KINH TẮM THÁNH - Luận Giải . * HT Lê Văn Năm.

(Giọng
Nam xuân)
1.  Những vạn vật Âm Dương tạo hóa, 
2.  Dầu cỏ cây hoa quả biến sanh,
3.  Con người đứng phẩm tối linh.
4.  Nửa người nửa Phật nơi mình anh nhi,
5.  Đại Từ Phụ từ bi tạo hóa,
6.  Tượng mảnh thân giống cả Càn Khôn,
7.  Vẹn toàn đủ xác đủ hồn,
8.  Xây cơ chuyển thế bảo tồn vạn linh.
9.  Xin gìn giữ Thánh hình thanh bạch,
10. Xin xá ân giải sạch tiền khiên,
11. Căn xưa ví dữ cũng hiền
12. Dầu ra cửa tội đủ quyền cao siêu.
13. Công nuôi dưỡng nâng niu khó nhọc
14. Phép thương yêu cũng học nơi Thầy.
15. Sanh nơi đây ở nơi đây,
16. Trăm năm là tuổi đủ đầy mạng căn.
17. Chốn hồng trần quen lằn gió bụi,
18. Cảnh phù ba may rủi cũng duyên,
19. Đã gan dốc kiếm diệu huyền,
20. Sanh sanh là phận, hiền hiền là công.
21. Đừng thối chí ngã lòng trở bước,
22. Để cho đời chua xót tình thương
23. Trăm năm thọ khảo vĩnh trường,
24. Thuận căn thuận mạng đôi đường cao thăng.
(Niệm 3 lần câu Chú của Thầy)
* Nguyệt Tâm Chơn Nhơn.
XUẤT XỨ :
Kinh Tắm Thánh do Ðức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn giáng cơ ban cho. Ðồng nhi tụng bài kinh nầy trước khi vị Chức sắc hành pháp Tắm Thánh cho các trẻ em trong Ðạo.
Ðức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo cho biết, Ðức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn là một vị Thánh của Bạch Vân Ðộng nơi cõi thiêng liêng. Ngài có chiết chơn linh giáng trần một kiếp tại Việt Nam là Thi hào Nguyễn Du, sau đó Ngài chiết chơn linh giáng sanh bên Pháp là Văn hào Victor Hugo.
Trong thời Tam Kỳ Phổ Ðộ, Ngài thọ lịnh Ðức Chí Tôn cầm quyền Chưởng Ðạo Hội Thánh Ngoại Giáo của Ðạo Cao Ðài. Ngài thường giáng cơ giáo hóa các Chức sắc của Hội Thánh Ngoại Giáo.
Ðức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn có giáng cơ ban cho 6 bài Kinh Thiên Ðạo và Thế Ðạo, xin kể ra như sau:
1. Kinh Tắm Thánh. 
2. Kinh Tẫn Liệm.
3. Kinh Cầu Hồn Khi Hấp Hối. 
4. Kinh Ðưa Linh Cửu.
5. Kinh Khi Ðã Chết Rồi. 
6. Kinh Hôn Phối.
 
Tắm Thánh: Xối nước Thánh lên đầu đứa bé. Nước Thánh đó là Ma Ha Thủy. 
 
Cách luyện Ma Ha Thủy đã giải rõ nơi phần cuối bài Kinh Giải Oan. 
Nay xin nhắc lại như sau:
(Khi Chức sắc hành Phép Giải Oan hay tắm Thánh thì phải luyện Ma Ha Thủy trước. Cách luyện Ma Ha Thủy như sau:
Múc một tô nước để tại Thiên Bàn. Người hành pháp đứng trước, định Thần ngó ngay lên Thiên Nhãn, vẽ bằng con mắt chữ (…) trong con ngươi của Thiên Nhãn, rồi co chân trái vẽ chữ (…), đạp lên chữ (…) ấy, rút chân mặt ký chữ (…) gọi là đạp Ðinh Giáp. Khi hành pháp như vậy rồi thì tay trái bắt ấn Hộ Pháp để ngay ngực, tay mặt cũng bắt ấn Hộ Pháp để trên tô nước buông ấn ra, co ngón tay giữa vẽ bùa (…), đoạn ngay ngón tay ra truyền thần xuống nước, niệm Câu Chú: "Ma Ha Thủy năng hủy oan nghiệt tội chướng chi đọa.”  Nhắm mắt định Thần, đợi thấy Thiên Nhãn giáng trên mặt nước thì xả ấn. Ma Ha Thủy đã luyện thành.
Hành Pháp Giải Oan hay Tắm Thánh  :
Cầm tô nước nơi tay mặt, đến trước mặt người được giải oan hay Tắm Thánh biểu cúi đầu xuống, lấy con mắt vẽ chữ (…) ngay Nê Huờn Cung. Hễ vẽ vừa xong liền chụp 5 ngón tay trái lên mỏ ác gọi là ấn Ngũ Hành Sơn, vừa chụp vừa niệm Câu Chú nầy:
"Úm Ma Ni Bát Rị Hồng."
Ðoạn cầm tô nước đổ ngay xuống mỏ ác 1 giọt niệm: "Nam mô Phật", rồi giọt thứ 2 niệm: "Nam mô Pháp", rồi trút hết tô nước niệm: "Nam mô Tăng, Nam mô Cao Ðài Tiên Ông Ðại Bồ Tát Ma Ha Tát."
Phép Giải Oan hay Tắm Thánh đã làm xong.
Người được giải oan hay Tắm Thánh lạy Ðức Chí Tôn 3 lạy 12 gật, rồi đứng dậy lui ra.)
 
Theo Tân Luật của Ðạo Cao Ðài, phần Thế Luật, điều thứ 22: "Ðứa con nít khi được 1 tháng sắp lên, phải đem đến Thánh Thất sở tại mà xin làm Lễ Tắm Thánh và ghi vào Bộ Sanh của bổn đạo."
Mục đích của Phép Tắm Thánh là:
1 - Trình với Ðức Chí Tôn và Ðức Phật Mẫu, cùng các Ðấng Thiêng liêng để công nhận đứa bé nầy là con của nhà Ðạo Cao Ðài, tức là con cái của Ðức Chí Tôn và Ðức Phật Mẫu trong Ðạo Cao Ðài.
2 - Tẩy trược Chơn thần đứa bé để nó được thông minh sáng láng, lớn lên học hành mau hiểu biết.
 
