LẼ HẰNG SỐNG TRONG VẠN LINH * Từ Nguyên (Oregon)

L
ẽ Hằng Sống trong vạn linh thường được Đức Chí Tôn đặt để trong bí pháp sinh trưởng, tiến hóa, và sự kết hợp điều hòa c
ủa âm dương và ngũ hành. Đức Chí Tôn là Nguồn Sống đầu tiên trong Càn khôn Vũ trụ. Ngài phân tánh để tạo ra vạn linh và ân ban nguồn sống cho tất cả chúng sanh.
Con người, là một phần tử trong vạn linh, cần hiểu rõ lẽ Hằng Sống mà Đức Chí Tôn quy định trong vạn vật để tìm lẽ sống thuận theo Thiên Ý mà trường tồn. Cổ nhân có câu: "Thuận Thiên giả tồn, nghịch Thiên giả vong”, nghĩa là: Thuận theo Trời thì còn, nghịch với Trời thì mất.
Lẽ Hằng Sống trong Càn khôn Thế giới khởi nguồn từ Khí Hư Vô, được Đức Chí Tôn giảng dạy, tóm gọn trong đoạn Thánh Ngôn sau đây:
“Thầy đã nói với các con rằng: Khi chưa có chi trong Càn khôn Thế giới thì Khí Hư Vô sanh ra có một Thầy và ngôi của Thầy là Thái Cực. Thầy phân Thái Cực ra Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi phân ra Tứ Tượng, Tứ Tượng biến Bát Quái, Bát Quái biến hóa vô cùng, mới lập ra Càn khôn Thế giới. Thầy lại phân Tánh Thầy mà sanh ra vạn vật là: Vật chất, Thảo mộc, Côn trùng, Thú cầm, gọi là chúng sanh”
Khi Đức Chí Tôn phân Thái cực ra Lưỡng nghi (Âm quang và Dương quang), Ngài chưởng quản Khí Dương quang và hóa thân Ngài ra Đức Phật Mẫu để chưởng quản Khí Âm quang. Đức Phật Mẫu cho hai Khí Âm Quang và Dương Quang phối hợp với nhau để tạo ra Càn khôn Vũ trụ và vạn vật.
Đức Chí Tôn là Phật, Đức Phật Mẫu là Pháp, Càn khôn Vũ trụ là Tăng. Trước khi đảnh lễ Đức Chí Tôn, người tín đồ Cao Đài phải lấy dấu Phật, Pháp, Tăng và niệm: Nam mô Phật, Nam mô Pháp, Nam mô Tăng. Ý nghĩa là nguyện noi theo đại đức, đại từ, đại bi của Đức Chí Tôn, nguyện noi theo các pháp vô vi huyền diệu của Đức Chí Tôn, và nguyện thương yêu và bảo tồn mạng sống của cả chúng sanh.
Trở lại chủ đề chánh của bài viết là tìm lẽ Hằng Sống mà Đức Chí Tôn đặt để trong vạn linh. Chúng ta thử phân tích lẽ Hằng Sống của nước. Theo khoa học, tế bào nước là sự kết hợp của một nguyên tử Oxyen và hai nguyên tử Hydrogen. Những nhà khoa học nhờ nghiên cứu mới khám phá ra quy luật tạo thành nước này, nhưng họ không phải là tác giả của quy luật trên.
Như vậy, lẽ Hằng Sống của nước bắt đầu từ cái khôn ngoan đã định ra hình tướng của nước. Sự sáng suốt khôn ngoan tự có trong thiên nhiên biết định ra sự kết hợp này được gọi đó là Phật. Còn tỷ lệ hai Hydrogen cộng với một Oxyen để thành nước gọi là Pháp, rồi khi kết hợp với nhau, giọt nước được thành hình, tạo thành nguồn nước nuôi sống vạn linh, gọi là Tăng.
Đấng định ra những quy luật của sự tổng hợp các vật thể, để tạo nguồn sống cho vạn linh là Đức Chí Tôn vậy. Sự kết hợp này nếu đúng theo quy luật gọi là tùng Pháp, không đúng theo quy luật gọi là nghịch Pháp. Nếu kết quả của sự kết hợp các vật thể đem lại sự tăng trưởng và bảo vệ sự sống cho vạn linh thì gọi là tùng Phật. Ngược lại là nghịch Phật.
