Những Bông Hoa Đạo * Từ Hòa

T
am Kỳ Phổ Độ là con đường lớn mở ra cho tất cả chúng sanh vẫn có thể nửa đời nửa Đạo lập công phụng sự vạn linh, hoằng dương Đạo pháp nhưng càng lên cao, càng lãnh nhiều trách nhiệm thì yêu cầu phải hiến thân trọn đời nơi cửa Đạo. Đây là một lối đi cao thượng dành cho những ai hữu duyên, ít vướng bận nghiệp trần mới có thể theo đuổi con đường này, nhất là nữ phái. Vì trong Nữ Trung Tùng Phận, Bà Đoàn Thị Điểm đã than rằng
Phần nội trợ trăm phiền đeo đẳng,
Nỗi nhi tôn lẩn bẩn bên lưng,
Nỗi nhà, nỗi bếp, nỗi lân,
Nỗi trong thân tộc, nỗi gần, nỗi xa.
Mảng lo lắng chữ nhàn nào rõ,
Huống để công đến ngõ Khổng Trình.
Rừng Nho biển Thánh thinh thinh,
Nữ lưu nào thấu muôn nghìn thi thơ…
 
Phái nữ xưa giờ luôn đặt mình phía sau gia đình, dù có nhiều hoài bão tu học và hành Đạo nhưng cũng đành gác lại. Tuy nhiên cũng có những bậc anh thư quyết chí giữ vẹn được tâm nguyện hiến thân trọn đời phụng sự Đạo pháp và chúng sinh, họ là những bông hoa Đạo, họ có những đóng góp tinh tế, nhẹ nhàng mà sâu lắng, dễ cảm hóa lòng người. Trong đề tài này, em xin giới thiệu về những bông hoa Đạo và những con đường tu tập, lập công mà Đức Chí Tôn và các Đấng ưu tiên dành cho nữ phái Cao Đài.
Để có cái nhìn bao quát về con đường tu của phái nữ trong các tôn giáo, em mở rộng một chút về các nữ tu Phật Giáo, Shinto giáo (Thần Đạo ở Nhật bản), Công Giáo, và Đạo Sikh để thấy sự tiến hóa văn minh của nhân loại đã góp phần mở rộng đường tu của nữ phái.
 
Những gian nan của Tỳ kheo ni, nữ tu Phật Giáo 
Khi Đức Thich Ca còn tại thế, Mẹ kế của Phật với sự ủng hộ của tôn giả A-nan-đà thỉnh nguyện với Đức Phật xin thành lập Ni đoàn dành cho nữ tu sỹ Phật Giáo. Cũng một phần vì điều này mà A-nan-đà bị khiển trách trong lần Đại hội kết tập kinh điển Phật giáo lần thứ nhất. Chính Phật Thích Ca cũng lo ngại sự gia nhập của nữ giới sẽ làm Tăng-già khó tu hành, và thời mạt pháp sẽ tới sớm hơn. Thời kỳ tượng pháp thay vì kéo dài 1000 năm, sẽ chỉ còn 500 năm. Vì vậy sau khi Phật chấp nhận thành lập ni đoàn, Ngài chế định ra 8 giới nghiêm gọi là Bát Kỉnh Pháp để ngăn ngừa Tỳ kheo ni vi phạm, làm tổn đức của họ.
 
Vị tỳ kheo ni dù tu trăm năm vẫn phải cung kính vị tỳ kheo tăng mới tu dù một ngày.
* Không có bất kỳ duyên cớ gì một vị tỳ kheo ni có thể chỉ trích một vị tỳ kheo tăng.
* Không được phê bình tỳ kheo tăng trong khi tỳ kheo tăng có quyền phê bình tỳ kheo ni.
* Trước ngày thọ đại giới vị ni phải qua bên tăng để tăng xét lại coi có đủ tư cách hay chưa.
* Tỳ kheo ni phạm trọng tội, nửa tháng phải hành pháp sám.
* Mỗi nửa tháng phải qua bên tăng để cầu các ngài chỉ dạy.
* Ni không được ở nơi không có chư vị tỳ kheo ở.
* Sau mỗi mùa an cư phải qua bên tăng để xin chỉ dạy cho những điều nghi nan thắc mắc.
Ngoài ra, quy định về đời sống của Tỳ-kheo ni cũng khắc nghiệt hơn nhiều so với nam giới là Tỳ kheo tăng. Luật tạng Phật giáo Nguyên thủy có 227 giới cho Tỳ-kheo tăng, thì có đến 311 giới cho Tỳ-kheo ni; còn theo Phật giáo Đại thừa có 250 giới cho Tỳ-kheo, 348 giới cho Tỳ-kheo ni.    
     
Khi xem những giới luật Phật giáo thời Nhị Kỳ quá khắc khổ cho Tỳ Kheo Ni, chúng ta thời nay cảm thấy thiếu công bằng cho nữ phái trên con đường tu, nhưng suy xét kỹ cũng vì nghiệp lực sâu nặng nên mới làm thân nữ phái, Tiên nương Đoàn Thị Điểm than rằng “Thấy nhi nữ kiếp căn mỏng mảnh, Muốn binh lời làm mạnh đỡ nâng”. Đức Phật, là một Đấng giác ngộ và từ bi, Ngài đã nhìn thấy căn nghiệp của nữ phái thời đó nên đặt ra rất nhiều giới luật để thanh lọc tâm tánh của họ từ các tập quán cũ nhiều đời nhiều kiếp, dìu dẫn họ vào phép khuôn đạo đức, giúp họ chuẩn bị ý chí và nghị lực để vượt qua những trở ngại, mở đường cho Tỳ Kheo Ni tu tập sẽ đắc quả cao trọng như các Tỳ Kheo Tăng. Thầy khó mới có trò hay, từ thời Đức Phật còn tại thế đã có những Tỳ kheo ni đắc Thánh quả. Phái nữ xuất gia trong nhiều trường hợp, nhiều hoàn cảnh đặc biệt, có vị sang cả quý phái như hoàng hậu, công chúa, hoàng thân, quý tộc, triệu phú, cũng có người xuất thân từ kỹ nữ. Dù xã hội Ấn độ thời đó rất phân biệt giai cấp nhưng Đức Phật đã chứng minh tư tưởng này không đúng bằng giáo pháp của Ngài.
 
