Trần Hải Man Man Thủy Nhật Đông. * Lê Thị Ngọc Vân.

Kính thưa Quí Hiền thân hữu, chúng ta đã sắp b
ước vào tháng tư kỷ niệm ngày Đản sinh của Đức Thích Ca Mâu Ni, đánh dấu sự ra đời của vị Thái tử tại vườn Lâm tỳ Ni bên xứ Ấn Độ cách đây 2567 năm, để nhân loại nhận được giáo pháp Cứu khổ của Ngài dẫn đường cho nhơn sanh giải thoát luân hồi.
Thoát sinh lão bệnh tử,đạt đến cõi hạnh phúc viên mãn đời đời gọi là cõi Niết Bàn.
Trở lại với tiêu đề Biển trần khổ vơi vơi trời nước, tiện muội xin trao đổi ít lời tìm hiểu Đạo lý Chân Nguyên..
Trong bài Khai Kinh của Cao Đài giáo mở đầu là "Biển trần khổ vơi vơi trời nước. Ánh Thái Dương rọi trước phương Đông." Dịch từ câu Kinh chữ Hán " Trần khổ man man thủy nhật đông" đã như một lời xác quyết: cõi trần ai là biển khổ và Ánh Thái Dương ngụ ý cánh cửa mở ra ánh sáng xua tan bóng tối khổ đau mê lầm.
Trong cuộc sống, hầu hết con người đặt mục tiêu là đạt được hạnh phúc. Những lời chúc nhau đều chúc hạnh phúc. Vậy hạnh phúc là gì? Thật khó định nghĩa trọn vẹn tính từ hạnh phúc, khi mỗi người là một quan điểm sống riêng. Trong bài viết nhỏ này, tiện muội không có ý giải thích thêm về hạnh phúc vì từ ngàn xưa đến nay người người đã tốn rất nhiều giấy mực để nói về hạnh phúc. Ở đây chúng ta tạm hiểu rằng hạnh phúc là thỏa mãn được ước mơ, cảm giác toại nguyện của cá nhân như một tương đối vừa lòng với cuộc sống.
Bởi con người muốn được thỏa mãn hài lòng trong cuộc sống nên tìm cách tránh né khổ đau, nhưng hằng ngày đối diện với phiền não, ưu tư, lòng mong ước như một thúc dục khiến người ta không hài lòng, biết đủ là một trạng thái khó đạt được của con người.
Từ khi con người biết tập hợp lại thành xã hội, một nhóm, một hang động, một quần tụ để sinh tồn thì ý thức tâm linh bắt đầu có mặt trong đời sống, những vị thần sơ khai rồi phát triển nền tôn giáo như một cứu cánh giúp con người bớt lo sợ, bớt khổ đau. Kéo dài qua nhiều thời kỳ các vị Giáo Chủ lần lượt xuất hiện đặt ra những phương cách giải thoát đau khổ của con người, khi nhân loại càng tiến bộ thêm trong đời sống hữu hình, phương tiện vật chất giúp con người sống thoải mái hơn thì cũng đồng lúc con người rời xa niềm an lạc trong tâm hồn. Cho đến nay, con người vẫn mãi miết đi tìm
hạnh phúc thông qua sự hài lòng vật chất, lòng ham muốn thỏa mãn nhu cầu vật chất cho đến sự tham lam thống trị đề cao cái tôi, vị kỷ của người càng cao thì cảm giác không "biết đủ" gây ra đau khổ do không hài lòng. Trong ý thức khổ đau đó người ta quay về tìm một năng lực siêu nhiên vô vi để có thể làm dịu cơn khát vọng hạnh phúc.
Một bối cảnh dẫy đầy sự thống khổ đau thương của thế gian trong thời hạ ngươn này, các tôn giáo đều chung một mục đích đem sự bình an, hạnh phúc đến nhân loại qua các Giáo Pháp, Quy điều, luật lệ để trau luyện con người trở thành thiện lành.
Thông thường con người phải nhập thế, lăn lộn giữa trường đời náo nhiệt. Những biến cố thăng trầm của đời người trong cuộc sống trần tục là nhân quả theo luật Công bằng Nhân Quả, con người cần phải biết đủ để dừng lại lòng ham muốn.Biết đủ để chia sớt, không cầu hạnh phúc cho riêng mình. Mang một tâm thái nhiên nhiên tự tại bước vào đời để cùng thọ khổ. Cảm nhận sự đau khổ của người khác như mình đau khổ để thương yêu người nhiều hơn. Một khi đã đi cùng bạn đồng sanh trong cái khổ gọi là tùng khổ. Tùng khổ để tìm phương cứu khổ không chỉ riêng mình mà phải nhớ đến còn hằng hà nhơn sanh trầm luân trong bể khổ. Những thiện lành được nối tiếp nhau bằng tình thương bác ái và công bình.
Trên con đường tầm chơn lý để tạo hạnh phúc  cho nhơn sanh thì chính hành giả phải tạo được cái Đức sáng. Đức là hành vi cử chỉ thể hiện Đạo lý phục vụ nhơn sanh.Độ đời có nghĩa là giúp đời bằng nhiều cách, Đức là điều nhơn sanh mong đợi thiết thực ở Đạo, dù muốn nói bao nhiêu về những triết lý giải thoát nhưng không thực hiện được cái Đức thì Đạo vẫn còn mông lung ảo huyền mà người đời khó đến được. Bằng một tấm lòng bao dung,tha thứ, từ ái mở rộng đến vạn linh, và xem vật chất chỉ là phương tiện để giúp đời hoàn thiện cái Đức. Người hành giả mặc dầu phải cư trần nhưng từ bỏ chấp ngã, không vọng tưởng về hình thức để cầu danh đoạt lợi. Bước thắng khổ là thắng được bản ngã để làm chủ Chơn thần để trở về Chân Ngã.
Đã thắng khổ rồi,con đường tâm linh không dừng lại ở đó, tiếp tục hành trình tìm về sự an lạc trường cửu, nghĩa là phải vào con đường giải khổ, bước vào "Thiên Đạo giải thoát" để trở về cùng Đại Ngã là tương hiệp cùng khối Đại Linh Quang là Chân Nguyên.
Để kết thúc bài viết đã dài,dù tiện muội vẫn còn chấm hỏi "Tu hành có thực sự giải thoát con người khỏi cảnh khổ không và hạnh phúc trường cửu niềm an lạc có phải là nơi Cực lạc Niết Bàn?". Xã hội vẫn còn nhiều bất công đau khổ,con đường người lữ khách bước đi,  sự giải thoát nằm ở cuối con đường và bước đi từ những bước chân nhỏ nhất. Như lời dạy của Đức CHÍ TÔN "không ai có thể ban cho mình sự giải thoát nếu không có sự cố gắng của chính mình".
Thân kính, chúc Quý Hiền thân hữu được vạn an trong tâm hồn. Rất cảm ơn Quí Hiền đã chịu khó đồng hành cùng tiện muội.
* Lê Thị Ngọc Vân.

Home.  NỐI BƯỚC N°11. Mục Lục: [1] [2] [3] [4] [5] [6] [7] [8] [ 9 ] [10] [11] [12] [13] [14] [15] [16] [17] [18[19]