- Kính thưa quý đồng đạo, trước đây chúng ta đã nghiên cứu Địa Ngục trong triết Cao Đài là gì. Giờ chúng ta sẽ xem cách nào để tránh vào Địa Ngục.
Âm Quang và Âm Ty.
Theo giáo lý Cao Đài, sau khi con người chết đi, phần
chơn linh (người đời gọi là linh hồn) và chơn thần (người đời gọi là vía hay
phách) tách rời thể xác để về ngôi xưa trên cõi thiêng liêng hằng sống. Trình
tự chuyến đi được mô tả qua các bài kinh Tuần Cửu và đặc biệt Đức Hộ Pháp đã kể
lại rất chi tiết trong 35 bài thuyết đạo về Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống
(Ban Tốc Ký sưu tập - Hội Thánh xuất bản và giữ bản quyền).
Riêng những người đã làm điều ác ở thế gian thì phải vào
một nơi mà người ta thường gọi là Địa Ngục. Hiện nay Hội Thánh Cao Đài
giải thích về nơi này bằng hai thông tin.
Một là bài Kinh Sám Hối trong quyển Kinh Thiên Đạo Thế
Đạo. Bài này do cơ bút của Minh Lý Đạo (Chùa Tam Tông Miếu, Đường Cao Thắng,
Sài Gòn). Lúc mới mở đạo chưa có kinh tụng đọc, nên Hội Thánh thỉnh bài này về
làm kinh Cao Đài theo lịnh Đức Chí Tôn.
Kinh Sám Hối gọi Địa Ngục bằng nhiều tên như Âm Ty, A Tỳ,
Âm Đài, Âm Cung, Âm Cảnh và Diêm Đình. Nơi đây các hồn có tội bị tra tấn bằng
những hình phạt ghê rợn, sau đó đi đầu thai làm người hoặc con vật để tiếp tục
trả nợ. Tóm lại, quan niệm này giống y chuyện Thập Điện Diêm Vương theo tín
ngưỡng dân gian của Trung Hoa cổ đại mà phần lớn người Việt đều biết.
Hai là thánh giáo của Thất Nương (ngày 21/5/1934) và Bát
Nương (tháng 11/1932). Hai bài này do cơ bút Cao Đài, in trong Thánh Ngôn Hiệp
Tuyển. Hai Bà dạy rằng nơi đó gọi là Âm Quang để các chơn hồn có tội tịnh tâm,
tự xét tội lỗi của mình trước khi tái kiếp. Quan niệm này không thấy nhắc tới
chuyện tra tấn thể xác, nhưng điều đáng sợ là thời gian lưu lại Âm Quang kéo
dài, có thể đến hàng ngàn năm.
Rõ ràng hai quan điểm này có phần đối nghịch. Tuy nhiên,
sau một thế kỷ hoạt động, chưa thấy Hội Thánh có giải thích chính thức
nào về sự trái nghịch này. Xin lưu ý, thánh ngôn của Thất Nương và Bát Nương
gọi nơi này là Âm Quang, một cái tên mới chưa có tôn giáo nào gọi trước đây. Từ
đây, xin được dùng tên mới trong bài này thay vì Địa Ngục.
Để tránh Âm Quang.
Riêng cá nhân tôi, một tín đồ bình thường, thì cho rằng
nghịch lý của hai giả thuyết đó không quan trọng. Cả hai có một điểm chung là
người không làm điều ác sẽ không bị kẹt lại đây. Vậy muốn tránh Âm Quang, tôi
phải tránh làm điều ác trong kiếp sống.