Mùa an cư thứ 28 (tức 562 năm trước Công nguyên) tại Kỳ Viên tịnh xá, Phật hóa độ cho một cô gái tiện dân tên là Prakriti tu tập tinh tấn, đắc quả A-la-hán, vượt cả Ngài A-nan khiến vua Ba-tư-nặc đến hỏi Phật: Việc các phụ nữ dòng cao trọng như Bà-la-môn hay Sát-đế-lợi xuất gia thì tạm được, nhưng một cô gái giai cấp thấp Chiên-đà-la xuất gia là làm ô nhục cả giới tu sĩ. Đức Phật đã dùng thí dụ sau để giải quyết vấn đề: Có hai người, một thuộc quý tộc Sát-đế-lợi, một thuộc dân dã Chiên-đà-la cùng tắm trong dòng nước. Sau khi tắm sạch lau khô và xức nước hoa thì thân thể cũng sạch thơm như nhau. Đức Phật đặt nhiều giới luật cho Tỳ kheo ni vì Ngài đã thấu suốt nghiệp lực của nữ phái, muốn giúp họ nhanh chóng gột rửa những ô trược đeo bám từ nhiều kiếp để tu đắc đạo trong một kiếp này. Nếu hiểu như vậy ta thấy giới luật là nấc thang dẫn người tu đến quả vị cao trọng. Nữ giới nhờ đó mà đắc Đạo vô số như lời Đức Chí Tôn dạy “Thầy đã nói Bạch Ngọc Kinh có cả Nam và Nữ, mà phần nhiều Nữ lấn quyền hơn Nam rất nhiều.”
 
Vì vậy Đức Phật lập ra nhiều giới luật cho Tỳ Kheo Ni để khép họ vào khuôn vàng thước ngọc, giúp họ tu tập vượt qua những nghiệp lực của phái nữ để bước vào con đường đắc Thánh quả. Tuy vậy giới luật Tỳ kheo ni chỉ dành cho phái nữ xuất gia, những vị này tương đối đã ít vướng bận thế sự, họ có đủ căn duyên để bước vào Thiền môn. Nếu ai còn nhiều nợ trần, đa mang nghịch cảnh thì gặp muôn vàn khó khăn xảy ra hầu ngăn trở sự tu tập.
 
Cuộc đời của Nữ thiền sư Satomi Myodo
Em trích tóm lược cuộc đời của Nữ thiền sư Satomi Myodo. Bà đã bước qua nghịch cảnh để giữ vững tâm tu, dù ban đầu hướng đi lệch lạc nhưng sự tinh tấn không ngừng đã giúp Bà đến được bờ giác, đạt được tinh thần an định của bậc thiền sư lỗi lạc. Nếu muốn biết rõ chi tiết thì có thể tìm đọc hoặc nghe tác phẩm “Hoa Trên Sóng Nước” của Nguyên Phong, ông đã dịch lại từ cuốn Journey in Search of The Way (Hành Trình Tầm Đạo) kể về cuộc đời và hành trình tu học đầy ly kỳ đưa đến sự giác ngộ của Ni Sư Satomi Myodo.
 
Satomi Myodo lớn lên trong một thời đại mà việc tu học của phụ nữ chưa được xã hội Nhật bản khuyến khích và coi trọng. Trong thời gian đầu tìm đến với Thần Đạo Shinto, một tôn giáo của dân tộc Nhật, Satomi Myodo đã tìm gặp hết thầy này đến pháp sư kia, hết đền này đến chùa kia để xin làm đệ tử, siêng năng rèn luyện những gì được chỉ dạy. Để được học, bà thậm chí còn chấp nhận làm đầy tớ mấy năm trong nhà một lão sư. Các cô gái muốn trở thành pháp sư phải trải qua quá trình huấn luyện chuyên sâu để gọi hồn người quá cố. Họ phải học những kỹ năng kiểm soát trạng thái xuất thần của mình để làm công cụ trung gian giữa thần linh và con người,” chư thần sẽ nhập vào họ, dùng xác thân của họ để tiếp xúc với thế giới loài người. Các nghi thức tu tập được thực hiện bao gồm tắm bằng nước lạnh, thanh tẩy định kỳ.
Sau nhiều năm kiên trì tu tập, Satomi Myodo khám phá bản thân có khả năng “tiếp xúc được với vong linh thuộc thế giới siêu hình,” và trở thành một cô đồng (Miko) của Thần Đạo. Nhưng dù trở thành một cô đồng nổi tiếng và đạt đến trình độ rất cao của Thần Đạo, Satomi nhận ra việc làm cô đồng không đưa đến sự giải thoát như Bà từng nghĩ.
 
