Minh họa thời trung cổ về địa ngục trong bản thảo Hortus deliciarum của Herrad xứ Landsberg (khoảng năm 1180)
MỞ
Các tôn giáo đều mô tả cõi giới sau khi chết rất khác nhau. Dĩ nhiên, tất cả đều là giả thuyết chưa có bằng chứng gì xác thực, nên không thể nói tôn giáo nào nói đúng nhất.
Những người trải qua kinh nghiệm cận tử (sắp chết) có kể lại những điều họ thấy, nhưng những điều đó cũng không được khoa học công nhận. Nói chung, phần lớn truyện họ kể phản ánh trình độ và văn hoá của họ.Ví dụ như người Việt Nam sẽ thấy Thập Điện Diêm Vương,
là câu chuyện họ đã nghe kể từ lúc ấu thơ. Người Mỹ sẽ gặp tội nhân bị tra tấn
trong đám cháy đỏ rực, hình ảnh họ biết qua Kinh Thánh Tân Ước v.v…Những câu
chuyện chết đi sống lại kể chuyện như vậy ngày nay thấy đầy dẫy trên YouTube.
Tín đồ Cao Đài nên dùng giải pháp trung dung, tức là tìm hiểu tất cả rồi đối
chiếu, tìm ra các điểm giống nhau. Từ đó suy ra cách tu học cho bản thân.
Thông thường, đa số tôn giáo nêu ra hai cõi giới: một
là thiên đàng, nơi linh hồn (Cao Đài gọi là chơn hồn) người tốt hưởng niềm vui
không giới hạn. Hai là địa ngục, nơi linh hồn có tội bị trừng phạt. Tôn giáo
không rao giảng luân hồi nói niềm hạnh phúc hay nỗi đau sẽ kéo dài mãi mãi,
trái lại tôn giáo tin vào luân hồi nói chỉ tạm diễn ra một thời gian, sau đó
linh hồn phải đầu thai làm người hay con vật tuỳ theo tội kiếp trước ít hay nhiều.
Có tôn giáo thì lại nói đó chỉ là một nơi không có
khen thưởng cũng chẳng có trừng phạt, dành cho mọi linh hồn nối tiếp cuộc sống
của mình nơi trần thế. Có tôn giáo cho rằng ở đó, các linh hồn phải chịu một thử
thách lần chót, thắng được lên vị trí cao hơn (siêu thăng), thua bị rơi xuống
thấp hơn (đọa lạc). Sau cùng một vài tôn giáo không có khái niệm địa ngục gì cả,
như Do Thái Giáo, Ấn Giáo hay Đạo Giáo nguyên thuỷ.
Thiên Đàng và Địa Ngục theo Thiên Chúa Giáo.
TỪ ĐÔNG SANG
TÂY
Britannica AI Chatbot (ứng dụng trò chuyện với trí thông
minh nhân tạo của Tự Điển Britannica) cung cấp một vài thí dụ chi tiết như sau.
Kinh thánh Tân Ước của Kitô giáo (Đạo Thiên Chúa) nói rằng
địa ngục có những hình phạt kéo dài dành cho kẻ ác. Nơi đó lửa cháy ngày đêm
không thể dập tắt, cũng không có Đức Chúa Trời hiện diện. Thời gian và bản chất
của hình phạt được giải thích bằng nhiều cách khác nhau.
Hồi Giáo gọi địa ngục là Jahannam.
Kinh Qur'an mô tả là nơi có hình phạt dựa trên tội lỗi lúc còn sống
của từng người. Chỉ có Đức Chúa Trời (Hồi Giáo gọi là Allah) mới tha tội và miễn
trừng phạt các linh hồn.
Trong thần thoại và tôn giáo Trung Quốc, khái niệm địa ngục kết hợp các ý tưởng Phật Giáo, Đạo Giáo cải biên và tín ngưỡng dân gian. Địa ngục được mô tả như một triều đình phong kiến gồm 10 điện. Mỗi điện có một vị vua, dưới quyền là những con quỷ mình người đầu thú gớm ghiếc thi hành các hình phạt, thường là tra tấn thể xác, nặng nhẹ tuỳ theo những tội lỗi trong kiếp sống. Sau khi chịu hình phạt, linh hồn sẽ tiếp tục luân hồi bằng cách đầu thai trong một thể xác khác.
