1 - Theo nội dung trình bày
thì các chơn hồn sau khi thoát xác đều phải vào Tòa Thánh Tây Ninh rồi
mới bắt đầu cuộc
hành trình trở về cõi Thiêng Liêng Hằng Sống, xin nói rõ những
chơn hồn không theo đạo Cao Đài khi sanh tiền thì có phải vào Tòa Thánh Tây Ninh không ?
“Mỗi chơn-hồn nơi thế gian này, khi thoát xác đều phải qui tựu tại
Đền-Thánh này và đi từ trong Đền-Thánh này đến các cảnh giới khác. Tại sao phải
vào Đền-Thánh này, mà không vào các Đền-Thánh khác? Tại vì Đền-Thánh này tỷ như
một trường thi: Mỗi năm Chánh-Phủ mở một kỳ thi như thi Tú-Tài chẳng hạn,
địa-điểm đã ấn định rồi, chỉ có thi nơi đó mới có giá-trị...”
Như vậy mỗi chơn hồn dầu có Đạo Cao Đài hay không có Đạo hay người theo tôn
giáo khác đều phải vào Đền Thánh để về cõi Thiêng Liêng vì nơi đây giống như
một trường thi buổi Tam Kỳ nầy. Con đường nầy phải đi qua nhiều cung nhiều động
như trong kinh cúng tuần cửu, nên con đường nầy gọi là con đường Cửu Thiên Khai
Hóa…
Nói rõ hơn, Đạo Cao Đài có Đức Phật Di Lạc là chánh chủ khảo Hội Long Hoa
kỳ nầy và nhơn sanh ai cũng được vào thi nếu đủ công đức đều được đắc phong
ngôi vị chớ Hội Long Hoa không phải chỉ dành riêng cho người Đạo Cao
Đài...
2 - Có
hạng người nào sau khi thoát xác sẽ được về bằng con đường khác hơn không ?
Đáp: Theo
quyển Thiên Đạo, những bực chơn tu đắc Tiên vị khi lìa cõi phàm chơn hồn sẽ
vượt qua cõi Thần và cõi Thánh mà lên thẳng cõi Tiên.
Chính vì
vậy mà các chức sắc đại Thiên Phong từ hàng Đầu Sư, Thập Nhị Thời Quân trở lên
khi qui vị liên đài sẽ được để trên Cửu Trùng Thiên tế lễ một đêm trước khi
nhập bửu tháp và chư vị nầy cũng không cần làm tuần cửu, chỉ cúng Tiểu Tường và
Đại Tường mà thôi…
Điển hình
như Ngài Khai Pháp Trần Duy Nghĩa một ngày sau qui vị Ngài về cho bài thài cúng
tế và 4 ngày sau Ngài lại về nói : “Ngày về Qua được Đức Chí Tôn ban ân khen
thưởng, đó là công nghiệp của mấy em…”.
Kế đó,
trường hợp Đức Thượng Sanh Cao Hoài Sang, Ngài đăng tiên vào ngày 26 tháng 3
năm Tân Hợi (1970), hôm sau Ngài về cơ cho biết :
“Bần Đạo
lấy làm vui sướng được thoát nơi trần lụy. Cái kiếp sanh của con người chỉ có
giải thoát là quí hơn hết”...
Tức là
chỉ một vài hôm sau qui vị các Ngài đã vào Ngọc Hư bái mạng Đức Chí Tôn…Và về
an hưởng nơi cõi Tiên bang rồi.
3 - Trong
thi văn hay kinh kệ thường dùng từ biển khổ, khổ hải,… để chỉ cõi trần gian
nầy, trong quyển Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống những từ nầy có cùng ý nghĩa
không ?