Đến tuổi trung niên, Satomi tìm đến Phật giáo như một giải pháp cuối cùng. Ni Sư kiên trì tham gia các khóa tu thiền, gặp nhiều thầy ở các chùa khác nhau ở các thành phố khác nhau trên khắp Nhật Bản. Nhưng cũng chính vì “đi hết môn phái này đến môn phái khác, học hết lý thuyết này đến lý thuyết kia, theo hết thầy này đến thầy nọ” một cách lan man, nên mấy chục năm lang thang tìm đạo của Satomi trở nên rối loạn, không có nhiều tiến bộ. Hành trình tầm đạo nhiều gian khổ và đầy cố gắng nhưng chưa có nhiều kết quả khiến Ni Sư nhiều lúc rơi vào tuyệt vọng, thậm chí từng có ý định tự tử.
 
Satomi gặp Thiền Sư Yasutani Roshi (Bạch Vân) khi tuổi đã lớn. Vị thầy này đã giúp Satomi Myodo có những tiến bộ rõ rệt trong đường tu hành, chỉ ra những chướng ngại trong việc tu thiền, giúp Bà có ý thức rõ rệt về những sai lầm do sự tu tập thiếu phương hướng trước đây. Ni Sư Satomi Myodo đã trở thành một trong những thiền sư lỗi lạc nhất của Nhật Bản trong cuối thế kỷ thứ 20. Nhưng quan trọng hết, Bà đã đạt được sự mong muốn là có được sự an lạc, thanh thản cho bản thân mà bà đã đi tìm trong suốt cuộc đời. “Tôi cảm thấy trong lòng bình an, thanh thản chứ không có gì khác lạ. Tôi cảm thấy như vừa nuốt trôi được cái gì đó vướng mắc trong cổ họng từ bấy lâu nay và từ đó mọi thứ trở nên thông suốt, một sự an lạc thầm kín, nhẹ nhàng không thể diễn tả.”
 
Những điều Ni sư Satomi Myodo chia sẻ thấy rất đơn giản, không khó tìm nhưng thực tế không dễ như vậy, nhất là đối với những người từng có đời sống tuổi trẻ phức tạp, nhiều sai lầm nông nổi như Satomi Myodo. Tự truyện Hoa Trên Sóng Nước của Bà kể rất rõ, ở đây em không đủ thời gian để kể chi tiết. Những ray rứt, ăn năn dằn xé trong tâm hồn, khiến Bà chẳng thể bình an dù trong giấc ngủ. Càng xem cuộc đời của Bà, càng thấm hơn lời dạy của Thánh hiền “Dục tu Tiên Đạo, tiên tu Nhơn Đạo. Nhơn Đạo bất tu, Tiên Đạo viễn hỹ.”
Tam Kỳ Phổ Độ chủ trương Nho Tông chuyển thế, là giúp cho nhân loại giải quyết những vấn đề căn bản của con người trước khi tiến xa hơn trên con đường tu đạo. Nếu không hoàn thành bổn phận làm người, tâm trí chẳng thể an lạc mà cầu học Đạo pháp cao sâu. Vì vậy trước khi quyết định việc chi cho cuộc đời, cần suy tính kỹ để không kéo dài hệ lụy, rồi cả đời chỉ lo giải quyết các việc thế sự, bê trễ con đường tiến hóa, lập công đoạt vị. Tỳ kheo ni và Miko là hai điển hình cho con đường tu của nữ phái thời xưa ở Á đông với nhiều khó khăn và ràng buộc. Phái nữ thời nay chắc chỉ dám đứng từ xa ngưỡng mộ mà chẳng dám bước vào.
 
Con đường tu của Soeur
Cởi mở một chút là con đường tu của Soeur - Nữ tu Công Giáo. Để trở thành Nữ tu Công giáo, họ phải KITÔ HÓA chính họ, nghĩa là "Tôi sống nhưng không phải tôi sống, mà là Chúa Kitô sống trong tôi." Tương tự phép dâng Tam Bửu trong Đạo Cao Đài. Họ có thể sống ở các tu viện từ lúc nhỏ, nhưng đủ tuổi 18 họ mới chính thức được học làm nữ tu, vì khi đó nhận thức của họ tương đối chính chắn và đầy đủ. Họ nhận ra tiếng Chúa mời gọi và tự nguyện đáp trả lời Ngài qua việc xin gia nhập đệ tử viện để tu học trong 4 năm. Chương trình tương tự như đại học, trong 2 năm đầu, sinh viên chỉ học đại cương, 2 năm sau mới vào chuyên ngành. Các nữ tu sinh cũng vậy, trong 2 năm đầu họ sẽ làm quen với nếp sống của nữ tu như phương thức cầu nguyện, học căn bản về đời tu, Tinh thần Dòng và các kỹ năng cần thiết của người nữ tu Tông Đồ. Sau đó họ tiếp tục học sâu hơn trong khỏang 2 năm nữa, Sau đó các họ phải đi thực tập tại các giáo xứ.
 
Cuối cùng là giai đoạn tập viện. Năm thứ nhất là năm ‘tập nhặt’. Thời gian này họ cần có sự lắng đọng nội tâm, hạn chế trong việc giao tiếp để chú tâm sống kết hiệp với Chúa và lắng nghe tiếng Ngài mời gọi. Năm thứ hai: họ được gởi đến một cộng đoàn nhà dòng để tìm hiểu khả năng dấn thân vào đời sống cộng đoàn và những hoạt động tông đồ của Nữ tu. Nếu họ thấy mình thích hợp với linh đạo của Hội Dòng, thì làm đơn gửi xin được tiên khấn trở thành nữ tu.
 
