-Đức Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt qui thiên vào ngày 13-10-năm Giáp
Tuất (19-11-1934), đến ngày 26-10-Giáp Tuất liên đài nhập bửu tháp. Cũng cùng
ngày nầy, Hội Thánh lưỡng đài họp đồng lòng giao quyền hành của Đức Quyền Giáo
Tông cho Đức Hộ Pháp. Sau đó Đức Lý cũng đồng ý giao cho ĐHP Chưởng Quản Nhị Hữu Hình Đài qua bài thi khoán
thủ:
Hộ giá Chí Tôn trước đến
giờ,
- Đức Lý Giáo Tông còn xác nhận lại một lần nữa vào ngày 18-10-Át hợi
(13-11-1935, TNHT, Q 2).
"...Hộ Pháp bạch: Thiên thơ đã đổi, đệ tử xin giao quyền hành của Quyền
Giáo Tông lại cho Ngài đặng Ngài đủ oai quyền cầm Thiên thơ vững chặc.
Cười Lão e cho, một là Lão đã cho, không lẽ lấy lại, hai là hành pháp thì dễ,
hành hình thì khó, không có nữa quyền trị thế của Lão nơi tay thì Hộ Pháp có thể
nào điều hành Hội Thánh cho đặng. Ấy vậy cứ để y".
- Đàn cơ ngày Rằm tháng 2 Ất Hợi (19-3-1935) : ĐHP cầu Đức Lý phong
thưởng cho một số vị đã dày công với Đạo mà từ trước đến giờ chưa được phong
thưởng.
Đợt cầu phong nầy gồm 1 vị thăng phẩm Phối Sư, 25 vị thăng phẩm Giáo Hữu,
126 vị thăng phẩm Lễ sanh, trong đó có 1 vị Phạm Môn thăng phẩm Giáo Hữu
và 29 vị thăng phẩm Lễ Sanh Thiện. Sau đó Đức Hộ Pháp lựa chọn 20 vị Lễ Sanh
Giáo Thiện bổ đi làm Đầu Họ Đạo Phước Thiện thuộc 20 Họ Đạo Nam Kỳ. Chính mình
Đức Hộ Pháp đứng ra dạy các vị nầy về kinh kệ, hiến lễ, cách giao tiếp trong
Đạo và ngoài Đạo,...
Sau khi cầu phong cho các vị công quả Phạm Môn vào hàng Lễ Sanh Giáo Thiện
(chỉ có ông Trịnh Phong Cương được phẩm Giáo Hữu), Đức Hộ Pháp định bổ mỗi vị
lãnh trách nhậm làm Đầu Họ Phước Thiện một tỉnh. Như vậy,
Đức Hộ Pháp đã khai mở CQPT kể từ ngày nay (15–2–Ất Hợi).
Phạm Môn đã bị Chánh Quyền Pháp đóng cửa nên biến thành CQPT khắp cả các địa
phương. Đức Hộ Pháp chọn 20 vị Lễ Sanh Giáo Thiện để bổ đị làm Đầu Họ Phước Thiện
20 tỉnh trong Nam Kỳ, rồi dạy bắt thăm, hễ ai trúng đâu thì đi đó. Đức Hộ Pháp
lại ban cho những vị được cầu phong mỗi vị có một đạo hiệu riêng...
Tuy nhiên phải đợi đến 1938 với Đạo Luật Mậu Dần, ấn định Thập nhị đẳng cầp
thiêng liêng thì Cơ Quan Phước Thiện mới chính thức ra đời...
- Tiếp theo là Đàn cơ ngày 16 tháng 2 Ất Hợi (20-3-1935):
Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn về cơ dạy rằng Ngài được Thánh Chỉ Đức Chí Tôn đến
lập ra 7 phẩm chức sắc cấp thấp của Hiệp Thiên Đài từ Sĩ Tải đến Tiếp Dẫn Đạo
Nhơn. Đồng thời Ngài phong cho ông Huỳnh Hữu Lợi và 5 vị nữa làm Sĩ Tải Hiệp
Thiên Đài. Đây là 6 vị chức sắc cấp dưới đầu tiên của Hiệp Thiên Đài...
Và cũng mở đầu cho việc lập nên Cơ quan Tòa Đạo trong Đạo Luật Mậu Dần
1938. Sau nầy Tòa Đạo đổi tên thành Pháp Chánh...
Đến ngày 11-7-1936, Đức Hộ Pháp ban hành sắc lệnh lập thêm phẩm Luật Sự dưới
phẩm Sĩ Tải...