CHÚ GIẢI :
Câu 1 - 2:
Những vạn vật Âm Dương tạo hóa,
Dầu cỏ cây hoa quả biến sanh:
Vạn vật: Tất cả các loài vật hiện hữu, từ Vật chất, Kim thạch, Thảo mộc, Thú cầm đến Nhơn loại.
Âm Dương: Âm: Một thứ khí trong trời đất, đối với dương, nghĩa rộng là giống cái, là dưới, là tĩnh, là tối tăm.
Dương: Một khí trong trời đất, trái với âm, nghĩa rộng giống đực, là động, là trên, là sáng sủa.
 
1. - Theo nguyên lý của Dịch học: Thái Cực sinh ra Lưỡng Nghi, tức là hai khí Âm, khí Dương.
Khí Dương thuộc đàn ông, ánh sáng, động… khí Âm thuộc đàn bà, bóng tối, tĩnh… Hai thứ khí nầy giao nhau và biến hoá thành muôn vật.
 
Cơ sanh hoá Càn Khôn đào tạo,
Do Âm Dương hiệp đạo biến thiên.
* Kinh Thế Đạo.
 
Những vạn vật Âm Dương tạo hoá,
Dầu cỏ cây hoa quả biến sanh.
* Kinh Tận Độ.
 
 2. - Âm dương còn dùng để chỉ đất Trời, vợ chồng, Địa phủ và Dương gian.
Âm Dương đôi nẻo như nhau,
Cửu Huyền Thất Tổ giữ câu thọ trì.
* Kinh Thế Đạo.
 
Theo Giáo Lý  ĐAO CAO ĐÀI, Hai chất khí  Dương quang và Âm quang do Thái Cực biến hóa phân ra. Ðức Chí Tôn làm chủ Dương quang, Ðức Phật Mẫu làm chủ Âm quang. Ðức Phật Mẫu thâu lằn Sanh quang của ngôi Thái Cực, rồi đem Âm quang phối hợp với Dương quang để tạo thành CKVT và vạn vật.    
 
Tạo hóa : ,Tạo là làm ra, hoá là biến đổi. Tạo hóa là biến đổi để làm ra cái mới.
Tạo hoá là tiếng dùng để chỉ ông Trời tạo ra càn khôn vũ trụ và biến hoá ra con người và muôn vật.
 
- Theo Phú Giả Nghị có câu: Thiên địa vi lô hề, tạo hoá vi công, âm dương vi thán hề, vạn vật vi đồng 
,
,
,
.
Nghĩa là trời đất làm lò hề, tạo hoá làm thợ, âm dương làm than hề, vạn vật làm đồng.
 
Ơn Tạo hoá tha tiền khiên trước,
Đưa linh phan tiếp rước nguyên nhân.
* Kinh Thế Đạo.
 
Đại Từ Phụ từ bi Tạo hoá,
Tượng mảnh thân giống cả Càn Khôn.
* Kinh Tận Độ.
 
À Ðất Trời kia ai Tạo hoá,
Hoá sanh chung hưởng há quên già.
* Đạo Sử.
 
Hiệp Tạo hoá cầm quyền chuyển thế,
Dạy vạn linh dụng thế từ bi.
* Nữ Trung Tùng Phận.
Biến sanh: Biến hóa sanh ra.
Hoa quả: Hoa là cái bông, Quả là cái trái. Các loài thảo mộc thường có bông, trong bông có nhụy đực và nhụy cái. Nhụy đực rơi vào nhụy cái để kết thành trái. Trong trái có hột, lấy hột gieo xuống đất thì hột nẩy mầm sanh ra một cây mới. Và cứ thế, loài thảo mộc sanh sản càng ngày càng nhiều.
 
C.1-2: Vạn vật đều do 2 Khí Âm quang và Dương quang phối hợp tạo thành; dầu cho là thảo mộc có bông có trái, cũng do 2 Khí Âm Dương biến hóa sanh ra.
Vật chất thì do các nguyên tử có Dương điện và có Âm điện kết hợp tạo thành; Thảo mộc thì có nhụy đực nhụy cái, Thú cầm thì có con trống con mái, Nhơn loại thì có Nam Nữ, hai nguyên lý Âm Dương ấy kết hợp mới sanh hoá được.
 
Câu 3:
Con người đứng phẩm tối linh :
- Phẩm: Thứ bực cao thấp. Phẩm: Thứ bậc của quan hoặc chức sắc. Trật: Trật tự, thứ tự.
Phẩm trật là thứ bậc của phẩm tước, tức là thứ bậc cao thấp của các quan hoặc chức sắc tôn giáo.
Trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Thánh giáo Thầy có dạy: 
"Các con coi đó thì đủ hiểu, các phẩm trật của các con nó nhiều là dường nào, song ấy là phẩm trật Thiên vị."
 
Thầy cậy mượn ai không lòng vụ tất,
Mà làm công đoạt phẩm trật mình.
* Ngọc Hoàng Thượng Đế.
 
- Tối linh: Tối: Hết sức, rất. Linh: Thiêng liêng, linh thiêng.Tối linh là rất linh thiêng, linh thiêng hơn hết.
 
Thánh giáo Quan Âm Như Lai có câu:
"Ấy là một lẽ, còn một lẽ nữa là người sanh trong cõi trần, Ðức Ðại Từ Bi ban cho một tánh tối linh hơn vạn vật, là có ý thay thế cho Người mà dìu dắt loài yếu hèn hơn"
 
Con người đứng phẩm tối linh,
Nửa người nửa Phật nơi mình anh nhi.
* Kinh Tận Độ.
 
Thiên địa tối linh sanh Thánh chất,
Quân vương háo nghĩa tác Hiền thần.
* Đạo Sử.
 
