PHÁP MÔN CÚNG TỨ THỜI CỦA ĐẠO CAO ĐÀI. * Trung Dung Đạo.

Đ
ịnh nghĩa.
Pháp môn cúng tứ thời là pháp môn cúng bốn thời Tý Ngọ Mẹo Dậu.
Thời tý từ 11 giờ tới 01 giờ khuya. Cúng vào 12 giờ khuya.
Thời mẹo từ 5 giờ tới 7 giờ sáng. Cúng vào lúc 6 giờ sáng.
Thời ngọ từ 11 giờ trưa tới 01 giờ trưa. Cúng vào lúc 12 giờ trưa.
Thời dậu từ 5 giờ chiều tới 7 giờ chiều. Cúng vào lúc 6 giờ chiều.
Tại sao cúng vào bốn thời Tý Ngọ Mẹo Dậu mà không cúng vào các thời khác?
Lý do: Hai thời mẹo và dậu là lúc hai khí âm dương giao hòa còn thới tý là lúc khí âm cực thịnh khí dương mới sanh còn yếu ớt dễ hấp thụ.Thời ngọ là khí dương cực thịnh khí âm mới sanh hấp thụ khí âm rất dễ. Cúng bốn thời này để điều hòa khí âm dương trong thân xác của người tu tăng cường sức khỏe chống bệnh tật và có ảnh hưởng tốt làm chơn thần người tu sáng suốt ngày càng mẫn huệ. . .
Đây là pháp môn đặc biệt của Đạo Cao Đài áp dụng cho suốt cuộc đời.
Lời phê của Đức Hộ Pháp đã trả lời cho một vị chức sắc Hội Thánh Phước Thiện là Chí thiện Lê văn Trường xin nghỉ cúng vào thời Tý vì lý do già yếu bệnh tật như sau:
“ Hễ càng già lại càng cúng nhiều đặng dâng mạng-căn số-kiếp của mình cho Đức Chí-Tôn định, ấy là bí-mật giải thoát của Chí-Tôn để nơi Cơ Tận-Độ. Dầu đương giờ mình cúng mà chết trước mặt Người lại càng hay. Phải tuyên-truyền cho ai-ai cũng đều thấu-đáo nghĩa-lý Bí-Pháp này. Khi đau ốm nằm dưỡng bịnh hễ nghe thời cúng là ngồi dậy dâng Tam-Bửu cho Chí-Tôn.”
HỘ-PHÁP (Ấn-Ký)
 
