Ngài Hiến
Pháp Trương Hữu Đức là môt trong mười hai môn đồ đầu tiên của Đức Chí Tôn, có
viết trong lời giới thiệu quyển Đại Đạo Sử Cương như sau:
"…Tác giả nhìn thấy được tâm sự của giới trí thức, nhứt là tâm sự của
các nhà chí sĩ thời tiền sử Đạo đã vì ôm mối hận nước nhà bị đô hộ mà hết sức
cố gắng tìm lối thoát cho dân tộc. Vì vậy mà có sự hoạt động chống chế độ thực
dân không ngừng. Những bậc tiền bối sáng lập Đạo Cao Đài cũng thuộc trong nhóm
chí sĩ này…"
"...Ngài sinh vào
năm 1890, thời mà thực dân Pháp đã đặt vững nền đô hộ, trên khắp đất nước Việt
Nam. Ngài lớn lên trong cảnh vong quốc giữa một cái xã hội đầy dẫy bất công,
dân chúng rên siết dưới những bóc lột, áp bức của quân ngoại xâm, khác màu da
khác sắc tóc.
Trước cảnh nước mất
chủ quyền, dân sống trong vòng nô lệ, Ngài đã sớm giác ngộ. Tuy còn nhỏ tuổi,
mà nhiều đêm Ngài đã thao thức nghĩ đến cách làm sao cho đồng bào cũng đứng lên
phá tan xiềng xích, để đòi lấy quyền sống một cuộc đời tự do, độc lập, hạnh
phúc.
Trận chiến tranh
Nhật-Nga xảy ra vào năm 1905 kết cục bằng cuộc thắng vẻ vang của Nhật là một
kích thích lớn lao cho Ngài cũng như cho hầu hết dân Việt Nam có ý thức tranh
đấu hồi giờ.
Năm 1906, Ngài bắt đầu
tham gia vào phong trào Đông du mà hai nhà lão thành cách mệnh Phan Bội Châu và
Phan Chu Trinh đang cho người vận động tuyên truyền và khuyến khích khắp nơi.
Năm ấy Ngài 17 tuổi, đang học năm thứ hai trường Chassekoup Laubat. Lúc đó
phong trào Đông du ở Saigon do hai ông Dương Khắc Ninh và Gilbert Chiếu, lãnh
đạo hai ông đã dẫn đạo ba tốp xuất dương. Tốp thứ tư có tên Ngài Đương hồi niên
thiếu đầy lòng phấn khởi bồng bột, Ngài nuôi trong lòng bao nhiêu mộng đẹp viễn
phương. Nhưng tốp thứ tư không có cái may mắn như ba tốp trước. Màn bí mật bị
khám phá. Mật thám Pháp đến khám sở Minh tân công nghệ là chỗ hay lui tới của
ông Ninh, Chiếu mà cũng là trụ sở của phong trào Đông Du tại Saigon. Nhờ được
ông Ninh bình tĩnh lẹ tay hành động nên đã tiêu hủy kịp thời hết mọi tài liệu,
thành ra tuy bị bại lộ mà không ai bị lôi thôi bắt bớ chi cả. Tuy vậy mật thám
Pháp đã chú ý, luôn luôn cho người theo dõi, dò xét các tay lãnh đạo và chính
Ngài cũng bị chúng để ý. Nên năm đó, Ngài nghĩ học, về quê ở Tây Ninh tạm tránh
những con mắt dòm ngó...
Sau kỳ dự định Đông Du
lở dở, Ngài trở về quê nhà một thời gian, rồi lại lăn mình vào trường tranh
đấu. Ngài hoạt động trong bí mật, viết cho nhiều báo như: Công Luận, La Cloche
fêlée, La voix libre, Lục tỉnh Tân văn, Nông cổ Mím đàm,v.v… với bút hiệu Ái
Dân, Tây Sơn Đạo,..."
Đây là
những tờ báo đề cao tinh thần dân tộc Việt, nói lên những bất công trong xã hội
thời đó...
