Những Tiên Tri Trong Đạo Cao Đài. * Từ Chơn.

Phần lớn các tôn giáo đều có tiên tri. Một tác dụng của những lời tiên tri là củng cố niềm tin cho các tín đồ. Chẳng hạn như Chúa Jesus nói rằng Thánh Piere sẽ chối Ngài ba lần và sau đó quả thực mọi việc đã diễn ra đúng theo lời tiên tri. Điều này làm cho Thánh Piere vừa hết sức ngạc nhiên vừa tăng niềm tin đối với Chúa lên gấp bội. Với niềm tin ấy, thánh Piere đã "đi những bước đầu tiên trong việc lập ra một nền tôn giáo ngay trung tâm của quyền lực thù địch với người Thiên Chúa"
Rome.
Ngoài ra, tiên tri còn một dụng ý của thiêng liêng nữa là để nhắc nhở những chơn linh có tiền căn, nghĩa là những người hoặc kiếp trước tạo ra nhiều điều tốt lành, hoặc họ chính là những nguyên nhân đọa trần. Nhờ sự nhắc nhở này mà các chơn linh ấy biết đường trở về  ngôi xưa vị cũ. Ví dụ như, khi giáng cơ kêu gọi các bậc tiền bối Cao Đài trong thời kỳ mở đạo, các đấng thiêng liêng đã có nhiều lời tiên tri để cho thấy sự huyền diệu. Qua đó, những chơn linh cao trọng kia mới nhớ lại nhiệm vụ của mình là thừa lịnh Đức Chí Tôn mở đạo lần thứ ba.
Dù là trong trường hợp nào đi nữa, thì những lời tiên tri đều có những tính chất khá là giống nhau. Một là, những lời tiên tri chỉ dành cho những đối tượng được chỉ định sẵn. Như trường hợp thánh Piere chẳng hạn, Ngài trực tiếp nghe lời tiên tri của Chúa Jesus, rồi sau đó tự mình chứng nhận kết quả của tiên tri đó. Hai là, người ta chỉ biết được một lời tiên tri có đúng hay không sau khi sự việc đã diễn ra rồi. Một câu truyện rất thú vị để minh họa điều này là truyền thuyết về một trong Tam Thánh của Cao Đài: Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Tương truyền rằng, do học được thuật tính toán của người xưa trong quyển Thái Ất Thần Kinh, Ngài có thể tiên tri nhiều việc rất lạ lùng. Sau khi qua đời, theo lời dặn của Ngài, người ta lập mộ phần ở trên cánh đồng ở quê hương của Ngài. Mãi cho đến sau này, trong khi làm nhiệm vụ đào kênh dẫn nước đụng phải ngôi mộ của Trạng Trình,  một vị quan nổi tiếng triều Nguyễn là cụ Nguyễn Công Trứ có van vái xin cho dời phần mộ đi nơi khác trước khi tiếp tục công trình. Nhưng khi đào đến nền của ngôi mộ thì đã có một bài thơ của Trạng Trình khắc ở đó từ trước:
Minh Mạng thập tứ
Thằng Trứ phá đền
Phá đền thì phải đền đền
Nào ai lấn đất tranh quyền được ai.
Nghĩa là:
Vào năm thứ mười bốn triều vua Minh Mạng
Ông Nguyễn Công Trứ phá mộ
Nếu phá mộ thì phải đền bù.
Không thể tự cho mình quyền muốn làm gì thì làm
Dĩ nhiên cụ Nguyễn Công Trứ đành bái phục và phải cho đào kênh đi vòng qua ngôi mộ. Rõ ràng, khi cho khắc bài thơ trên, không ai biết trước được điều ấy có đúng hay không trừ cụ Nguyễn Công Trứ sau này!
 
Những tiên tri trong đạo Cao Đài
Trong đạo Cao Đài cũng có nhiều tiên tri nổi tiếng, hoặc đã được chứng minh là đúng, hoặc còn chờ các diễn biến có thật xảy ra. Xin giới thiệu ra đây để tham khảo.
- Tiên tri về Thánh Địa Tây Ninh.