Tổng cộng thời gian tu tập là 6 năm để trở thành nữ tu nhà dòng. Họ có đủ Đức tin, phẩm hạnh và năng lực để phục vụ Chúa và nhân loại. Những lời nguyện thiêng liêng của nữ tu là Khó nghèo, Vâng phục và Khiết tịnh. Họ xem Khó nghèo là hạnh tu, họ nguyện Vâng phục Bề Trên và giữ Thân Tâm khiết tịnh trọn đời. Ngày xưa nữ tu nhà dòng phải là trinh nữ nhưng ngày nay con đường này đã mở rộng cho tất cả nữ phái dù từng lập gia đình nhưng nếu có đủ duyên lìa thế tục thì có thể dấn thân vào con đường hiến thân phụng sự Chúa trọn phần đời còn lại.
 
Những người đủ duyên thì thấy sự khổ nhọc, giới luật trong cửa Đạo là khuôn vàng thước ngọc, giúp họ tinh tấn trên con đường tu học, nếu chưa đủ duyên mà gượng ép vào tu viện, nhà thờ, chùa, Thất thì việc thực hành công phu tu tập lại là cực hình. Những vị tu sỹ hiến thân trọn đời cho Đạo thường có Đức Tin mạnh mẽ, tinh thần phụng sự chân thành, không vì danh tiếng, lấy khổ nhọc làm bài học cho mình, thị phi với họ như lửa thử vàng, chẳng ngại gian nan, không màng thất bại vì đó là điểm dừng giúp họ nhìn nhận lại chính mình, củng cố nội lực để bước tiếp đường tu. Bà Đoàn Thị Điểm nói về tâm thế của nữ giới khi đã ngộ đạo.Lấy tâm chánh làm cân đong thế,
Cậy lòng lành làm kế dìu đời.
Chông gai vạch bước thảnh thơi,
Cầm phương cứu khổ độ người trầm luân.
Họ xem phụng sự là mục tiêu cuộc đời, điều này sẽ thấy rõ hơn trong Đạo Sikh, nơi mà sự tu hành trở nên nhẹ nhàng như hơi thở, việc phụng sự quen thuộc như việc nhà. Đạo hòa quyện vào đời sống hàng ngày nên nữ hay nam đều thực hành được.
 
Nữ tu theo Đạo Sikh
Đạo Sikh là tôn giáo cận đại được sáng lập vào thế kỷ 15 tại Ấn Độ trên cơ sở tiếp nhận tư tưởng, giáo luật, lễ nghi của các tôn giáo đã có ở Ấn Độ như Ấn Độ giáo, Jaina giáo, Phật giáo, Hồi giáo, Thiên Chúa giáo, Do Thái giáo. Đạo Sikh thờ Chúa Trời, Đấng tạo ra vũ trụ.
 
Đạo Sikh nhấn mạnh sự bình đẳng về xã hội và giới tính, nhấn mạnh tới việc làm điều thiện hơn là thực hành các nghi lễ. Họ không có các chức sắc tôn giáo, chỉ có người giảng giải kinh điển và trông coi việc đạo. Các tín đồ đạo Sikh tin rằng, muốn đạt tới cuộc sống tốt đẹp thì cần phải luôn luôn giữ đức tin trong trái tim, khối óc, phải làm việc chăm chỉ và trung thực, phải đối xử bình đẳng với tất cả mọi người, phải có lòng hảo tâm trước những người kém may mắn hơn và phải phục vụ mọi người. Tín đồ đạo Sikh tránh các hành vi mê tín, không hành hương, không thờ tượng, cũng như ít xây các điện thờ. Họ cho rằng, cần tu thân ngay trong cuộc sống hiện tại và vượt lên những vất vả khó khăn trong cuộc sống hàng ngày. Họ không chấp nhận phương thức sống thụ động, thoát tục, trở thành tu sĩ hoặc chọn lối sống ẩn dật để trốn tránh cuộc sống thực tại.
 
Trong đạo Sikh, người phụ nữ rất được coi trọng. Sống biết chia sẻ với mọi người cũng là một trách nhiệm xã hội mà những người theo đạo Sikh cần phải biết, mỗi một cá nhân cần nên giúp đỡ những người có nhu cầu thông qua công việc từ thiện. Đạo Sikh dung hòa nhiều tư tưởng hiện đại, phù hợp với dân trí thời nay nên rất được đón nhận ở Ấn Độ, nơi đã tồn tại sâu sắc sự phân biệt giai cấp và kỳ thị tôn giáo hàng ngàn năm. Đạo Sikh với những triết lý văn minh và bình đẳng, phái nữ càng được ưu ái để thực hành lý tưởng phụng sự. Họ như cá gặp nước, được tự do tham gia vào tôn giáo mà không phải chịu nhiều giới luật khắc khe, hay định kiến trọng nam khinh nữ như các tôn giáo cổ ở Ấn Độ.
 
Những tư tưởng rộng mở của Đạo Sikh hoàn toàn phù hợp với triết lý đại đồng của Đạo Cao Đài, Đức Hộ Pháp từng nhắc lại Thánh ý của Đức Chí Tôn “Còn nhiều chuồng chiên Ngài sẽ đến đem về làm một.” Lời tiên-tri nầy có nghĩa là còn nhiều Đạo đang nuôi nấng ung đúc tinh thần của con cái Chí-Tôn đặng chờ Ngài đến hiệp chung quy về một mối. Đạo Sikh tuy có triết lý đại đồng và bình đẳng chúng sanh nhưng thiếu cơ cấu tổ chức hành chánh, nên họ sẽ tìm thấy điều bổ khuyết đó trong Tam Kỳ Phổ Độ. Trong thất ức niên, họ dần sẽ quy về với Đức Thượng Đế bằng cửa ngõ Cao Đài. Vì khi mở Đạo kỳ ba nầy, Thượng-Đế quy Tam-giáo, hiệp Ngũ-chi, tức là Ngài đã gạn lọc, khử thô, tồn tinh các giáo thuyết của nhiều tôn giáo, cùng với một vài thiên cơ bí ẩn mà đối với trình độ nhân loại ngày nay đủ khả năng hiểu biết và tiếp thu được.
 