Đáp:
Trong Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống, Đức Hộ Pháp có diễn tả Bát Quái Đài có
tám cửa nhưng bảy cửa kia là thất đầu xà có quỉ giữ không cho ai qua lại nên
người ta chỉ vào cửa còn lại là cửa Phật mà thôi. Nhưng phía dưới cầu vào cửa
Phật là “…đại hải mênh mông nước cuồn cuộn xanh biếc, sóng dợn ba đào, mỗi
làn sóng có đề chữ khổ. Chúng ta chia ra đi trên ấy, chúng ta thấy dợn hào
quang nổi lên dữ tợn lắm; mấy chữ lớn là Sanh. Lão, Bịnh, Tử; làn sóng dợn lên
rồi hạ xuống, mỗi lần đều có một chữ khổ…” (bài 4, CĐTLHS)
Rõ ràng
đây là hình ảnh cõi trần gian vì có cả tứ khổ và nhiều khổ khác…
Nơi bài
số 3, Đức Hộ Pháp còn tả lại muốn vào Bát Quái Đài phải bước lên cây cầu huyền
diệu làm bằng đạo hào quang, nhưng “…đi được nửa chừng nếu không đủ Thiên vị
hay vì tội tình oan gia nghiệt chướng chi mà chúng ta đã đào tạo nơi mặt thế
nầy chúng ta đi tới nửa cầu sẽ bị lọt xuống Bích Hải. Lọt xuống đó rồi ta thấy
hồi lúc đi, còn ở trên cầu, chúng ta thấy hình ảnh còn đẹp đẽ tốt tươi, hễ lọt
xuống Bích Hải rồi chúng ta thấy hình thù đen thui dị hợm lắm, ta không thể
tượng tượng được…” .
Hình ảnh
nầy là cảnh đọa có thể là những địa cầu thấp hơn địa cầu 68 chúng ta đang sống…
4 - Trong
bài kinh Đệ Nhứt Cửu có đề cập đến Vườn Ngạn Uyển nhưng không nói vườn nầy ở
đâu, Vậy Vườn Ngạn Uyển ở từng trời thứ 9 hay từng trời thứ nhứt ?
Đáp: Đức
Hộ Pháp thuyết:
“Nơi
Diêu Trì Cung có vườn Ngạn Uyển, mà vườn ấy ra sao?
Diêu
Trì Cung là nơi nhao rún của chúng ta. Trong vườn Ngạn Uyển, mỗi mạng sanh con
người đều có hiện tượng một bông nở. Mỗi khi bông ấy héo rụng tức nhiên là có
một người chết.
Thế
gian này gọi là chết chứ không phải chết. Loài người không bao giờ chết cả. Sự
sống chết như thay đổi cái áo vậy thôi…”
Như vậy,
vườn Ngạn Uyển theo lời Đức Hộ Pháp là ở nơi Diêu Trì Cung nghĩa là từng trời
thứ 9.
5 - Trong
quyển CĐTLHS có mấy lần chúng ta được xem lại tội phước của mình trong quá khứ
hay trong nhiều kiếp sanh ? Và xem tội
phước để làm gi ?