Đức Lý Giáo Tông đã dạy rằng: "Đất nay còn rẻ, miếng đất chung quanh Thánh địa ngày sau hóa vàng" (*) Lời tiên tri này đã có từ năm 1926 vào những ngày đầu mở đạo. Lúc bấy giờ, công chức bị thuyên chuyển đến Tây Ninh kể như bị trừng phạt, bởi sơn lam chướng khí của vùng rừng núi bạt ngàn vô cùng khắc nghiệt. Theo lời Bà Tư (Nữ Đầu Sư Hương Hiếu) kể lại, thì lúc bấy giờ đi chợ Tây Ninh vào sáng sớm còn nghe tiếng thú dữ gầm gừ. Tỉnh Tây Ninh lại không có một yếu tố nào thuận lợi cho việc phát triển kinh tế. Không cảng biển, ở sâu trong nội địa, đất đai lại không màu mỡ cho bằng đồng bằng Cửu Long. Những yếu tố này càng khiến cho không ít người nghĩ rằng câu tiên tri của Đức Lý Giáo Tông chỉ là để động viên các bậc tiền bối Cao Đài lúc bấy giờ.
Hiện nay, ai có về Tây Ninh đều phải công nhận là đất ở Thánh Địa đã "hóa vàng" cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Thậm chí những người ngày xưa bỏ xứ đạo mà đi, nay cũng muốn trở về!
- Tiên tri về việc Tòa Thánh Tây Ninh là cội nguồn của Đạo Cao Đài.
Câu thánh ngôn "Chi chi cũng ở tại Tây Ninh này mà thôi" (**) đã có thời được hiểu đơn giản là lời động viên người Cao Đài hãy xây dựng và phát triển đạo tại địa phương này. Nhưng nay có thể thấy lời tiên tri này còn có một ý nghĩa khác nữa: đó là Tòa Thánh Tây Ninh mới đích thực là cội nguồn của đạo. Lời tiên tri này được Đức Lý Giáo Tông giáng cho vào năm 1927, nghĩa là sau ngày khai đạo khoảng một năm. Theo Đạo Sử thì lúc đó chưa có chia rẽ trong đạo Cao Đài. Đến khi có tình trạng bất đồng ý kiến giữa các bậc tiền bối, thì tình trạng phân chia phe phái xảy ra. Cộng thêm sự cố tình ngăn cản, phá hoại của chính quyền Pháp lúc đó khiến cho đoàn thể đạo Cao Đài  tưởng như không tránh khỏi tan rã. Ngoài ra, thanh thế của những người muốn tách ra lại rất lớn đến độ khó có thể tưởng tượng được Hội Thánh Tây Ninh lại đứng vững. Thêm một điều nữa, Tây Ninh ngày xưa là một địa phương mới phát triển, nên dân nghèo, đất chỉ có rừng hoang. So với các nơi khác thì Tây Ninh không thấy có hướng phát triển nào sáng sủa. May nhờ có có sự quyết tâm của các bậc tiền bối còn trụ lại chịu đựng gian khổ, bây giờ mới có tôn giáo Cao Đài  để cứu vớt chúng sinh.
Hiển nhiên, ngày nay nếu nói đến Cao Đài, thì ai cũng hướng về Tây Ninh chứ không một nơi nào khác nữa. Lời tiên tri của Đức Lý Giáo Tông đã được chứng minh là đúng.
- Tiên tri về việc có nhiều thế lực muốn ngăn cản đạo Cao Đài.
Đức Chí Tôn  đã giáng cho tiên tri như sau "Thầy để một lời này cho các con yên dạ, dầu cho ai có quyền phép tiêu diệt càn khôn đi nữa cũng khó ngăn đặng đạo Thầy. Như ai buộc các con đóng cửa chùa thì cứ tuân mạng, đợi chừng nào các con cái Thầy đến mở cửa sẽ hay." (***) Đạo Sử đã ghi nhận biết bao thế lực kể cả nội bộ lẫn bên ngoài ra sức ngăn cản con đường phát triển của Cao Đài bằng mọi thủ đoạn. Thậm chí có lúc Đền Thánh Tây Ninh bị người Pháp lấy làm garage cho quân đội của họ. Các cơ sở của đạo thì liên tục bị các chính quyền “mượn dài hạn” nhưng rồi rốt cuộc cũng phải "trả lại". Chức sắc  của đạo bị bắt bớ, cấm hành đạo, hoặc ép buộc phải rời bỏ đạo qua nhiều thời kỳ trong lịch sử,vv… Tuy nhiên, bất chấp mọi thế lực thù địch, đạo Cao Đài  vẫn cứ phát triển càng lúc càng nhanh chóng, số người nhập môn vẫn cứ tăng đều đặn. Và cho đến nay thì tín đồ Cao Đài  có thể tự tin mà nói với thế giới rằng: không một ai có thể ngăn được tôn giáo Cao Đài  thực hiện sứ mạng phổ độ mà Đức Chí Tôn  giao phó.   