Mãi đến
năm 1925, Đức Chí Tôn đến khai Đạo, Đức Hộ Pháp có thuật lại sự kiện nầy như
sau:
"…chính Bần Đạo
buổi nọ, Đại Từ Phụ nói với Bần Đạo một lời thiết yếu: "Tắc, dâng cả mảnh
thân con đặng Thầy tạo Đạo cứu Đời con có chịu chăng?"
Bần Đạo
trả lời với Ngài một cách quả quyết rằng: " - Nòi giống con còn nô lệ, nước nhà còn lệ thuộc thì làm thế nào con tu cho
đặng".
Ngài cười
nói: " - Nhưng điều ấy các con làm không đặng đâu, để đó cho
Thầy". (Thuyết
Đạo ĐHP ngày 8 tháng Giêng Canh Dần 1950).
Đoạn nầy
nói lên lời hứa của Đức Chí Tôn rằng: Việc giành lại độc lập tự do cho
đất nước VN, các con làm không được đâu mà hãy để đó cho Thầy lo.
Còn một
vị Tiền bối khác là Ngài Phan Khắc Sửu đến dự đàn cơ Đức Chí Tôn. Ngài có
làm sẳn một bài thi đem đến đốt trước dàn, và Đức Chí Tôn đã họa lại bài
thi của Ngài như sau:
"
Cao Đài Tiên Tưởng hỡi Ông ơi,
Linh hiển
sao không cứu giống nòi,
Trăm họ
điêu linh thân cá chậu,
Muôn dân
đồ thán phận chim lồng.
Coi mòi
diệt chủng càng đau dạ,
Thấy cảnh
vong bang bắt não lòng.
Nạn nước
ách dân như thế ấy,
Ngồi mà
tu niệm có yên không ?
* Phan Khắc Sửu.
Đức Chí Tôn đã họa vận lại
ngay :
"Cơ
Trời khó tỏ lắm con ơi,
Nghiệp
quả tiền khiên của giống nói.
Bởi luyến
mồi thơm cam cá chậu,
Vì ganh
tiếng gáy chịu chim lồng.
Trời khai
Đại Đạo nên yên dạ,
Đất dậy
phong ba cứ vững lòng.
Gắng trả
cho rồi căn nợ ấy,
Tu mà Cứu
Thế dễ như không.
* Cao Đài Thượng Đế.
Đức
Chí Tôn còn cho một vài người yêu nước bài thi:
"Yến
Tử Hà xưa lúc vận cùng,
Còn mang
dép rách đến Quang Trung,
Nay con
chưa rõ thông đường Đạo,
Cứ ngóng
theo chơn Lão tháp tùng."
Điển tích
Yến Tử Hà là tôi nước Hàn, nước Hàn bị Tần Thủy Hoàng đánh chiếm, Yến Tử Hà đến
đất Quang Trung là nơi Lưu Bang khởi nghiệp diệt nhà Tần.
Đức Chí
Tôn ngụ ý: - Nước các con bị người đô hộ nay muốn giành độc lập thì hãy theo
Thầy cuối cùng sẽ đoạt lại nền độc lập thực sự cho nước nhà…
Tổng kết
các lời dạy của Đức Chí Tôn cho các vị tiền bối nại lý do không đi tu được vì
nước mất nhà tan là:
Dân tộc các
con còn phải qua giai đoạn đền bồi nghiệp quả nên dầu các con có xả thân tranh
đấu cũng không thành công đâu, vậy hãy để Thầy lo việc đó cho, các con cứ theo
Thầy mở Đạo lo tu hành đi rồi có ngày các con sẽ chẳng những cứu nước các con
mà còn cứu cả thế gian nầy nữa...
2 - Bản Tuyên ngôn Khai Đạo.
Ngày 23
tháng 8 năm Bính Dần (29-9-1926), ông Cựu Thượng Nghị Viện Lê Văn Trung vâng
Thánh ý hiệp với chư Ðạo Hữu hết thảy là 247 người tại nhà ông Nguyễn Văn Tường
đứng tên vào Tịch Ðạo để khai Ðạo với Chánh Phủ.
