TNHT, Q1.
THÁNH NGÔN
Ðại-Ðàn Cầu-Kho Ngày: 5 Mars, 1927.
“Trong các con có nhiều đứa lầm tưởng hễ vào Ðạo thì phải phế hết nhơn sự;
nên chúng nó ngày đêm mơ tưởng một đều rất thấp thỏi là vào một chỗ u-nhàn mà ẩn-thân
luyện Ðạo. Thầy nói cho các con biết: nếu công quả chưa đủ, nhơn sự chưa xong,
thì không thể nào các con luyện thành đặng đâu mà mong. Vậy muốn đắc quả thì chỉ
có một điều phổ-độ chúng-sanh mà thôi. Như không làm đặng thế nầy, thì tìm cách
khác mà làm âm-chất, thì cái công tu luyện chẳng bao nhiêu cũng có thể đạt địa
vị tối cao. Các con phải hiểu Thánh-Ý Thầy mà trau dồi chí lớn. Dầu đi lối nào
cũng phải cần cái đèn thiêng-liêng chiếu rõ mới đặng vững bước. Làm vua, làm thầy,
làm công nghệ, làm đạo-sĩ cũng cần phải có chí lớn mới mong thành tựu đặng. Các
nghề dưới thế không có nghề nào là vô dụng mà vô dụng là tại người không chuyên
vậy.
Chư Ái-Nữ ôi! Các con thường để mắt dòm lên thấy kẻ cao sang thì các con
cho rằng các con vô phước; còn nhìn xuống thấy đồng chủng thấp hèn thì các con
lại đem lòng khi bạc. Ấy là một điều Vô Ðạo. Thầy khuyên các con phải mở rộng
trí ra mà thương nhơn loại, thì mới hạp ý Thầy. Các con phải giữ gìn đức hạnh,
đối với kẻ trên bằng chữ khiêm hòa, đối với kẻ dưới bằng chữ khoan dung. Nghe
các con!
Nam-phái... Chư Môn-đệ mới! Các con nghe.
Bấy lâu vì lẽ công bình Thiên-Ðạo nên các con chịu lắm điều đau đớn mà cũng
vì không biết tu luyện cái chí cao thượng của Thầy ban cho, cứ một lối thấp hèn
quanh quẩn chẳng cho trí não ra khỏi vòng mờ tối, cho nên bước đường hóa nên trở
ngại mà lâu tấn bộ. Vậy từ đây các con đã nhập-môn thì phải để ý vào đường
Chánh-Giáo mà cùng nhau bước tới cho khỏi lối chông gai. Các con đừng vì tư lợi
mà làm mất nhơn cách thì rất uổng cái điểm linh quang của Thầy để vào xác thân
của các con lắm. Các con nghe à.”
PHẦN LUẬN GIẢNG
Thánh Ngôn: “Trong các con có nhiều đứa lầm tưởng hễ vào Ðạo thì phải phế hết
nhơn sự; nên chúng nó ngày đêm mơ tưởng một đều rất thấp thỏi là vào một chỗ
u-nhàn mà ẩn-thân luyện Ðạo. Thầy nói cho các con biết: nếu công quả chưa đủ,
nhơn sự chưa xong, thì không thể nào các con luyện thành đặng đâu mà mong. Vậy
muốn đắc quả thì chỉ có một điều phổ-độ chúng-sanh mà thôi”
Luận: Nhơn sự là gì: Nhơn là người. Sự là việc.
Nhơn sự là công việc của con người, ý nói các nhiệm vụ của con người đối với
gia đình và xã hội, tức là Nhơn đạo vậy. Phế hết nhơn sự nghĩa là không làm
tròn bổn phận của một con người. Trong Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Chí Tôn dùng Nho Tông
chuyển thể nghĩa là dùng giáo lý của Đạo Khổng để dạy con người cách tu thân, cách đối xử với người trong gia
đình và cách làm tròn trách nhiệm của một con người như: làm con, làm chồng vợ,
làm cha mẹ, làm công nhân, làm công dân, v.v. Muốn thay đổi xã hội (hay chuyển
thế) cho được thanh bình, ấm no, hạnh phúc thì trước tiên phải thay đổi bản
thân ta và gia đình ta trước, vì gia đình là nền tảng căn bản của xã hội. Trước
tiên, ta phải tu thân nghĩa là cố gắng học hỏi cả việc Đời lẫn giáo lý Đạo để
hiểu biết chuyện nên làm và chuyện không nên làm. Kế đến, là sửa đổi tâm tánh
cho đặng hiền lành, đạo đức. Sau cùng, là sử dụng tài đức của mình để phổ độ
chúng sanh.
