Tiểu Sử Ðức Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt - CHƯƠNG 1

ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ
(Tứ Thập Bát Niên)
TÒA THÁNH TÂY NINH
Văn Phòng      
Chưởng Quản 
Hiệp Thiên Ðài
    --------
Số: 186/HP/CQHTР 
HIẾN PHÁP
CHƯỞNG QUẢN HIỆP THIÊN ÐÀI
 
GIỚI THIỆU
Cuốn Tiểu Sử của Ðức QUYỀN GIÁO TÔNG THƯỢNG TRUNG NHỰT là một quyển sách quý vô giá vì nó chứa đựng nhiều sự tích lúc Ðạo Cao Ðài sơ khởi, nhứt là trong giai đoạn đầu sự truyền bá Ðạo Cao Ðài rất là khó khăn gay trở, vì lúc đó là lúc nước Việt Nam ta bị Pháp đô hộ.
Nếu chẳng có bàn tay cao độ như Ðức QUYỀN GIÁO TÔNG THƯỢNG TRUNG NHỰT thì Ðạo Cao Ðài không thể phổ truyền rộng rãi và mau chóng được, như tất cả mọi người đều thấy rõ.
Nhờ chí cả thương nước và thương đời mà Ngài LÊ VĂN TRUNG, tức Ðức QUYỀN GIÁO TÔNG THƯỢNG TRUNG NHỰT đã lướt khỏi các trở lực gặp phải buổi đầu. Ngài có đủ nghị lực và tài năng để đối phó với các trở lực ấy, bằng chứng đã cho ta thấy các văn kiện lưu lại trong cuốn TIỂU SỬ nầy mà tôi xin trân trọng và chân thành giới thiệu cùng bạn đọc bốn phương.
Nay kính

Tòa Thánh, ngày 8 tháng 6 năm Quý Sửu
(Dl 7/7/1973)
HIẾN PHÁP
CHƯỞNG QUẢN HIỆP THIÊN ÐÀI
TRƯƠNG HỮU ÐỨC
(Ấn ký)
Ðức Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt

ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ
(Tứ Thập Bát Niên)
TÒA THÁNH TÂY NINH
Ngày 10 tháng 6 năm Quí Sửu (Dl. 9/7/1973)
Hội Thánh
Cửu Trùng Ðài
Văn Phòng
Ngọc Ðầu Sư 
      -----
Số: 01/NÐS

LỜI GIỚI THIỆU


Năm Bính Dần (1926) ngay sau khi đệ Tờ Khai Ðạo lên Chánh Phủ thuộc địa Pháp lúc bấy giờ, ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ gọi là ÐẠO CAO ÐÀI bắt đầu truyền bá công khai với tôn chỉ:
TAM GIÁO QUI NGUYÊN NGŨ CHI PHỤC NHỨT
Thực hành tôn chỉ "QUI NGUYÊN PHỤC NHỨT" là thừa nhận mọi tôn giáo đều do một gốc mà ra, đồng một chơn lý, đồng tôn sùng một Ðấng Chúa Tể càn khôn vũ trụ là Ðức NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ.

Tính chất của Ðạo CAO ÐÀI là "ÐẠI ÐỒNG NHƠN LOẠI" có mục đích điều hòa tất cả mọi tín ngưỡng, dung nạp triết lý của NHO, THÍCH, ÐẠO làm căn bản.

Ðạo CAO ÐÀI là ÐẠO TRỜI, một Tôn giáo tổng hợp các Tôn giáo hiện hữu trên mặt địa cầu nầy từ thử, một Ðạo duy nhất có một giá trị tinh thần vô song, cao cả, thiêng liêng và mầu nhiệm.

Người Anh Cả đầu tiên của Ðạo CAO ÐÀI được Ðức CHÍ TÔN tuyển chọn, giao phó thực hành Thiên trách hoằng dương chơn pháp, khai cơ tận độ, chính là Ðức QUYỀN GIÁO TÔNG THƯỢNG TRUNG NHỰT đó vậy.

Ðể tưởng niệm công nghiệp phi thường của người Anh Cả khả kính, một bậc tiền bối dày công trong cửa Ðạo, một Ðại Công Thần của Ðức CHÍ TÔN, Ban Ðạo Sử biên soạn cho xuất bản quyển Tiểu Sử của Ðức QUYỀN GIÁO TÔNG với những tài liệu chính xác, dồi dào, thật là hiếm có.