Tờ Khai
Ðạo đến ngày Mùng một tháng chín (07-10-1926) mới gởi lên Chánh Phủ cho quan
Nguyên Soái Nam Kỳ là ông Le Fol. Trong tờ nầy có 28 người đứng tên thay mặt
cho cả chư Ðạo Hữu có tên trong Tịch Ðạo.
Phần cuối
tờ khai Đạo ghi câu:
"Chúng
tôi thay mặt cho nhiều người An Nam, mà đã nhìn nhận sở hành của chúng tôi và
đã ký tên vào tờ Ðạo Tịch ghim theo đây, đến khai cho quan lớn biết
rằng: Kể từ ngày nay chúng tôi đi phổ thông Ðại Ðạo khắp cả hoàn cầu.
Chúng tôi
xin quan lớn công nhận Tờ Khai Ðạo của chúng tôi".
Như vậy,
đây không phải là tờ xin phép mở Đạo mà là một tuyên ngôn Khai Đạo mà thôi.
Chánh quyền Pháp lúc đó cũng dễ dàng chấp thuận cho phép Đạo hoạt động chớ
không có ý gì ngăn cản việc truyền Đạo.
3 - Mối tương quan giữa Đạo Cao Đài và nhà cầm quyền thuộc địa Pháp.
Trong
thời gian từ 1925 đến 1945, có vài vị Toàn quyền, và Thống soái Nam Kỳ người
Pháp có cảm tình với đạo Cao Đài, và cho tự do truyền giáo điển hình như: Thống
đốc Le Fol (1926), Toàn quyền Robin có 3 lần đảm nhiệm chức vụ nầy vào các năm
(1928), (1930-1931), và (1934-1936). Vị Toàn quyền nầy cho Đạo Cao Đài tự do
hội họp tự do truyền Đạo nên khi mãn nhiệm ngày 9-9-1936, có cả phái đoàn Hội
Thánh và Đạo hữu Cao Đài khoảng trên ngàn người đến bến tàu Sàigòn tiển đưa
Ngài Robin và gia đình xuống tàu về xứ.
Trái lại
cũng có vài giới chức Pháp rất gắt gao với đạo Cao Đài như Toàn quyền Pierre Pasquier
(1928-1934). Paul Doumer tên gọi đầy đủ Joseph Athanase Doumer (sinh ngày 22
tháng 3 năm 1857 tại Aurillac, Cantal. Chủ tịch Thượng Viện Pháp (1927). Ông làm
Toàn quyền Đông Dương từ năm 1897 đến năm 1902. Đắc cử Tổng thống Cộng hòa Pháp
ngày 13 tháng 5 năm 1931, ngày 6 tháng 5 năm 1932, ông bị sát thủ bắn chết, bởi một bác
sĩ người Nga tị nạn chính trị tại Pháp, tên là Paul Gorguloff.
Sau khi
các vị nầy qua đời có giáng cơ nơi Tòa Thánh cho biết như sau:
Đàn cơ
ngày 11-9-1934.
"Paul
Doumer,
Kính chào quí Ngài,
...Tôi đã thiếu một bổn phận mật
thiết trước khi chết, đó là không chấp thuận đúng lúc sự tự do tín ngưỡng của
quí Ngài.
...Nhưng quí vị có biết chăng thật
là khó khăn cho việc thay đổi lòng dạ con người. Họ có chịu nghe tôi nói không
? Sự thiếu sót bổn phận thiêng liêng ấy đối với Đấng Thượng Đế làm tôi trả giá
12 năm đời sống của tôi (Tuổi thọ giảm 12 năm).
Tôi đến để chỉ nói với quí Ngài
như thế.
Cáo biệt."
