Kính thưa Quý Hiền Huynh,
Hiền Tỷ. Những tờ lịch cuối năm đã mỏng dần, cơn gió rét mùa đông vẫn đang hoạt
động để rồi chúng ta mong ánh nắng mùa xuân sẽ đến. Chúng ta gặp nhau trên Nội san Nối bước để cùng nhau hàn
huyên sau nhiều ngày trong năm có nhiều biến động của nhân loại năm 2021.
Một lần nữa mùa xuân lại đến thay thế mùa đông theo luật
tuần hoàn của vũ trụ. Như lời ĐỨC CHÍ TÔN dạy: "...Ôi xuân tàn, xuân đến
cái xuân của người sắp lụn hao, mà rồi cái xuân của trời đất nước non cũng chưa
chắc là vô cùng vô tận..."
Mở đầu bài Thánh Giáo ngày 10-2-1929 (năm Kỷ Tỵ) ĐỨC CHÍ
TÔN đã dạy: "Ngày tháng vẫn mỏi mòn mà đường Đạo nhắm còn dài đăng đẳng, một
xuân qua là một dặm đường phải bước tới, mà THẦY ngoảnh lại bước đường của Môn
đệ THẦY vẫn sụt sè, chớ chưa thấy chi có mòi tấn phát..."
Trên con đường vạn dặm về nẻo Đạo, theo chân các Bậc Tiền
bối tiền khai mở ĐẠI ĐẠO, chúng ta những người con CAO ĐÀI thuộc thế hệ thứ ba,
thứ tư kể từ ngày ĐỨC CHÍ TÔN khai lập nền ĐẠI ĐẠO KỲ BA luôn nhắc nhở nhau giữ
gìn mối Đạo cao cả. Chúng ta được vinh hạnh là sắc dân mà Đức CHÍ TÔN ưu ái chọn
làm hạt Thánh cốc gieo mầm Đạo đến khắp Đông, Tây, Nam, Bắc, nhận được niềm
thương yêu của Đấng Thượng Đế là Đấng Toàn năng Đại Bi Đại Giác chọn làm sứ mạng
truyền rao mối Đạo Trời đến nay đã 97 năm, gần một thế kỷ qua so với sự vững bền
Đại Đạo là thất ức niên (700.000) năm. Một khi đã cùng niệm hồng danh của THẦY:
" NAM MÔ CAO ĐÀI TIÊN ÔNG ĐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT" là chúng ta kế thừa nối
tiếp bước chân các vị Tiền bối Tiền khai Đại Đạo để hoằng dương Chánh Pháp
trong tình thương đoàn kết, gắn bó trên đường hành Đạo độ đời.
Nối bước theo Tiền bối, những người con Đại Đạo Tam Kỳ Phổ
Độ hiểu rằng mang trong mình sứ mạng "phụng sự vạn linh" với tâm thế
gieo tình thương, thực thi Bác ái, Công bình như Bản Hòa ước của Đức CHÍ TÔN với
nhân loại lần thứ ba qua hai điều đơn giản" Bác Ái, Công Bình (L'Amour et
Justice) mà Đức CHÍ TÔN vì lòng thương yêu độ rỗi toàn sanh chúng qua hình ảnh
Tam Thánh (Nguyễn Bỉnh Khiêm, Victor Hugo, Tôn Dật Tiên) đại diện nhơn sanh ký
kết với NGÀI.
Người đệ tử Cao Đài nhận sứ mạng Thiêng Liêng "Hoằng
Khai Đại Đạo", "Phổ Độ chúng sanh" mà hằng ngày qua kinh Tứ thời
nhật tụng được nhắc nhở trong Ngũ nguyện.
Nguyện là nhắc nhở quyết tâm thực hiện.
Năm điều Ngũ nguyện này không phân biệt Chức Sắc, Chức Việc
hay Đạo hữu đều phải nhớ và làm được tùy theo căn cơ của mỗi người.