C. 3: Con người đứng vào bực rất thiêng liêng hơn hết trong chúng sanh.
-:- Tại sao con người đứng phẩm tối linh?
Bởi vì theo Luật Tiến hóa, loài Kim thạch tiến hóa lên thành Thảo mộc, Thảo mộc tiến hóa lên Thú cầm, Thú cầm tiến hóa lên Nhơn loại. Nhơn loại là bực cao hơn hết trong chúng sanh, nên được gọi là Thượng đẳng chúng sanh.
Con người lại có đủ Tam hồn. Từ Kim thạch vô tri giác, tiến hóa lên Thảo mộc có sự sống rõ rệt, nên Thảo mộc có được một phần hồn, gọi là Sanh hồn. Thảo mộc tiến hóa lên Thú cầm, nó có thêm một phần hồn nữa gọi là Giác hồn, để có sự cảm giác và hiểu biết. Thú cầm tiến hóa lên Nhơn loại thì có thêm một phần hồn nữa là Linh hồn.
Vì vậy, con người linh hơn vạn vật nhờ có đủ Tam hồn: Sanh hồn, Giác hồn, Linh hồn. Nhờ đó, con người có được sự sống, sự cảm giác hiểu biết, sự suy nghĩ và có tánh linh hơn vạn vật. Nhờ có Linh hồn nên con người có thể tu thành Thần Thánh Tiên Phật được.
 
Câu 4:
Nửa người nửa Phật nơi mình anh nhi :
Anh nhi: Anh là đứa trẻ mới sanh, nhi là trẻ con. Anh nhi là chỉ đứa bé nhỏ tuổi.
Nửa người nửa Phật: Ý nói con người vừa có Phàm tánh, vừa có Phật tánh, hay nói một cách mạnh mẽ hơn là: Con người vừa có Thú tánh, vừa có Phật tánh, tức là vừa có tánh ác, vừa có tánh thiện.
 
Trong Thuyết đạo về Bí Pháp của Ðức Phạm Hộ Pháp có đoạn :
"Chúng ta ngó thấy trong mình chúng ta có Thần và Thú. Vì cớ cho nên Triết lý Thất tình định duy chủ, muốn làm Phật thì làm, muốn làm Thú thì làm, bởi nó định theo tình dục của nó. Bây giờ, trong thân thể của chúng ta, trong nguyên bổn của chúng ta vẫn thường chiến đấu: Phật chiến đấu với Thú, Thú chiến đấu với Phật. Hai hình trạng của Ðời và của Ðạo, Ðạo xu hướng theo Phật, Ðời xu hướng theo Thú, hai tương quan phản khắc nhau. Vì cớ cho nên, Thuyết Duy Tâm và Duy Vật hay tương đối với nhau." 
 
Như thế, con người vừa có tánh ác của Thú, vừa có tánh thiện của Phật. Có tánh ác của Thú vì con người là do loài Thú tiến hóa mà thành; có tánh Phật vì con người được Ðức Chí Tôn ban cho một Ðiểm Linh quang làm Linh hồn. Vì vậy mà con người có thể tiến hóa đi lên, mà cũng có thể thoái hóa đi xuống. Nếu con người chịu khổ hạnh tu hành, chắc chắn sẽ tiến hóa thành Tiên, Phật. Trái lại, nếu không chịu tu hành, con người lại buông xuôi theo Vật dục, làm nhiều điều gian ác thì sẽ bị thoái hóa xuống Cầm Thú. Còn nếu con người cứ sống tự nhiên, không thiện lắm mà cũng không ác lắm, con người vẫn cứ mãi mãi là con người sống trong vòng luân hồi sanh tử, thì rất uổng cho cái điểm Linh quang mà Ðức Chí Tôn đã ban cho, biết chừng nào trở thành Tiên Phật, hưởng an vui đời đời nơi Cực Lạc Niết Bàn.
 
C. 4: Nửa người nửa Phật nơi mình anh nhi, là trong mình đứa trẻ vừa có Phàm tánh, vừa có Phật tánh.
Giữa người và Phật chỉ cách nhau có một tấm màn mỏng là Vô minh. Nếu còn Vô minh, tức là còn mê lầm thì con người mãi mãi là con người nơi cõi thế gian, nếu qua khỏi Vô minh tức là Giác ngộ thì con người trở thành Tiên, Phật.
 
Câu 5 - 6:
Ðại Từ Phụ từ bi tạo hóa,
Tượng mảnh thân giống cả Càn Khôn:
Ðại Từ Phụ: Ðấng Cha lành thiêng liêng của toàn cả chúng sanh, đó là Ðức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Ðế.
Từ bi: Lòng thương yêu bao la, thương khắp chúng sanh và luôn luôn muốn cứu giúp chúng sanh thoát khổ.
Tượng: Nắn đúc nên hình dáng. Mảnh thân: Tấm thân. Càn Khôn: Trời Ðất, CKVT.
C.5 - 6: Ðấng Ðại Từ Phụ mở lòng từ bi tạo hóa ra con người, nắn đúc ra thân thể có cấu tạo giống như Trời Ðất.
Hễ Trời Ðất có gì thì con người có nấy, nên con người được gọi là Tiểu Thiên Ðịa, Trời Ðất là Ðại Thiên Ðịa.
Trời có Tam Bửu là Nhựt, Nguyệt, Tinh; Ðất có Tam Bửu là Thủy, Hỏa, Phong; thì con người có Tam Bửu là: Tinh, Khí, Thần.
Trời có Ngũ Khí; Ðất có Ngũ Hành: Kim, Thủy, Mộc, Hỏa, Thổ; người có Ngũ Tạng: Tâm, Can, Tỳ, Phế, Thận. 
Trời có Tứ Tượng; Ðất có Tứ phương; người có Tứ Chi: 2 tay, 2 chân. 
Trời có Thập Thiên Can; Ðất có Thập nhị Ðịa Chi; người thì nắm đủ trong 2 bàn tay.
 
Câu 7:
Vẹn toàn đủ xác đủ hồn :
Vẹn toàn: Ðầy đủ hoàn toàn. Xác: Thể xác. Hồn: Linh hồn.
 
