hạnh Bồ Tát,vun xới bồ đề ngay trên đất phiền não, để tìm thấy an lạc.
" Đất phiền não bồ đề vun xới 
Lìa thế gian sao tới Niết Bàn"
Vâng! Niết bàn không xa, chỉ ở trong tâm chúng ta như lời Đức CHÍ TÔN dạy 
"Tâm ấy tòa sen của Lão ngồi"
Thân kính chúc Quý Hiền một thân an tâm lạc ngay tại cõi phiền não.
Tiện muội rất cám ơn Quý Hiền thân hữu đã bỏ thời giờ quý báu để đọc bài tạp bút này nhân ngày cuối thu của năm, Chỉ là chút phiêu bồng xen kẽ những cơn đau thể xác để dọn mình cho ngày Ký Niệm nền Đại Đạo được Hoằng Khai 100 năm. Tiện muội kính chúc Quý Hiền sức khỏe, hưởng trọn Hồng Ân của hai Đấng Thiêng Liêng Trọn Lành.Dù cho hoa sen trong bùn hay hương sen tỏa thơm cũng đều là sự sống vi diệu của Đức CHÍ TÔN và PHẬT MẪU ban cho chúng sanh bằng tình thương yêu. Tiện muội gởi đến Quý Hiền bài thơ ngắn để kết thúc bài viết.
Đêm qua ta cứ ngỡ 
Hồn sen về cùng ta 
Dạo chơi khắp ta bà 
Sen buồn sen vẫn nở 
Vượt lên từ phong ba 
Gieo niềm vui nhân thế 
Cho cuộc đời thêm hương 
Có ai qua vô thường 
Nhìn sen rồi xót thương.
"Vay đời một chút bùn tanh 
Ươm hương trả lại tinh anh cho đời"
 Kính thân! 
* Lê Thị Ngọc Vân. Chiều cuối thu Sài Gòn. 
26/10/2024. (24/9/Giáp Thìn 2024).

Home. Mục Lục: [ 1 ]  [ 2 ]  [ 3 ]  [ 4 ]  [ 5 ] [ 6 ]  [ 7 ]  [ 8 ]  [ 9 ]  [ 10 ]  [ 11 ]  [ 12 ]  [ 13 ]  [ 14 ]  [ 15 ] [ 16 ] [ 17 ]  [ 18 ]