1 - Ý Nghĩa Bí pháp Tắm Thánh Trong
đạo CĐ như thế nào ?
Trong Tân
Luật, Điều 12 chương Thế Luật có qui định :
Đứa con
nít khi được một tháng sắp lên phải đem đến Thánh Thất sở tại xin làm lễ Tắm
Thánh và ghi vào bộ sanh của Bổn Đạo.
Trong
quyển Bí truyền chơn pháp của Hội Thánh ban hành có diễn tả cách thi hành bí
pháp nầy, trong đó có câu :
“Nầy là
con cái Thiêng Liêng của Thầy, xin Thầy gìn giữ trong sạch vậy hoài”.
Tức là ý
nghĩa của Tắm Thánh làm cho đứa trẻ không bị lấm bụi trần nhờ có Ơn Thiêng
Liêng hộ trì che chở. Ngoài ra về thân xác cũng được mạnh giỏi, thông minh.
Về phần ý
nghĩa thiêng liêng coi như đứa bé đã gia nhập vào cửa Đạo, nên nếu trẻ có qui
liểu trước khi 18 tuổi mà trẻ có ăn chay lạt đủ 10 ngày thì tang lễ kinh kệ
cũng đầy đủ như một tín đồ.
2 - Theo ý nghĩa bài kinh Tắm Thánh,
đứa trẻ được hưởng hồng ân rất lớn của Các Đấng ban cho giống như một tín đồ
Đại Đạo, vậy khi đủ 18 tuổi trẻ có phải minh thệ nhập môn vào Đạo không ?
Khi đủ 18
tuổi đứa trẻ đã Tắm Thánh vẫn phải minh thệ nhập môn để chánh thức trở thành
một tín đồ Đại Đạo.
Vì đứa
trẻ khi đủ 18 tuổi là tuổi trưởng thành sẽ có đủ năng lực để quyết định có nhập
môn hay không.
Đạo Cao
Đài tôn trọng quyền tự do của mỗi cá nhân nên việc nhập môn phải do ý chí của
mỗi cá nhân quyết định.
Khi tắm
thánh thì chưa có ý chí của đứa trẻ trong đó, nên phải đợi đủ 18 tuổi thì nhập
môn, lần nầy chính thực do đứa trẻ quyết định. Vậy nên việc nhập môn dù đã Tắm
Thánh khi nhỏ là hợp lý.
3 - Nay không còn chức sắc hành pháp
đúng theo bí pháp, vậy ở Hải ngoại chức sắc, chức việc thực hiện Tắm Thánh như
thế nào ?
Ỏ Hải
ngoại không ai được thọ pháp nên BTS phải cầu nguyện xin các Đấng giúp hành pháp
vô vi mà thôi.
Trước
tiên vị BTS lấy một chén hay ly nước lạnh để lên Thiên bàn rồi quỳ cầu nguyện
xin các Đấng Thiêng Liêng giúp tạo thành Ma Ha Thủy.
Sau đó
dùng một cái bông trên bàn thờ để rải nước lên đầu mỏ ác đứa bé.
Vị BTS và
Đồng Đạo nhập đàn rồi cầu nguyện Đức Hộ Pháp hành pháp Tắm Thánh vô vi cho đứa
bé.
Xong rồi
tất cả đứng dậy trừ đứa bé và cha mẹ quì tại chỗ.
Đồng nhi
khởi đọc kinh Tắm Thánh, và vị BTS sẽ cầm nhánh bông nhúng vào ly nước đã cầu
nguyện rồi rải lên đầu (mỏ ác) của đứa bé.
Xong rồi
lạy tạ các Đấng rồi bải đàn. Xong lễ Tắm Thánh.
4 - Khi chúng ta cầu xin các Đấng
hành pháp vô vi như vậy việc tắm thánh có tác dụng tốt không ?
Các Đấng
sẽ hiểu cho hoàn cảnh đặc biệt hiện nay, và nếu chúng ta thành tâm cầu nguyện
để trọn đức tin thì chúng ta tin tưởng các Đấng sẽ giúp sức.
Chẳng
những phép Tắm Thánh mà ngay cả phép giải oan cũng vậy.
5 - Trong bài kinh Tắm Thánh có những câu kinh cầu nguyện cho đứa bé và
cũng có những câu nói với đứa bé như:
Sanh nơi đây ở nơi đây, Trăm năm là tuổi đủ đầy mạng căn,...
Đừng thối chí ngã lòng trở gót, Để cho đời chua xót tình thương
Nếu đứa trẻ còn quá nhỏ thì làm sao nó hiểu được lời kinh ?
Trong
buổi lễ Tắm Thánh có cả Đồng Đạo, đồng nhi và cha mẹ đứa trẻ. Trong lúc
cầu nguyện và đọc kinh sẽ tạo nên một làn tư tưởng hay nguyện lực xông lên .
Tuy đứa bé còn nhỏ nhưng điểm chơn thần, chơn linh vẫn có tánh linh và cảm nhận
được những nguyện lực nầy.
6 - Câu kinh ""Đã gan dốc kiếm diệu huyền", kiếm diệu huyền
đây là cây gươm trí huệ để diệt trừ vô minh, phiền não, vậy chúng ta làm sao
tạo được trí huệ sáng suốt ?