C. 7: Con người có đầy đủ Linh hồn và Thể xác.
Thể xác ở đây, nếu chúng ta hiểu rộng ra thì có 2 trường hợp: Nơi cõi trần thì thể xác phàm; nơi cõi thiêng liêng thì xác thân thiêng liêng.
Khi con người còn ở trên cõi thiêng liêng thì con người có xác thân thiêng liêng, còn gọi là Chơn thần, Nhị xác thân, bao bọc lấy Chơn linh.
Khi con người đầu thai xuống cõi phàm trần thì con người mang thêm xác thân phàm trần bằng xương bằng thịt, gọi là Ðệ Nhứt xác thân. Còn xác thân thiêng liêng lúc đó ẩn trong xác thân phàm, làm khuôn viên cho xác thân phàm.
Khi xác thân phàm chết, xác thân thiêng liêng xuất ra, lấy y hình ảnh của xác thân phàm như khuôn in rập. Xác thân thiêng liêng bao bọc linh hồn bay trở về cõi thiêng liêng.
 
Câu 8:
Xây cơ chuyển thế bảo tồn vạn linh :
Cơ: Cái máy, cơ quan. Xây cơ: Xây dựng cơ quan.
Chuyển thế: Chuyển là dời đổi, Thế là đời. Chuyển thế là làm cho đời thay đổi để tiến hóa cho tốt đẹp hơn. Sự đổi thay nầy không ngoài khuôn luật tuần hoàn.
 
Ðức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo nói về Cơ quan Chuyển thế của Ðức Chí Tôn như sau:
"Bần đạo nhớ buổi Chí Tôn mới đến tỏ danh hiệu Ngài, Ngài hứa với các môn đệ của Ngài buổi đầu tiên về Cơ quan Chuyển thế, làm phân vân biết bao nhà trí thức, tìm hiểu 2 chữ Chuyển thế là gì?
Theo Triết Lý Học, định nghĩa 2 chữ Chuyển thế là thay đổi thời đại hiển nhiên ra thời đại khác, hoặc không phù hợp, hoặc quá khuôn khổ nề nếp, nên quyết đoán thay đổi lập trường thiêng liêng vì thời đại nầy đã định. 
Chuyển nghĩa là sửa cũ ra mới. Lấy nghĩa lý đã định hẳn ra, tức nhiên chúng ta nhận thấy các khuôn luật đạo đức từ trước đến giờ để lại đều bị biếm trách cả, bởi vì đời quá hung tàn bạo ngược, vô nhơn luân, tinh thần đạo đức không qui định tâm lý loài người không tương quan cùng nhau, mất cả luật đồng sanh làm căn bản của loài người, luật đồng sanh gần như bị hủy bỏ...
Bần đạo tìm hiểu định nghĩa 2 chữ Chuyển thế, là thay đổi thời thế. Ðem kinh luật ra quan sát thấy mỗi thế kỷ, mỗi nguơn, từ trước đến giờ, nhiều giai đoạn giống nhau một cách lạ lùng, những tấn tuồng nầy giống tấn tuồng trước, không ngoài khuôn viên ấy...."
 
Bảo tồn: Gìn giữ cho còn. Vạn linh: Toàn thể các Chơn linh trong CKVT, gồm đủ Bát hồn. Vạn linh đầu kiếp xuống trần làm chúng sanh. Do đó, trong nhiều trường hợp, chúng ta hiểu Vạn linh là chúng sanh.
 
C. 8: Xây cơ chuyển thế bảo tồn Vạn linh, nghĩa là: Xây dựng cơ quan Chuyển thế để bảo tồn chúng sanh.
Cơ quan Chuyển thế mà Ðức Chí Tôn xây dựng là ÐÐTKPÐ, tức là Ðạo Cao Ðài. Ðức Chí Tôn sẽ dùng tinh hoa của Giáo lý Nho giáo làm nồng cốt cho công cuộc Chuyển thế.
 
Câu 9:
Xin gìn giữ Thánh hình thanh bạch:
Thánh hình: Thánh là thiêng liêng, Hình là hình thể. Thánh hình là hình thể thiêng liêng của con người. 
Ðức Chí Tôn và Ðức Phật Mẫu tạo ra hình thể của con người rất thiêng liêng huyền diệu, bởi vì hình thể nầy "giống cả Càn Khôn", nên con người mới được gọi là Tiểu Thiên Ðịa.
Thanh bạch: Hoàn toàn trong sạch.
 
C. 9: Xin Ðức Chí Tôn gìn giữ mảnh hình hài nầy cho được hoàn toàn trong sạch.
 
Câu 10:
Xin xá ân rửa sạch tiền khiên :
Xá ân: Ân xá, tha cho kẻ có tội để làm ơn.
Tiền khiên: Tiền là trước , Khiên là tội lỗi. Tiền khiên là tội lỗi đã gây ra trong các kiếp sống trước .
 
C.10: Xin Ðức Chí Tôn ban ơn tha tội cho nó và rửa sạch những tội lỗi trong các kiếp sống trước của nó.
(Nó: Ý nói đứa bé được đem đi Tắm Thánh).
 
Câu 11:
Căn xưa ví dữ cũng hiền :
Căn xưa: Cái gốc rễ của thuở xưa, tức là nơi kiếp trước . Ví: Nếu như. Dữ: Hung dữ. Hiền: Lành.
Căn xưa ví dữ: Nếu như kiếp trước là người hung dữ.
 
C. 11: Nếu như kiếp trước nó là người hung dữ, xin Ðức Chí Tôn cho nó trong kiếp nầy là người hiền lành.
 
Câu 12:
Dầu ra cửa tội đủ quyền cao siêu:
Cửa tội: Nơi tội lỗi, ý nói cửa Ðịa ngục hay cửa Âm phủ. Dầu ra cửa tội: Mặc dầu mới ra khỏi nơi tội lỗi.
Ðủ quyền cao siêu: Có đầy đủ quyền tự chủ để lập ngôi vị của mình cho được cao siêu.
 
C. 12: Mặc dầu Chơn linh đứa bé mới ra khỏi nơi tội lỗi, nay chuyển kiếp làm người (do Ðại Ân Xá của Ðức Chí Tôn) thì cũng xin Ðức Chí Tôn ban cho nó đầy đủ quyền tự chủ để lập vị cao siêu.
 