Sự kết hợp cần phải tùng Pháp và tùng Phật thì mới được gọi là thuận Thiên. Trong thí dụ trên về sự kết hợp để tạo ra nước, nếu kết hợp một nguyên tử Oxyen với ba hoặc bốn nguyên tử Hydrogen thì sự tổng hợp này không tùng Pháp vì không tạo ra nước.
Tìm hiểu thêm về lẽ Hằng Sống của vạn vật chung quanh sẽ giúp ta có cơ sở lý luận để phân biệt phần tử nào sống thuận Thiên hay nghịch Thiên.
Thử tìm hiểu về lẽ Hằng Sống của con người. Theo giáo lý Đạo Cao Đài con người là sự kết hợp của Tam Thể: Chơn Linh, Chơn Thần và thể xác. Chơn Linh (hay Linh Hồn) là do Đức Chí Tôn ban cho mà Lương Tâm là đại diện. Chơn Thần là do Đức Phật Mẫu ban cho mà trí tuệ là đại diện. Thể xác là do Cha Mẹ phàm trần ban cho.
Con người cần đủ Tam Thể mới gọi là con người đúng Pháp, mới có đủ điều kiện để học hỏi, tiến hóa, lập công, đoạt vị, thoát kiếp luân hồi sinh tử, hoàn thành sứ mệnh mà Đức Chí Tôn quy định cho sự hiện hữu trên quả địa cầu này. Người không có Linh Hồn thì gọi là người chết. Người không có trí não thì gọi là người điên. Người không có thể xác thì gọi là người âm.
Ai biết lắng nghe Lương Tâm dạy bảo, biết thương yêu và bảo tồn sự sống của chúng sanh là người sống đúng theo Pháp. Ai hủy diệt hay cản trở nguồn sống và sự tiến hóa của chúng sanh, dù là thể xác hay tinh thần, là người sống nghịch với Pháp.
Tìm hiểu về lẽ Hằng Sống của các sản phẩm do khoa học kỹ thuật sáng tạo ta có thể phân biệt sản phẩm nào đúng Pháp hay nghịch Pháp. Một thí dụ về nguyên tử lực. Các nhà khoa học khám phá ra năng lượng mặt trời được phát sinh là do sự tổng hợp của hai phản ứng phân hạch và nhiệt hạch trên nguyên tử Hydrogen. Năng lượng từ mặt trời là nguồn sống của vạn linh trên các tinh cầu xoay chung quanh mặt trời.
Các nhà khoa học biết phương pháp để tạo ra bom nguyên tử và bom nhiệt hạch. Họ biết tùng Pháp nhưng không tùng Phật vì những quả bom này dùng để hủy diệt mạng sống của con người và vạn linh. Tùng Phật là bảo vệ sự sống chứ không phải hủy diệt.
Tìm hiểu về Đạo Cao Đài chúng ta nhận thấy lẽ Hằng Sống mà Đức Chí Tôn đặt vào trong cửa Đạo là sự hiện hữu và hòa hiệp của ba Đài: Bát Quái, Hiệp Thiên, và Cửu Trùng. Cửu Trùng Đài là thể xác của Đạo. Hiệp Thiên Đài là Chơn Thần của Đạo. Bát Quái Đài là Chơn Linh của Đạo.
Sự phân quyền và phối hợp nhịp nhàng của ba Đài mới tạo nên lẽ Hằng Sống của Đại Đạo. Đạo mới có đủ quyền năng để độ rỗi chúng sanh, dìu dắt các đẳng Chơn hồn tìm về cõi Thiêng Liêng Hằng Sống. Thiếu một trong ba Đài thì Đạo Cao Đài không tùng theo Pháp vậy.
Trong cuộc sống hằng ngày chúng ta cần phải xử lý cả trăm việc. Làm thế nào ta có thể phân biệt những tư duy và hành động nào của mình là tùng Pháp và Phật? Nếu để tâm quan sát ta sẽ nhận thấy vạn vật sinh trưởng và tiến hóa theo quy luật tự nhiên của Trời Đất. Thuận Pháp là không thay đổi hay cản trở sự sinh trưởng và tiến hóa này. Đức Chí Tôn là Chúa của sự sống, là Chủ Tể của sự thương yêu. Sống theo lẽ Từ Bi, Bác Ái là tùng Phật vậy. 

* Từ Nguyên (Oregon)

NỐI BƯỚC. N°I   [1]  [2 [3 [4 [5 [6 [7 [8 [9 [10 [11 [12 [13 [14 [15 [16 [17