Tóm lại, phần đông các tôn giáo gặp nhau ở điểm quan trọng nhất: linh hồn phải bị trừng phạt ở địa ngục nếu trong kiếp sống vừa qua có vi phạm những qui luật đạo đức. Còn phạt cách nào là tuỳ vào văn hoá và tôn giáo của từng địa phương.
Tượng Diêm Vương
trong chùa Quan Âm Phật Đài ở phường Nhà Mát, Bạc Liêu (Việt Nam)
LỢI
VÀ HẠI
Xét cho kỹ, những giả thuyết nói trên đã từ lâu hình
thành hai mặt lợi và hại cho xã hội loài người.
Lợi
Về mặt lợi, khái niệm địa ngục là cách răn đe rất hữu hiệu
đối với người có ý định phạm tội trong xã hội. Họ sẽ không dám làm điều ác mà
tôn giáo hoặc cộng đồng của họ không cho phép. Có khi hình thành một tập quán đạo
đức tốt cho cả cộng đồng. Ví dụ như câu chuyện về Moggallāna
(Mục Kiền Liên).
Theo truyền thuyết Phật Giáo Bắc
Tông, Mục Kiền Liên đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông, nhờ đó biết mẹ
mình bị phạt làm ngạ quỷ (quỷ đói) ở địa ngục do lúc sinh thời làm
nhiều điều ác. Ông bèn hỏi Đức Phật về cách cứu mẹ. Phật dạy hãy sắm sửa lễ
cúng ngày rằm tháng bảy, vận động nhiều tăng sĩ hợp sức cầu nguyện cho bà thoát tội. Do làm theo
lời Phật, mẹ ông được giải thoát.
Phật cũng dạy rằng chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ
nên theo cách này (Vu Lan Bồn Pháp). Từ đó ngày lễ Vu Lan ra đời (Wikipedia 2024). Ở những nước như Việt
Nam và Trung Quốc, vào ngày rằm tháng bảy, người ta làm lễ báo hiếu cha mẹ đã mất
và thăm hỏi người còn sống. Đây là một tập quán đáng khen vì ít ra cũng đem lại
cho người lớn tuổi niềm vui trong những ngày cuối đời.
Hại
Về mặt hại, dần dần người ta quen lờn không còn sợ địa ngục
nữa. Nếu vận động nhiều tăng sĩ cầu nguyện có thể giải được tội, thì cứ làm lễ
linh đình là xong. Bây giờ nhiều người dư điều kiện tài chính và quyền lực vận
động cả ngàn nhà sư tụng kinh liên tục cả tháng trời mà.
Chẳng những vậy, thậm chí người ta còn hình thành quan điểm dưới địa ngục cũng nhận hối lộ như trên cõi trần. Họ dẫn chứng truyện Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân, lúc nhận kinh Phật, sư Huyền Trang mở ra xem không thấy chữ viết. Cuối cùng phải đưa cho đệ tử Phật là A Nan và Ca Diếp cái bình bát bằng vàng mới được nhận kinh có chữ viết. Dù truyện Tây Du Ký là hư cấu, không thiếu người tin đó là thật.
Xe hơi giấy đốt để gởi cho người chết
Thực sự, tác giả Ngô Thừa Ân ẩn dụ triết lý Phật Giáo sâu
xa hơn nhiều. Đó là muốn nhận được trí huệ (kinh Phật) thì phải từ bỏ giá trị vật
chất (cái bình bát bằng vàng). Nhưng số đông người đọc chỉ vin vào chỗ mà họ đã
quen gặp trong đời sống hàng ngày. Đó là hối lộ, một tập quán bất khả trị trong
các xã hội nghèo đói và thất học, nơi quan chức có quyền lực chính trị tuyệt đối.
Vì vậy, người ta áp dụng luôn cho cõi tâm linh thông qua
việc đổ tiền của vào những lễ tang thật lớn. Người Trung Hoa cổ còn chôn theo
người chết tiền bạc, của cải, thê thiếp, người hầu. Về sau thấy như vậy là man
rợ và tốn kém quá nên họ đốt tiền, vật dụng hoặc hình người bằng giấy (đồ mã)
thay vào.
Từ quan điểm đó, tập quán đốt vàng mã hình thành, đầu
tiên ở Trung Hoa, đời Đường khoảng năm 618, sau đó lan dần ra các nước lân cận.