Kế đó là
Toàn quyền Pierre Pasquier, Toàn quyền Đông Dương từ 1928 đến 1934, Ông nầy
quyết tâm tiêu diệt Đạo Cao Đài nên làm giả nhiều hồ sơ đem về Pháp để chứng
minh với chánh phủ Pháp là Đạo Cao Đài làm chánh trị chống Pháp. Pasquier đi
máy bay về Paris, đến Marseille còn đang bay trên bầu trời bổng nhiên phi cơ
phát cháy nổ tung, Pasquier cùng gia đình và toàn bộ hồ sơ ngụy tạo đều bị cháy
tan ra tro... Sau đó Pasquier có giáng cơ tại Tòa Thánh vào ngày 18-8-1936 như
sau:
"Pierre
Pasquier,
Tôi nói tiếng An Nam.
Tôi đã cầm đặng một cuốn sách
Nho, học thông đạo lý.
Cái tư tưởng của tôi buổi nọ, nó
thiên về bên Khổng giáo chớ không phải hướng qua bên Phật Đạo. Tôi càng suy xét
thì lại lấy làm lạ vì cớ nào tôi lại dùng nhà Thiền toan phá Đạo Cao Đài buổi nọ.
Quái dị thay !
… Ôi quan trường ! Ôi nha lại !
Vì mi mà làm cho ta phải đui mắt, linh hồn phạm tội nghịch ý Chí Tôn. Thiên
điều tàn sát. Hận thay ngôi vị đế vương là đao kiếm trừ mạng linh hồn mà chớ.
Gớm thay! Ghê thay !
Thi:
Vương bà
bửu ngôi thị ngục hình,
Thiên lao
như thử tấc công khanh.
Đồ thân
phát phối cầm dân mạng,
Y phục
cân đai thị tử thành.
Thăng."
Cũng
vào ngày 8-8-1934, Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn có giáng cơ nói về cái chết của
Toàn quyền Pasquier:
"…Những kẻ nào dám vi phạm
vào Thiêng liêng, dù xa dù gần, đều phải bị trừng phạt, Hãy xem tên Toàn Quyền
Pasquier và nhiều kẻ khác bị giết chết bởi phán quyết thiêng liêng. Không một
ai có thể tránh thoát những cơn thịnh nộ của Trời nếu chống lại Đấng Thượng Đế.
Hãy nghe theo và tin tưởng sự công bằng của Thượng Đế…"
(Victor Hugo)
Xem
vậy luật Thiên điều cũng có những hình phạt sẳn dành cho những kẻ cố tâm phá
hoại Đạo Trời.
Đây
là bằng chứng hiển nhiên còn ghi lại qua những trang Đạo sử.
4
- Mối tương quan giữa đạo Cao Đài và Việt Nam Cộng Hòa.
Đối
với nền Đệ I Cộng Hòa: Vào năm 1954, Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc là vị cố vấn tối
cao của hoàng đế Bảo Đại. Khi Ông ngô Đình Diệm nhận chức Thủ Tướng và thệ
nguyện trước bàn thờ Chúa có sự chứng kiến của Đức Hộ Pháp. Rồi sau đó Thủ
Tướng Ngô Đình Diệm truất phế vua Bảo Đại lên làm Tổng Thống, dĩ nhiên Đức Hộ
Pháp không ủng hộ việc làm nầy. Sự rạn nứt giữa Cao Đài và Đệ I Cộng Hòa bắt
đầu từ đó.
Kế
đến tướng Cao Đài là Trình Minh Thế đem quân Cao Đài về giúp Tổng Thống Diệm,
rồi sau đó bị giết chết một cách mờ ám, khiến người ta nghĩ đó là thủ đoạn của
ông Ngô Đình Nhu vì sợ thế lực của Cao Đài.