TNHT/Q. 2/T-85: Ðức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn giáng cơ: 
"Bần đạo chẳng kể là Nguyên nhân, Hóa nhân hay là Quỉ nhân, ví biết lập công thì thành Ðạo. Bần đạo để cho mỗi người tự do định phận, lại tùy thế khó khăn mà gầy thành công quả,"
 
Qua bài Thánh ngôn trên, chúng ta thấy rằng: Dầu cho các Chơn linh Quỉ vị (tức là ở nơi cửa tội), nay được Ðại Ân Xá của Ðức Chí Tôn, cho chuyển kiếp đầu thai làm người, gọi là Quỉ nhân, nếu biết tu hành, lập công bồi đức thì cũng đắc đạo như các Nguyên nhân hay Hóa nhân.
 
Câu 13:
Công nuôi dưỡng nâng niu khổ nhọc :
Công nuôi dưỡng: Công lao khó nhọc của cha mẹ nuôi dưỡng, dạy dỗ đứa bé từ lúc nhỏ cho đến lúc lớn khôn.
Nâng niu: Yêu mến chăm sóc giữ gìn cẩn thận.
Khổ nhọc: Khổ cực và nhọc nhằn.
 
Chín chữ cù lao: Cù lao: Siêng năng khó nhọc để nuôi dưỡng con cái. Chín chữ: Chín điều cha mẹ chăm sóc nuôi dưỡng.
Cù lao chín chữ, do thành ngữ Hán "Cửu tự cù lao ", nghĩa là cù lao chín chữ.
Đó cũng là chín điều khổ nhọc của cha mẹ:
1.- Sinh: Đẻ con.
2.- Cúc: Nâng niu.
3.- Phủ: Vuốt ve.
4.- Xúc: Cho bú.
5.- Trưởng: Nuôi cho lớn.
6.- Dục: Dạy dỗ.
7.- Cố: Trông nôm.
8.- Phục: Săn sóc dạy dỗ.
9.- Phúc: Che đỡ.
 
Cảm nghĩa từ huyên lánh cõi trần,
Cù lao chín chữ khó đền ân.
* Thơ Thái Phong.
 
Cù lao chín chữ ơn chưa trả,
Nhũ bộ ba năm nghĩa chửa bồi.
* Thơ Thiên Vân.
 
C. 13: Công lao nuôi dưỡng và nâng niu chăm sóc đứa bé thật là khổ cực và nhọc nhằn. 
 
Câu 14:
Phép thương yêu cũng học nơi Thầy:
Phép: Pháp luật. Thương yêu: Bản chất của Ðức Chí Tôn. Kỳ Khai Ðạo nầy, Ðức Chí Tôn giao ước với Nhơn loại có 4 chữ: Bác ái - Công bình, tức là: Thương yêu và Công chánh, nên mới nói rằng: Luật Thương yêu và Quyền Công chánh. Phép thương yêu: Luật thương yêu.
 
Ðức Chí Tôn giáng cơ dạy rằng: 
"Thầy chỉ một lòng mơ ước cho các con biết thương yêu nhau trong Thánh đức của Thầy. Sự thương yêu là chìa khóa mở Tam thập lục Thiên, CLTG và Bạch Ngọc Kinh. Kẻ nào ghét sự thương yêu thì chẳng hề qua khỏi cửa Luân hồi."
"Sự thương yêu là giềng bảo sanh trong CKTG. Có thương yêu, nhơn loại mới hòa bình, Càn Khôn mới an tịnh. Ðặng an tịnh mới không thù nghịch nhau, mới giữ bền cơ Sanh hóa." * TNHT. II. 43-69.
 
Thầy: Ðức Chí Tôn tự xưng mình là Thầy để dạy Ðạo cho các Tín đồ, và gọi các Tín đồ là môn đệ.
 
-:- Đức Chí Tôn dạy chữ Học để làm Tiên Phật như thế nào ?
Học là thu nhận kiến thức hay luyện tập kỹ năng do thầy dạy, hoặc theo sách vở mà bắt chước. Như: Học chữ, học nghề, học giáo lý.
Thánh giáo Đức Chí Tôn có câu dạy: 
“ Nếu làm Tiên, Phật đặng dễ dàng thì cả thế gian, miễn có học chút ít thì đã đặng làm Tiên, Phật rồi, vì luân hồi đâu có phòng sanh sanh tử tử.”
 
Cần lo học Ðạo chí đừng lơi,
Phú quý sương tan lố bóng Trời.
* Thánh Thi Hiệp Tuyển.
 
Mái tóc điểm sương chưa học Ðạo,
Hoạ kề dầu hối khó than van.
* Thánh Thi Hiệp Tuyển.
 
C. 14: Phải học nơi Ðức Chí Tôn về Luật thương yêu, bởi vì lòng thương yêu của Ðức Chí Tôn thì vô cùng vô tận.
 
Câu 15-16:
Sanh nơi đây, ở nơi đây,
Trăm năm là tuổi đủ đầy mạng căn:
Trăm năm là tuổi: Do câu thành ngữ chữ Hán: Nhân sinh bách tuế vi kỳ, nghĩa là: Người ta sống một trăm năm là kỳ hạn. Người mà sống trên 100 tuổi thì rất hiếm.
Mạng căn: Hay “Mệnh căn”.
Mạng (mệnh): Vận mệnh mà Trời định cho mỗi người theo nghiệp. 
Căn: Gốc rễ.
Mạng căn, như chữ “Mệnh căn ”, là cái căn nghiệp của mỗi người tạo thành cái mạng sống cho kiếp hiện tại, tức là những việc làm thiện, ác của kiếp trước quyết định cái mạng sống tốt đẹp hay xấu xa cho kiếp hiện tại. Mỗi người có một địa vị, trình độ hay hoàn cảnh khác nhau là vì mạng căn của mỗi người khác nhau.
 
Sanh nơi đây, ở nơi đây,
Trăm năm là tuổi đủ đầy mạng căn.
* Kinh Tận Độ.
 
Ví biết mạng căn là số định,
Gẫm mình vô tội cũng thâm bâu.
* Thơ Hộ Pháp.
 
Tuy đã hiểu mạng căn hữu số,
Cuộc bi hoan ly hiệp nỗi đau lòng.
* Văn Tế Đốc Học.
 
C. 15 - 16: Ðây là 2 câu kinh căn dặn và nhắc nhở tâm thức của đứa bé đang thọ phép Tắm Thánh: Ðược sanh ra ở nơi đây, sống ở nơi đây, hạn định của kiếp sống thường là 100 tuổi, với đầy đủ mạng sống và số phận.
 