Tuy nhiên, đây là một khó khăn trong thời hạ ngươn bởi
thiện ác không còn rạch ròi, dễ nhận ra như hai bức tượng Ông Thiện Ông Ác
trước cửa Đền Thánh nữa rồi. Có khi ở thế gian là phạm tội, nhưng lại không bị
phạt trên cõi thiêng liêng. Như trường hợp ngài Vương Quan Kỳ lập chi phái Cầu
Kho, nên theo Bát Đạo Nghị Định là có tội. Nhưng Đức Hộ Pháp nói rằng ngài Kỳ
vẫn được thong dong đi qua cây cầu bằng ánh sáng vào Bát Quái Đài. Thông thường
người có tội qua cầu này sẽ bị rơi xuống Bích Hải.
Lời dạy của Thất Nương và Bát Nương có thêm một yếu tố
đem lại một ít hy vọng. Thất Nương Diêu Trì Cung dạy rằng: “…Vậy thì nơi ấy là
nơi xét mình. Chớ chi cả nhơn sanh biết xét mình trước khi thoát xác thì tự
nhiên tránh khỏi Âm Quang. Nói cho cùng, nếu trọn kiếp, dầu gây lắm tội tình,
mà phút chót biết ăn năn tự hối, cầu khẩn Chí Tôn độ rỗi thì cũng lánh xa cửa
Âm Quang…” (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển II)
Đặc biệt, vào ngày 4/2/ Kỷ Sửu (3/3/1949) Đức Hộ Pháp
cũng khuyên tín đồ hãy tự xét mình: “ Các chơn linh tự trị lấy mình. Các bạn
nên nhớ điều đó. Nhứt là mấy anh mấy chị, vẫn phải biết cái bí mật đó đặng tự
tỉnh tại mặt thế này. Mình trị mình trước đi”. Và vào ngày 12/2/ Kỷ Sửu
(11/3/1949), “ Ấy vậy cho nên các chơn linh cao siêu đã đạt đạo để lại một
phương pháp rất đơn giản. Con người vẫn đương làm theo, nhưng không biết phương
pháp này rất quan trọng trong việc tự giải thoát. Đó là Ngô Nhựt Tam Tỉnh Ngô
Thân. Nghĩa là, mỗi ngày tôi tự xét mình ba điều”.
Theo Phật Giáo, Địa Tạng Vương Bồ Tát có mặt ở Âm Quang
để giúp các tội hồn. Bây giờ, thánh ngôn Cao Đài nói Thất Nương Diêu Trì Cung
cũng có mặt để giúp đỡ, dạy dỗ các chơn hồn phái nữ mắc tội nữa. Vậy thì chìa
khoá để tránh Âm Quang là xét mình, ăn năn trước khi chết. Còn lỡ bị kẹt lại Âm
Quang thì, theo giáo lý mới của Cao Đài, cũng là tự xét mình với sự giúp đỡ của
Địa Tạng Vương Bồ Tát và Thất Nương chớ không bị tra tấn đau đớn.
Thoạt nghe qua, tự xét mình có vẻ dễ dàng quá. Nhưng nghĩ
kỹ, chuyện không dễ chút nào đâu. Người phàm chúng ta chỉ giỏi việc săm soi
người khác để tìm sai sót thôi, còn lỗi của chính mình rất khó nhìn thấy. Kinh
Thánh Luke (Lu Ca) đã viết: “Sao ngươi nhìn thấy cọng rác trong mắt anh em mình
mà không thấy cây đà trong mắt của ngươi”.
Do đó, ở Âm Quang cũng chỉ tự xét mình thôi mà phải mất
đến vài trăm năm, thậm chí cả ngàn năm dù có sự giúp đỡ của hai vị Phật. Vậy
hãy thử tìm xem, trên trần gian loài người đã nghĩ gì và làm gì về phương pháp
này.
Tự xét mình ở phương Tây.
Thật ra, ở phương Tây, khái niệm tự xét mình đã được đề
cập từ rất lâu. Triết gia Hy Lạp cổ đại Socrate (sinh năm 470 - mất năm 399
trước Chúa Jesus), vốn được xem là người lập ra nền triết học phương Tây, nhấn
mạnh việc tự xét mình rất quan trọng vì đó là nền tảng triết lý của ông. Ông
nổi tiếng với tuyên bố: "Sống mà thiếu tự xét thì không đáng sống".