Đáp:
Trong quyển CĐTLHS, Đức Hộ Pháp thuyết giảng có 3 lần chúng ta được xem lại tội
phước mình như sau:
a - Nơi Bát
Quái Đài:
“Ở
ngoài Bát Quái Đài, chúng ta thấy mênh mông hào quang chiếu diệu một nhà tám
cửa. Khi chúng ta vô rồi, đài ấy biến mất, chỉ còn Càn Khôn Vũ Trụ chung quanh
chúng ta. Đài ấy vẫn xây, xây mãi. Ta biết rằng đài ấy là Tòa Tam Giáo…
…Kế
đến, thấy một cây cân Công Bình hiện ra trước mắt chúng ta rồi cũng từ từ biến
mất. Chúng ta thấy mình chẳng khác nào như khán giả đứng trước đài coi cả kiếp
sanh trước kia của chính mình. Tất cả sẽ có trước mắt chúng ta, không điều gì
sót. Phải chăng nơi ấy kinh Phật nói là Minh Cảnh Đài? Trước mặt chúng ta không
phải là kiếng, kiếp trước chúng ta làm những việc gì nay nó sẽ chiếu lại cho
xem chẳng khác gì như mình xem tuồng hát bóng vậy. Mỗi khi mình hành động gì
trong kiếp sanh khi xưa hôm nay đều ngó thấy trước mặt. Và cân ấy tùy theo nên,
hư, tội phước mà hiện ra hết thảy, quyết đoán một cách công bình không sai chút
nào hết…” (bài số 4)
b - Nơi
Ngọc Hư Cung :
“Nếu
khi về được rồi thân nhân của chúng ta dắt chúng ta đến một cung có một quyển
Thiên Thơ để trước mặt ta. Giở ra xem thì thấy tên mình và những việc mình đã
làm trong kiếp sanh đều hiện ra trong đó. Rồi thì chúng ta tự mình làm quan tòa
để phán xử xem mình phải đầu kiếp trở lại hay mình đạt được địa vị nào trên Cõi
Thiêng-Liêng. Tất cả đều do mình tự định đoạt lấy. Vị Chưởng Quản nơi Cung ấy
người phàm chúng ta đặt tên là Nam Tào Bắc Đẩu. Nơi đây không có ai trị ai hết,
chính ta trị ta. Không có ai định kiếp cho ta, chính ta định kiếp cho ta. Không
có ai phân tội phước cho ta, chính ta định tội phước cho ta…” (bài 23)
c - Nơi cung
Phục Linh:
“….anh em trong Tông-Đường ta có dặn trước khi vô cửa đừng có sợ-sệt gì
hết, phải bình-tĩnh…Có dặn trước mà khi vô dường như mất thần, mất trí, hết
thảy mê-muội, không biết gì hết. Tới chừng tỉnh thấy một vị Phật Cầm cây
Kiêm-Câu đứng trước mặt chúng ta và thấy Hộ-Pháp đang đứng bắt ấn giữ linh-hồn
chúng ta lại. Vị Phật ấy không ai xa lạ hơn chính là Phục-Linh Tánh-Phật đó
vậy. Cầm cây Kiêm-Câu quơ một cái thì chúng ta tỉnh lại một kiếp sanh, tới
chừng sống lụng lại thấy trong kiếp sống trước nữa. Hễ mỗi lần quơ thì chúng ta
thấy mỗi kiếp sanh, chúng ta sống lụng lại trong
cả kiếp sống của chúng ta, chúng ta đi thối lại từ mức Đại-Hồi cho tới
Tiểu-Hồi, qua cho tới vật-loại, bởi chúng ta cả thảy đều là Hóa-nhân, không ai
ở mặt địa-cầu này là Nguyên-nhân cả. Nguyên-nhân chúng ta đã đoạt được trong
lần thứ ba là Đệ-Tam Chuyển, còn bao nhiêu đều là Hóa-nhân, cả thảy đều ở trong
vật-loại mà đoạt kiếp cả…” (bài 25)
Khi ngươn
linh ta làm quan tòa xét xử lấy ta thì không ai có thể bào chửa cho ta được và
ta cũng không thể chối tội được…
Ngoài ra
khi chúng ta gây nên tội lỗi, thì cả tông đường ta cũng chịu tội với ta như lời
Đức Hộ Pháp:
“Bần-Đạo có nói rằng: Chúng ta chỉ sợ tôi lung hơn hết, khổ não hơn hết, là
mình thấy Tông-Đường mình bị tội nơi cảnh Thiêng-Liêng Hằng-Sống, trụ số
Tông-Tộc Thiêng-Liêng của mình trên cảnh Thiêng-Liêng Hằng-Sống kia họ chịu
nhục-nhã về mình, chịu chê bai biếm nhẻ, vì mình mà bị từ bỏ, dọa nạt trên cảnh
Thiêng-Liêng Hằng-Sống và mất giá-trị. Cái đó mới đáng sợ”. (bài 26)
6 - Ngươn
linh là gì ? Ngươn linh mình xử lấy mình là thế nào ?