- Ngày mùng 7 tháng 4 Ất Hợi (9-5-1935).
Ban Chỉnh Đạo Bến Tre làm lễ đăng điện cho ông Nguyễn Ngọc Tương lên ngôi
Giáo Tông nơi Thánh Thất An Hội Bến Tre, tức là trở thành một chi phái...
- Theo một Sắc lịnh của ĐHP ngày 12-4-Ất Hợi (145 -1935) Toàn quyền Robin
cho Đạo Cao Đài được tự do tín ngưỡng, tự do cúng kiếng…Đây là thời kỳ thuận lợi
để phát triển Đạo…
- Từ ngày 23-7 đến 4-8-Ất Hợi (1-9-1935) Các Đấng giáng cơ ban cho Kinh Tận
Độ vong linh, đó là kinh Thiên Đạo tức là Tân Kinh của ĐĐTKPĐ, còn kinh Thế Đạo
Bà Đoàn Thị Điểm giáng cơ ban cho kể từ ngày 17-1-Bính Tý (1936).
- Ngày 1-11-Bính Tý (14-12-1936): Đức Hộ Pháp làm lễ khởi
công xây dựng Tòa Thánh.
Ngài Khai Pháp Trần Duy Nghĩa, Chưỏng quản PT dạy các vị Đầu Họ PT trong 20
tỉnh Nam Kỳ tổ chức các sở Lương điền, Công nghệ, Thương mãi, phải dành hoa lợi
gởi về Tòa Thánh để giúp lương thực cho các công thợ xây cất, đồng thời chiêu mộ
các công quả có tay nghề xây dựng: Thợ hồ, thợ mộc, thợ cưa,. thợ sắt, thợ đắp
vẽ, vv... đưa về Tòa Thánh, nhập với số công quả nơi Tòa Thánh, tổng cộng được
500 công quả nam và nữ làm việc thường xuyên.
2 - Sự hình thành Đạo Luật Mậu Dần (1938).
Sau khi một số chức sắc ly khai khỏi Tòa Thánh thành lập các chi phái, từ
năm 1935 ĐHP đã xin cầu phong thêm chức sắc CTĐ. biến đổi cơ quan Phạm Môn ra
Phước Thiện, lập thành 12 đẳng cấp chức sắc của Cơ Quan Phước Thiện. Đức Nguyệt
Tâm Chơn Nhơn lập thêm 7 cấp chức sắc cấp thấp của HTĐ.
Đến đầu năm Mậu Dần (1938) Đạo Luật Mậu Dần thành hình với 4 cơ quan là
Hành Chánh, Phước Thiện , Tòa Đạo và Phổ Tế,...
Đạo Luật Mậu Dần được thành hình qua 2 kỳ họp của cả chư chức sắc lưỡng
đài.
- Kỳ họp thứ nhứt: vào ngày mùng 9 tháng Giâng Mậu Dần, ĐHP giải thích nhiệm
vụ của 4 cơ quan và dạy các vị chức sắc HTĐ họp nhau soạn thảo các điều luật và
phương pháp thật hành cho mỗi cơ quan.
- Kỳ họp thứ hai nhóm vào ngày 14 và 15 tháng Giêng Mậu Dần: Chức sắc mỗi
cơ quan bàn thảo bỏ thăm công nhận . Cuối cùng Bộ Luật được thành hình với sự
phê chuẩn của Đức Hộ Pháp.
3 - Sơ qua một số điểm nổi bật trong Đạo Luật Mậu Dần:
Hiện nay trong nền Chánh Trị Đạo của Đức Chí Tôn có 4 cơ quan là:
Hành Chánh, Phước Thiện,Tòa Đạo, Phổ Tế.
HÀNH CHÁNH là cơ quan để thi hành các luật lịnh của Hội Thánh hoặc của
chúng sanh dâng lên mà đã có Quyền Chí Tôn phê chuẩn, nghĩa là buộc chúng sanh
phải tuân y Luật Pháp mà đi trên con đường Đạo Đức cho đặng thong dong, hòa
bình, trật tự, hạnh phúc, an nhàn, tức là thật hành cả khuôn viên luật pháp cho
ra thiệt tướng.