Người tu nếu làm người chưa xong thì luyện Đạo để thành Thần, Thánh, Tiên,
Phật làm sao đặng. Đạo Cao Đài dạy: nếu muốn đắc Đạo thì phải làm tròn Nhơn Đạo
và lập công quả để phổ độ chúng sanh. Phải làm tròn cả hai, không thể thiếu một
trong hai. Phổ độ chúng sanh là thấy ai khổ thì mình giúp, người thiếu tiền thì
mình giúp tiền, người thiếu tình thương thì mình an ủi, người ít hiểu Đạo thì
mình giảng Đạo, người cô thế thì mình che chở, người bệnh thì mình tụng kinh cầu
an, người mất thì mình làm tang lễ, làm tuần cửu, cần nguyện cho linh hồn người
quá cố được sớm siêu thoát. Thánh Thất cần người làm công quả thì mình đến lập
công với Thầy. Thế giới không nhìn nhận nhơn loại là con chung một Cha, các tôn
giáo cùng một gốc là Đức Chí Tôn mà phát sinh ra thì ta đi truyền bá giáo lý Đại
Đồng của Đạo Cao Đài nơi các đại hội tôn giáo thế giới để thức tỉnh nhơn loại.
Đạo Cao Đài tuy có Tịnh Thất để dạy về luyện Đạo nhưng việc luyện Đạo chỉ để
dành cho những Chức Sắc đã dày công hành Đạo và đã làm tròn Tam Lập (Lập Công,
Lập Đức, Lập Ngôn). Việc phổ độ nhơn sanh để giúp nhơn sanh diệt khổ vẫn là cứu
cánh tối thượng của Đạo Cao Đài và là mục tiêu thiết yếu của người tu theo Đạo
Cao Đài, như lời dạy của Đức Chí Tôn trong bài Thánh Giáo ở trên.
Trong xã hội hiện nay con người rất đa đoan và bận rộn trong nhiều công việc
của công ty và gia đình. Làm tròn những trách nhiệm của một con người và còn phải
lo phổ độ chúng sanh cùng một lúc là một thử thách lớn. Nhưng thử thách lớn
không có nghĩa là ta không thực hiện được. Nếu chúng ta biết cách sắp xếp chuyện
nhà, chuyện Đạo thì cũng sẽ hoàn thành cả hai một cách tốt đẹp. Lấy một thí dụ:
trong một tuần ta dành 6 ngày để lo chuyện công ty và gia đình và một ngày chủ
nhật để đi cúng hay làm công quả ở Thánh Thất thì một năm chúng ta cũng thực hiện
được 52 công quả (một năm có khoảng 52 tuần). Chưa kể là mỗi năm ta có 10 ngày
lễ và hai tuần nghĩ việc, nếu ta dành một nửa thời gian lo cho Đạo cũng đạt được
công quả rất đáng kể.
Thánh Ngôn: “Các con phải hiểu Thánh-Ý Thầy mà trau dồi chí lớn. Dầu đi lối
nào cũng phải cần cái đèn thiêng-liêng chiếu rõ mới đặng vững bước. Làm vua,
làm thầy, làm công nghệ, làm đạo-sĩ cũng cần phải có chí lớn mới mong thành tựu
đặng. Các nghề dưới thế không có nghề nào là vô dụng mà vô dụng là tại người không
chuyên vậy”
Luận: Trên thế gian này ai cũng cố gắng học hỏi để tạo cho mình một cái nghề
để sống. Trong câu Thánh Ngôn trên Đức Chí Tôn dạy: “Các nghề dưới thế không có
nghề nào là vô dụng mà vô dụng là tại người không chuyên vậy”. Cao dao Việt Nam
cũng có câu: “Nhứt nghệ tinh, nhứt thân vinh” có thể hiểu là khi ta có một nghề
mà đã đạt đến trình độ tinh thông thì sẽ đạt được những thành công và vinh
quang. Như vậy, nếu nghề ta chọn là công nhân của một công ty, hay công nhân phục
vụ khách hàng, hay ở nhà làm vợ, làm mẹ, tất cả nghề này đều cao quý cả. Tuy
nhiên, Đức Chí Tôn cũng dạy dù ta làm nghề nào cũng: “phải cần cái đèn
thiêng-liêng chiếu rõ mới đặng vững bước”. Đèn thiêng liêng đây có thể hiểu là
ánh sáng của Lương Tâm để hướng dẫn ta làm việc thiện, việc đạo đức. Làm nghề
nào cũng vậy nếu chúng ta gian tham trộm cắp thì sớm muộn gì cũng sẽ phải bị sa
thải. Nếu ta không chuyên cần trau dồi nghề nghiệp cho tinh thông thì sớm muộn
gì cũng sẽ bị đào thải. Người tu sĩ nếu không học hỏi giáo lý, không tu tâm sửa
tánh, vẫn còn hành xử theo bản năng thì suốt đời cũng không đạt được trí tuệ
hay giác ngộ. Câu Thánh Ngôn trên cũng nhắc nhở ta là không nên mặc cảm những
nghề mình đã chọn dù xã hội không đánh giá cao hay tiền lương quá ít ỏi. Người
tu theo Đạo Cao Đài thường ít chuộng vật chất, an vui với cảnh bần hàn, chay lạt,
lấy việc phụng sự nhơn sanh và lập công là chánh, làm niềm vui trong cuộc sống.