(AI Britannica Chatbot 2024)
Ông cho rằng mỗi cá nhân phải tự xét mình để trau dồi đạo
đức và nuôi dưỡng phần hồn. Đại khái nghĩa là, sau khi hành động phải tự hỏi
mình đã làm gì? Việc đó có đạo đức không? Rồi tự trả lời hết sức chân thành.
Nếu việc làm đó không có đạo đức, phải biết ăn năn hối lỗi và hứa với lòng lần
sau không làm vậy nữa.
Đã hơn 2,000 năm nay, các dân tộc phương Tây đã làm theo
tư tưởng Socrates. Vậy còn hiện nay thì sao? Chúng ta hãy thử nghe vài học giả
đương đại nói.
Tự xét mình là một trong nhiều cách tu học truyền thống
chúng ta nên áp dụng vào cuộc sống. Trong một cuộc thảo luận về điều này, triết
gia đương đại James Gould nói rằng tự kiểm điểm là "Theo dõi và đánh giá
thường xuyên đạo đức của chính chúng ta".
Cả xưa lẫn nay, rất nhiều người ủng hộ việc này. Lưu ý
rằng nên thực hiện hai lần một ngày. Vào buổi sáng, hãy suy nghĩ bạn sắp
phải làm gì, tập trung vào các trách nhiệm của bạn trong ngày hôm đó. Buổi tối,
hãy xem xét lại bạn đã làm gì. Trong quá trình xem xét lại cuối ngày, bạn hãy
tự hỏi mình một số câu hỏi. Một ví dụ là Seneca, triết gia La Mã mất năm 65 sau
Công Nguyên, đã tự hỏi mình: "Hôm nay tôi đã bỏ được thói quen xấu
nào?" "Tôi đã chống lại được cám dỗ gì?" "Tôi đã tốt hơn
ngày hôm qua thế nào?"
Chúng ta cũng có thể tự hỏi mình đã thể hiện những đức
tính nào: lòng dũng cảm, sự trung thực, lòng trắc ẩn hay đức tính nào khác nữa?
Tôi đã tôn trọng người khác chưa? Tôi có công bằng với bản thân và người khác
không? Hoặc có thể chọn một câu hỏi đơn giản do Đức Đạt Lai Lạt Ma gợi ý:
"Hôm nay tôi có một trái tim nhân hậu không?"
Tự xét mình ở
phương Đông.
Còn ở phương Đông, nơi xuất phát của những tôn giáo lớn
như Ấn Giáo, Phật Giáo, Lão Giáo, Khổng Giáo thì sao? Trước hết, xin nhắc lại
câu “Ngô nhựt tam tỉnh ngô thân” mà Đức Hộ Pháp đã đề cập ở trên. Đây là câu
nói của bậc hiền triết Trung Hoa Tăng Tử (sinh năm 505 – mất năm 435 trước Chúa
Jesus), một trong bốn vị Thánh của Đạo Khổng, nguyên văn như sau:
Hán Việt: Ngô nhật tam tỉnh ngô thân: Vị nhân mưu nhi bất
trung hồ? Dữ bằng hữu giao nhi bất tín hồ? Truyền bất tập hồ?
Tiếng Việt: Mỗi ngày tôi tự xét ba việc: Làm việc gì cho
ai, có hết lòng không? Giao thiệp với bạn bè, có tin nhau không? Thầy dạy cho
điều gì, có học tập đủ không? (Tự Điển Hán Nôm online)
Tự điển danh tiếng Britannica của Anh nói thêm tự xét
mình là một khía cạnh quan trọng trong nhiều tôn giáo phương Đông. Như Đạo Giáo
nhấn mạnh sự hòa hợp với Đạo, tức là bản chất của vũ trụ. Tín đồ được khuyến
khích tự xét mình qua các phương pháp như ăn chay, thiền định và tự sửa chữa
tính tình. Trong Phật giáo, tự kiểm tra là một phần không thể thiếu trong thiền
định, lúc mọi người xét lại những suy nghĩ và hành động của mình để hiểu biết
sâu sắc hơn về bản thân và bản chất của thực tại.