Để đoạt
được trí huệ chúng ta có những phương pháp như:
- Giới
định huệ của nhà Phật, đầu tiên phải giữ giới luật, giữ tâm thanh tịnh, thiền
định, từ từ trí não sẽ phát huệ là sáng suốt.
- Tu theo
Phương Luyện Kỷ của Đức Hộ Pháp : Ẩm thực tinh khiết, tư tưởng tinh khiết, tín
ngưỡng mạnh mẽ nơi Chí Tôn và Phật Mẫu, thương yêu vô tận, ấy là chìa khoá mở
cửa Bát Quái Đài tại thế. Mở cửa Bát Quái Đài tức là được về cùng Thầy thì tự
nhiên ta sẽ đoạt được trì huệ rồi vậy.
- Cúng
Đàn lễ nơi Thánh Thất, Điện thờ PM và cúng Tứ thời hàng ngày ở nhà để được
hưởng nhiều điển lành các Đấng ban cho thì chơn thần chúng ta càng ngày càng
thêm mẫn huệ. Các Đấng có cho biết lúc cúng là cho linh hồn ăn uống. Nhất là bí
pháp dâng Tam bửu trong thời cúng, giúp chúng ta đoạt được trí huệ và còn tiến
xa hơn nữa là đoạt được giải thoát luân hồi sanh tử nữa.
II- Thảo
Luận Giáo Lý: Đề tài Sự sống của linh hồn trong đệ nhị xác thân.
1 - Tam thể xác thân của con người gồm những phần nào ?
Theo
quyển Luật Tam Thể do Đức Cao Thượng Phẩm và Bà Bát Nương giáng cơ ban cho, con
người có ba thể:
- Thể thứ
nhứt là xác thân do cha mẹ sanh ra.
- Thể thứ nhì gọi là Đệ-Nhị xác thân của Đức Phật-Mẫu ban cho. Còn thể thứ ba
là Linh-hồn, do Đức Chí-Tôn ban cho. Trong ba thể ấy phải hiệp lại mới thành
con người, nhưng bản-chất nó khác nhau.
- Thể thứ
nhứt là xác thân, có ngũ-quan, biết cảm-giác xúc động, do nơi khí bẫm của cha
mẹ mà biến tướng ra. Nó cũng như con vật.
- Thể thứ
hai là Đệ-Nhị xác thân, tức nhiên là Chơn-Thần của con người. Người ta gọi là
cái vía hay là hào-quang đó. Nó chính là lục dục thất tình đó vậy. Nó do theo
cái thể thứ nhứt mà biến hình, cũng như đồ bắt kế con vật.
- Thể thứ
ba là linh-hồn, do Đức Chí-Tôn ban cho, tức nhiên là một điểm linh-quang của
Chí-Tôn chiết xuống, để cho con người biết hiểu, và khôn ngoan hơn loài vật.
Người ta gọi là " thiên-hạ " đó. Vậy thể thứ ba như người cầm cương
con vật.
2 - Làm sao nhận
biết được linh hồn trong bản thể con người ?
Ta hãy
hình dung nếu một người chỉ có thể xác mà không có chơn thần và chơn linh thì
chỉ như một xác chết mà thôi.
Thể xác
có thêm chơn thần thì mới có sự sống và biết buồn vui, thương ghét,…Người có 2
phần nầy thôi thì cũng giống như một con vật mà thôi.
Người có
thêm linh hồn nữa thì mới hiểu biết khôn ngoan hơn loài vật, tức là nhờ có chơn
linh hay linh hồn mới có trí khôn, trí sáng suốt biết phân biệt đúng sai, tà
chánh,…
3 - Tam thể xác thân biểu hiện thế nào qua cách tổ chức và bí pháp giải
thoát trong đạo Cao Đài ?
Con người
có 3 phần thể xác, chơn thần (trí não), chơn linh (linh hồn), cũng gọi là tam
bửu: tinh, khí thần.
Hằng ngày
cúng tứ thời chúng ta dâng Tam bửu cho Đức Chí Tôn tức là dâng cả thể xác trí
não và linh hồn cho ĐCT dùng phương nào thì dùng. Đây gọi là bí pháp dâng Tam
bửu.
Ðức Phạm
Hộ Pháp thuyết đạo giải thích như sau:
"Ấy
vậy, mỗi ngày, từ mơi tới trưa, đến chiều, từ chiều đến khuya, từ khuya đến
sáng, mình vô Ðền Thánh kêu Ðức Chí Tôn, kêu Tam Giáo và các Ðấng Thiêng liêng
mà phân chứng trước: Thân tôi không còn là của tôi nữa, tôi đã hiến cho Ðức Chí
Tôn, làm tôi tớ cho vạn linh, thay thế cho Ðức Chí Tôn.
Giờ phút
đó, chúng ta không biết tội nào chúng ta đã làm, dầu có tội mà chúng ta không
làm điều gì thêm nữa thì quả kiếp ấy tiêu diệt, cơ quan giải thoát chúng ta
đoạt, không thế gì định tội được. Ðức Chí Tôn biểu chúng ta không phải là chúng
ta, mà chúng ta không phải là chúng ta thì quả kiếp ấy không phải là của chúng
ta, tức nhiên ta đã đoạt cơ giải thoát."