PHƯỚC THIỆN là cơ quan bảo tồn sanh chúng trên đường sanh hoạt nuôi sống
thi hài, tức là cơ quan giải khổ cho chúng sanh, tầm phương bảo bọc những kẻ tật
nguyền, cô độc, dốt nát, ít oi, hoặc giúp tay cho bên hành chánh thi hành Luật
Pháp cho đặng dễ dàng trọn vẹn.
TÒA ĐẠO là cơ quan bảo thủ Chơn Truyền, gìn giữ Luật Pháp, chăm nom
chư Chức Sắc, Chức Việc và Đạo Hữu thi hành phận sự, chở che những kẻ yếu tha,
bênh vực những người cô thế, hoặc tiếp cả sự uất ức bất công của toàn sanh
chúng, tức là giữ nét công bình trên mặt Đạo; lại cũng là một cơ quan giúp cho
Hành Chánh, Phước Thiện và Phổ Tế thêm oai quyền mạnh mẻ, tôn nghiêm đặc sắc.
PHỔ TẾ là cơ quan để cứu vớt hoặc độ rỗi những người lạc bước thối
tâm, cùng an ủi khuyên lơn những kẻ đã bị luật pháp buộc ràng mà phế vong phận
sự, hay là độ rỗi những kẻ hữu tâm tầm Đạo.
Tổng hợp 4 cơ quan nầy lại gọi là toàn thể Chánh Trị Đạo.
A
- Hành Chánh:
- Chiếu theo Thánh Giáo của Đức Chưởng
Đạo Nguyệt Tâm Chơn Nhơn, thì Chánh Trị Sự phải có 5 năm công nghiệp đầy đủ với
chức trách của mình, sau nữa phải có tờ kiết chứng công nghiệp, tờ tánh hạnh,
trường trai, đạo đức, đủ tư cách và phải độ đặng 300 người nhập môn (chẳng kể số
Đạo Hữu của cựu Chánh Trị Sự đã độ đặng) thì mới đặng đem vào sổ cầu phong.
- Ngoài ra, nếu còn vị nào có công nghiệp vĩ đại mà có đủ bằng cớ và chiếm
đặng lòng tín nhiệm của chúng sanh đồng dâng lên, hoặc công chúng hoan nghinh,
thì cũng đặng dự vào sổ cầu phong, nhưng buộc phải là người có chơn trong Đạo.
- Mỗi vị Chức Sắc đã đủ 5 năm công nghiệp và xứng đáng với chức trách của
mình, mới đặng đệ ra Quyền Vạn Linh công nhận.
- Nếu những vị nào dưới 5 năm công nghiệp mà có lập đặng đại công, toàn
công chúng đều hoan nghinh và Tòa Đạo minh tra đủ lẽ, thì sẽ đặng đệ lên Quyền
Chí Tôn cầu xin thăng thưởng. (Thăng thưởng về công nghiệp phi thường thì duy
có Quyền Chí Tôn mới ban cho đặng mà thôi).
- Trong một năm là 24 kỳ Đàn, mà những con cái biếng nhác của Đức Chí-Tôn
không đến thăm viếng Người ít nữa là 20 kỳ Đàn, thì Hội Thánh sẽ không ngó
ngàng đến nữa, dầu cho trong đường Đời hay là trong đường Đạo của họ cũng vậy.
Nếu như có bận việc chi phải buộc mình vắng mặt, thì phải có tờ giấy Chức Sắc
Thiên Phong vi chứng mới đặng.
- Hội Thánh phải tạo Đền Thờ của Đức Chí-Tôn đặng làm nền móng sự tín ngưởng
của cả Chúng Sanh, vì Đạo do nơi đó mà xuất hiện.Vậy thì dầu cho phải hao tổn,
khổ nhọc bao nhiêu mà còn có một năm nữa là đoạt thành hy vọng, thì xin toàn Đạo
cũng vì mục đích cao thượng ấy, để cả đức tin vào đặng tạo lập Toà Thánh trong
một năm nữa cho hoàn tất, hầu thiết lễ khánh thành trong năm nay, là năm Kỷ Niệm
Khai Đạo và cũng là năm đáo ngươn hội 12 con giáp Đức Chí Tôn lập thành Đại Đạo.
Vậy thì làm thế nào ngày Rằm tháng 10 năm Mậu Dần nầy cũng phải đem quả Càn
Khôn vào Bát Quái Đài mới đặng.