Đến
năm 1956, ông Nhu sai tướng Cao Đài khác là Nguyễn Thành Phương đem quân về vây
Hộ Pháp Đường là tư dinh của Đức Hộ Pháp. Đức Hộ Pháp phải lưu vong sang Nam
Vang. Từ Nam Vang Đức Ngài đưa ra Chánh Sách Hòa Bình chung sống kêu gọi chánh
phủ 2 miền Nam Bắc Việt Nam hãy gạt bỏ mọi ảnh hưởng của ngoại bang, không gây
hấn lẫn nhau và lo kiến thiết mỗi miền rồi sau đó tìm cách thống nhất đất nước
bằng phương pháp bầu cử theo ý nguyện của toàn dân tộc.
Nhưng
chánh quyền Đệ I Cộng Hòa đã bắt bớ giam cầm hàng trăm chức sắc và tín đồ Cao
Đài trong các ban đi kêu gọi thực thi chánh sách nầy…
Đến
tháng 5-1959, Đức Hộ Pháp đột ngột qui thiên. Hội Thánh Cao Đài ký với nhà cầm
quyền miền Nam một thỏa ước Đạo tu hành thuần túy không hoạt động chánh trị
nữa, từ đó tình hình mới yên ổn…
Đối
với nền Đệ II Cộng Hòa:
Vào
năm 1965, Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu chủ tịch Ủy ban Lãnh Đạo Quốc gia ban
hành sắc luật 3/65 cho phép Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ có tư cách pháp nhân được
hoạt động trên toàn thể lảnh thổ VNCH. Nhờ đó trong suốt 10 năm, mặc dầu trong
hoàn cảnh chiến tranh, Đạo đã phát triển vượt bực về cơ sở vật chất cũng như
các ngành nghiên cứu, giáo dục như: Ban Thế Đạo, Ban Đạo Sử, Viện Đại Học Cao
Đài,…Các nhân sĩ Đạo ra ứng cử và đắc cử vào Hội Đồng Tỉnh cũng như Lưỡng viện
Quốc Hội VNCH,…
Quả
đúng như câu đã ghi vào Pháp Chánh Truyền chú giải là bộ Hiến pháp của Đạo Cao
Đài: Đạo Đời tương đắc mới mong tạo thời cải thế.
5 - Mối tương
quan giữa đạo Cao Đài và nhà cầm quyền CS.
Khi
thế chiến thứ hai bùng nổ, Pháp đã bắt Đức Hộ Pháp và 5 vị chức sắc lưu đày
sang đảo Madagasca. Pháp chiếm Tòa Thánh và các Thánh Thất đều ngưng hoạt động.
Kịp
đến khi quân đội Nhựt Bổn vào Đông Dương, thì Ngài Trần Quang Vinh là một chức
sắc Đạo tuyển mộ thanh niên nhà Đạo hợp tác với quân Nhựt để lật đổ chánh quyền
thuộc địa Pháp vào ngày 9-3-1945. Nhưng đến ngày 15-8-1945, Nhựt đầu hàng quân
Đồng minh vì bị 2 quả bom nguyên tử của Mỹ. Quân đội Pháp theo chân Đồng minh và
trở lại tái chiếm Việt Nam. Lúc đó nghĩa binh Cao Đài cùng hợp tác với các lực
lượng kháng chiến khác ở miền Nam dưới sự điều động của Việt Minh (VM) là Tổng
Ủy Trưởng Trần Văn Giàu. Tuy vậy Ngài Trần Quang Vinh vẫn bị VM bắt ngày
9-10-1945, ngài bị giam giữ cùng nhiều nhà trí thức yêu nước khác như Hồ Văn
Ngà, Vũ Tam Anh,…Những người nầy bị VM kết tội là việt gian chỉ vì họ không
cùng chánh kiến với người CS đệ Tam.
Thời
gian nầy quân đội Pháp trở lại tiến chiếm miền Nam nên VM di chuyển những người
tù qua nhiều địa điểm như Bình Điền, Long An, Đồng Tháp Mười, rồi ra tận Cà
Mau.