Đức Lý Giáo Tông Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ đã từng nhắc nhở
nhiệm vụ của tín đồ "Sự phổ thông giáo lý Đại Đạo cũng không dành riêng
cho lớp người nào, ai cũng có thể làm được, miễn là hiểu được đường lối, mục
đích và chủ trương cao cả của nó. Việc làm này không luận là lớn tuổi, nhỏ tuổi,
không luận là Hội Thánh hay Tòa Thánh, cũng không luận là có Đạo nhiều năm hay người
mới vào ít tuổi Đạo. Nó đã đến, đang đến và sẽ đến với những ai am tường Thiên
Ý, học hỏi Đạo lý, tận tụy phổ thông say sưa truyền bá.." (Thánh giáo sưu
tập năm Bính Ngọ 1966).
Để thực hiện được lời nguyện" Đại Đạo Hoằng Khai, Phổ
Độ chúng sanh" người đệ tử Cao Đài hiện nay cần trang bị cho mình điều gì?
Chúng ta đã biết những ngày tháng năm đầu tiên mở Đạo qua huyền diệu cơ bút, và
ân điển của Đức CHÍ TÔN đã gây được niềm tin nơi chúng sanh, hàng loạt người đổ
xô về chùa Gò Kén Tây Ninh để được nhập môn vào Đạo.
Đại Đạo đã trải qua 97 năm, xã hội thay đổi rất nhiều, khoa học tiến bộ và con người cũng phát triển về phần hữu
hình, trí não văn hóa thay đổi hơn ngày xưa. Sự liên lạc giao dịch nhanh chóng, tri thức được kết nối chỉ cần một cái nhấp tay trên một
máy tính hoặc một điện thoại (smartphone). người ta đã nhận được những thông
tin cách xa nửa vòng trái đất. Từ đó công việc phổ truyền Giáo lý được dễ dàng
hơn, nhưng cũng chính vì vậy đôi khi chúng ta không phân biệt được Chánh-Tà,
Chơn-Giả. Giữa chợ đời muôn sắc phô bày muôn hồng nghìn tía, người đệ tử Cao
Đài phải giữ vững đức tin, một lòng thành kính chí thành với hai Đấng Trọn Lành
là Đại Từ Phụ và Đại Từ Mẫu để phân biệt nền Chơn Pháp của ĐỨC CHÍ TÔN. Dùng
Thánh Ngôn, Thánh Giáo và Tân Luật, Pháp Chánh Truyền để làm đuốc Huệ soi sáng
trên đường hành Đạo phổ truyền giáo lý.
ĐỨC CHÍ TÔN đã từng dạy "Kinh điển giúp đời siêu
phàm nhập Thánh chẳng khác chi đũa ăn cơm, chẳng có đũa kẻ có cơm bốc tay ăn
cũng đặng..." (TNHT q1).
Với lời dạy rõ ràng mộc mạc mà đầy ý nghĩa cao siêu. Chúng
ta ngày nay, được dễ dàng học Đạo hơn vì Kinh sách của các Bậc Tiền bối để lại
rất nhiều, nhưng như lời dạy của ĐẠI TỪ PHỤ, người đệ tử Cao Đài cần thiết phải
có một tâm Đạo thể hiện qua hành động, đối nhân xử thế, đời và đạo phải tương
liên.