Nữ tu Cao Đài
Đã dạo một vòng xem qua nữ phái các tôn giáo, giờ tới phần quan trọng của đề tài “Những bông hoa Đạo”, đó là Nữ tu Cao Đài. Các con đường tu học, lập công đoạt vị của Nữ Phái trong Tam Kỳ Phổ Độ vô cùng rộng mở như Cửu Trùng Đài, Hiệp Thiên Đài bao gồm các Bộ Pháp Chánh và Cơ Quan Phước Thiện, Ban Thế Đạo, Đại Đạo Thanh Niên Hội, Tịnh Thất Trí Huệ Cung, v.v.
 
Trong Hội Thánh Cửu Trùng Đài, phái nữ có thể tu tập, lập công từ Đồng Nhi, Giáo Nhi, hay Chức việc để tiến lên phẩm vị Lễ Sanh, Giáo Hữu hay Giáo Sư tương đương phẩm vị Thần, Thánh, thậm chí có thể đạt đến phẩm Đầu Sư là tương đương phẩm Địa Tiên trên con đường Cửu Thiên Khai Hóa. Còn về mặt giải thoát, tất cả tín đồ nào giữ vẹn lời minh thệ và “tùng thị Pháp điều Tam kỳ Phổ độ, tất đắc giải thoát luân hồi thị chi chứng quả Cực Lạc Niết bàn”.
 
Trong Tam Kỳ Phổ Độ, có một sự tiến bộ chưa từng có trong lịch sử các tôn giáo là Nữ phái được giữ các trọng trách trong Hội Thánh như Nam phái (Ngoại trừ hai phẩm Giáo Tông và Chưởng Pháp trong Cửu Trùng Đài chỉ dành cho Nam phái). Chức sắc Nữ phái có văn phòng riêng là Nữ Đầu Sư Đường song song với Đầu Sư Đường của Nam Chức Sắc.
 
Ngay từ buổi đầu khai Đạo, Đức Chí Tôn đã truyền dạy Bà Lâm Hương Thanh: “Đường Thị! Thầy giao phe nữ cho con lập thành. Chẳng phải vì đờn bà mà sớm nồi cơm, chiều trả cháo hoài. Phần các con truyền Đạo kỳ phổ độ nầy cũng lắm nặng nề, bao nhiêu Nam tức bao nhiêu Nữ; Nam biết thành Tiên Phật, chớ Nữ lại không sao? Vậy con phải tuân lịnh Thầy mà lập thành Nữ phái. Nghe và tuân. Thầy hằng ở bên con, lo chung cùng con, con chớ ngại.” 
Trong Hội thánh Cửu Trùng Đài, Chức sắc Nữ phái chỉ có 1 vị Nữ Ðầu Sư và 1 vị Nữ Chánh Phối Sư, phái nữ tuy không được hai phẩm cao nhất là Giáo Tông và Chưởng Pháp nhưng bù lại, số lượng chức sắc nữ phái từ Phối sư, Giáo sư, đến Giáo hữu đều không giới hạn, miễn vị đó xứng đáng thì đạt phẩm vị. 
 
Hiệp Thiên Đài là cơ quan bảo thủ Luật Pháp Chơn Truyền của nền Ðại Ðạo. Ngoài 15 phẩm cao nhất là Hộ Pháp, Thượng Phẩm, Thượng Sanh và Thập Nhị Thời Quân được Ơn Trên chỉ định thì phái nữ nếu thông thạo giáo lý và luật pháp của Đạo có thể dự thi vào Luật sự. Từ đó theo thâm niên hành đạo mà thăng chức dần đến Tiếp Dẫn Đạo Nhơn. Thực tế đến nay phái nữ chỉ lên đến chức Giám Đạo bên Hiệp Thiên Đài. Trong 12 vị Bảo Quân – Hàn Lâm Viện Cao Đài, chưa thấy gương mặt nào của phái nữ. Tuy nhiên, phái nữ lại hiện diện đông đảo ở các cơ quan trực thuộc của Hiệp Thiên Đài như Ban Thế Đạo, Cơ Quan Phước Thiện, nhằm khuyến khích những người con nhà Đạo, đã nhập môn nhưng chưa hành Đạo nhiều, nhờ có điều kiện ăn học từ tú tài trở lên, hoặc đang làm công chức cũng có thể nộp đơn vào Hiền Tài Ban Thế Đạo. Còn lại những vị giỏi lao động mà ít oi chữ nghĩa thì có thể xin vào lập công ở các cơ sở của Cơ Quan Phước Thiện với điều kiện phải đến Đầu Tộc Đạo xin giấy chứng hạnh kiểm và làm giấy hiến thân trọn đời. Đa phần nữ công quả làm việc ở đây để thay thế cho Chí Tôn và Phật Mẫu thực hành cơ cứu khổ để phụng sự con cái của Người…
 
Sự bình đẳng Nam Nữ trong các Cơ Quan của Đạo Cao Đài
Đứng đầu Hội Thánh Phước Thiện là 1 vị Chơn Nhơn phái Nam và 1 vị Chơn Nhơn phái nữ, mỗi phái lo chưởng quản trong phái của mình như Hội Thánh Cửu Trùng Đài. Dưới kế đó là Cửu Viện Phước Thiện. Bên Nam phái có Cửu Viện Phước Thiện Nam phái, bên Nữ phái có Cửu Viện Phước Thiện Nữ phái, tổ chức hai bên giống nhau, quyền hành riêng biệt. Hành Chánh Đạo CTĐ cai quản các Thánh Thất, còn bên Phước Thiện thì cai quản các Điện Thờ Phật Mẫu. Đặc biệt phái Nữ được ưu tiên chăm lo các việc ở Điện Thờ Phật Mẫu vì họ là nhơn viên tin cậy của Ngài để lo cho sanh chúng.
 