Câu 17:
Chốn hồng trần quen lằn gió bụi:
Hồng trần: Bụi đỏ, chỉ cõi trần. Hồng là đỏ, trần là bụi.
Hồng: Màu đỏ. Trần: Bụi bặm.
Hồng trần là bụi hồng. theo Phật, chữ bụi không có nghĩa là đất cát, mà chỉ cho những việc rối rắm, phiền não làm cho con người ô nhiễm.
Gió bụi: Phong trần, chỉ sự gian nan vất vả ở đời.
Nghĩa bóng: Hồng trần chỉ chốn thế gian.
 
Thánh giáo Đức Chí Tôn có câu: 
"không ăn mà sống, không mặc mà lành, các con lại không chịu, nghe điều cám dỗ, mê luyến hồng trần, ăn cho phải bị đọa, dâm cho phải bị đày, nên chịu nạn áo cơm, dục quyền cầu lợi."
 
Chốn hồng trần quen lằn gió bụi,
Cảnh phù ba may rủi cũng duyên.
* Kinh Tận Độ.
 
Nhiều kiếp đã đầu thai biết mấy,
Xuống hồng trần khuyến dạy thương sanh.
* Xưng Tụng Công Đức.
 
Hồng trần là biển khổ con ôi,
Cực nhọc đời kia quá ngán đời.
* Đạo Sử.
 
C. 17: Nơi cõi trần, con người phải chịu đựng cho quen nhiều nỗi gian nan vất vả.
 
Câu 18:
Cảnh phù ba may rủi cũng duyên :
Phù ba: Phù là nổi, ba là làn sóng. Phù ba là làn sóng nổi, tức là làn sóng nổi lên rồi liền hạ xuống. 
Cảnh phù ba: Cảnh đời luôn luôn thay đổi mau chóng như làn sóng. 
Chốn hồng trần quen lằn gió bụi,
Cảnh phù ba may rủi cũng duyên.
* Kinh Tận Độ.
 
Cơ Đạo lâu dài dường tuế nguyệt,
Tuồng đời chớp nhoáng tợ phù ba.
* Thơ Thông Quang.
 
Duyên: Có hai nghĩa :
1. - Duyên là mối dây ràng buộc vô hình từ định sẳn từ kiếp trước, tức phần do Trời định dành cho mỗi người về quan hệ tình cảm giữa vua tôi, bè bạn hay nam nữ, vợ chồng hoà hợp, gắn bó.
Như: Duyên cá nước, duyên ưa phận đẹp, ép dầu ép mỡ ai nỡ ép duyên.
 
Những ngỡ trao duyên vào Ngọc các,
Nào dè phủi nợ xuống Tuyền đài.
* Thánh Thi Hiệp Tuyển.
 
Rủi duyên gặp phải thường phu,
Nhành xuân thì trọng, gương thu dở cầm.
* Nữ Trung Tùng Phận.
 
2.- Duyên, theo Phật, mọi thứ giúp cho nhân sinh ra quả. Từ nhân đến quả đều là do sức mạnh của Duyên, nếu không có duyên, thì nhân không thể sinh thành quả.
Như: Duyên nghiệp, duyên kiếp, duyên phận.
 
Thánh giáo Thầy có câu: “Ðạo cốt để cho kẻ hữu duyên. Những kẻ nào đã làm môn đệ của Tà Thần Tinh Quái thì không thế gì làm môn đệ Thầy đặng.”
 
Ấy là nợ trước còn mang,
Duyên kia chưa dứt còn đang thưởng đền.
* Kinh Sám Hối.
 
Mùi đạo gắng giồi lòng thiện niệm,
Duyên may tìm lại phẩm ngôi xưa.
* Thánh Thi Hiệp Tuyển.
 
Có Ðạo trong muôn ngồi cũng đủ,
Không duyên một đứa cũng là chìm.
* Thánh Thi Hiệp Tuyển.
 
C. 18: Cảnh đời luôn luôn thay đổi mau chóng, hết may tới rủi, hết rủi tới may, cũng do nơi những mối dây ràng buộc từ trước (không ra ngoài khuôn Luật Nhân quả).
 
Câu 19:
Ðã gan dốc kiếm diệu huyền :
Gan: Can đảm, dám đương đầu với khó khăn nguy hiểm. 
Dốc kiếm: Tuốt kiếm ra khỏi vỏ sẵn sàng chiến đấu.
: Diệu huyền
Diệu: Tinh xảo, khéo léo. Huyền: Sâu kín.
Diệu huyền, bởi chữ “Huyền diệu ”, dùng để chỉ sự khéo léo sâu kín, hay những sự việc thần bí, mầu nhiệm, không thể dùng trí phàm hiểu được.
 
Trong Thánh Ngôn Sưu Tập, Ngũ Nương Diêu Trì có câu: 
“Đây là ngọn gió bấc sắp thổi cho cả con cái Chí Tôn để am hiểu máy huyền linh cơ tạo, hầu nêu cao phẩm hạnh của mỗi cá nhân. Đó là huờn thuốc diệu huyền của Chí Tôn để sẵn, hầu đem 92 ức nguyên nhân về chỗ cũ. Nếu để qua cơ hội, khó mong tìm lại được, vì buổi chuyển luân pháp lý thì mặt Thiên điều phải giữ đúng”
 
Nam Mô Tam Giáo diệu huyền,
Tuyệt luân Bát Nhã đưa thuyền độ vong.
* Kinh Tận Độ.
 
Đưa tay vịn phép diệu huyền,
Ngọc Hư lập vị Cửu tuyền lánh chơn.
* Kinh Tận Độ.
 
Phất phơ đưa phướn diệu huyền,
Trông vơi thấy khách cửu tuyền rậm chơn.
* Lục Nương Giáng Bút.
 
Kiếm diệu huyền: Cây gươm huyền diệu, ý nói cây gươm trí huệ. Người tu cần phải dùng cái trí huệ của mình để trừ diệt vô minh và phiền não. 
Nói tỷ dụ, cái trí huệ như cây kiếm huyền diệu, phiền não và vô minh như những tên giặc cướp, phải dùng cây kiếm trí huệ mới diệt trừ được chúng.
Theo nhà Phật, Trí huệ được ví như một lưỡi gươm (hay lưỡi kiếm) sắc bén, có thể chiến thắng được giặc thất tình lục dục, và có thể cắt đứt hết mọi phiền não trói buộc vào con người.
 