Muốn cúng tứ thời đầy đủ mỗi tín đồ sau khi nhập môn phải thiết lập thiên bàn tại tư gia có sự chứng kiến của Bàn trị sự và đồng đạo tại địa phương. Đây là một điều quan trọng mà người tín đồ Cao Đài ở hải ngoại tỏ ra lơ là không thực hiện bởi vì không biết lợi ích của pháp môn này là giải thoát luân hồi sanh tử.
Pháp Thiền của Đạo Cao Đài không giống như Đạo Phật ngồi kiết già hai chân gát lên nhau hoặc bán già gát một chân.Ngồi im bất động.Trái lại Pháp môn của Đạo Cao Đài là quỳ thẳng lưng thỉnh thoảng gật đầu hoặc lạy nên gọi là Thiền động không bị mỏi cổ, mỏi lưng, mỏi gối tê chân .Thân cử động nhưng tâm không động.Trước năm 1975 mọi nhà ở xung quanh vùng Toà Thánh Tây Ninh đều cúng tứ thời ít nhất một thời trong ngày.Ngoài ra còn có cúng liên gia 12 gia đình tập họp mỗi chiều cúng ở một nhà và thay phiên nhau đủ 12 nhà.Hiện nay chỉ còn một số ít nhà cúng tứ thời thường chỉ đốt nhang cúng nước trà hoặc rượu không có đọc kinh người ta hay châm biếm gọi là đạo cặm tức là chỉ cặm nhang không có tụng kinh.Lý do không hiểu sự ích lợi của việc cúng kiến do đó thiếu đức tin không làm theo.
Mục đích của việc cúng tứ thời.
Dâng Tam Bửu.
Trong kinh cúng Tứ thời có phần Dâng tam bửu là phần quan trọng nhất. Dâng tam bửu chính là bí pháp giải thoát.
Dâng Tam Bửu là chúng ta dâng cả thể xác, trí não và linh hồn cho Đức Chí Tôn toàn quyền sử dụng để độ rỗi con cái Người. Đây là bí pháp giải thoát mà Đức Hộ Pháp đã giảng rất rõ ràng tin hay không do mỗi người tự quyết định.
Đức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo giải thích như sau :
“ Ấy vậy, mỗi ngày, từ mơi tới trưa, đến chiều, từ chiều đến khuya, từ khuya đến sáng, mình vô Đền Thánh kêu Đức Chí Tôn, kêu Tam Giáo và các Đấng Thiêng liêng mà phân chứng trước :  Thân tôi không còn là của tôi nữa, tôi đã hiến cho Đức Chí Tôn, làm tôi tớ cho vạn linh, thay thế cho Đức Chí Tôn.
Giờ phút đó, chúng ta không biết tội nào chúng ta đã làm, dầu có tội mà chúng ta không làm điều gì thêm nữa thì quả kiếp ấy tiêu diệt, cơ quan giải thoát chúng ta đoạt, không thế gì định tội được.
Đức Chí Tôn biểu chúng ta không phải là chúng ta, mà chúng ta không phải là chúng ta thì quả kiếp ấy không phải là của chúng ta, tức nhiên ta đã đoạt cơ giải thoát.” 
Khi chúng ta thành tâm dâng hiến cho Đức Chí Tôn xử dụng.Chúng ta sẽ nhận được lệnh phân công đi làm một công việc nào đó tuỳ theo khả năng của từng người.
“ Trong một thời cúng, Bần Ðạo đã căn dặn nhiều phen trọng hệ hơn hết là khi dâng Tam Bửu, dầu cho tinh thần suốt buổi cúng có nhiều lúc lo ra đi nữa, đến khi dâng Tam Bửu, khuyên cả thảy định thần đặng mật niệm, dâng ba bửu trọng hệ cho Chí Tôn, tức là giúp sức Bần Ðạo Hành Pháp dễ dàng một chút đó.” (Thuyết Ðạo QII / tr 25).
 
Cầu nguyện.
Cầu nguyện có hai phần cầu là xin tha tội cho cá nhân và xin ban phước lành cho nhân loại và chúng sanh.Nguyện là sự mong muốn thực hiện hai đại nguyện là phổ độ chúng sanh và mở rộng nền Đại Đạo. Đây cũng là một yếu tố quan trọng trong pháp môn Tịnh độ tông là Tín, hạnh,nguyện.
Cuối bài kinh cúng tứ thời có ngũ nguyện, tức là 5 câu nguyện hằng ngày của người đệ tử Cao Đài như sau:
Nhứt nguyện Đại Đạo hoằng khai, có nghĩa là:  
Điều nguyện thứ nhất: Con mong muốn và quyết tâm hoằng khai nền Ðại Ðạo.
Nhì nguyện phổ độ chúng sanh, có nghĩa là: 
Ðiều Nguyện thứ hai: Con mong muốn và quyết tâm phổ độ chúng sanh.
Tam nguyện xá tội đệ tử, có nghĩa là:
Ðiều nguyện thứ 3, con cầu xin Ðức Chí Tôn tha tội cho con.
Tứ nguyện thiên hạ thái bình, có nghĩa là:
Ðiều nguyện thứ 4, con cầu xin cho tất cả mọi người trên cõi trần được sống yên ổn hòa bình.
Ngũ nguyện Thánh Thất an ninh , có nghĩa là:
Ðiều nguyện thứ 5, con cầu xin cho tất cả, từ CKVT (Càn Khôn Vũ Trụ) đến con người, cầu xin cho Hội Thánh, đều được an ninh, điều hòa trật tự, tiến hóa tốt đẹp.”
(Trích trong Giải nghĩa Kinh Thiên đạo của Hiền tài Nguyễn văn Hồng)
Người tín đồ Cao Đài mỗi ngày lập đi lập lại lời đại nguyện hoằng khai đại đạo và phổ độ chúng sanh sẽ dẫn dắt họ tới thực hiện ý nguyện đó đây là bí pháp của sự cầu nguyện.
“ Sự cầu nguyện có cảm ứng với Chánh Trị Thiêng Liêng tức là các Ðấng Vô Hình đều rõ biết mọi sự hành tàng nơi cõi thế, triết lý về hình thể của con người, thọ tinh cha huyết mẹ sản xuất ra, thì có sự cảm giác thiêng liêng đối cùng nhau rất mật thiết, cho nên một người con lúc đi làm ăn xa nhà, khi cha mẹ có bịnh hoạn hay xảy ra điều gì tai biến, thì thân thể của người con sẽ có điềm máy động; giựt thịt, máy mắt, hoặc là ứng mộng thấy rụng răng và các điều khác..v.v... đó là về phần tinh khí hình thức của con người, còn về phần linh tánh thì do nơi Ðức Chí Tôn ban cho nhứt điểm lương tâm, nó có cảm giác cùng Chí Linh, cho nên khi ta hữu sự thì thành tâm cầu nguyện.”
(thuyết đạo Đức Hộ Pháp ngày 8 tháng 01 năm Đinh hợi 1947).
 