Ngươn
linh hay nguyên linh là chơn linh đầu tiên hay chơn linh gốc của mình. Mỗi
người chúng ta tiến hóa từ vật loại đến thảo mộc, thú cầm, có sanh hồn, giác
hồn rồi lên làm người có thêm linh hồn, rồi tu tiến nữa đoạt vị Thần Thánh Tiên
Phật, khối chơn linh đó là ngươn linh của chúng ta.
Đức Hộ
Pháp thuyết nơi bài số 2 như sau:
“Bần-Đạo đã giảng khi vô Cung Phục-Linh thì chúng ta sống lụng lại nhờ Đức
Phật Phục-Linh Tánh-Phật gìn-giữ cho nguyên kiếp của chúng ta, phục-linh lụng
lại, qui tựu chơn-linh lụng lại. Ở trên Thượng-Nê-Hoàng thì có Hộ-Pháp bắt ấn
giữ cả Ngươn-Linh chúng ta cho vững chắc, chúng ta sống nơi Cung ấy có hồi
mê-muội đặng cho quên cả kiếp trước của mình.
Linh-hồn chúng ta đi đặng nhập mình chúng ta sống lụng lại, không biết
chừng muôn triệu kiếp từ trong vật loại dĩ chí tới phẩm nhơn-loại, biết bao nhiêu
kiếp, lâu chừng nào kiếp căn nhiều chừng nấy. Khi chúng ta thác qua sống lại,
cơ huyền-bí làm cho chúng ta nhập vô trong Ngươn-Linh của chúng ta.
Ngươn-Linh ấy nó đoán xét muôn muôn quả kiếp chẳng khác gì xét đoán tội
nhơn kia vậy, vì cớ cho nên Bần-Đạo có nói mỗi đứa sẽ làm Tòa lấy mình, xử lấy
mình là vậy. Cái xử mình còn nghiêm-khắc mà xử lấy mình nữa, mình xử cho mình
hỏi còn ai bào chữa cho. Bần-Đạo nói rằng: Cái án không cãi, cái tội không có
chối, cái hình-luật không có tránh. Tránh thế nào được, chối thế nào được vì
mình xử lấy mình chối thế nào được, Ngươn-Linh của mình xử mình, Ngươn-Linh của
mình làm chủ cả quả kiếp, quả kiếp của mình, trái lại nó xử tội mình thì còn ai
mà bào chữa cho”.
7 - Có
cách gì để ngươn linh ta xử nhẹ hoặc từ chối làm tòa để xử ta ?
Đức Hộ Pháp thuyết (bài số 27) có 2 cách là:
1) Thứ nhứt là mình phải lo xét mình hằng ngày và ăn năn sám hối về
những tội lỗi mình đã lỡ gây ra do sự vô minh của mình.
“…Ấy vậy mà có phương-pháp bào chữa
chớ, có mà không biết. Mình có thể tự mình làm trạng-sư đặng bào chữa tội cho
mình. Vì khi mình đương sống đây muôn triệu kiếp, mình biết cái lỗi của mình,
tức nhiên Ngươn-Linh của mình cãi cho mình, cái Ngươn-Linh cãi tội cho các
Chơn-Linh, cãi cho mình thì ngày kia không có bắt tội mình nữa”.
2) Thứ hai là: Niệm được danh Thầy lúc lâm chung :
“Hỏi thử tội tình của chúng ta đã làm trong kiếp sanh, Đức Chí-Tôn để trong
phương pháp nói rằng: Tội tình các con đầy dẫy nơi mặt địa-cầu này mà đến giờ
chót, các con biết kêu danh Thầy thì Thầy đến cứu, Thầy đem Bí-Pháp giải-thoát
để trong tay các con đặng các con đoạt chơn-pháp giải-thoát đó vậy. Kêu danh
Thầy là: "Nam-Mô Cao-Đài Tiên-Ông Đại-Bồ-Tát Ma-Ha-Tát".