Còn về
cách tổ chức trong nền Đạo Cao Đài chia ra làm ba đài là Bát Quái Đài do Đức
Chí Tôn là chủ quản, đây là linh hồn của Đạo. Kế đó là Hiệp Thiên Đài là bán
hữu hình do Đức Hộ Pháp chưởng quản đây là chơn thần của Đạo. Và thứ ba là Cửu
Trùng Đài do Đức Giáo Tông chưởng quản, đây là phần thể xác của Đạo. Như vậy cơ
chế Đạo cũng chia làm ba đài cũng tượng trưng cho tam bửu tinh khí thần.
4 - Tại sao người mang xác thân xấu xa hay tốt đẹp quá cũng khó lập công ?
Trong
Luật Tam thể có đoạn:
“Vì nếu
mang một xác thân xấu xa thì cũng khó lập công. Còn như mang một xác thân tốt
đẹp thì cũng rất có hại cho phận sự của nó. Biết bao Chơn-linh xuống phàm để
lập công cũng vì lẽ khó khăn ấy mà phải chịu nhiều trở ngại trong phận sự đến
đổi phải bị đọa, vì nó không đủ phương thế kềm thúc Đệ-Nhứt xác thân, mà phải
bị Đệ-Nhứt lôi cuốn vào đường tội lỗi”.
Ta thấy
rằng khi mang một xác thân xấu xa tức là trước kia người nầy tạo nghiệp không
tốt và khi xác thân xấu xa thì phần đông người ta không có cảm tình nên họ xa
lánh và không nhiệt tình giúp đỡ ta trên đường tu.
Còn người
mang xác thân đẹp đẽ quá, dễ thu hút người khác phái, tạo ra những mối dây oan
nghiệt buộc ràng nên cũng ảnh hưởng trên đường tu là vậy.
5 - Đức Chí Tôn ban cho chơn linh và Đức Phật Mẫu ban cho ta chơn thần khi
nào ?
ĐHP
thuyết trong quyển Bí Pháp, 29-7-Kỷ Sửu:
“…Khi con
người mới thai-bào. Con tinh trùng ở trong Nguơn khí Cha nhập vào lâm bồn của
Me, kết hợp với noản châu của Mẹ; dương trùng của cha tạo biến thành hình hài
xương cốt chúng ta, còn noản châu của Mẹ chúng ta biến ra máu thịt của chúng ta
đó vậy; hai vật ấy phối hợp lại với nhau thành tượng biến hình hài.
Hai cái
tinh trùng và noản châu hiệp lại khác hẳn với cái hình tướng tinh-trùng đơn-sơ,
khi nhập vào làm một. Cái buổi tượng hình của chúng ta thì chơn-thần của chúng
ta còn ở ngoài thân, ngoài cốt hài của chúng ta; nó vơ-vẩn hoặc là quanh theo
bà Mẹ chúng ta ở dựa bên, nhứt là bà Mẹ đi nơi nào nó đều theo nơi đó.
Chơn-thần đến theo người Mẹ có chửa, nếu người Mẹ có Đạo-Đức dám chắc đi đâu
chưa có sự gì rủi ro đến đổi thiệt-hại, bởi cớ cho nên đứa con theo mãi, theo
cho đến khi tượng hình chúng ta ra khỏi lòng bà Mẹ, chơn-thần ấy mới nhập vô
ảnh-hài đó làm khuôn-viên cho ảnh-hài đó”.
Ở đây ĐHP
chỉ nói đến chơn thần nhưng ta hiểu chơn thần và chơn linh hiệp làm một và nhập
vào hài nhi khi vừa lọt lòng mẹ như lời giải thích của HT Nguyễn Văn Hồng trong
Bước Đầu Học Đạo :
“Cái Chơn
thần của mỗi người có được là do Đức Phật Mẫu lấy hai nguyên khí Âm quang và
Dương quang nơi Diêu Trì Cung, kết hợp tạo thành.
Còn Linh
hồn là điểm Linh quang do Đức Chí Tôn ban cho. Đức Phật Mẫu thâu điểm Linh
quang nầy, rồi tạo ra cho nó một Chơn thần (Xác thân thiêng liêng) bao bọc Linh
hồn, tạo thành một con người nơi cõi thiêng liêng. Như vậy, một người nơi cõi
thiêng liêng có hai thể : Linh hồn và Chơn thần.
Khi một
người nơi cõi thiêng liêng được phép đầu kiếp xuống cõi trần thì Chơn thần và
Linh hồn đi xuống nhập vào hình hài đứa bé vừa lọt khỏi lòng mẹ, làm cho đứa bé
giựt mình phát ra tiếng khóc chào đời. Chơn thần sẽ làm khuôn viên cho thể xác
đứa bé lớn lên, còn Linh hồn tạo ra sự hiểu biết và bảo tồn sự sống cho đứa
bé".
* Bảo Chơn (ghi lại)