Đến
đây hết đường chạy nên VM định đem hết những người nầy lên một hoang đảo và
giết hết, nhưng kế hoạch nầy bị rò rỉ nên vào đêm 24 tháng chạp năm Ất Dậu
(1945), ông Trần Quang Vinh cùng hơn 230 nhà trí thức yêu nước khác cướp ngục
thành công và chạy thoát. Cũng nhờ một toán nghĩa binh Cao Đài do Nguyễn Thành
Phương tiếp ứng nên cứu thoát được hết những nhà yêu nước nầy…
Trung Tướng Nguyễn Thành Phương
VM tàn sát tín đồ Cao Đài:
Cũng
cần nhắc lại, ngay sau khi Nhật đầu hàng Đồng minh, VM đã tàn sát người tín đồ
Cao Đài. Theo tác gỉả Hồ Văn Đồng đăng trên Vietbao.com (4-3-2017):
"Trong suốt 3 tuần lễ kể từ
ngày 19-8-1945, chỉ riêng tỉnh Quảng Ngãi đã có 2791 chức sắc chức việc và đạo
hữu Cao Đài bị những người CS sát hại bằng đủ cách như chém đầu, chôn sống, thả
biển và cả hình thức tùng xẻo như trong thời Trung cổ...
Theo các nhân chứng còn sống,
những chức sắc của Giáo hội Cao Đài Hải ngoại thì tổng kết có tới khoảng 30
ngàn tín đồ Cao Đài ở các tỉnh Gò Công, Long An, Trà Vinh, Sa Đéc, Mỹ Tho, Biên
Hòa, Đồng Tháp Mười,...bị sát hại bằng cách chôn sống, bắn giết tập thể, vùi
thây vào các ngôi mộ tập thể như tại Trảng bàng Tây Ninh, hàng trăm xác người
vô tội kể cả đàn bà và trẻ con..."
VM tấn công vào nội ô Tòa Thánh:
Đúng
ngày 30 Tết Đinh Hợi (1947) khoảng 6 giờ rưởi tối bộ đội VM do Hoàng Thọ chỉ
huy bất ngờ tấn công vào nội ô và khu dân cư bên hông Tòa Thánh. Lực Lượng Tự
Vệ Nội ô Tòa Thánh đã ngăn chặn và đảy lùi quân VM. Sáng mùng một Tết, Hội
Thánh kiểm điểm lại có 8 người chức sắc, chức việc và đạo hữu bị VM giết chết
cùng 16 căn nhà bị đốt cháy sạch.
Quân
Đội Cao Đài được tái lập.
Theo
điều ước với Pháp, nếu Cao Đài bị kẻ nghịch tấn công thì Pháp sẽ hoàn lại số vũ
khí đã giải giới trước kia. Vì vậy ngay sau khi Tòa Thánh bị tấn công, quân đội
Cao Đài được tái lập và làm lễ xuất quân ngày mùng 8 tháng Giêng năm Đinh Hợi
(1947). Mục đích chính của quân đội CĐ là để bảo vệ sinh mạng tài sản người tín
đồ cùng đồng bào, vì vậy lá cờ của quân đội CĐ là cờ Bảo Sanh, Nhân Nghĩa,...
Tình trạng Đạo sau năm 1975.
Nhà
nước CSVN đã từng bước làm biến thể đạo Cao Đài không còn đúng với chơn truyền
đạo pháp nữa.
Vào
năm 1978, họ ngụy tạo ra bản án CĐ để lấy cớ giải thể Hội Thánh, thu
hẹp thành Hội Đồng Chưởng Quản.
Đến
năm 1997, họ cho tái lập Hội Thánh trá hình như một tổ chức phàm
trần để điều hành Tòa Thánh.
Cũng
may gần đây (2023) nhờ sự tranh đấu của một số chức sắc
và Đồng Đạo Hải ngoại, Tòa án Hoa Kỳ đã tuyên bố ông Nguyễn
Thành Tám hiện cai quản Tòa Thánh Tây Ninh là một tổ chức tội phạm xuyên quốc
gia...