Kinh Duy Ma Cật: Dĩ trí huệ kiếm phá phiền não tặc, nghĩa là lấy trí huệ như một lưỡi gươm phá giặc phiền não.
 
Cứ nương dưới máy linh cơ Tạo,
Gươm huệ đưa trị xảo trừ tà.
* Kinh Thế Đạo.
 
Cầm gươm huệ chặt tiêu oan trái,
Dìu độ quần sanh diệt quả nhân.
* Thánh Thi Hiệp Tuyển.
 
Quơ gươm huệ trái oan dứt tuyệt.
Dốc một lòng già quyết vào non,
* Thơ Đức Hộ Pháp.
 
C. 19: Ðã có can đảm quyết chí tu hành để đạt được trí huệ, thì phải dùng cái trí huệ nầy như một cây kiếm huyền diệu để diệt trừ vô minh và phiền não.
Hai câu 18 và 19 cũng để nói với đứa bé đang chịu Phép Tắm Thánh rằng.
-  khi lớn lên sẽ phải chịu nhiều nỗi vất vả nơi cõi trần.
-  nhưng phải rán lo tu hành cho đạt được trí huệ thì mới dứt được phiền não.
 
Câu 20:
Sanh sanh là phận, hiền hiền là công :
Sinh sinh là phận”.
Sanh sanh (sinh sinh): Sự sinh nở ra mãi, như sinh sinh bất tức sinh nở ra mãi không thôi. Phận: Danh phận hay bổn phận.
Sanh sanh là phận tức là sự sinh sôi nẩy nở ra mãi là một bổn phận với Trời đất, hay nói cách khác, là một thiên chức của con người.
 
Sở dĩ có vạn vật là nhờ có sự sinh của Trời đất. Cho nên có thể nói rằng: 
Thiên địa chi đại đức viết sinh , nghĩa là đức lớn của Trời đất là sự sinh.
 
Theo Dịch học, sự sinh hoá của Trời đất, vạn vật do âm dương, cơ ngẫu phối hợp mà thành. 
Trong Hệ Từ hạ có viết: "Thiên địa nhân uân, vạn vật hoá thuần, nam nữ cấu tinh, vạn vật hoá sinh 
" ,
,
"
Nghĩa là khí Trời đất nghi ngút trên dưới hoà hợp nhau, vạn vật do khí tinh thuần ấy mà hoá ra, nam nữ phối giao mà sinh ra mãi.
 
Người là một phần trong vạn vật, nên phải theo lẽ trời mà biến hoá, đó là thiên chức của con người.
 
Đã gan dốc kiếm diệu huyền,
Sanh sanh là phận, hiền hiền là công.
* Kinh Tận Độ.
 
Hiền hiền là công là rèn tập trở nên hiền lương, nhân nghĩa là một công phu của con người.
Hiền hiền: Hiền lương, nhân nghĩa. Là Công: Là một công phu.
Theo Dịch học, cái đức lớn của Trời đất là sự sinh, thì đạo người phải theo đạo Trời đất mà bồi dưỡng sự sinh. 
Đạo Trời có bốn đức: Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh (, , , ); Đạo người cũng bởi đó mà có bốn đức là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí (, , , ). 
 
Như vậy, Nhân (hay hiền) là đầu hết các điều thiện, là gốc lớn của sự sinh hoá trong Trời đất. Vậy hợp với cái đức sinh là hiền là thiện, trái với đức sinh là ác.
 
Đã gan dốc kiếm diệu huyền,
Sanh sanh là phận, hiền hiền là công.
* Kinh Tận Độ.
 
C. 20: Sống và sanh sản thêm ra là bổn phận, dùng sự hiền lành và tài giỏi để lập công với đời.
 
Câu 21-22:
Ðừng thối chí ngã lòng trở gót,
Ðể cho đời chua xót tình thương :
Thối chí: Mất hết ý chí, nãn chí, không còn muốn đeo đuổi việc đang làm vì gặp khó khăn trở ngại 
Ngã lòng: Không cò giữ được ý chí, quyết tâm.trước thử thách khó khăn.
Thối chí ngã lòng, đồng nghĩa với chữ "Thối chí nãn lòng", là mất hết ý chí, quyết tâm, không còn muốn theo đuổi việc đang làm vì gặp phải khó khăn, trở ngại.
 
Đừng thối chí ngã lòng trở gót,
Để cho đời chua xót tình thương.
* Kinh Tận Độ.
 
Chua xót: Chua: Có vị như vị của chanh, giấm. Xót: Có cảm giác đau rát.
Chua xót là đau đớn xót xa một cách thấm thía.
Thánh giáo Thầy trong Đạo Sử có đoạn: 
 
"Hiếu, Nhiều, hai con phải sắm sửa dọn nhà về Tây Ninh, từ đây Cư, Tắc phải lo Ðạo, các con phải đành chịu khổ cực cùng Thầy như hai đứa nó vậy mới đáng con cái Thầy. Thầy lấy làm chua xót mà Ðạo là trọng mới biết liệu sao."
 
Đừng thối chí ngã lòng trở gót,
Để cho đời chua xót tình thương.
* Kinh Tận Độ.
 
Thương người nghĩ bạn lòng chua xót,
Tưởng vợ vì con dạ ngậm ngùi.
* Thiên Thai Kiến Diện.
 
C. 21-22: Hai câu kinh nầy cũng để căn dặn đứa bé Tắm Thánh: Ðừng thấy cõi trần có nhiều khổ đau phiền não mà thối chí ngã lòng lui bước trở lại cõi TL
(ý nói chết), để cho cha mẹ và những người thân phải đau đớn xót xa vì thương tiếc.
 
Câu 23:
Trăm năm thọ khảo vĩnh trường :
Thọ khảo, như chữ “Thụ khảo ”, là vâng chịu sự khảo duợt. Như: Người tu phải thọ khảo mơi xứng vị.
 