- Mỗi vị Đạo Hữu Nam Nữ phải giúp cho Hội Thánh 5 ngày công quả đặng tu tạo
Đền Thờ Đức Chí Tôn và các dinh thự.
- Phải lập Hạnh Đường nơi Tòa Thánh và Văn Phòng Đầu Tỉnh Đạo đặng giáo hóa
Chức Sắc Thiên Phong và Chức Việc, cùng lập Học Đường đặng dạy dỗ trẻ em cho rõ
thông chữ nghĩa và kinh kệ. Các Thánh Thất đều phải có Học Đường. Mỗi năm mở
khoa mục khảo dượt một lần đặng ban cấp bằng hay là giấy chứng nhận cho những vị
thi đỗ. Một hạng được hưởng học bổng (boursiers) là con của Chức Sắc Thiên
Phong đương quyền hành chánh, những trẻ em mồ côi, hoặc con của Đạo hiến thân
trọn vẹn.
- Toàn Đạo Nam Nữ đồng công nhận và tín nhiệm Quyền Thống Nhứt của Đức Hộ-Pháp
cho đến ngày có Giáo-Tông ra mặt.
- Toàn Đạo Nam Nữ giao Quyền Chánh Trị Đạo cho Quyền Thống Nhứt cầm cho đến
ngày có Đầu Sư Nam Nữ chánh vị.
- (*) Phụ chú: Bản cũ ấn bản năm Nhâm Thìn 1952
có phần sau đây:
Những Khoản Thêm Vào Bộ Đạo Luật và Ban Hành Kể Từ Ngày Hôm Nay:
1 - Thủ tiêu 2 chữ Tuyệt Dục trong Tân Luật.
2 - Rộng ơn cho thỏa lời ước vọng của nhơn sanh, là để tự do cho hàng Lễ
Sanh giữ trai tâm bao nhiêu tùy ý, song chẳng đặng dưới 10 ngày.
3 - Truất quyền dự Hội Nhơn Sanh, quyền Hành Chánh và quyền Hành Pháp cho
những vị Lễ Sanh nào chưa trường trai.
4 - Cho tự do vợ chồng của Chức Sắc muốn theo cùng nhau cũng đặng, nhưng
thuộc về phần Đời mà thôi, chớ chẳng dính dấp chi với Đạo, vì Chúng Sanh duy biết
nuôi người thay mặt Chí Tôn, chứ chưa hề biết nuôi vợ chồng của vị Chức Sắc nào
cả.
5 - Vị Chức Sắc Thiên Phong Nam Phái nào có vợ con nghèo nàn, nhỏ dại thì Hội
Thánh sẽ định cho 1 số tiền cứu giúp hằng niên, khi đã minh tra đủ bằng cớ rằng
vợ con của vị ấy không gia thế không phương làm, bần hàn, đói khó.
6 - Còn bên Chức Sắc Nữ Phái thì Hội Thánh không có định cấp dưỡng cho chồng
con chi hết, vì chẳng lẽ người chồng nuôi con không nổi, bất tài đến đổi phải
nhờ vợ.
7 - Nếu như vị Chức Sắc Nữ Phái nào rủi góa bụa mà con còn thơ dại, khi đã
minh tra đủ lẽ thì Hội Thánh sẽ định 1 phần cấp dưỡng nuôi con.
B
- PHƯỚC THIỆN.
Luật tuyển chọn và thăng thưởng:
Bất luận Nam hay Nữ, ai ai cũng đặng dưới quyền tuyển chọn vào Phước Thiện
của Đạo, hoặc người có Đạo, hoặc người chưa có Đạo, muốn vào Phước Thiện thì phải
lập tờ hiến thân trọn đời, xin làm công quả cho cơ sở Phước Thiện. Người nào mới
nhập vào Phước Thiện cũng phải khởi đầu làm công quả theo hạng Minh Đức.
Bậc Minh Đức muốn lên bậc Tân Dân phải có 3 năm công nghiệp đầy đủ với chức
trách, phải có tờ kiết chứng công nghiệp, tờ khai tánh đức tốt, trường trai và
tư cách xứng đáng mới đặng dự vào sổ cầu phong.