Luyện thần định trí.
Khi đọc kinh tâm thường suy nghĩ lung tung mình tập thu nó về với lời kinh.
Trong khi đọc kinh tâm thường lo ra nghĩ ngợi những chuyện khác bên ngoài làm cho người tu quên lời kinh hoặc đọc sai phải tỉnh thức biết mình đang sai chỗ nào mà điều chỉnh ngay lập tức. Đây là cách để qui tâm về một mối là đọc đúng lời kinh. Thời gian tập luyện mỗi ngày sẽ giảm bớt phóng tâm lần lần định trí và phát sinh trí huệ.
 
Thông công với các Đấng Thiêng Liêng.
Khi dâng tam bửu là lúc người tín đồ thông công với Đức Chí Tôn và các Đấng Thiêng Liêng.
Nếu dâng tinh khí thần với một tấm lòng thành kính và thiết tha mong mỏi Đức Chí Tôn sử dụng thì chúng ta sẽ nhận được sự phân công âm thầm mình sẽ tự biết.
 
Luyện tập thân thể và tập làm chủ cái thân.
Tư thế quỳ trong thời cúng là một tư thế độc đáo thoải mái dễ chịu cột sống thẳng đứng  đây là một tư thế quan trọng trong Yoga nó điều chỉnh gân mạch thần kinh hoạt động thông suốt và đúng với nhiệm vụ làm gia tăng  sức khoẻ.
Còn một cái ý nghĩa quan trọng là tập làm chủ cái thân bó buộc nó vào kỹ luật bởi vì bản chất của thân là lười biếng và ham thích hưởng thụ không muốn bị bó buộc.
 Đức Chí Tôn có dạy rằng :
“ Luôn dịp, Thầy nói cho các con biết :
Cúng Tứ Thời có ích cho các con lắm, chớ không phải ích chi cho Thầy. Nếu cúng được thường thì lòng dạ nở nang, tứ chi luân chuyển, có nhiều khi tật bệnh tiêu diệt. “  (TNST. Q1 B 39) 
 
Tụng thêm các bài kinh sau khi chấm dứt cúng tứ thời.
Sau khi tụng xong các bài kinh tứ thời chúng ta phải thường xuyên tụng thêm những bài kinh Di lặc, Cứu khổ và kinh Sám hối.
 
Tụng kinh Di lặc.
Nhằm mục đích cầu xin Đức Chí Tôn, Đức Phật Mẫu, Đức Di Lặc Bồ Tát, Quan Thế Âm Bồ Tát, Địa Tạng Vương Bồ Tát,Thất Nương Diêu Trì Cung và Thần Thánh Tiên Phật xá tội và độ rỗi các vong linh chết vì chiến tranh,khổ ách ,tam tai,bệnh tật và nghiệt chướng sớm được siêu thoát .Thêm vào đó cũng cầu nguyện cho các vong linh cửu huyền thất tổ Ông Bà,Cha mẹ,Cô Dì,Chú Bác,Cậu Mợ,Anh Chị em và con cháu sớm được siêu thoát.
 