Ngũ Nương dạy phái nữ “các em là người của Diêu Trì Kim Mẫu để tại thế gian nầy, cần phải lập đức cho rạng tiếng con gái nhà Nam Việt. Vốn từ xưa, nền Đạo nước Việt Nam chưa hề có, mà ngày nay nữ phái lập thành cũng do Đức Lý thương nên mới đồng quyền cùng nam phái. Vậy mấy em phải tận tâm lo sửa đường hạnh đức, Tứ đức phải vẹn toàn, sau nầy làm thầy phụ nữ vạn quốc, mới xứng danh môn đệ của Đức Chí Tôn trong khi lập Đạo. Đạo là nguồn cội của nhơn sanh, mà là cội rễ của nữ lưu. Ấy vậy nên siêng lo trau giồi đức hạnh, cùng chung hiệp với mày râu thì công nghiệp sẽ tròn Thiên vị”.
 
Quyền hành đi liền với trách nhiệm, nữ phái vẫn còn những phàm tánh của nhi nữ nên dễ phạm những lỗi căn bản. Từ những tìm hiểu về giới luật của các nữ tu trong các tôn giáo, nhận thấy luôn có những rào ngăn tường cách để nữ phái bước vào đường tu, âu cũng là quả nghiệp trọng trược từ muôn kiếp của nữ phái. Trong Tam Kỳ Phổ Độ, tuy Đức Chí Tôn đại ân xá, ban hồng ân cho toàn con cái của Ngài nhưng vẫn phải có điểm giới hạn để buộc nữ phái phấn đấu hơn, vượt qua định nghiệp của mình mới theo đặng đường tu. Việc Đức Chí Tôn không tự mình lập Pháp Chánh Truyền cho nữ phái mà giao cho Đức Lý Nhứt trấn oai nghiêm vì Ngài là vị Đại Tiên mà cũng là Giáo Tông, Ngài giữ nghiêm luật hình bảo tồn Luật Thiên Điều mà không tư vị, nên nữ phái biết sợ mà dè dặt, cẩn trọng giữ mình. Xem lại Nữ-phái không biết trau-giồi trí thức đặng làm trách-nhậm cho xứng vị mình, thì lại càng âu-lo hơn nữa! Chính mình Cao Thượng-Phẩm mới giáng cơ nói rằng nhờ Ngài cầu xin tha-thứ cho Nữ-phái nơi Ngọc-Hư, bằng chẳng thì đã bị phế; xin để dạ lo lấy phận mình.”
 
Là nữ phái, em nhìn nhận thấy những lời dạy này rất đúng với mình. Vì ham tiểu tiết mà nhiều lần chậm trễ việc lớn, tầm nhìn bao quát không đủ cao xa để thông suốt đại cuộc nên thường lấy việc nhỏ mà bỏ quên việc lớn. Có lần đọc tiểu sử của Bà Giáo Sư Hương Phụng, Bà là chơn linh của Khổng Minh giáng sinh, tư chất rất thông minh, thơ hay, hiểu biết, được Ơn Trên đặc cách phong phẩm Giáo Sư, nhưng vì bận bịu thế sự nên khi mất rồi Bà hối tiếc và hổ thẹn vì lãnh trách nhiệm lớn trong nền Chánh giáo mà không hành Đạo, thiếu công nghiệp tương xứng với ngôi vị Thiêng Liêng.
 
Bài học cho nữ phái trên con đường tu
Trong mỗi người phụ nữ đều có một nguồn năng lượng kỳ diệu, đó là sự mềm mỏng, dịu dàng. Khi nguồn năng lượng này được đánh thức, người phụ nữ sẽ đạt đến trạng thái hoàn mỹ, trái tim tràn đầy yêu thương cùng với một ý chí bất khuất. Sự dịu dàng của phụ nữ giống như dòng nước, thiện với vạn vật mà không tranh, nhu hòa khiêm nhường và mềm mại, có thể lấy nhu mà thắng cương, lấy mềm yếu mà chế ngự bạo tàn. Nếu phụ nữ chẳng thể dịu dàng, chẳng hiểu được sức mạnh của một lời nói chậm rãi, chẳng hành xử nhẹ nhàng, thì họ đã đánh mất đi sự tuyệt vời của phái nữ, do vậy sự khiêm tốn nhẫn nhượng của người phụ nữ là một đức hạnh cao quý.
 
Bà Martine Batchelor trong tác phẩm Bước Sen kết luận rằng: “Không cần phải bàn cãi về sự bất bình đẳng của hai giới tính, vì điểm trọng yếu trong việc tu hành của chúng ta là để đạt được giác ngộ. Nếu ta kiên định trong việc tu tập để được giải thoát, ta không cần phải đòi hỏi gì hơn. Điều ta cần làm là kiên trì tu tập. Ta không thể thăng tiến trên đường tu tập nếu cứ đi so sánh với người nọ, người kia mãi. Khi chúng ta xuất gia, thực hành quay vào nội tâm, công phu tu tập luôn giải thoát ta ra khỏi mọi ràng buộc. Quả thật vậy, nữ tu trong Thiên chúa giáo dù không được làm linh mục, giám mục, giáo hoàng nhưng vẫn có nhiều nữ Thánh đắc Đạo như Mẹ Teresa đã được Hội thánh Kitô giáo phong Thánh vì Bà dành trọn đời phụng sự người nghèo, trẻ mồ côi ở Ấn Độ. Đó là tấm gương sáng cho các nữ tu của thế kỷ 20.
 