- Tiên tri về việc truyền đạo ra ngoại quốc.
Có lẽ không tín đồ Cao Đài nào là không biết thánh ngôn sau đây:
Từ đây nòi giống chẳng chia ba
Thầy hiệp các con lại một nhà
Nam Bắc cùng rồi ra ngoại quốc
Chủ quyền chơn đạo một mình ta. (****)
Trước năm 1975, có lẽ không một ai dám tin vào điều này. Lúc đó, tổ chức đạo Cao Đài không lấy gì làm mạnh. Nhân lực cũng chưa có gì đáng gọi là "tầm mức Quốc tế", đủ sức truyền đạo ra nước ngoài! Tài chính thì chỉ đạt mức độ đủ hành đạo trong nước. Cơ quan ngoại giáo Cao Đài  chỉ có một Thánh Thất nhỏ bé ở thủ đô Nam Vang. Viễn cảnh có được một thánh thất hoặc một cơ sở đạo Cao Đài ở một quốc gia tiên tiến phương tây như Pháp hay Mỹ là quá xa vời. Có thể nói, nếu có, thì cũng phải chờ vài trăm năm nữa là ít.
Vậy mà ngày nay, tình hình đã đổi khác. Sau biến cố 1975, hàng triệu người Việt Nam đã đến được những đất nước giàu có mà trước kia có mơ tưởng cũng không bao giờ đến được. Rồi những người có sứ mạng đã xây dựng các Thánh Thất ở Úc, Mỹ, Pháp, Đức,v.v… Trong tương lai, khi những thế hệ thanh niên Cao Đài tiếp theo lớn lên, có học vấn cao hơn thì tương lai đạo sẽ còn tiến xa hơn nữa. Rõ ràng lời tiên tri của Đức Chí Tôn đã trở thành hiện thực.
Với những lời tiên tri, tín đồ Cao Đài nên suy nghĩ và hành động thế nào ?
Như đã trình bày, tiên tri chỉ dành cho một số đối tượng nhất định. Những tiên tri của Cao Đài là để nhắc nhở chín mươi hai ức nguyên nhân và những chơn linh nào vốn có thiện căn. Do đó những ai đã có cơ hội biết được lời tiên tri cùng các kết quả thì người đó (cho dù có là tín đồ Cao Đài hay không) có thể tin rằng mình là đối tượng được nhắc nhở.
Tín đồ Cao Đài, khi được nhắc nhở như thế, thì phải cố gắng lập công để trở về ngôi vị cũ, chứ không nên sưu tầm thêm những lời tiên tri rồi làm "thầy bói", đoán già đoán non cho mất thì giờ. Bởi, như đã nêu, người bình thường chỉ thấy được tiên tri ứng nghiệm khi nào sự kiện đó diễn ra rồi mà thôi.
Đặc biệt những tín đồ Cao Đài hiện nay sống ở nước ngoài vốn được Đức Chí Tôn  ban cho ân điển về mặt vật chất nhiều hơn những bạn đạo còn lại trong nước. Quí vị phải hiểu rằng được như thế chính là vì quí vị có sứ mạng mở mang đạo ở nước ngoài.
Thực hiện sứ mạng ấy hay không là quyền của quí vị.
* Từ Chơn.
 

- Trích từ Thánh Ngôn Hiệp Tuyển - Tòa Thánh Tây Ninh xuất bản.

Home Mục Lục: [ 1 ]  [ 2 ]  [ 3 ]  [ 4 ]  [ 5 ] [ 6 ]  [ 7 ]  [ 8 ]  [ 9 ]  [ 10 ]  [ 11 ]  [ 12 ]  [ 13 ]  [ 14 ]  [ 15 ] [ 16 ]  17 ]  [ 18 ]  .