Tụng kinh cứu khổ.
Nhằm mục đích cầu xin Đức Chí Tôn,Đức Phật Mẫu,Di Lặc Bồ tát,Quan Thế Âm Bồ Tát và Thần Thánh Tiên Phật cứu khổ cứu nạn cho chúng sanh ,cho cá nhân ,cho gia đình.
 
Tụng kinh sám hối.
Tụng kinh sám hối vào các ngày sóc vọng mùng một và rằm .
Nhằm mục đích xem xét bản thân nếu có lỗi phải mau ăn năn chừa lỗi tránh xa những điều ác và thực hành những điều thiện.
 
Pháp môn cúng tứ thời bao gồm tinh hoa của tất cả các pháp môn của các tôn giáo hiện nay trên thế giới.
Tịnh độ tông, thiền tông và mật tông của Phật giáo.
Trong bài kinh dâng hoa đã nói rõ “ Từ bi giá ngự rạng môn Thiền Đệ tử mừng nay hữu huệ duyên”.Trong bài dâng rượu  “Thiên ân huệ chiếu giáng Thiền Minh”.
Cúng Tứ thời là môn tu Thiền sẽ được Đức Chí Tôn ban cho Trí Huệ tức là giáng Thiền minh.
Năm câu nguyện cuối bài kinh và ba câu nguyện khi dâng tam bửu là bí pháp của mật tông Tây Tạng. Những câu nguyện này được lập đi lập lại nhiều lần nó tạo một hình ảnh rõ ràng trên không tạo ra nguồn năng lượng tốt để hoá giải những năng lượng xấu.Hình ảnh của những lời cầu nguyện các Đấng Thiêng Liêng sẽ nhìn thấy và tạo điều kiện thuận lợi cho người cầu nguyện thực hiện được ước muốn của mình.
 
Cảm ứng của Tiên giáo.
Trong bài kinh dâng tam bửu là dâng tiên hoa,tiên tửu,và tiên trà do đó có người cho Đạo Cao Đài là Đạo Tiên.Ngoài ra trong khi dâng tam bửu người tu đưa tay lên trán cầu nguyện dâng cả thể xác của con cho Đức Chí Tôn dùng phương nào thì dùng sau khi dứt bài kinh dâng hoa.Sau bài kinh dâng rượu Cầu nguyện xin dâng cả tinh thần và trí não của con cho Chí Tôn dùng phương nào thì dùng.Sau bài kinh dâng trà thì cầu nguyện xin dâng cả linh hồn cho Chí Tôn dùng phương nào thì dùng.
Đức Hộ Pháp đã nói rõ đây là bí pháp giải thoát bởi vì Khi chúng ta dâng cả thể xác tinh thần và linh hồn cho Đức Chí Tôn sử dụng thì những việc làm của chúng ta  không phải là ta chủ ý mà là làm theo lệnh của Đức Chí Tôn.Điều quan trọng là chúng ta có thành tâm hay không bởi vì tâm thành tất ứng.

Vạn thù qui nhứt bổn hay qui tâm về Thái cực của Nho giáo.
Pháp môn cúng tứ thời bao gồm pháp tu của Nho giáo hay còn gọi là Thánh đạo.
Thiên bàn là Thái cực đồ là bản đồ thái cực nhìn vào đó để tu. Nguyên lý là thái cực sanh lưỡng nghi lưỡng nghi sanh tứ tượng tứ tượng sanh bát quái, bát quái biến hoá vô cùng sanh càn khôn vạn vật.
Tâm của con người bình thường thì trong sáng huyền diệu thông hiểu vạn vật và rất linh diệu tức là ngôi thái cực. Khi tâm tiếp xúc với cảnh trần sanh muôn vạn trùng trùng ý niệm nên bị mờ tối không còn linh tánh đúng với câu nhất bổn tán vạn thù từ một mà sanh ra vô số.Do đó phép tu là phải đi ngược trở về thái cực dẹp bỏ hết ý niệm đúng như câu Vạn thù qui nhất bổn tất cả ý niệm trở về gốc là một hay là thái cực.
Tóm lại pháp môn cúng tứ thời là pháp môn tổng hợp các tinh hoa của tất cả pháp tu của các tôn giáo lớn trên thế giới như câu kinh phổ tế tổng pháp tông trong bài kinh Ngọc hoàng Thượng đế.
 