Ngoài ra có những nữ phái rất giỏi và thông minh, thành công trên đường công danh sự nghiệp nhưng họ chọn con đường phụng sự Thượng Đế và nhân loại, đó là Maria Gaetana Agnes, nữ giáo sư toán học đầu tiên của châu Âu vào thế kỷ 18. Khi lên 10 tuổi, Bà Maria có thể nói 11 ngôn ngữ khác nhau. Năm 30 tuổi, bà xuất bản cuốn Luận bàn Giải tích cho thế hệ trẻ Italia và đạt được thành tựu toán học vẻ vang nhất cuộc đời. Năm 1750, Đức Giáo Hoàng Benedict XVI bổ nhiệm bà làm chủ nhiệm khoa toán học, triết học tự nhiên và vật lý tại Đại học Bologna. Bà không bước chân vào tu viện nhưng bà cũng không lập gia đình và sinh con, mà chọn trở thành con chiên Thiên Chúa thế tục, cống hiến cả cuộc đời cho từ thiện. Sau này, bà làm giám đốc khu vực dành cho nữ giới, chăm sóc những người nghèo khổ và bệnh tật.
 
Trong Nữ Trung Tùng Phận, Bà Đoàn Thị Điểm dạy “Hoa phong nhụy cung Tiên cũng mến”
Xin dành một phần đặc biệt giới thiệu về con đường hành Đạo của Giáo Nhi.
 
Con đường hành Đạo của Giáo Nhi trong Đạo Cao Đài
Ít nhất 5 năm, các Cô phải tuân thủ nghiêm ngặt thời gian cúng tứ thời tại Tòa Thánh, Báo Ân Từ và Tang tế sự ở Nội Ô. Nếu được bổ đi dạy kinh kệ ở địa phương thì đó mới tính vào công nghiệp hành Đạo của các Cô, nếu chỉ ở trung ương phục vụ cúng kiếng thì thời gian làm phận sự phải kéo dài gấp đôi thì các Cô mới đủ công nghiệp để xin cầu phong. Những năm 1973 trở về trước, đa phần Giáo Nhi sau khi hoàn thành nhiệm vụ, đủ điều kiện cầu phong thì các Cô chọn vào Cơ Quan Phước Thiện, đối phẩm Giáo Thiện, các Cô tiếp tục phụng sự Đạo ở Cửu Viện hoặc bổ đi các địa phương giúp Quản Tộc mở rộng Cơ Quan Phước Thiện ở đó, đồng thời tiếp tục hướng dẫn đồng nhi địa phương.
 
Vì các Cô hành đạo ở Tòa Thánh lâu năm, được tiếp xúc với các vị Chức sắc cao trọng nên học hỏi và tập rèn được nhiều tánh hạnh tốt đẹp của người tu. Khi đi hành Đạo, các Cô rất có hạnh đức, được người Đạo quý mến, kính trọng. Tiếng lành đồn xa nên các Thánh Thất, Điện Thờ thường làm đơn xin bổ các Cô về địa phương để giúp chỉnh đốn nghi lễ và dạy dỗ ban bộ cùng tín đồ nữ phái. Cũng có Cô chọn con đường Cửu Trùng Đài để hành Đạo lập công, trước năm 1975, đã có nhiều Cô đến phẩm Giáo Sư. Sau năm 1997 có vị tiếp tục cầu phong và lên đến phẩm Đầu Sư như Bà Hương Nhìn. Cũng có vị chọn dừng lại và tìm đường lập công bên ngoài Hành Chánh Đạo như Cô Giáo Sư Hương Minh. Dù các Cô cũng tùy theo cơ Đạo thăng trầm nhưng tánh hạnh và đạo đức của các Cô luôn là điểm sáng mà toàn Đạo noi theo. Các Cô là những bông hoa Đạo tinh khiết, thanh cao mà cũng vô cùng gần gủi với thế hệ trẻ, các Cô góp phần xây dựng Đức Tin cho họ với Đạo, nêu gương tinh thần trọn đời phụng Đạo pháp.
 
Những nữ phái như Maria Gaetana Agnes hay Ni sư, các Seour, các Nữ Chức Sắc, Đồng nhi, Giáo nhi hay các Nữ công quả hiến thân trọn đời ở Tòa Thánh hay các cơ sở Đạo là những bông hoa Đạo hạnh thuần khiết và thánh thiện. Họ dâng trọn thể xác lẫn tinh thần phụng sự Đạo pháp và chúng sinh.
 
Bí pháp của Tam Tùng và Tứ Đức theo Nhơn đạo và Thiên Đạo
Để trọn vẹn hơn con đường tu học của nữ phái, em xin trích lại lời dạy của Đức Cao Thượng Phẩm về Bí pháp của Tam Tùng Tứ Đức theo Nhơn đạo và Thiên Đạo. Bí pháp của Nhơn đạo Tam Tùng là:
* Tùng phụ: Người con gái phải giữ trọn tiết trinh cũng như tín đồ phải giữ tròn danh Đạo.
* Tùng phu: Như bóng với hình, tức nhiên phải ví mình như một trong Thánh thể, tùng Hội Thánh vậy.
* Tùng tử: là phải vì đám hậu sanh mà quên mình đặng tạo nên sự nghiệp tương lai cho chúng, tức nhiên là bổn phận của Chức sắc vậy.
Bí pháp của Nhơn đạo TỨ ĐỨC gồm Công, Dung, Ngôn, Hạnh: tức là việc làm cho nhơn sanh thoát khổ, lời nói để đưa đường giáo hóa, hành vi cử chỉ để treo gương mặt thế, tức là phải biết nâng cao giá trị của Thánh thể Đức Chí Tôn, nết na đầm thấm, giữ trọn thương yêu, tức nhiên là làm nền móng cho Đại đồng Thế giới." Người nữ tín đồ Cao Đài thực hành trọn vẹn Thể Pháp và Bí Pháp của Nhơn đạo thì đắc Thánh, bước vào Thánh vị.
 