Tự xét mình trong
Cao Đài.
Hiển nhiên, phương pháp tự xét mình đã phổ biến khắp thế
giới trần tục mấy ngàn năm rồi. Bây giờ giáo lý Cao Đài dạy rằng phương pháp
này có thể giúp ta về cõi thiêng liêng mà không bị kẹt lại Âm Quang. Vậy tín đồ
Cao Đài chúng ta tự xét như thế nào?
Trước hết, theo trích dẫn thánh ngôn Thất Nương Diêu Trì
Cung ở trên, việc tự xét mình trong triết lý Cao Đài là một hành động tâm linh
đặc biệt bao gồm ba yếu tố.
Thông công trực tiếp với Đức Chí Tôn:
Khi tự xét mình, chúng ta đối thoại trực tiếp với Đức Chí
Tôn, đấng chúa tể vũ trụ. Chính Đức Chí Tôn chứ không phải đấng thiêng liêng
nào khác nghe mình và sẽ quyết định chúng ta được tha tội hoặc không.
Điều này được chứng minh bằng thánh ngôn 26/4/1926: “Thầy
nhứt định đến chính mình Thầy độ rỗi các con, chẳng chịu giao chánh giáo cho
tay phàm nữa…..Chẳng một ai dưới thế này còn đặng phép nói rằng thế quyền Thầy
mà trị phần hồn của nhân loại”.
Quyền trị phần hồn chính là quyền quyết định một chơn hồn
siêu thăng (có công) hay sa đoạ (có tội) trên trời. Chỉ có Đức Chí Tôn là có
quyền đó. Suy ra, ở thế gian này chúng ta không nên khẳng định một ai đó là
chánh hay tà. Người phàm trần không thể phán xử chính xác được.
Trong lịch sử tôn giáo thế giới đã có lần người phàm kết
án oan sai rồi. Cuối thế kỷ XVI, Toà Thánh Thiên Chúa La Mã đã lập Toà Án Dị
Giáo để kết tội những người nói ngược với giáo lý của Toà Thánh. Nhà thiên văn
Galileo cho rằng trái đất quay xung quanh mặt trời, trái với quan điểm của Toà
Thánh. Thế là ông bị Toà Án Dị Giáo kết tội là tà đạo, bị quản thúc tại gia cho
tới chết. Nhưng về sau khoa học hiện đại đã chứng minh Galileo đúng. Đến năm
2009, gần 400 năm sau, Toà Thánh Vatican mới công nhận là ông nói đúng và phục
hồi danh dự cho ông.
Giao tiếp đến từng cá nhân:
Quả thực là trong vũ trụ này có quá nhiều sanh linh,
nhưng Đức Chí Tôn vẫn giao tiếp với từng người. Xin mời đọc thánh ngôn sau:
“Nơi thân phàm các con, mỗi đứa Thầy đều cho một chơn linh gìn giữ cái chơn
mạng sinh tồn. Đấng chơn linh ấy vô tư mà lại đặng phép giao thông cùng cả chư
Thần, Thánh, Tiên, Phật và các Đấng Trọn Lành nơi Ngọc Hư Cung…” (Cấm vọng ngữ
- Thánh Ngôn Hiệp Tuyển II). Chơn linh đó chính là một phần của Đức Chí Tôn. Vì
vậy đừng lo lắng là phần tự xét của mình không đến tai của Đức Chí Tôn.