Hiện nay là một ngành sản xuất và kinh doanh lợi nhuận cực kỳ cao. Ở Việt Nam tục
lệ này phát triển đến mức có cả nơi chuyên kinh doanh là Phố Hàng Mã ở Hà Nội.
Hàng mã bây giờ có cả những vật dụng hiện đại kích thước giống thật, như biệt
thự, xe hơi đắt tiền, điện thoại đời mới v.v…Tập quán này từng bị nhiều bậc
chân tu Phật Giáo Việt Nam phê phán là không tốt, nhưng kết quả chưa thấy cải
thiện mấy.
Tuy nhiên, cái hại trầm trọng nằm ở chỗ cõi tâm linh bị
xem thường, đánh đồng với xã hội phàm tục. Như thế, dần dần phẩm cấp chức sắc,
thậm chí phẩm vị thiêng liêng như Thần, Thánh, Tiên, Phật cũng sẽ bị mua bán dễ
dàng. Người ta sẽ tìm đủ mọi cách, dù tàn ác đi nữa, để làm ra nhiều tiền rồi
mua phẩm vị Phật cho mình hoặc người thân.
Thực sự, Cao Đài dạy rằng tuy ở thế gian được tung hô là
Phật, nhưng họ đâu lừa được các Đấng Trọn Lành khi về đến Cung Hiệp Thiên Hành
Hoá trên Trời. Họ không chịu hiểu rằng mọi cõi giới đều có quy luật khác nhau,
nên không thể đem quy luật thế gian áp dụng ở Thiên Đình được (Con Đường Thiêng
Liêng Hằng Sống - Đức Hộ Pháp).
Cảnh Diêm Vương xử án một linh hồn có tội
CAO ĐÀI
Trong tôn giáo Cao Đài cũng có khái niệm địa ngục. Được nhắc tới rải rác trong thánh ngôn, các bài kinh hay nhiều bài thuyết đạo qua nhiều tên gọi khác nhau. Thông tin quan trọng nhất tập trung ở ba chỗ sau đây.
Bài kinh sám hối.
Đây là bài kinh dài nhất của đạo Cao Đài (444 câu thơ
song thất lục bát). Trong bài không thấy nói địa ngục ở đâu nhưng gọi bằng nhiều
tên khác nhau: Âm Ty, A Tỳ, Âm Đài, Âm Cung, Âm Cảnh và Diêm Đình. Ở nơi này,
quyền cai quản thuộc một vị vua gọi là Diêm Đế. Dưới quyền là các Quỷ Vô Thường
và Quỷ Dạ Xoa.
Hình phạt dành cho các linh hồn (Cao Đài gọi là chơn hồn)
có tội gồm có đóng gông, cắt lưỡi, đánh đòn, xay,
cưa, đốt, giã, mổ bụng, nấu trong vạc đồng, chém, đâm, móc nhọn treo mình,
chó dữ phân thây, bỏ vào ao nước nóng, trói vào cột đồng nung nóng,
cọp dữ ăn thịt. Ngoài ra cũng có những hình phạt cho kiếp sắp
tới, ví dụ như đầu thai làm ngựa, trâu hoặc chó.
Bài kinh sám hối của Cao Đài không gì khác hơn là một
phiên bản của truyền thuyết Trung Hoa về Địa Ngục đã có từ mấy ngàn năm nay.
Hình phạt là bản sao cách tra tấn tàn nhẫn của các vị bạo chúa thời xa xưa. Mới
nghe qua ai cũng cảm thấy rùng mình sợ hãi.
Chỉ có điều, người tinh ý một chút sẽ thắc mắc liệu những hình phạt đáng sợ này có tác dụng gì với người chết hay không! Bởi theo giáo lý Cao Đài thì sau khi chết, chơn thần và chơn linh rời bỏ xác thân về cõi Thiêng Liêng Hằng Sống. Chưa thấy thánh ngôn nào dạy chơn thần và chơn linh bị tra tấn cũng đau đớn như thể xác!
Cảnh tội hồn bị tra tấn ở Địa Ngục
Bài thuyết đạo của Đức Hộ Pháp.
Ngày 8/3/Kỷ Sửu (5/4/1949) tại Đền Thánh, Đức Hộ Pháp đã
hứa: “Thỉnh thoảng rồi bần đạo sẽ tả hết cho các bạn nghe bởi vì bần đạo
chưa đặng phép đi xuống Diêm Cung. Đức Chí Tôn có hứa, ngày giờ nào bần đạo thoát
xác, trước khi về cảnh thiêng liêng hằng sống thì bần đạo sẽ được phép đi ngang
qua đó đặng giải thoát cho các chơn hồn oan khúc tội tình được siêu thăng. Bần
đạo đã được Đức Chí Tôn và các đấng thiêng liêng giải thích cho biết cảnh ấy thế
nào rồi, đặng một ngày kia bần đạo đi không thấy lạ, không có nhát.”