Một tín hữu CAO ÐÀI mà không biết được Tiểu Sử và công nghiệp của các bậc Tiền bối khai đạo, nhất là Tiểu sử của Ðức QUYỀN GIÁO TÔNG là một điều thiếu sót lớn lao.

Nhắc đến Ðức QUYỀN GIÁO TÔNG, hẳn trong Ðạo, ngoài Ðời, hiện tại cũng như dĩ vãng, không mấy ai mà không biết Ðức NGÀI. Sớm mồ côi cha, Ðức Ngài được mẹ hiền chăm sóc, nuôi nấng nên người.

Trên đường hoạn lộ, Ðức Ngài đã đoạt được danh vọng tuyệt đỉnh. Trong Nam dưới thời Pháp thuộc bấy giờ nếu nói người duy nhất đứng đầu quần chúng hướng về hạnh phúc của nhơn sanh, tranh đấu cho dân nghèo cùng khổ thì duy có Ðức Ngài mà thôi, một Thượng Nghị Viên độc nhất được ân thưởng Bắc Ðẩu Bội Tinh.

Kịp đến khi được Thiên lịnh của Ðức CHÍ TÔN, Ðức Ngài lập tức dứt bỏ ngay địa vị công danh, khoác áo nâu sồng, vui bề khổ hạnh. Danh lợi vàng son đối với Ðức Ngài lúc bấy giờ chỉ còn là một bóng mờ, một cơn ảo mộng. Ðức Ngài hiệp cùng Ðức HỘ PHÁP, Ðức CAO THƯỢNG PHẨM, ngày quên ăn, đêm quên ngủ chung lo khai sáng mối Ðạo Trời, mở mang vùng Thánh Ðịa. Ðức Ngài là hiện thân của đức bác ái bao la, của một đức tin vô cùng kiên cố.

Ðạo CAO ÐÀI còn, danh sáng của Ðức Ngài còn, công nghiệp của Ðức Ngài trở thành vĩnh cửu.

Quyển Tiểu Sử Ðức QUYỀN GIÁO TÔNG do Ban Ðạo Sử xuất bản ghi lại công đức của Ðức Ngài lòa như NHỰT NGUYỆT để hậu thế soi chung, toàn dân chiêm ngưỡng muôn đời. Kẻ hậu sinh sẽ tìm nơi Ðức Ngài một cái gương sáng chói, một hào quang rực rỡ, một ánh đuốc huy hoàng, một lý tưởng cao khiết với lòng tận tụy hy sinh vô bờ bến vì Ðạo, vì Thầy, để noi bước.

Một sáng tác hữu ích, một tài liệu cần thiết cho mỗi gia đình Bổn Ðạo, nên tôi xin có đôi dòng kính giới thiệu quyển Tiểu Sử nầy với toàn Ðạo và chư Huynh Ðệ bốn phương.

Nay kính,
NGỌC ÐẦU SƯ
NGỌC NHƯỢN THANH
Ðức Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt

THAY LỜI TỰA

Năm Bính Dần (1926) tân kỷ nguyên Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ đã mở tại Việt Nam, đem đến cho dân tộc và nhơn loại trên thế giới một chủ thuyết "Nhơn Nghĩa Ðại Ðồng" làm chấn động nô nức, qui tựu mấy triệu tín hữu đang sùng kính và tạo dựng nền móng "Thương yêu" cho thế hệ hiện hữu. Người ta chưa phỏng đoán được tương lai của nền "Tôn Giáo Tân Khai" này còn tăng trưởng đến mức độ nào?

Trong khi những người thức thời đang tìm hiểu ai là bậc vĩ nhân phi thường vâng mạng Trời tạo nên đại nghiệp đó?

Trải qua bao cuộc thăng trầm diễn tiến, những ai có truyền thống hoài bão lịch sử các đấng tiền nhân, không một ai quên lãng về sự nghiệp thân thế các bậc đàn anh của mình.

Ðức Quyền Giáo Tông THƯỢNG TRUNG NHỰT (Lê Văn Trung) và Ðức Hộ Pháp PHẠM CÔNG TẮC là hai đấng tiền bối duy nhứt của Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ. Sau ngày Ðức Hộ Pháp qui thiên có những phong trào tưởng niệm rất uy nghiêm và cổ võ chủ thuyết "HÒA BÌNH" của Ðức Ngài trọng thể vang lừng khắp nước Việt Nam và cả dư luận trên thế giới.