Lý luận bào chữa
tội là vô ích:
Tâm lý của người tự xét phải hết sức chân thành. Bởi vì
khuynh hướng bẩm sinh của bản ngã là tự vệ, nên nhận ra tội lỗi mình là rất khó
khăn. Thậm chí nhận ra rồi, bản ngã vẫn nghĩ ra đủ thứ lý lẽ, thậm chí rất kỳ
quặc, để bào chữa.
Trong Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống, Đức Hộ Pháp đã
nói những chơn hồn không tin tôn giáo bác bỏ tội của mình khi về Cung Hiệp
Thiên Hành Hoá. Họ cuối cùng cũng phải chịu thua các Đấng Trọn Lành. Chân Lý
triệt tiêu được Luận Lý. Do đó, hãy nhớ rằng nhận tội mà còn thấy có lý lẽ bào
chữa, là chưa thành thật.
Nếu động tác xét mình quan trọng như thế thì mình xét
điều gì? Giáo lý Cao Đài thể hiện qua các bài kinh, nghi lễ tôn giáo, biểu
tượng ở Đền Thánh, Tân Luật Pháp Chánh Truyền v.v... Bất cứ ai cũng có thể
nghiên cứu và tìm ra mình cần tự xét điều gì. Tốt nhất là tìm đức tính nào mình
còn thiếu sót nhất.
Tuy nhiên, để dễ theo dõi, trong bài viết này xin đề nghị
tự xét mình dựa trên Ngũ Giới Cấm (Bài 57, 58, 59, 60, 61 Thánh Ngôn Hiệp Tuyển
II). Nghĩa là, mỗi ngày mình hãy tự xét có vi phạm điều nào trong năm điều cấm
này hay không, rồi ăn năn tự sửa. Ví dụ như tôi đã lỡ uống vài ly rượu với bạn
bè. Vậy là đã phạm điều thứ tư “Tứ bất tửu nhục”. Vậy giờ để ăn năn, tôi tự
nguyện tụng kinh sám hối mười lần và tự hứa với Đức Chí Tôn sẽ không bao giờ
uống rượu nữa.
Thêm một ví dụ nữa, thấy mấy đồng đạo bây giờ làm sái
chơn truyền dữ quá, tôi bèn lên Facebook viết một bài chỉ trích thậm tệ. Trong
thâm tâm tôi mong Đức Chí Tôn trừng phạt mấy người này cho đáng kiếp. Nhưng hôm
nay tôi đột nhiên thấy mình đã sai vì nhớ lại thánh ngôn: “Vậy Thầy cấm các con
từ đây, nếu không đủ sức thương yêu nhau, thì cũng chẳng đặng ghét nhau, nghe
à”. (12-12- Kỷ-Tỵ - 11/ 1/1930 Thánh Ngôn Hiệp Tuyển II). Vậy là tôi cầu nguyện
sám hối bảy đêm, tự hứa lòng không thù ghét ai nữa.
Kết luận.
Nếu phần tự xét mình và ăn năn thành công, nghĩa là được
Đức Chí Tôn chấp thuận, coi như chúng ta sẽ không phải kẹt lại Âm Quang sau khi
qua đời. Tuy nhiên, chỉ sau khi chết chúng ta mới biết kết quả này. Chỉ có vị
nào Tịnh Luyện thành công (tức đi theo con đường thứ ba Đại Đạo) thì mới biết
trong khi còn sống. Nhưng Tịnh Luyện là pháp môn thượng thừa, tín đồ bình
thường khó mà theo nổi.
Nếu không bị vướng lại Âm Quang, chúng ta sẽ lên các từng
trời, theo mô tả trong các bài kinh Tuần Cửu. Cuối cùng sẽ đến Ngọc Hư Cung,
nơi Đức Chí Tôn ngự, từ đó sẽ được biết mình làm gì, đi đâu nữa. Ngọc Hư Cung
đã được mô tả kỹ trong bài viết Có Gì Ở Ngọc Hư Cung tại địa chỉ sau, kính mời
đọc giả tham khảo:
* Từ Chơn.
Sài
Gòn 2nd November.