Đức Cao Thượng Phẩm giảng Tam Tùng Tứ Đức theo THIÊN ĐẠO như sau: Khi đã làm trọn được Tam Tùng và Tứ Đức ở Thể Pháp và Bí Pháp của Nhơn đạo, người Nữ tín đồ Cao Đài cần tiến lên một nấc thang cuối nữa, cho Tam Tùng và Tứ Đức thăng hoa lên đến tột bực để bước vào Thiên Đạo, thì mới được giải thoát khỏi vòng luân hồi.
* Tùng phụ: Tùng Cha, Cha đây là Đấng Cha Trời, là Đại Từ Phụ. Phải tuân theo lời dạy của Đấng Cha Trời, siêng năng tu tiến thì linh hồn mới trổi bước lên phẩm vị cao trọng.
* Tùng phu: Theo chồng, chồng thuộc Dương, vợ thuộc Âm, vợ chồng hòa hợp thì cũng như sự tu luyện làm cho hai khí Âm Dương trong cơ thể tương hiệp nhau, tức là đạt được Ngũ Khí triều nguơn, Tinh - Khí Thần hiệp nhứt, đắc đạo tại thế.
* Tùng tử: Sau khi đắc Đạo rồi, còn phải trở lại dìu dắt những đứa con đang dại khờ chìm đắm trong vòng vật dục, để chúng sớm giác ngộ mà quay trở lại con đường Đạo.
 
TỨ ĐỨC được nâng cao nhận thức lên tầm nhìn mới:
* Công: Từ chỗ chăm làm việc nhà, phát triển lên làm việc cho xã hội, truyền bá kinh sách giáo hóa người đời, phụng sự nhơn sanh, để tạo công đức tu hành mau tinh tấn.
* Dung: Tiến lên bồi đắp sắc đẹp tinh thần, thể hiện bằng tình thương bao la cứu giúp chúng sanh thoát khổ.
* Ngôn: Từ chỗ nói năng đoan chính đem lại hòa ái cho mọi người, tiến lên nói điều đạo đức, thuyết minh giáo lý khai mở tâm tánh cho nhơn sanh thức tỉnh, học đạo tu hành.
* Hạnh: Từ đức tánh hiền hòa khiêm tốn, tiến lên đến mức khiêm tốn tối đa để chinh phục người đời, phổ độ người đời vào đường đạo đức, lập hạnh từ bi cứu vớt chúng sanh đồng thoát khổ.
 
Tóm lại, Tứ Đức và Tam Tùng trong Thiên Đạo là sự thăng hoa đến mức cao tột của Tứ Đức và Tam Tùng trong Nhơn Đạo của người phụ nữ Đạo Cao Đài. Những giáo lý vàng ngọc này giúp người tín đồ biết bổn phận mình đối với xã hội nhơn quần thế nào cho nhơn loại cộng hưởng hòa bình, tạo nên một thế giới đại đồng theo Thánh ý của Thượng Đế.
 
Đức Diêu Trì Kim Mẫu dạy tầm quan trọng của nữ phái
“Theo thế đời, bậc nữ nhi là cốt yếu của đường tấn hóa, là phương hướng ngay thẳng cứu nét hưng vong. Nên cũng nhờ đó mà hư cũng do đó. Về đạo đức bậc nữ nhi lại còn có một mãnh lực cao trọng hơn nữa. Nếu xét cho cùng thì nữ nhi hẳn thiệt là cái chìa khóa để mở cửa đạo đức của nhơn sanh, phương thuốc hay để cứu người đương bịnh, ngọn đèn tỏ để dìu đường.”
Vì vai trò quan trọng nên nữ phái cần phải học hơn nữa để hành trang cho mình những căn bản đạo đức, hầu hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng, làm cánh tay yêu thương của Đức Phật Mẫu nơi quả địa cầu này.
 
Kết luận
Tam Kỳ Phổ Độ đã mở ra một kỷ nguyên mới có hệ thống cho Nữ phái, nâng đỡ, dìu dẫn, tạo điều kiện cho phái Nữ được học tập, tấn hóa và lập công. Vậy muốn bằng chẳng muốn là do nơi Nữ phái, không đổ thừa bị định kiến cổ hũ chèn ép mà không thể tiến hóa. Mong Tỷ Muội chúng ta cố gắng ung đúc tinh thần của mình để học tập theo gương hạnh đức của các Đấng Nữ Phật, Tiên và các bậc Nữ tu đạo cao đức trọng để rèn lòng sửa nết, bỏ hết phàm tâm, trọn lòng phụng sự Đạo pháp và chúng sanh, để góp bông hoa của mình vào vườn hoa Đạo hạnh.
* Từ Hòa (Sưu tầm và biên soạn)
2021
NỐI BƯỚC. N°I   [1]  [2 [3 [4 [5 [6 [7 [8 [9 [10 [11 [12 [13 [14 [15 [16 [17