Người nào nhập vào Phước Thiện đều phải do đẳng cấp y theo trên đây mà hành
sự, phải có đủ 3 năm công nghiệp Minh Đức mới đặng cầu thăng thưởng lên bậc Tân
Dân. Tân Dân phải có đủ 3 năm công nghiệp mới đặng lên Thính Thiện, v...v...
Bậc Hành Thiện mà muốn lên Giáo Thiện thì ngoài ra luật 3 năm công nghiệp,
còn phải nuôi dưỡng đủ 12 gia tộc mới đặng.
Mỗi đẳng cấp phải có đủ 3 năm hành thiện mới mong bước qua đẳng cấp khác.
Ngoại trừ ra ai có đại công mà có đủ bằng cớ và chiếm đặng lòng tín nhiệm của
sanh chúng dâng lên thì cũng đặng dự sổ cầu phong. Những vị nào để hết tâm vì Đạo
mà phải chịu khổ hạnh hoặc bị tù tội ngục hình cũng đặng dự vào sổ cầu phong
ngoài luật đã định.
Quyền phong thưởng Chức Sắc Phước Thiện hay là buộc tội Chức Sắc ấy thì về
quyền đặc biệt của Đức Hộ Pháp mà thôi.
Tổ chức địa phương:
Mỗi Quận Đạo phải lập ra một nhà sở Phước Thiện chánh thức, nơi nhà sở ấy mới
đặng phép hội hiệp lo thương lượng làm ăn thuộc về Phước Thiện.
Mỗi Làng Đạo phải khai mở nhiều sở lương điền công nghệ, thương mãi. Các sở
Lương điền, Công nghệ, Thương mãi ấy phải chịu dưới quyền của sở Phước Thiện
chánh.
Nơi mỗi nhà sở Phước Thiện chánh phải lập một cơ quan thiết dụng như là:
Bảo sanh viện, y viện, ấu trỉ viện,dưỡng lão đường, học viện,…
Mỗi sở lương điền công nghệ phải có 1 vị Chủ Sở làm đầu. Vị nào muốn đặng
chọn cử làm Chủ Sở thì phải là hạng Hành Thiện mới đặng.
Mỗi nhà Sở Phước Thiện trong Quận Đạo phải cử ra 1 Bàn Cai Quản để lãnh
trách nhiệm Chủ Trưởng nhà sở ấy. Mỗi Bàn Cai Quản phải có ít nữa là 12 người
Chức Việc: 1 Chủ trưởng, 1 Phó chủ trưởng, 1 Thủ bổn, 1 Phó thủ bổn, 1 Từ hàn,
1 Phó từ hàn, 6 nghị viên,
Trước khi xướng lập cơ sở Lương điền, Công nghệ, thì chỉ nhờ nơi lòng từ
thiện của toàn Đạo Hữu trợ giúp. Ngoài ra, những vị nào hảo tâm dâng thêm tài vật
chi xứng đáng thì đặng nêu tên vào bảng danh dự để làm kỷ niệm nơi cơ-sở.
Những vị nào hảo tâm hiến nhà hiến đất, hoặc các tài vật khác, thì phải làm
giấy tờ cho rành rẽ, đóng bách phần cải bộ đặng giao trọn quyền cho Phước Thiện
làm chủ.
Những vị đã trọn hiến thân vào sở thì Chủ Sở phải bảo toàn gia tộc của vị
hiến thân ấy như chồng, vợ, con, cha mẹ ruột, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng và cắt phận
sự cho mỗi người. Mỗi sở Hành Thiện phải bảo toàn cho đủ 12 gia tộc mới đúng
phép hành thiện theo luật Phước Thiện.
Đại Hội Phước Thiện.
Mỗi năm, sau ngày Hội Quyền Vạn Linh có Đại Hội Phước Thiện một lần.
Về phần tuyển chọn Phái Viên của hạng Minh Đức, Tân Dân và Thính Thiện tức
là hạng mới xin làm công quả học Thiện, hoặc theo Thiện, hoặc nghe Thiện.
Mỗi Quận Đạo nào có lập cơ sở lương điền công nghệ, thương mãi thuộc về Phước
Thiện, thì từ 1 đến 500 người hiến thân công quả đặng cử 1 vị Phái Viên ra thay
mặt, từ 501 đến 1000 thì công cử 2 vị y theo thể lệ chọn Phái Viên Quyền Vạn
Linh.
Về phần công cử Nghị Viên của hạng Hành Thiện tức là hạng Chủ Sở và Chức việc
Bàn Cai Quản nhà sở Phước Thiện chánh.