Trau dồi đức tánh được thể hiện trong chủ trương nhập thế,
là thực tiễn cứu cánh vạn khổ chúng sanh, hòa mình trong xã hội, chấp nhận bước
vào trường đời để phục vụ tha nhân, tùng khổ để thọ khổ. Lấy lòng bác ái là xem
trọng người hơn thân mình gọi là biết người quên mình." Biết thiệt mình mà
đặng cho kẻ khác, biết đổ lụy cho kẻ vui cười...." (TNHT). Tạo cảnh hạnh
phúc cho chúng sanh gọi là cứu khổ. Nhập thế độ đời cũng là nền tảng cho bước
đường Thiên Đạo giải thoát theo thuật ngữ Cao Đài. Trần gian là trường học để
các nguyên nhân hay hoá nhân tu dưỡng, trau dồi học hỏi để tấn hóa theo nấc
thang" Bát hồn vận chuyển hóa thành chúng sanh". Khi bước lên phẩm
Nhơn hồn, được làm người phải tiếp tục tu tập học và hành để hoàn thiện Chơn thần
theo nấc thang tấn hóa lên ngôi vị Thần, Thánh, Tiên, Phật.
Trên đường nhập thế, người đệ tử Cao Đài hiểu rõ mục đích
sống của con người là giác ngộ để giải thoát luân hồi. Tu để đạt đến cảnh giới
trở về với Chân Ngã, hiệp nhứt với Thượng Đế là Đức CHÍ TÔN. Cùng lúc ấy sứ mạng
vị tha nhân nên người tín đồ Cao Đài không tu cho riêng mình (độc thiện kỳ
thân) mà phải tạo cho nhân loại được một cảnh hạnh phúc, an lạc nơi trần thế.
"CAO THƯỢNG CHÍ TÔN, ĐẠI ĐẠO HÒA BÌNH DÂN CHỦ MỤC.
ĐÀI TIỀN SÙNG BÁI, TAM KỲ CỘNG HƯỞNG TỰ DO QUYỀN".
Hai câu liễn trước cửa các Thánh Thất đã nói rõ chủ
trương của Đạo Cao Đài hay còn gọi Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ của ĐỨC CHÍ TÔN, nhằm
bước vào cửa Đạo để tạo một xã hội thái bình an lạc, nhân bản. Người tín đồ Cao
Đài tu không phải để mưu cầu lợi ích cá nhân, mà vượt lên những hèn yếu bản
thân, sửa mình theo Giáo luật, Nội Quy của Hội Thánh để hoàn thiện mình và giúp
cho bạn đồng sanh hoàn thiện hơn, góp phần tích cực cho người khác tấn hóa, mở
rộng tình thương yêu giữa con người với con người và cả vạn loại. Bằng vào nhân
cách hoàn thiện của mình qua Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín người tín đồ Cao Đài như
một tấm gương sáng phản ảnh Thánh Hiền để xã hội noi theo. Đó là con đường Nhơn
đạo hay Thế Đạo.
Con đường tu tập của tín đồ Cao Đài là "làm cho tròn
trách nhiệm nặng nề của đứng làm người về bực nhơn phẩm ở cõi trần ai khốn đốn
này..." (TNHT q2).
Quan niệm thế gian là trường thi mà nhơn sanh là những
thí sinh theo từng lớp học để tấn hóa tùy theo căn cơ của mỗi người để Thánh
hoá giải thoát khỏi luân hồi trở về hiệp nhứt với Bản thể Chân Như là khối Đại
Linh Quang của Thượng Đế.
Khả năng giải thoát hiệp nhứt với Thượng Đế còn gọi là phản
bổn hoàn nguyên là một khả năng độc lập, và con người tự quyết định hành động. Điều
kiện là có quyết tâm tu hành để thoát vòng luân hồi sinh tử hay không mà thôi.
Nhắc lại lời Đức CHÍ TÔN trong một bài Thánh Giáo ngày:
Dimanche 19-12-1926 (15-11 Bính dần).
"... Vậy THẦY dặn lại các con, nếu kẻ không tu, làm
đủ phận người công bình chánh trực, khi hồn xuất ra khỏi xác thì cứ theo đẳng cấp
gần trên mà luân hồi lại nữa, thì biết chừng nào đặng hội hiệp cùng THẦY, nên
THẦY cho một quyền rộng rãi, cho cả nhơn loại Càn khôn thế giới nếu biết ngộ kiếp
một đời tu đủ trở về cùng THẦY đặng, mà.... hại thay! mắt THẦY chưa đặng hữu hạnh
hoan lạc thấy đặng kẻ ấy.