Cựu Nghị Viên Hội Đồng Quản Hạt Nam Kỳ

Trong khi đó, Ðức Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt, phần đông tưởng nhớ chăng là trong im lặng, hoặc trong thủ tục nghi lễ hằng niên.

Quyển sách nầy góp nhặt những áng văn kiệt tác của Ðức Ngài và các bậc tiền bối lưu lại cho đàn hậu tấn in sâu vào trí não về dĩ vãng và để nơi kho tàng sử liệu của Ðạo làm tiêu chuẩn.

Thiết tưởng, nền chánh giáo mà chúng ta ngày nay đang theo dõi, nên xem qua, tìm hiểu các đấng ngày xưa đã làm gì giúp ích cho Ðời và Ðạo, đàn hậu tấn cần noi gương các đấng tiền bối khai cơ lập thành "Quốc Ðạo" hầu làm tròn nhiệm vụ một tín hữu trung kiên đối với Ðạo nghiệp.

Mong rằng khi tái bản, sẽ đón nhận ý kiến bạn đọc bốn phương sẵn thiện tâm thiện chí bổ túc thêm những khuyết điểm.

Xin chư độc giả nhận nơi đây lời trung thực và biết ơn của chúng tôi.

TÒA THÁNH TÂY NINH, ngày 6 tháng 5 năm Quí Sửu
(Dl. 6/6/1973)

PHÓ TRƯỞNG BAN ÐẠO SỬ

Phối Sư

THƯỢNG CẢNH THANH

Thượng Nghị Viên Lê Văn Trung  độc nhất được ân thưởng Bắc Ðẩu Bội Tinh của Pháp

Những vần thi Ðức Chí Tôn ban cho Ðức Quyền Giáo Tông buổi ban sơ.

            Ngày 5 tháng 12 Ất Sửu (28-1-1926)
Một Trời một Ðất một nhà riêng,
Dạy dỗ nhơn sanh đặng dạ hiền.
Cầm mối Thiên cơ lo cứu chúng,
Ðạo người vẹn vẻ mới thành Tiên.
            Ðêm 30-12-Ất Sửu (12-2-26)

Ðã thấy ven mây lố mặt Dương,
Cùng nhau xúm xít dẫn lên đường.
Ðạo cao phó có tay cao độ,
Gần gũi sau ra vạn dặm trường.
            Ðêm 9-1 Bính Dần (21-2-26)

            Ðức Thượng Ðế lấy tên của 12 vị Môn đệ đầu tiên cho một bài thi:

Chiêu, Kỳ, Trung độ dẫn Hoài sanh,

Bản đạo khai Sang; Quí, Giảng thành.

Hậu, Ðức, Tắc, Cư thiên địa cảnh,

Hườn, Minh, Mân đáo thủ đài danh.


Phụ ghi
: Bài thi sau đây được trích từ Quyển ÐẠO SỬ XÂY BÀN năm Ất Sửu (1925) do Bà Nữ Ðầu Sư Hương Hiếu biên soạn. (Nguyên bản chánh không có bài thi nầy chúng tôi xin mạo muội thêm vào để cho chư  Ðồng Ðạo lãm tường)


Đức Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt, Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc, Ngài Nguyễn Ngọc Tương.

THẦY,
(Le 11 Janvier 1926 là ngày ông Lê Văn Trung đến nhà Cao Quỳnh Cư hầu Ðức Chí Tôn để nhập môn cầu Ðạo ở Sài Gòn)
Già trí đừng lo trí chẳng già,
Lương tâm mình biết hỏi chi xa
Thềm đầu Trời ngó lòng Nhơn Ðạo,
Hư thiệt rồi đây cũng biết mà
 11-1-1926
ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ Ð
PHỔ CÁO CHÚNG SANH
Năm Bính Dần (1926

Ngày 7 Septembre 1926 nhằm ngày mồng một tháng 9 năm Bính Dần, có môn đệ Thiên Phong của Ðức Cao Ðài, là Cựu Hội Ðồng Thượng Nghị Viện Lê Văn Trung tự Thiên ân là Thượng Trung Nhựt vâng lịnh Thánh Ngôn đến Khai Ðạo nơi chánh phủ. Trong tờ khai Ðạo ấy có ký tên 247 chư môn đệ phần nhiều đều là Chức Sắc Viên Quan, và có Nữ phái nhiều người danh dự.