Pháp môn này phát sinh trí tuệ và đưa tới giải thoát.
Thất nương Diêu trì cung đã dạy Lễ bái thường hành tâm đạo khởi ý nghĩa là cúng bái thường xuyên trí huệ phát sinh.
Mỗi ngày cúng tứ thời là mỗi ngày khai mở trí huệ nói một cách khác mỗi ngày càng hiểu rõ ý nghĩa của lời kinh tiếng kệ hay càng hiểu rõ con đường đi đến giải thoát.Nhờ trí huệ khai mở đức tin càng gia tăng  nhờ vậy sự tu hành càng tinh tấn đây là một chu kỳ tiến bộ càng lúc càng cao và càng gần bến bờ giải thoát.
 Đức Quan Âm Bồ Tát cũng giáng cơ dạy rằng :
“ Các em phải cúng kiếng thường.
1. Một là tập cho chơn thần được gần gũi các Đấng thiêng liêng cho đặng sáng lạn.
2. Hai là cầu khẩn với Đức Đại Từ Bi tha thứ tội tình cho các em và cả chúng sanh.
3. Ba là có tế lễ thì tâm phải có cảm, cảm rồi mới ứng, ứng là lẽ tự nhiên.
4. Bốn là tâm có cảm thì lòng bác ái mới mở rộng, mà nhứt là khiếu lương tri lương năng của các em cũng nhờ đó mà lần hồi thành ra mẫn huệ”.
 
Không phân biệt già trẻ, nghèo giàu, sang hèn, vua quan tôi tớ đều tu được.
Đây là một pháp tu già trẻ bé lớn giàu nghèo sang hèn đều tu tập giống nhau nếu là tín đồ của Đạo Cao Đài .Tuy nhiên sự khai mở trí huệ cao thấp tùy theo đức tin và lòng chân thành cầu đạo của từng cá nhân.
 
Không bị tẩu hoả nhập ma không bị bất cứ một phản ứng bất lợi nào cho người tu.
Đây là pháp tu cực kỳ an toàn bởi vì gần một trăm năm kể từ khai đạo đến nay chưa có một sự cố nào xảy ra và không có bất kỳ một phản ứng nào có hại cho sức khỏe của người tu.
 
Trí huệ từ từ khai mở nhanh chậm do công phu tu tập, quyết tâm và đức tin mạnh yếu của mỗi người.
Nhiều người tu theo pháp môn này đã khai mở trí huệ tuyệt vời như Giáo hữu Thượng Tý Thanh mặc dù trình độ học vấn không cao nhưng thực hành cúng tứ thời rất nghiêm chỉnh. Khi tới giờ cúng thì Ông lập tức ngưng tất cả mọi việc để thực hiện đàn cúng. Nhờ thế Ông rất thông hiểu giáo lý và đã thuyết trình tại nhà hát Hà nội trước đông đảo người tham dự là các chính khách ,chính quyền cao cấp, học giả, sinh viên học sinh được hoan nghênh nhiệt liệt.
 
