Giải Nghĩa Bốn (4) Câu Trong Bài Kinh Giải Oan. * Bảo Chơn.

Câu 1: Luật nhân quả để răn Thánh đức,
Câu 2: Cửa luân hồi nhắc bậc cao siêu.
Chữ nhân quả là gieo nhân nào thì gặt quả đó.
Chữ răn có nghĩa răn đe, trừng phạt, luật nhân quả răn người bằng cách nào ?
Khi một chơn hồn vừa mới tiến hóa lên làm người còn vô minh chưa phận biệt được thiện ác nên sẽ gây lắm tội tình nghiệp chướng trong kiếp sanh. Vây nên trong những kiếp sau đó người nầy bị trả quả nghiệp nặng nề làm đau khổ thể xác tâm hồn. Sau nhiều lẩn như vậy người nầy sẽ từ tư nhận ra những nguyên nhân đưa mình đến khổ đau và lần hồi từ bỏ nghiệp xấu tức là hướng về con đường thiện lương Thánh đức…
Nhà Phật có câu: Bồ Tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả, nghĩa là chúng sanh vì vô minh nên không phân biệt thiện ác cho tới khi nhận được quả xấu rồi mới biết sợ, còn Bồ Tát đã thấy quả báo ngay từ đầu nên không làm điều bất thiện, tức là làm chủ được nhân quả. Muốn trở thành Bồ Tát tức là bực cao siêu phải trải qua nhiều kiếp luân hồi, như vậy nhờ luân hồi chuyển kiếp giúp cất nhắc con người lên bực cao siêu vào hàng Tiên Phật.
Ý nghĩa cả 2 câu:
Nhờ luật nhân quả là luật công bằng, người làm lành thì được hưởng phước, người làm ác sẽ chịu hậu quả đau khổ cả thể xác, tâm hồn. Từ từ người ta hiểu ra và sẽ trở về con đường thiện lương thánh đức.
Trải qua nhiều kiếp sanh con người học hỏi, tu hành để thành bực cao siêu là đạt phẩm vị Thần Thánh Tiên Phật.
 
Câu 3: Dầu chăng phải mực Thiên điều,
Câu 4: Cũng quyền tự chủ dắt dìu thiên lương.
Trong phương pháp lập luật của Đạo Cao Đài, một đạo luật do quyền Vạn Linh biểu quyết xong đưa lên Quyền Chí Tôn phê chuẩn, thì luật nầy có giá trị như Thiên điều thí dụ nhự bộ Tân Luật. Nhưng luật nầy cũng không phải thi hành theo một phương cách  tuyệt đối, có trường hợp phải cân nhắc theo lương tâm mà làm.
 
Thí dụ như Tân Luật qui định Cấm sát sanh, nhưng nếu có một con rắn độc xuất hiện làm đe dọa mạng sống của chúng sanh thì tốt hơn hết là phải diệt trừ nó. Trong truờng hợp nầy tội sát sanh rất nhỏ so với việc cứu sống nhiều mạng người.
Một thì dụ nữa như có lần Đức Hộ Pháp dạy một người Phạm Môn nên ăn thịt trâu để trị bịnh mặc dầu người nầy ăn chay trường…
Quyền tự chủ là quyền tự quyết định theo lương tâm của mình.
 
Ý nghĩa cả 2 câu:
- Luật pháp của Đại Đạo khi được Quyền Vạn Linh biểu quyết và Quyền Chí Tôn phê chuẩn sẽ có giá trị như Luật Thiên Điều tức áp dụng cho cả hữu hình và vô vi.
- Tuy nhiên về phương cách áp dụng luật nầy không phải luôn luôn tuyệt đối mà có khi phải cân nhắc theo lương tâm mà thi hành thì sẽ có ích lợi hơn.
* Bảo Chơn (8-2023)

Home.  NỐI BƯỚC N°11. Mục Lục: [1] [2] [3] [4] [5] [6] [7] [8] [ 9 ] [10] [11] [12] [13] [14] [15] [16] [17] [18[19]