Quan nguyên soái Nam kỳ hoan nghinh và khen rằng vì chữ thiện mà khuyến dân, ấy là chủ nghĩa cao thượng.

Chúng tôi xin phô đôi lời thành thật thô sơ, chư Hòa Thượng, chư Lão Thành, chư Sơn, chư Chức Sắc trong Tam Giáo và chư Thiện nam, Tín nữ xin lưu ý.

Chầy kíp đây chúng tôi sẽ có dịp hiệp mặt mà luận Ðạo kỹ thêm nữa.

KHAI ÐẠO NƠI CHÁNH PHỦ

Ngày 23 tháng 8 năm Bính Dần (29-9-1929) ông Cựu Thượng Nghị Viện Lê Văn Trung vâng Thánh ý hiệp với chư Ðạo Hữu hết thảy là 247 vị tại nhà ông Nguyễn Văn Tường đứng tên vào Tịch Ðạo để khai Ðạo với Chánh phủ.

Tờ Khai Ðạo đến mùng một tháng chín (7-10-1926) mới gởi lên Chánh phủ cho quan Nguyên soái Nam kỳ là ông Le Fol. Trong tờ ấy có 28 người đứng tên thay mặt cho cả chư Ðạo Hữu có tên trong Tịch Ðạo.

Tờ khai ấy làm bằng chữ Langsa, phiên dịch ra như vầy:

SAIGON, ngày 7 Octobre 1926.

Kính cùng quan Thống Ðốc Nam kỳ Saigon,

Chúng tôi đồng ký tên dưới đây, kính cho quan lớn rõ:

Vốn từ trước tại cõi Ðông Pháp có ba nền Tôn giáo là: Thích giáo, Lão giáo và Khổng giáo. Tiên nhơn chúng tôi sùng bái cả ba Ðạo ấy, lại nhờ do theo tôn chỉ quí báu của các chưởng giáo truyền lại mới được an cư lạc nghiệp. Trong sử còn ghi câu: "Gia vô bế hộ, lộ bất thập di", nghĩa là con người thuở ấy an nhàn cho đến đổi ban đêm ngủ không đóng cửa nhà, còn ngoài đường thấy của rơi không ai thèm lượm.

Nhưng buồn thay cho đời thái bình phải mất vì mấy duyên cớ sau nầy:

1 - Những người hành đạo đều phân chia ra nhiều phe, nhiều phái mà kích bác lẫn nhau, chớ tôn chỉ của Tam giáo đều như một là làm lành lánh dữ và kỉnh thờ Ðấng Tạo Hóa.

2 - Lại canh cải mối chánh truyền của các Ðạo ấy làm cho thất chơn truyền.

3 - Những dư luận phản đối nhau về Tôn giáo, mà ta thấy hằng ngày cũng tại bã vinh hoa và lòng tham lam của nhơn loại mà ra, nên chi người Annam bây giờ đều bỏ hết những tục lệ tận thiện tận mỹ ngày xưa.

Thấy tình thế như vậy mà đau lòng, cho nên nhiều người Annam, vì căn bổn, vì Tôn giáo, đã tìm phương thế hiệp Tam giáo lại làm một (qui nguyên phục nhứt) gọi là Ðạo Cao Ðài hay là Ðại Ðạo.

May mắn thay cho chúng sanh, thiên tùng nhơn nguyện, Ðức Ngọc Hoàng Thượng Ðế hằng giáng đàn dạy Ðạo và hiệp Tam giáo lập Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ tại cõi Nam nầy.

Tam Kỳ Phổ Ðộ nghĩa là đại ân xá lần thứ ba, những lời của Ðức Ngọc Hoàng Thượng Ðế dạy chúng tôi, đều cốt để truyền bá tôn chỉ Tam giáo.

Ðạo Cao Ðài dạy cho biết:

1 - Luân lý cao thượng của Ðức Khổng Phu Tử.

2 - Ðạo đức của Phật giáo và Tiên giáo là làm lành lánh dữ, thương yêu nhơn loại cư xử thuận hòa, mà lánh cuộc ly loạn giặc giả.

Chúng tôi gởi theo đây cho quan lớn nghiệm xét:

1 - Một bổn sao lục Thánh Ngôn của Ðức Ngọc Hoàng Thượng Ðế.

2 - Một bổn phiên dịch Thánh Kinh.