Thánh Ngôn: Chư Ái-Nữ ôi! Các con thường để mắt dòm lên thấy kẻ cao sang
thì các con cho rằng các con vô phước; còn nhìn xuống thấy đồng chủng thấp hèn
thì các con lại đem lòng khi bạc. Ấy là một điều Vô Ðạo. Thầy khuyên các con phải
mở rộng trí ra mà thương nhơn loại, thì mới hạp ý Thầy. Các con phải giữ gìn đức
hạnh, đối với kẻ trên bằng chữ khiêm hòa, đối với kẻ dưới bằng chữ khoan dung.
Nghe các con!
Luận: Trong chúng ta vẫn có số ít người thường mang tâm trạng mặc cảm thấp
kém khi tiếp xúc với người trí thức hay giàu sang hơn mình. Ta thường hay tủi
thân khi cha mẹ, con cái của mình thua kém người khác. Tệ hơn nữa, ta thường có
ý coi thường những người ít học, người tật nguyền, người xấu xí hay người thấp
kém hơn mình. Đức Chí Tôn gọi những hành động này là “vô Đạo”, tức là không hiểu
Đạo. Người hiểu Đạo đều hiểu rằng tất cả chúng sanh là anh chị em của mình. Nếu
anh chị em mình có người giàu sang, trí thức hơn ta thì ta lại càng vui hơn vì
gia đình mình có phước đức lớn. Nếu trong anh chị em mình nếu lỡ có ai gây những
nghiệp xấu trong kiếp trước nên kiếp này phải thua kém người khác thì ta cũng
nên mừng giùm vì họ có cơ hội lấy công chuộc tội, kiếp sau sẽ tốt đẹp hơn. Đức
Chí Tôn cũng dạy: “Buổi lập Thánh Đạo, Thầy đến độ rỗi kẻ có tội lỗi. Nếu đời
không tội lỗi, đâu nhọc đến công Thầy. Ấy vậy, các con ráng độ kẻ tội lỗi”.
Đức Hộ Pháp cũng đã từng giảng về tình thương yêu của Đức Phật Mẫu đối với
những người con thấp hèn như sau: “Bần đạo dám quả quyết nơi Đền Thờ của Đại Từ
Mẫu của chúng ta, Bà không kể con cái sang trọng của Bà đâu, trái ngược lại, Bà
lại thượng yêu binh vực những đứa con nào nó thiệt thà hèn yếu hơn hết”. Hiểu
được vậy, khi tiếp xúc với người ngoài Đời hay trong cửa Đạo chúng ta không mặc
cảm cũng như không coi thường bất cứ ai dù là người già yếu, thất học hay nhỏ
tuổi. Nếu cần phải so sánh giữa người và người thì ta nên chú trọng đến hai phẩm
chất chính là: đức tin và sự khôn ngoan (hay trí tuệ) như trong Phương Luyện Kỹ
của Đức Hộ Pháp: “Đức-tin và khôn-ngoan là kho chí bữu, ngoài ra là của bỏ, là
đồ vô gía”. Người không có đức tin thì không tin tưởng vào những lời dạy của Trời
Phật, chẳng sợ luân hồi, nhân quả, chỉ biết hành xử theo bản năng mà thôi. Người
không có sự khôn ngoan (hay trí tuệ) thì không biết những chuyện đạo đức để làm
và những chuyện không đạo đức cần phải tránh xa.
Thánh Ngôn: “Bấy lâu vì lẽ công bình Thiên-Ðạo nên các con chịu lắm điều
đau đớn mà cũng vì không biết tu luyện cái chí cao thượng của Thầy ban cho, cứ
một lối thấp hèn quanh quẩn chẳng cho trí não ra khỏi vòng mờ tối, cho nên bước
đường hóa nên trở ngại mà lâu tấn bộ. Vậy từ đây các con đã nhâp-môn thì phải để
ý vào đường Chánh-Giáo mà cùng nhau bước tới cho khỏi lối chông gai. Các con đừng
vì tư lợi mà làm mất nhơn cách thì rất uổng cái điểm linh quang của Thầy để vào
xác thân của các con lắm. Các con nghe à”
Luận: Đức Chí Tôn dạy chúng ta phải nương theo Chánh Giáo để luyện chí cao
thượng. Chánh Giáo của Đức Chí Tôn dạy: “Đạo là đường của các nhơn phẩm, do
theo mà lánh khỏi luân hồi”. Người có chí cao thượng là người quyết tâm lo tu
hành để tránh xa cửa luân hồi sanh tử.