Mỗi Quận Đạo nào có lập cơ sở lương điền công nghệ, thương mãi thuộc về Phước
Thiện, thì cả Chủ Sở nơi ấy và Chức việc Bàn Cai Quản hiệp nhau công cử Nghị
Viên…
Nghị Viên và Phái Viên hiệp lại gọi là Ban Ủy Viên thay mặt cho toàn Phước
Thiện nơi mỗi Quận.
Người đắc cử phải là hạng trường trai, có tánh đức tốt mới xứng là người
thay mặt cho Phước Thiện.
Còn phần Chức Sắc chánh danh Phước Thiện Nam Nữ từ Giáo Thiện đổ lên đều có
quyền đến dự Hội toàn Phước Thiện.
C
- CƠ QUAN PHỔ
TẾ.
Hội Thánh phải tuyển chọn những Chức Sắc Thiên Phong đủ tài đủ đức đặng
thuyên bổ qua cơ-quan Phổ Tế.
Chư vị Chức Sắc lãnh phần Phổ Tế phải kể mình như các vị Quan Phương Bá nhà
Châu buổi nọ, nghĩa là mảnh thân gánh nặng nghĩa vụ nơi vai, thì phải châu lưu
cùng khắp trong chốn thôn quê sằn dã, vào tận nơi nào có lấp loáng bóng người đặng
đem chơn lý Đạo mầu thức tỉnh cho thế gian hồi tâm giác ngộ, kẻo một ngày trễ
là một ngày hại cho nhơn sanh chưa biết Đạo.
Đối với các Chi Phái do Đại Đạo lập thành mà phản loạn Chơn Truyền, ngày
nay đã lỗi thệ cùng Thầy, thì xin Hội Thánh thể lòng đại từ đại bi của Đức Chí
Tôn, mở kỳ ân xá cho họ đặng nhập môn tái thệ y theo Châu Tri số 31 đề ngày 18
tháng 9 năm Bính Tý, duy trong Châu Thành Tòa Thánh, những kẻ phản Đạo không đặng
nhập môn trở lại mà thôi.
Ngoài ra các vị Phổ Tế, nếu có Chức Việc hoặc Đạo Hữu nào độ đặng 500 tới
1.000 người ngoại đạo nhập môn, thì vị ấy sẽ đặng Hội Thánh đem ra Quyền Vạn
Linh cầu xin phong thưởng vào phẩm Lễ Sanh, độ đặng từ 1.000 tới 3.000 người
thì được vào phẩm Giáo Hữu, độ đặng từ 3.000 tới 10.000 người thì đặng vào phẩm
Giáo Sư.
D
- TÒA ĐẠO.
- Nghĩ vì Tòa Đạo là một cơ quan bảo
thủ Chơn Truyền y theo khuôn viên Đạo Pháp, bảo đảm sanh chúng, trị loạn, phò
nguy, gìn cân công lý cho toàn cả chúng sanh đặng sống một cách thung dung thơ
thới dưới mặt Luật Công Bình của Đạo.
Tòa Đạo lập ra cốt yếu để binh vực những người bị uất ức, trừng phạt những
người phạm Luật Pháp, gìn giữ quyền hành phân minh, đẳng cấp trật tự cho nền
Chánh Trị Đạo.
Trách nhiệm trọng hệ hơn hết của Toà Đạo là vô tư vô vị.
- Những vị nào phạm Luật Pháp, thì chiếu theo Thập Hình của Đức Lý Gìáo
Tông mà định tội. Kẻ phạm phải chịu dưới 2 quyền luật:
1 - Luật: là Tân Luật và Luật Hội Thánh.
2 - Pháp: là Pháp Chánh Truyền và Đạo Nghị Định.
Về phạm pháp thì có 5 hình phạt: Đệ I tới Đệ ngũ hình
Về phạm luật thì có 10 hình phạt: Đệ I tới Đệ thập hình.