Kết luận.
Tứ thời là một pháp môn tổng hợp tất cả tinh hoa của các pháp môn của các nền tôn giáo lớn trên thế giới do chính Đức Chí Tôn lập ra .Tuy nhiên người tín đồ Đạo Cao Đài rất thờ ơ không xem đó là một pháp môn. Bởi vì Thiền thì phải tịnh phải yên lặng cớ sao pháp tu nầy vừa đọc kinh vừa lạy vừa gật đầu có nghĩa là vừa ồn ào vừa cử động.
Hai điểm quan trọng mà người tu cần lưu ý là tập trung theo dõi lời kinh và tư thế quỳ thẳng lưng cũng như thường xuyên gật đầu và lạy.
Pháp môn này khi đọc kinh người tu theo dõi lời kinh . Nếu để tâm phóng ra ngoài sẽ không còn biết mình đọc lời nào trong bài kinh. Do đó phải luôn tỉnh thức biết mình đang đọc chữ gì trong bài kinh đây là phép tập trung tư tưởng.Thiền sư Nhất Hạnh cả đời tu tập mới biết được tập trung tư tưởng là sự tỉnh thức. Mình ăn mình biết mình ăn,mình đọc kinh mình biết mình đọc kinh.Nếu mình đang đọc “đạo gốc bởi lòng thành tín hiệp” mà tâm mình nghĩ tới món ăn thì mình chỉ biết món ăn mà không biết mình đã đọc “đạo gốc bởi lòng thành tín hiệp”.Tuy miệng đọc mà ý không theo dõi để tâm vào lời kinh đó là mê nên không nhớ mình đọc gì. Áp dụng sự tỉnh thức này vào mọi sinh hoạt hàng ngày gọi là thiền…
Pháp môn cúng tứ thời tại sao phải động bởi vì khi quỳ lâu sẽ mỏi cổ ,mỏi lưng,mỏi gối người tu sẽ bị phân tâm do đó lạy gật là cách để giải quyết sự khó chịu của thân.
 Ngoài ra Đức Hộ Pháp đã dạy trong những bài Thuyết đạo Cúng tứ thời là pháp cho linh hồn ăn Thân xác cần thức ăn của thân xác linh hồn phải có thức ăn của linh hồn. Nếu người tu biết thưởng thức hương vị của thức ăn này sẽ thấy được sự ích lợi của pháp tu và siêng năng cúng tứ thời.
Đức Hộ Pháp có dạy như sau: 
“ Ta nuôi linh hồn bằng gì? Vật thực nuôi sống bằng xác thịt, còn linh hồn sống đặng là nhờ đạo đức tinh thần đó vậy. Ta tu tức là ta tìm phương bảo trọng cho tồn tại đạo đức tinh thần đặng nuôi linh hồn hầu đạt vị Thần, Thánh, Tiên, Phật dìu dẫn bảo trọng lấy nó để có đủ lực lượng quyền năng giong ruổi trên con đường Thiêng Liêng Hằng Sống.
Đạo đức tìm nơi đâu mà có đặng? Tức nhiên tìm nơi cửa Thiêng Liêng Hằng Sống mới có, mà tìm nơi cửa Thiêng Liêng tức là cửa Đạo. Buổi ăn của linh hồn là buổi ta vô Đền thờ cúng đấy”.(TĐ ĐHP)
“ Khi cúng Tứ Thời, chúng ta tụng kinh thì cần phải học hỏi để hiểu ý nghĩa lời kinh. Với tấm lòng kính thành, hợp với sự hiểu biết ý nghĩa lời kinh, làm cho tâm hồn ta yên lặng, bớt vọng động, bớt phóng tâm nghĩ quấy, để lần lần chúng ta kềm giữ cái tâm, cái ý, để sau cùng đạt được trạng thái định ý định tâm. Tụng kinh cũng là để cho lời kinh dạy cái tâm của ta, vì các kinh tụng đều là tâm kinh.
Mặt khác, khi chúng ta tụng kinh thì những vong linh vô hình ở chung quanh chúng ta cũng được nghe kinh, nhờ đó họ có thể sớm giác ngộ mà hưởng được ân huệ của các Đấng thiêng liêng, sớm cho đi tái kiếp.” (Trích trong Giải nghĩa kinh cúng tứ thời của Hiền tài Nguyễn văn Hồng)
* Trung Dung Đạo.
(12-2021)
 