Vậy THẦY dặn: Đạo là nơi các con nên quý trọng đó vậy."
(TNHT q2).
Lời tha thiết đầy thương yêu của Đức CHÍ TÔN đã nói như vậy
thì Tu hay không, muốn giải thoát hay không là tùy ở mỗi người như Đức Lý Giáo
Tông Đại Đạo Tam Kỳ đã dạy: " Con người phải Tu. Tu không phải dành riêng
cho những người khoác áo cà sa hay Thiên Phong Chức Sắc, mà tất cả mọi người đều
phải Tu. Biết Tu mới tấn hóa vì nơi trần gian là trường tấn hóa của nhân loại"
(Trích từ Cơ quan Phổ thông Giáo Lý,18-1-Tân Hợi 13-2-1971).
Khi đã xác định được phần tâm linh của mình là nhập môn
vào Đạo để tu, để từng bước tiến hoá trở về con đường Thiêng Liêng Hằng Sống,
thoát vòng luân hồi sinh tử, người tín đồ Cao Đài từng bước thực hiện việc tu hành.
Đã nhập môn trở thành tín đồ Cao Đài nghĩa là Môn đệ của
Đức CHÍ TÔN, mỗi người tùy hoàn cảnh, địa vị, tuổi tác vừa lo tròn bổn phận với
gia đình, xã hội vừa phải dọn tâm hằng ngày qua buổi cúng Tứ thời tại nhà hoặc
những ngày sóc, vọng đến Thánh Thất gặp gỡ bạn Đạo, và các vị Chức Sắc, Chức Việc
để học hỏi truy tầm Giáo lý. Từng bước gần gũi với các Đấng Thiêng liêng qua những
bài Kinh để gột rửa tâm phàm. Qua đó người tín đồ từng bước thực hiện tam lập:
Lập công, Lập đức, và Lập ngôn.
* Lập công: gồm công phu, công quả công trình. Công quả phải mang ý nghĩa làm cho Đạo là phụng sự nhân
sanh, không nên trao đổi với Thần, Thánh, Tiên, Phật là làm để cầu phước
cho mình hay gia đình hoặc để trừ nghiệp chướng ác nghiệt mà mình đã tạo. Khi mình làm công quả với thành tâm thiện chí vì nhơn
sanh mà phục vụ mối Đạo THẦY, không màng để được Thần, Thánh, Tiên, Phật cho gì
hơn vì mình đã nguyện dâng thể xác, trí não và linh hồn cho THẦY, thì công quả
do hành tàng của mình đến đâu tự nhiên sẽ được luật Công bình của Thiên điều chấm
để tự mình giải thoát nghiệp chướng mà thôi. Quan niệm Cao Đài giáo là tự mình tạo phẩm vị cho mình chớ
không ai khác. Đó là tính nhân bản của
Cao Đài.
- Công phu: Ngoài việc thực hiện hành thiện độ đời, người
tín đồ Cao Đài còn có bổn phận theo nghi thức thể pháp hằng ngày là Tứ thời Nhật
tụng, để tâm mình gần gũi với các Đấng Thiêng liêng (có thể một ngày một thời
cúng). Như lời Đức Quan Âm Bồ Tát dạy: "Chào các em, các em phải lo cúng
kiến thường.
* Một là tập cho chơn thần được gần gũi với các Đấng
Thiêng liêng cho đặng sáng lạng.
* Hai là cầu khẩn với Đức Đại Từ Bi tha thứ tội tình cho
các em và chúng sanh.
* Ba là tế lễ thì tâm phải có cảm, cảm rồi mới ứng, ứng
là lẽ tự nhiên.