KẾT LUẬN:
Đạo luật năm Mậu Dần là một sự chỉnh đốn lại Đạo sau một thời kỳ xáo trộn
phân ly. Nhờ vào quyền hành thống nhứt ĐHP đã dần dần ổn định và phát triển cơ
Đạo. ĐHP đã xây dựng được Tòa Thánh nhờ vào cơ quan Phạm Môn sau chuyển qua Phước
Thiện là những con cái trung kiên vì Thầy vì Đạo …
Tóm lại đây là thời kỳ xây dựng nền móng vững chắc cho cơ Đạo, nhứt là sự
ra đời của Cơ Quan Phước Thiện. Nếu cơ quan nầy lớn mạnh thì xã hội sẽ không
còn những mảnh đời đáng thương không ai chăm sóc bảo dưỡng… thì mới trọn vẹn được
cơ cứu khổ của nền Đại Đạo./.
* Quang
Thông
(12-2021)
* * *
Tóm lược thảo luận giáo lý ngày
5-12-2021, đề tài Đạo Luật Mậu Dần (1938).
Câu hỏi 1: Đạo luật Mậu Dần buộc
CTS phải trường chay và độ 300 người nhập môn thì mới đặng đem vào sổ cầu phong
lên Lễ Sanh. Hiện nay các điều nầy còn áp dụng không?
Giải đáp: Trong Đạo luật Mậu Dần ở
phần chót có câu: : “Bộ Luật nầy ban hành kể từ ngày Rằm tháng Giêng
năm Mậu Dần (14 Février 1938) và ngày sau còn thêm vào nữa, tùy theo trình độ của
Chúng sanh”.
Chúng ta biết rằng mỗi
năm có kỳ Đại hội Nhơn Sanh thì nhơn sanh có quyền nêu lên nguyện vọng của mình
và nếu được Quyền Vạn Linh chấp thuận thì sẽ đem ra thi hành. Đó là nguyên tắc
dân chủ trong đạo Cao Đài.
Theo HT Nguyễn Văn Hồng ấn
bản ĐL Mậu Dần vào năm (1952) có thêm các câu như sau:
“Rộng ơn cho thỏa lời ước
vọng của nhơn sanh, là để tự do cho hàng Lễ Sanh giữ trai tâm bao nhiêu tùy ý,
song chẳng đặng dưới 10 ngày.
Truất quyền dự Hội Nhơn
Sanh, quyền Hành Chánh và quyền Hành Pháp cho những vị Lễ Sanh nào chưa trường
trai”.
Phẩm CTS thấp hơn Lễ Sanh
nên điều nầy cũng áp dụng cho cả Chánh Trị Sự, nghĩa là CTS muốn xin cầu phong
lên Lễ Sanh thì không cần phải trường trai nữa…
Về điều CTS phải độ cho đặng
ít nhứt 300 người nhập môn mới đặng cầu phong trên thực tế sau nầy cũng không
còn áp dụng nữa…
Câu hỏi 2: Đạo luật Mậu Dần cho
phép những người chưa nhập môn Cao Đài vào làm công quả ở hàng Minh Đức nhưng nếu
người đó được thăng phẩm lên cao hơn thì có phải nhập môn hay không ?
Giải đáp: Theo bảng đối phẩm giữa
Hành Chánh và Phước Thiện thì hai hạng Minh Đức và Tân Dân đối ngang bực đạo hữu,
còn Thính Thiện và Hành Thiện đối phẩm ngang Bàn Tri Sự và có thể được bầu cử
làm phái viên trong đại hội Phước Thiện nên bắt buộc phải là người có nhập môn
mới được.
Câu hỏi 3: Nếu một vị chức sắc các
tôn giáo khác muốn vào làm công quả trong Cơ Quan Phước Thiện Cao Đài và vẫn giữ
chức phận trong tôn giáo mình có được không ?
Giải đáp: Nếu vị đó vào làm công
quả ở hàng Minh Đức thì đương nhiên là được vì giống như người thường thôi.
Còn trường hợp vị đó muốn
gia nhập Đạo Cao Đài thì theo Đạo Nghị Định 48, do Đức Lý Giáo Tông và Đức Hộ
Pháp ban hành ngày 10-12-1938 có qui định như sau:
“Những người ngoại giáo
hay chư vị đạo nhơn các nền tôn giáo khác, muốn nhập vào cửa Đạo, thì Hội Thánh
sẽ do nơi công nghiệp PT của họ mà định vị, tùy theo công nghiệp nhỏ lớn đặng định
phẩm từ bực Minh Đức tới Chơn Nhơn mà thôi.
Còn bậc Hiền Nhơn đổ lên
thì giúp Hội Thánh giữ gìn chơn pháp, nên các phẩm vị nầy phải có cơ bút giáng
phong mới đặng”.