Tóm lược phần thảo luận nhóm:
1 - Tại sao phải cúng vào các thời tý ngọ mẹo dậu ?
Hai thời mẹo và dậu là lúc hai khí âm dương giao hòa còn thới tý là lúc khí âm cực thịnh khí dương mới sanh còn yếu ớt dễ hấp thụ.Thời ngọ là khí dương cực thịnh khí âm mới sanh hấp thụ khí âm rất dễ. Cúng bốn thời này để điều ḥa khí âm dương trong thân xác của người tu tăng cường sức khỏe chống bệnh tật và có ảnh hưởng tốt làm chơn thần người tu ngày càng sáng suốt mẫn huệ. . .
2 - Các nơi trên thế giới có nên cúng theo giờ Việt Nam không ?
Khí âm dương giao hòa hay mới sinh ra đều theo giờ khắc của mỗi nước nên cứ cúng theo giờ tý, ngọ, mẹo, dậu, của mỗi nơi mình ở là tốt rồi.
3 - Có cách nào giúp người đang đi làm kiếm sống có thể cúng khi đến giờ cúng hàng ngày được không ?
- Khi mình đang làm việc mà đến giờ cúng, mình có thể tay chân vừa làm việc và mình đọc kinh thầm trong tâm cũng được.
- Nếu không có điều kiện thời gian để cúng mình có thể tịnh tâm một phút để niệm danh Thầy rồi dâng Tam bửu kế đến đọc ngũ nguyện như lời dạy của Đức Hộ Pháp dặn các vị chức sắc khi đang nằm dưỡng bịnh mà đến thời cúng thì ngồi dậy dâng Tam bửu cho Chí Tôn.
- Ở Trí Huệ Cung, đến giờ cúng khi nghe ba tiếng chuông vang lên thì những người làm công quả xung quanh ngừng làm việc và ngồi xếp bằng tại chỗ đọc kinh thầm cho hết thời cúng rồi mới làm việc tiếp...Chúng ta nên học theo cách nầy nếu có thể được.
4 - Làm sao để tập trung tư tưởng khi cúng ?
Thông thường trong khi đọc kinh cúng nhưng tâm chúng ta cứ suy nghĩ hết chuyện này đến chuyện khác, tức là tâm không được thanh tịnh. Mà tâm không được thanh tịnh thì thời cúng không có hiệu quả mà có khi mang tội nữa.
Muốn giữ tâm thanh tịnh khi cúng hay chỉ tập trung tư tưởng vào lời kinh tiếng kệ và tín ngưỡng Trời Phật thì có nhiều cách tùy theo mỗi người nhưng cách thông thường nhất là mắt ta chăm chú nhìn lên Thiên Nhãn và tai ta lắng nghe âm thanh lời kinh tiếng kệ...Khi tâm có nhảy ra ngoài thì ta quay trở lại liền, lâu ngày tâm ta sẽ bớt đi vọng động.
Lưu ý nếu mắt nhìn Thiên nhãn hay nhìn đèn thái cực thì ý không thể để vào hai chỗ là thiên nhãn và lời kinh cùng một lúc được.Do đó mắt nhìn Thiên nhãn nhưng ý để vào lời kinh thì ý mới qui nhất được. 
 
5 - Dâng tam bửu thế nào cho đúng để đạt được hiệu quả tốt ?
Theo lời dạy của Đức Hộ Pháp, trong thời cúng quan trọng nhất là khi dâng tam bửu cho Đức Chí Tôn vì đây là một bí pháp giải thoát. Nên dầu trong đàn cúng nhiều lúc lo ra, suy nghĩ chuyện này chuyện nọ, nhưng đến phần dâng tam bửu ta phải rán tập trung tư tưởng, thành tâm dâng cả thể xác, trí não và linh hồn lên cho Đức Chí Tôn toàn quyền sử dụng...

Khi ta thành tâm hiến dâng và nguyện như vậy, Đức Chí Tôn sẽ tạo cơ hội cho chúng ta có phương tiện, điều kiện nhập vào trường thi công quả, và khi đoạt đủ công quả thì ta mới có thể đoạt cơ giải thoát khỏi luân hồi sanh tử được...

NỐI BƯỚC. N°I   [1]  [2 [3 [4 [5 [6 [7 [8 [9 [10 [11 [12 [13 [14 [15 [16 [17