Nhưng sau đó không thấy bài thuyết đạo nào Đức Hộ Pháp mô tả Diêm Cung cả. Đây là một thiệt thòi lớn cho tín đồ thực tâm tu học. Đức Ngài đã xuất chơn thần về cõi Thiêng Liêng Hằng Sống và tả lại, nhưng Diêm Cung thì chưa. Dù sao qua phát biểu trên, có thể tạm hiểu rằng nơi đó có tên là Diêm Cung. Có nhiều chơn hồn có tội hay chết oan mắc kẹt lại không về cõi Trời được. Đức Hộ Pháp có thể giải thoát cho họ nếu Ngài đi ngang qua đó.
Thánh Ngôn của Thất Nương và Bát Nương .
Hai bài thánh ngôn ngày 9/4/ Giáp Tuất (21/5/1934) của Thất Nương Nữ Phật và tháng 10/ Nhâm Thân (tháng 11/1932) của Bát Nương Nữ Phật giải thích chi tiết nhất về khái niệm địa ngục trong đạo Cao Đài (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển II).
Xin được tổng hợp ý chính hai bài như sau:
-
Đây
là một trường đình (trạm dừng chân) gọi là Âm Quang, nằm lưng chừng giữa Thiên
Đàng và trần gian để cho các chơn hồn giải thể (rời bỏ cơ thể, tức là chết) và
nhập thể (nhập vào một cơ thể mới, tức là đầu thai).
-
Các
chơn hồn ở đây để tự xét mình xem có công hay tội trong kiếp sống vừa qua. Thời
gian tự xét có thể vài trăm năm, có khi cả ngàn năm. Các chơn hồn sợ nhất là kẹt
lại trạm này vì không thể tiếp tục đi lên Thiên Đàng.
-
Những
tên cũ như Âm Cảnh, Ðịa Ngục, Diêm Đình, Phong Đô, Địa Phủ v.v…cùng với những
hình phạt là do dân gian mê tín nghĩ ra.
-
Nơi
đây có hai đấng thiêng liêng là Địa Tạng Vương Bồ Tát và Diêu Trì Cung Thất
Nương Nữ Phật có trách nhiệm giúp đỡ, dạy dỗ các chơn hồn.
- Có thể tránh khỏi Âm Quang bằng cách tự xét mình, ăn năn, hối lỗi, ăn chay, cầu khẩn nơi Đức Chí Tôn trong khi còn sống.
Địa Tạng Vương Bồ Tát cưỡi con Đề Thính
Thanh Tịnh Đại Hải Chúng
Trong Đạo Cao Đài, ngoài Âm Quang ra còn có một danh từ nữa
cũng quan trọng không kém. Đó là Thanh Tịnh Đại Hải Chúng (nơi dành cho những
người trong sạch). Thông tin về nơi này gồm có.
Theo Cao Đài Tự Điển của Hiền Tài Nguyễn Văn Hồng - Đức
Nguyên thì đây là nơi dành cho những chơn hồn chờ đợi Toà Tam Giáo quyết định
có công hay có tội. Ví dụ, ông Hai Chiếm thuộc Phạm Môn phải chờ ở đây trước
khi được bổ nhiệm làm Thần Hoàng ở Ninh Bình. Một ví dụ nữa là Tiên Nương Đoàn
Thị Điểm cũng chờ ở đây đến khi viết quyển Nữ Trung Tùng Phận xong mới được về
ngôi vị cũ (26/10 Tân Mão - Thuyết đạo Đức Hộ Pháp).