Trong sử Đạo có trường hợp
1 vị nữ tu là Bà Diệu Minh Võ Duy Nhứt làm chủ trưởng Vạn Quốc Tự Đô Thành Sài
Gòn (là cơ sở nữ tu nuôi dạy trẻ mồ côi và mở tiệm cơm chay) xin về với Đạo đã
được Đức Hộ Pháp phong phẩm Đạo Nhơn trong cơ quan Phước Thiện (Đàn cơ ngày
16-4-Quý Sửu, 1973).
Câu hỏi 4: Trước năm 1975, cơ quan
Phổ Tế do các Chức Sắc nào điều hành? Cơ quan Phổ Tế có phải là Cơ Quan Truyền
Giáo không? Ở hải ngoại, các TT nên làm gì để đi truyền giáo?
Giải đáp:
Trong chương Phổ Tế có
quy định: “Hội Thánh phải tuyển chọn những Chức Sắc Thiên Phong đủ tài đủ đức đặng
thuyên bổ qua cơ-quan Phổ Tế”. Như vậy cơ quan nầy không có hàng phẩm chức sắc
riêng mà do chức sắc Hành Chánh bổ nhiệm qua để làm nhiệm vụ phổ tế. Trong phần
mở đầu Đạo Luật, Đức Hộ Pháp giao cho 2 vị là: Giáo Sư Thượng Đức Thanh và Bà
Giáo Sư Hương Quế đứng đầu…
Theo tờ Kiết chứng là phần
mở đầu của Đạo Luật có định nghĩa: “PHỔ TẾ là cơ quan để cứu vớt hoặc độ
rỗi những người lạc bước thối tâm, cùng an ủi khuyên lơn những kẻ đã bị luật
pháp buộc ràng mà phế vong phận sự, hay là độ rỗi những kẻ hữu tâm tầm Đạo”.
Chúng ta biết khoảng thời
gian nầy nảy sanh ra nhiều chi phái, họ đang vận động lôi kéo tín đồ nơi xa xôi
về phía họ nên chức sắc Phổ Tế phải đến những nơi thôn quê sằn dã để ổn định
tâm lý nhơn sanh, và cũng độ những người có tâm tầm Đạo mà chưa có cơ hội…Chức
sắc Phổ Tế chỉ hoạt động trong nước còn việc truyền giáo ngoại quốc thì có Hội
Thánh Ngoại Giáo ở Nam Vang lo liệu…
Ở Hải ngoại hiện nay
không có cơ quan nào lảnh nhiệm vụ truyền giáo chánh thức nhưng bằng nổ lực cá
nhân hay từng Thánh Thất vẫn có các hoạt động truyền giáo như : tham gia các đại
hội tôn giáo thế giới, dịch thuật ấn hành kinh sách ngoại ngữ, thành lập các
trang mạng ngoại ngữ , cung cấp tài liệu cho các lớp giảng dạy về đạo Cao Đài ở
các phân khoa đại học ở một số quốc gia…
Câu hỏi 5: Luật Đạo Cao Đài gồm có
Pháp Chánh Truyền, Tân Luật, Đạo Luật Năm Mậu Dần, Bát Đạo Nghị Định. Ngoài những
luật này ra chúng ta còn có những luật nào khác không? Các Thánh Lịnh của Hội
Thánh có phải là luật không? Nơi nào (trang web nào) ghi lại tất cả các Thánh Lịnh
(trước năm 1975).
Giải đáp: Ngoài các luật pháp kể
trên chúng ta còn một số đạo luật cũng không kém phần quan trọng như: Luật Lệ
Ba Hội Lập Quyền Vạn Linh, Quyền Tư Pháp và Nội Trị Đạo, Hiến Pháp Hiệp Thiên
Đài, Nội Luật Tòa Thánh, Quan Hôn Tang Lễ,…
Còn các văn bản như Thánh
Lịnh, Huấn Thị, Thánh Huần, Thông Tri, …là những văn bản để thi hành Pháp Chánh
Truyền và các Đạo Luật,…
Hiện nay một số các văn bản nầy có đưa lên trang www.daotam.info trong phần Đạo sự văn thư…
NỐI BƯỚC. N°I [1] [2] [3] [4] [5] [6] [7] [8] [9] [10] [11] [12] [13] [14] [15] [16] [17]