Một vật muốn trơn muốn bén, phải tốn nhiều công mài dũa; một sự việc gặt hái được kết quả, phải lắm công nhiều sức, Ca dao có câu: "gắng công mài sắt, Có ngày nên kim". 
một con người muốn nên tài năng hiền đức, phải nhiều công phu học tập, phải rèn tâm luyện tánh, phải chịu nhiều thử thách gian lao, phải chịu lắm cơn khảo duợt, mới phân được vị thứ, mới rõ được tài năng. "Có chí thì nên". Có công mài sắt, do câu thành ngữ "Có công mài sắt có ngày nên kim", ý muốn nói có ý chí kiên nhẫn sẽ đạt thành kết quả.
Có công mài sắt đồng nghĩa với thành ngữ "Ma chử thành châm ", ý nga mài nên kim.
 
Thành công nhờ có chí bền,
Có công mài sắt nên kim có ngày.
* Thơ Thiên Vân.
 
Trong quyển Thiên Đạo, hai Ngài Nguyễn Trung Hậu và Phan Trường Mạnh có viết: 
"Sự thử thách như luồng giông tố. Ai đã trải qua mà cái Tâm chẳng đổi, Ý chẳng dời, thì mới mong đạt đường Đạo được."
 
Như vậy, đời người trăm tuổi phải thọ khảo dài lâu để có cơ hội rèn tâm luyện tánh, tập lòng nhẫn nại, giữ nghĩa thuỷ chung và nhất là gặt hái nhiều bài học hay trên đường tiến hoá về đạo đức. 
Sự khảo còn là một dịp để người tu trả xong nợ oan trái tiền khiên, một cơ hội nhồi hết căn quả trong một kiếp sinh phải trả hầu được rãnh rỗi, nhẹ nhàng vĩnh viễn an vui nơi cõi Thiêng Liêng Hằng Sống
Trăm năm thọ khảo vĩnh trường,
Thuận căn thuận mạng đôi đường cao thăng.
* Kinh Tận Độ.
 
Tuyển thăng hồi hướng cầu Di Lạc,
Thọ khảo định thần niệm Chí Tôn.
* Thơ Huệ Phong.
 
- Vĩnh trường: Vĩnh là lâu dài, mãi mãi; trường là lâu dài. Vĩnh trường là lâu dài mãi mãi.
Như: Xây dựng một công trình không kiên cố mà đòi hỏi sử dụng vĩnh trường thì không bao giờ được.
 
Trăm năm thọ khảo vĩnh trường,
Thuận căn thuận mạng đôi đường cao thăng.
* Kinh Tận Độ.
 
C. 23: Ðây là câu cầu chúc đứa bé sống lâu: Ðời người sống được trăm tuổi là trường thọ.
 
Câu 24:
Thuận căn thuận mạng, đôi đường cao thăng :
"Căn mệnh".
Căn: Cái gốc, rễ. Mạng (mệnh): Mạng, hay vận số của con người, nghĩa bóng sự sống.
Căn mạng như chữ "Căn mệnh ", là gốc của sự sống con người.
 
Thuyết Đạo Hộ Pháp có câu: 
"Chưa ai hiểu đặng một người tài tình quán chúng, trí não cao sâu phải hạ mình làm người ngu dốt. Chưa có quyền năng nào mà đem một đứa ngu dốt lên làm ông Tể Tướng triều đình. Hàng phẩm căn mạng đều do Chí Tôn sở định."
 
Bao nhiêu lỗi trước tua kềm sửa,
Căn mạng nên Ta phải để lời.
* Đạo Sử.
 
Thuận căn: Căn là cái gốc rễ, tức là những việc làm trong kiếp trước tạo thành cái nghiệp quyết định số phận của mình. Thuận căn là thuận theo số phận của mình để trả cho dứt nghiệp. 
Thuận mạng: Thuận theo cái mạng sống của mình do Ðức Chí Tôn ban cho, tức là thuận theo đức háo sanh của Ðức Chí Tôn. 
Cao thăng: Phẩm vị được đưa lên cao hơn.
 
C. 24: Phải thuận theo số phận của mình để trả dứt nghiệp (mà không tạo ra nghiệp mới), hoặc phải thuận theo đức háo sanh của Ðức Chí Tôn, cả hai đường đều giúp cho Chơn linh được cao thăng phẩm vị nơi cõi thiêng liêng.
 
PHÉP TẮM THẮNH: Ghi Chú PHẦN THỰC HÀNH : 
— > Cầu nguyên ĐCT+ các Đấng TL+ ĐHP
— > Đọc Kinh TẮM THÁNH   
— > Rải nước Maha. là một trong những phép bí tích của Đạo Cao Đài, tức dùng nước Ma Ha thuỷ rưới lên đầu đứa bé để làm phép “Tắm Thánh”.
 
Muốn được Tắm Thánh, cha mẹ đứa bé phải là một tín đồ của Đạo và phải đem đứa bé ấy vào Thánh Thất để một vị chức sắc hành pháp Tắm Thánh cho đứa bé.
 
Đứa bé đã được Tắm Thánh rồi, về mặt hữu hình, thì đứa bé được Hội Thánh công nhận là con nhà Đạo, ghi tên vào Bộ sanh và cấp cho một giấy chứng nhận Tắm Thánh, về mặt vô vi, thì đứa bé được hai Đấng phụ mẫu chơn linh nhìn nhận con nhà Đạo Cao Đài, và được các Đấng Thiêng liêng tẩy trược chơn thần để thân thể được an lành và tinh thần sáng suốt.
Đứa con nít được một tháng sắp lên phải đem đến Thánh Thất sở tại mà xin làm lễ "Tắm Thánh" và ghi vào bộ sanh của bổn đạo. * Tân Luật.

NAM MÔ CAO ĐÀI TIÊN ÔNG ĐẠI BỀ TÁT MA HA TÁT... - Niệm 3 lần.

Luận Giải.  * HT Lê Văn Năm.

Home Mục Lục: [ 1 ]  [ 2 ]  [ 3 ]  [ 4 ]  [ 5 ] [ 6 ]  [ 7 ]  [ 8 ]  [ 9 ]  [ 10 ]  [ 11 ]  [ 12 ]  [ 13 ]  [ 14 ]  [ 15 ] [ 16 ]  17 ]  [ 18 ]  .