* Bốn là tâm có cảm thì lòng bác ái mới mở rộng mà nhứt khiếu
lương tri lương năng của các em cũng nhờ đó mà lần hồi thành ra mẫn huệ. Các em
nhớ à!..." (TN HT, q 2). Khi cúi lạy còn mang ý nghĩa hạ mình xuống để trừ
ngã chấp." Sấp mình cúi lạy xin thưa, Ơn Trên Từ Phụ cho chừa tội
khiên" (Kinh khi đi ngủ).
- Công trình là lo tu học, tu thân dưỡng tánh. Sự
học hỏi các Thánh Ngôn Thánh Giáo, Thuyết Đạo của các Đấng Thiêng Liêng là một
biển học bao la. "Đạo Pháp Vô
Biên" mà người tín đồ Cao Đài năng tìm hiểu. Lúc này sự học không phải để tìm kiến thức của tri thức để cầu danh
hám lợi, mà sự học để quán thông nội tâm của mình, quay trở lại với Chân Ngã Vô
vi, Trí Huệ sẽ bừng sáng trên con đường Đạo.
* Lập Đức: Để thể hiện Đạo, người tín đồ Cao Đài lập đức
qua cách sống đối nhân xử thế, hòa nhập vào cuộc thế nhưng hành vi cử chỉ của
người đệ tử Cao Đài luôn thể hiện Đạo lý tình thương. Hoà nhập nhưng không hòa
tan, người Cao Đài đem Đạo vào Đời để nhân sanh cảm nhận hương vị của Đạo, thấy
được lợi ích thiết thực của Đạo cả về mặt xã hội và tâm linh. Đức là một khát vọng
của đời, có sức mạnh cảm hóa nhân sanh.
Lập Đức tức là đạo hạnh của người tín đồ Cao Đài sao cho
thuyết phục được bạn đồng sanh, tác phong hạnh kiểm vì tha nhân chính là hương
thơm của Đạo mà nhân thế cảm nhận được, Đức như đạo vị để thế gian nhận được
qua hành tàng xử thế của người đệ tử Cao Đài qua đời sống hằng ngày từ đó cảm
hóa được nhân sanh.Nói như vậy Đức là đem Đạo vào Đời và đưa Đời trở về Đạo.
Mỗi người đệ tử Cao Đài khi đã hiểu được Đạo và Đức gắn
liền với nhau thì đều cố gắng dùng Đức của Đạo để thực hiện câu "Phổ Độ
chúng sanh" mà chưa cần viết sách luận bàn triết thuyết, ai cũng có thể
làm được. Đó là điều nhân bản đã khai phóng của Cao Đài giáo.
* Lập Ngôn: Trên quan điểm thực hiện tam lập của Cao Đài,
lập ngôn là phần không thể thiếu. Người Cao Đài gọi lập ngôn là mọi người từ
hàng tín đồ mộc mạc đến hàng kiến văn quảng bác đều làm được tùy theo sức của
mình. Nhu câu chuyện của Đức Hộ Pháp dạy: xin phép kể lại theo trí nhớ. Trong một
lần Đức Hộ Pháp nói chuyện với các vị đang làm công quả Phước Thiện, các vị này
hỏi Ngài rằng như chúng con đây học ít, chỉ chuyên làm công quả xây dựng cơ sở
Phước Thiện thì làm sao lập ngôn cho đủ tam lập.
Đức Ngài dạy rằng không phải chỉ có người kiến văn quảng
bác viết sách luận bàn Đạo lý mới thực hành được lập ngôn, như các con đây nói
điều lành, dạy lẫn cho nhau nên hiền, phải cẩn ngôn cẩn trọng không vì đùa giỡn
nói chơi mà tổn đức vì làm bạn tác buồn lòng, lấy lời hòa nhã an ủi bạn khi bạn
có chuyện không hay cũng là lập ngôn. Như vậy mọi người đều thực hiện được tam
lập tùy theo hoàn cảnh sức lực của mình để làm tròn hàng nhơn phẩm. Phải nhớ rằng
còn "bá thiên vạn ức nhơn sanh còn phải trầm luân nơi khổ hải chưa thoát
khỏi luân hồi để lòng từ bi mà độ rỗi."