Để
đúc kết phần nầy chúng tôi xin mượn lời của 2 bậc Tiền Bối đứng đầu Hội Thánh
là Đức Hộ Pháp và Đức Quyền Giáo Tông nói về mối tương quan giữa Cao Đài và
người CSVN như sau:
Đức
Hộ Pháp thuyết Đạo vào đêm Rằm tháng 5 năm Đinh Hợi,1947:
"Kẻ
tàn bạo ấy, ngày nay nó tưởng giết Đạo là hết, nước Nam phải chăng đã thiếu
Chúa, cho nên tính giết người mà tạo Chúa, đặng ngày sau họ sẽ quì lụy tôn
sùng. Nếu không quả có vậy thì luật công bình Thiêng Liêng về đạo đức cũng không
hề có"
Đức
Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt giáng cơ vào ngày 13-10-Canh Dần, (1950) cho
bài thi:
Lưỡi liềm
chi dễ sánh kim câu,
Gây sự
bởi ai tại buổi đầu.
Đông hải
mênh mông còn phải cạn,
Tây hồ
chật hẹp độ bao sâu.
Tài ba
Động Bích bao nhiêu sức,
Quyền
pháp Côn Lôn sẳn mấy bầu.
Quyết
đoán cuộc cờ ai thắng bại,
Chỉn xem
Tiên Phật hướng về đâu.
Cái
kim câu của Tiên gia hình cong như lưỡi liềm (cờ búa liềm) nhưng có quyền phép
vô biên.
Động
Bích tức động Bích Du, nơi ở của Thông Thiên Giáo chủ của Triệt giáo.
Côn
Lôn nơi ở của Thái Thượng Lão Quân giáo chủ Xiển giáo.
Cuộc
thiệt chiến giữa Xiển giáo và Triệt giáo ngày nay tái diễn lại như đời Phong
Thần. Cuối cùng bên nào Tiên Phật ủng hộ thì sẽ chiến thắng. Dĩ nhiên Tiên Phật
sẽ đứng về phe Xiển giáo…
Phần Kết:
Nay cuối thời kỳ Hạ ngươn, Đức Chí Tôn
đến lập nên Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ hay đạo Cao Đài Ban đầu Ngài thâu nhận
đa số thành phần trí thức ưu thời mẫn thế lập thành Hội Thánh của Ngài. Những
vị nầy dễ dàng theo Đạo vì lời hứa của Đức Chí Tôn sẽ giải ách lệ thuộc
cho đất nước.
Hiện tại Đạo còn 1 năm nữa sẽ bước sang
một trăm tuổi. Tuy nhiên chỉ có 50 năm đầu là thời gian để kiện toàn luật pháp,
các cơ chế tổ chức và truyền Đạo. Đạo ra đời trong hoàn cảnh hết sức khó khăn
nhưng vẫn phát triển tốt đẹp và nhanh chóng.
Giải pháp cứu thế của Đạo Cao Đài là qui tụ đức tin toàn cả nhân loại về một Đấng Cha Lành
duy nhứt là Đấng Chí Tôn Đại Từ Phụ. Phục hồi nền đạo đức nhân loại
sao cho phù hợp với xã hội văn minh hiện đại. Và quan trọng nhất là làm sao để
độ rỗi tất cả nhân loại toàn cầu không chừa sót một ai. Trong đó dĩ nhiên dân
tộc Việt Nam là dân tộc được chọn trước nhứt và ưu tiên nhứt.
* Quang Thông (1-2024)
Tham khảo:
- Thánh Ngôn Sưu Tập.
- Tiểu Sử Đức Hộ Pháp.
- Nội Ứng Nghĩa Binh, và
Quân Đội Cao Đài (Chầu Long).
Home. Mục Lục: [ 1 ] [ 2 ] [ 3 ] [ 4 ] [ 5 ] [ 6 ] [ 7 ] [ 8 ] [ 9 ] [ 10 ] [ 11 ] [ 12 ] [ 13 ] [ 14 ] [ 15 ] [ 16 ] [ 17 ] [ 18 ] .