Ngoài ra, có lời phê của Đức Hộ Pháp trong đơn xin chuộc tội cho ông Võ Văn Đợi của các vị ở Vạn Pháp Cung: “…Đợi bị phế vị là vì nó từ chối Thập Nhị Đẳng Cấp Thiêng Liêng. Ngày nay theo Thiên Điều thì nó phải tái kiếp mà hành đạo lại. Nếu nó đặng ở Thanh Tịnh Đại Hải mà tu hành nơi cõi Hư Linh cũng là may phước cho nó….” (Cao Đài Tự Điển - Hiền Tài Nguyễn Văn Hồng)
Qua những thông tin nêu trên, có thể suy ra Thanh Tịnh Đại Hải Chúng cao cấp hơn Âm Quang một bực. Âm Quang dành cho tất cả các chơn hồn có tội còn Thanh Tịnh Đại Hải Chúng dành cho các chơn hồn sắp nhận một nhiệm vụ hay đạt được phẩm vị gì đó. Dù sao, ở cả hai nơi này đều có Thất Nương Nữ Phật dạy dỗ và giúp đỡ.
Chùa Tam Tông Miếu, Đường Cao Thắng, Sài Gòn
Một số ý kiến về sự bất nhất:
Đến điểm này có lẽ ai cũng thấy có sự bất nhất giữa Bài
Kinh Sám Hối và lời dạy của Thất Nương và Bát Nương. Kinh Sám Hối nêu những
hình phạt tra tấn khủng khiếp, trái lại hai đấng Nữ Phật dạy chơn hồn
sau khi chết chỉ lưu lại Âm Quang để tự xét tội tình của mình.
Theo sử đạo, Kinh Sám Hối được các Đấng giáng cơ ban cho
Minh Lý Đạo (chùa Tam Tông Miếu). Lúc mới mở đạo, Hội
Thánh chưa có kinh tụng đọc, nên theo lịnh của Đức Chí Tôn thỉnh về làm kinh của
Cao Đài. Do đó, khi mới mở Đạo được vài
năm, một số trí thức ở miền Bắc đề nghị Tòa Thánh cắt bỏ bài kinh Sám Hối bởi
vì nó đầy dẫy mê tín dị đoan, hơn nữa không phải do cơ bút của Cao Đài. Tuy
nhiên, Hội Thánh đã không đồng ý và còn giữ đến ngày nay (Khái Niệm Về Địa Ngục
Trong Kinh Điển Cao Đài Có Liên Quan Đến Bài Kinh Sám Hối - Hiền Tài Nguyễn
Long Thành).
Như vậy, có thể kết luận rằng khái niệm Địa Ngục của Đạo Cao Đài được giải thích bằng hai giả thuyết. Thứ nhất, theo quan điểm cổ truyền qua bài kinh của Tam Tông Miếu và thứ hai, theo thánh ngôn của Thất Nương và Bát Nương. Theo trí não phàm tục thì hai giả thuyết này tạo ra một nghịch lý dù cùng nói về một vấn đề. Cho tới nay, chưa thấy có văn bản chính thức nào của Hội Thánh hoá giải nghịch lý này.
KẾT LUẬN.
Vấn đề có cần thiết hoá giải nghịch lý nêu trên hay không
là thẩm quyền của Hội Thánh. Còn những tín đồ bình thường chúng ta thì nên xem
đó là một công án tu tập. Ai trả lời được công án này, sẽ đạt được một trình độ
giác ngộ nào đó qua chứng thực của các đấng thiêng liêng.
Điều quan trọng là, đừng để nghịch lý đó xúi giục đi vào
con đường xung khắc do bênh vực quan điểm này hay công kích quan điểm kia. Xung
khắc cuối cùng sẽ dẫn tới việc lập phe nhóm hay chi phái giống như một số tiền
bối đã sai lầm trong quá khứ. Việc này chắc chắn không vừa ý Đức Chí Tôn chút
nào cả.
Theo cá nhân tôi, người viết bài này, điểm giống nhau của hai giả thuyết trên là chơn hồn có tội thì phải ở Âm Quang hay Diêm Đình một thời gian. Vậy mục tiêu cho bản thân tôi là cố gắng tránh phạm tội chứ không phải tìm lý lẽ để chứng minh Âm Quang đúng hay Diêm Đình đúng. Nói cho cùng, rồi thì ai cũng chắc chắn sẽ biết quan điểm nào đúng mà. Với những ai tin là không có Địa Ngục, e là tới đó đã quá trễ.
Sài Gòn 21 Oct 2024.
Home. Mục Lục: [ 1 ] [ 2 ] [ 3 ] [ 4 ] [ 5 ] [ 6 ] [ 7 ] [ 8 ] [ 9 ] [ 10 ] [ 11 ] [ 12 ] [ 13 ] [ 14 ] [ 15 ] [ 16 ] [ 17 ] [ 18 ]