Chủ ý của chúng tôi là muốn làm sao cho nhơn loại được cộng hưởng cuộc hòa bình như buổi trước. Ðược như vậy chúng sanh sẽ thấy đặng thời kỳ mới mẻ cực kỳ hạnh phúc không thể nào tả ra đặng.

Chúng tôi thay mặt cho nhiều người Annam, mà đã nhìn nhận sở hành của chúng tôi và đã ký tên vào tờ Ðạo Tịch ghim theo đây, đến khai cho quan lớn biết rằng: Kể từ ngày nay chúng tôi đi phổ thông Ðại Ðạo khắp cả hoàn cầu.

Chúng tôi xin quan lớn công nhận tờ khai đạo của chúng tôi.

Để có tư cách chính thức với chính quyền thực dân, ngày 7 tháng 10 năm 1926, các tín đồ gởi đến Thống đốc Nam Kỳ Le Fol một bản tuyên cáo khai đạo bằng tiếng Pháp với chữ ký của 28 tín đồ có địa vị cao nhất trong xã hội, kèm theo tờ khai tịch đạo của 245 tín đồ. 

Ký tên:

Mme LÂM NGỌC THANH.  Nghiệp chủ ở Vũng Liêm.

Mrs LÊ VĂN TRUNG. Cựu Thượng Nghị Viện thọ Ngũ Ðẳng Bửu Tinh (Chợ Lớn).

- LÊ VĂN LỊCH . Thầy tu - làng Long An (Chợ Lớn).

- TRẦN ÐẠO QUANG. Thầy tu-làng Hạnh Thông Tây (Gia Ðịnh).

- NGUYỄN NGỌC TƯƠNG. Tri phủ-chủ quận Cần Giuộc.

- NGUYỄN NGỌC THƠ. Nghiệp chủ - Sài Gòn.

- LÊ BÁ TRANG. Ðốc Phủ Sứ - Chợ Lớn.

- VƯƠNG QUANG KỲ. Tri Phủ sở Thuế Thân - Sài Gòn.

- NGUYỄN VĂN KINH. Thầy tu - Bình Lý Thôn, Gia Ðịnh.

- NGÔ TƯỜNG VÂN . Thông Phán - Sở Tạo Tác, Sài Gòn.

- NGUYỄN VĂN ÐẠT. Nghiệp chủ - Sài Gòn.

- NGÔ VĂN KIM.  Ðiền chủ - Ðại Hương Cả, Cần Giuộc.

- ÐOÀN VĂN BẢN. Ðốc Học trường Cầu Kho.

- LÊ VĂN GIẢNG. Thơ toán hảng Ippolito - Sài Gòn.

-  HUỲNH VĂN GIỎI. Thông Phán sở Tân Ðáo - Sài Gòn.

- NGUYỄN VĂN TƯỜNG.  Thông Ngôn sở Tuần Cảnh - Sài Gòn.

- CAO QUỲNH CƯ . Thư ký Sở Hỏa Xa - Sài Gòn.

- PHẠM CÔNG TẮC.  Thư ký Sở Thương Chánh - Sài Gòn.

- CAO HOÀI SANG.  Thư ký Sở Thương Chánh - Sài Gòn.

- NGUYỄN TRUNG HẬU. Ðốc Học Trường Tư Thục Ða Kao.

- TRƯƠNG HỮU ÐỨC.  Thư ký Sở Hỏa Xa - Sài Gòn.

- HUỲNH TRUNG TUẤT.  Nghiệp chủ Chợ Ðủi - Sài Gòn.

- NGUYỄN VĂN CHỨC. Cai Tổng - Chợ Lớn.

- LẠI VĂN HÀNH.  Hương Cả - Chợ Lớn.

- NGUYỄN VĂN TRÒ. Giáo Viên - Sài Gòn.

- NGUYỄN VĂN HƯƠNG. Giáo Viên - Ða Kao.

- VÕ VĂN KỈNH. Giáo Tập - Cần Giuộc.

- PHẠM VĂN TỶ. Giáo Tập - Cần Giuộc.

Home.  CHƯƠNG [ 1 [ 2 [ 3 [ 4  [ 5

Home Mục Lục: [ 1 ]  [ 2 ]  [ 3 ]  [ 4 ]  [ 5 ] [ 6 ]  [ 7 ]  [ 8 ]  [ 9 ]  [ 10 ]  [ 11 ]  [ 12 ]  [ 13 ]  [ 14 ]  [ 15 ] [ 16 ]  17 ]  [ 18 ]  .