Nối bước các Bậc Tiền
khai Đạo trên con đường phụng sự nhân sanh, thực hiện câu Ngũ nguyện "Đại
Đạo Hoằng Khai", "Phổ Độ chúng sanh", người đệ tử Cao Đài phải lấy
tâm chí thành đưa Chơn Lý Đạo Trời đến với nhơn sanh, trừ bỏ chấp ngã, lấy lòng
thiên hạ làm lòng mình. Trong công cuộc lâu dài nối tiếp mạch Đạo luân lưu, phần
giáo dục đào tạo lớp kế thừa là mối quan tâm, cần sự hỗ trợ của của các vị Tiền
bối. Câu Kinh "Đạo pháp trường lưu, khai cửu thập nhị tào chi mê muội"
cho chúng ta biết rằng sứ mạng truyền thừa Đạo lý để cứu vớt 92 ức nguyên nhân còn
trầm luân là một dòng luân lưu luôn tuôn chảy qua nhiều thế hệ Cao Đài.
Khi đã thực hiện được phần tam lập, người tín đồ Cao Đài
sẽ từng bước đi vào Thiên Đạo giải thoát. Lời Đức CHÍ TÔN xác quyết "Đạo vẫn
như nhiên do công đức mà đặng đắc đạo cùng chẳng đặng" (TNHT 21-8-1926) hoặc
"THẦY nói cho các con biết, nếu công quả chưa đủ, nhân sự chưa xong thì
không thể nào luyện thành đặng đâu mà mong. Vậy muốn đắc quả thì chỉ có một điều
Phổ Độ chúng sanh mà thôi. Như không làm đặng thế này thì tìm cách khác mà làm
âm chất thì các công phu tu luyện chẳng bao nhiêu cũng có thể đạt địa vị tối
cao" (TNHT ngày 5-3-1927).
Từ những lời dạy của Đức CHÍ TÔN, người đệ tử Cao Đài khi
đã xác định con đường Tu để giải thoát thì phải thực hành tam lập, ba (3) lập
này tương quan với nhau, cùng song hành trong đời sống của người tín đồ Cao
Đài. Tuy nhiên trên con đường tấn hóa cũng đôi khi có những chướng ngại làm
ngăn trở bước đường giải thoát như:
- Chấp ngã: còn xem nặng cái tôi, còn phân biệt đúng, sai,
cái lý nhị nguyên đôi lúc đã là những trở ngại ngăn bước đường tu tập.
- Tham, sân: đây cũng là dây mơ rễ má chằng chịt bà con với
chấp ngã.
Mong rằng khi chúng ta đã nhuần nhuyễn tam lập, thì những
vọng ngã sẽ không còn chỗ nào trong tâm của chúng ta.
Để kết thúc bài viết tiện muội xin gửi đến bài thơ sau đây.
Bước
về
Đường về thăm thẳm nẻo chênh vênh
Theo bước Thánh nhân tránh gập ghềnh
Thỏ lặn ác tà ngày xế bóng
Đông tàn xuân đến phận lênh đênh.
Lôi Âm trống giục mau dồn bước
Bạch Ngọc Chung vang gọi khách trần
Trau tâm sửa tánh thêm bồi đức.
Giữ tròn Nhân Nghĩa bước Đạo lên.
Tiện muội kính chúc Quý Hiền một mùa xuân trường cửu
trong tâm an Đạo sáng.
Kính thân, cuối đông 20-12-2021.
* Lê Thị Ngọc Vân. (18-11 Tân Sửu)
NỐI BƯỚC. N°I [1] [2] [3] [4] [5] [6] [7] [8] [9] [10] [11] [12] [13] [14] [15] [16] [17]