Tại sao niệm được danh Thầy lúc lâm chung thì được giải thoát, Đức Hộ Pháp
giải thích:
“Chúng ta đã ngó thấy, Bần-Đạo đã thuyết-minh rằng: Khi Ngươn-Linh của
chúng ta đã hiện-tượng của nó, thì nó đồng tánh với Càn-Khôn Vũ-Trụ, đồng tánh
với Chí-Linh là đoạt Đạo.
Càn-Khôn Vũ-Trụ là nơi sản-xuất Đấng ấy mà Đấng ấy đồng tánh với nhau, tức
nhiên Đấng ấy có quyền tự giải-thoát cho mình. Vì cớ cho nên kêu danh Đức
Chí-Tôn thì đoạt cơ giải-thoát, dầu tội tình bao nhiêu chúng ta đã tạo thành
nơi mặt địa-cầu này, dầu có đầy-dẫy đi nữa mà giờ chót chúng ta biết kêu danh
Đức Chí-Tôn tức nhiên biết kêu Ngươn-Linh của chúng ta, tức nhiên chúng ta chối
cái quyền làm Tòa buổi chung qui của chúng ta. Hễ ta chối cái quyền làm Tòa thì
còn ai xử ta đâu?
Đấng Chí-Linh duy chủ mà để quả-kiếp trong tay Đấng Chí-Linh thì còn ai xử
ta đâu, cơ quan giải-thoát đoạt-pháp là vậy đó”.
Chúng ta có thể giải thích như sau: Khi giờ phút cuối ta niệm danh Thầy
cũng là niệm ngươn linh mình và khi ấy ngươn linh mình biết mình đồng tánh cùng
Đức Chí Tôn nên từ chối quyền làm tòa và
giao hết quả kiếp của mình trong tay Đức Chí Tôn, mà Đức Chí Tôn là Đấng có
quyền tự giải thoát cho mình nên quả kiếp chúng ta được tiêu trừ và ta được
giải thoát…
8 - Tông
đường Thiêng Liêng của chúng ta gồm có những ai ?
Đức Hộ
Pháp thuyết nơi bài số 31 như sau:
“Tông-Đường Thiêng-Liêng của chúng ta chia ra làm ba hạng:
1 - Hạng trí-thức tinh-thần chúng ta do Ngươn-Linh của chúng ta sản-xuất.
2 - Hạng ngoại-thân là những chơn-hồn chúng ta đã làm bạn khi tái kiếp làm
người. Mỗi kiếp làm người chúng ta có Cha, Mẹ, Anh, Em, bạn tác, có thân-quyến
đó là ngoại-thân.
3 - Nội-thân của chúng ta là chính các Chơn-Linh chính mình chúng ta giáng
linh đầu-kiếp, mỗi kiếp mình giáng-linh là phân thân đầu-kiếp, là một người
đặc-biệt riêng ra. Bởi cớ cho nên các bậc cao-siêu chẳng cần tái kiếp, nhưng họ
có quyền, quyền vô đối của họ, là họ giáng-linh đặng chuyển-kiếp, câu kinh
"Nhứt thân ức vạn diệu huyền thần biến" là vậy đó…”.
Đoạn 2 và 3 trên đây thì dễ hiểu, riêng đoạn thứ nhứt có nghĩa khi ta chưa
đoạt được giải thoát thì chính mình ngươn linh ta đi đầu kiếp để tu hành tiến
hóa, những kiếp nầy là hạng trí thức tinh thần do ngươn linh ta sản xuất …
* Bảo Chơn (ghi lại)
Home. Mục Lục: [1] [2] [3] [4] [5] [6] [7] [8] [9] [10] [11] [12] [13] [14] [15] [16] [17] [18].