Muốn tránh xa luân hồi thì ta không tạo nghiệp ác để không phải tái kiếp
để trả quả và thường xuyên tụng kinh, ăn năn sám hối, cầu khẩn Đức Chí Tôn tha
thứ tội lỗi của mình trong những kiếp trước. Muốn không tạo nghiệp ác thì ta cần
phải biết cách diệt những ham muốn bất chánh và còn phải làm chủ được tình cảm
của mình, nghĩa là không buồn, không giận, không sợ, không lo. Buồn, giận, sợ
và lo sẽ làm Tâm ta bấn loạn, mất bình tỉnh, lý trí thiếu sáng suốt khiến hành
động và lời nói của ta thiếu đạo đức, dễ gây ra nghiệp ác.
Trong câu Thánh Giáo trên Đức Chí Tôn cũng dạy: “đừng vì tư lợi mà làm mất
nhơn cách”. Tư lợi nghĩa là chỉ nghĩ đến quyền lợi riêng tư của mình mà quên đi
quyền lợi của người khác. Trong cuộc tranh đua để sống ở ngoài Đời hay tranh
đua lập công trong cửa Đạo vì tư lợi mà con người thường dùng những thủ đoạn để
hại người khác, làm mất đi nhơn cách của một con người. Làm người mà mất đi
nhơn cách của con người thì kiếp sau làm sao có cơ hội để được làm người. Ta
may mắn kiếp này được làm người, được làm môn đệ của Đấng Cao Đài thì chúng ta
phải cố gắng lập chí để trở thành Thần, Thánh, Tiên, Phật. Chúng ta đừng vì tư
lợi làm mất nhơn cách của mình, để kiếp sau phải bị đọa làm thú cầm thì biết chừng
nào mới được tái kiếp, chừng nào mới gặp lại Đạo Cao Đài.
Đức Chí Tôn ban cho ta điểm Linh Quang là giúp ta có linh hồn, có cuộc sống
trên cõi thế gian, có sự hiểu biết hơn muôn vật, để giúp ta tu học và lập công
quả. Đức Chí Tôn còn ngự nơi Lương Tâm của ta để hằng ngày dạy dỗ ta làm điều
lành, suy nghĩ điều thiện, khắc phục được những ham muốn và những tình cảm bất
chánh. Đức Chí Tôn thương chúng sanh vô lượng vô biên. Ngài khai Tam Kỳ Phổ Độ
để đại khai ân xá những lỗi lầm của ta trong tiền kiếp trước. Ngài ban Thánh
Ngôn để chỉ ta cách tu hành là phổ độ chúng sanh để ta có thể đắc Đạo trong một
kiếp sanh. Ngài ban Tân Luật để chúng ta biết Thiên Điều mà không phạm vào.
Ngài ban cho ngũ cốc để chúng ta dùng để không phải giết hại thú cầm, tránh tội
sát sanh.
Kết luận: Bài Thánh Ngôn trên Đức Chí Tôn dạy chúng ta những điểm chánh sau
đây: Thứ nhất, muốn đoạt Đạo trong Tam Kỳ Phổ Độ thì phải lo phổ độ chúng sanh
chứ không phải tìm nơi an nhàn để luyện Đạo. Thứ nhì, nghề nào dưới thế gian
này cũng đều tốt miễn là những nghề này không phạm luật Đời và luật Đạo. Quan
trọng là ta cần phải biết trau dồi nghề nghiệp cho mỗi ngày càng tinh thông
hơn. Thứ ba, tất cả chúng sanh là anh chị em của mình, người tốt hơn mình thì
mình mừng giùm cho họ, người thấp hơn mình thì mình tìm cách giúp đỡ. Người hiểu
Đạo thì không phân biệt giàu nghèo, sang hèn. Thứ tư, ta cần phải lập chí lớn để
không uổng một kiếp sanh mà Đức Chí Tôn ban thưởng cho mình. Thứ năm, không gì
tư lợi mà làm mất đi nhân cách của con người.
* Từ
Nguyên (Oregon)
(17/12/2021)
NỐI BƯỚC. N°I [1] [2] [3] [4] [5] [6] [7] [8] [9] [10] [11] [12] [13] [14] [15] [16] [17]