PHƯƠNG PHÁP TRỊ TÂM. QUA CON ĐƯỜNG THIÊNG LIÊNG HẰNG SỐNG. Phần 4. * Quang Thông.

16
- Tông đường thiêng liêng của ta gồm những ai ?
Tông-Đường Thiêng-Liêng của chúng ta chia ra làm ba hạng:
1 - Hạng trí-thức tinh-thần chúng ta do Ngươn-Linh của chúng ta sản-xuất.
2 - Hạng ngoại-thân là những chơn-hồn chúng ta đã làm bạn khi tái kiếp làm người. Mỗi kiếp làm người chúng ta có Cha, Mẹ, Anh, Em, bạn tác, có thân-quyến đó là ngoại-thân.
3 - Nội-thân của chúng ta là chính các Chơn-Linh chính mình chúng ta giáng linh đầu-kiếp, mỗi kiếp mình giáng-linh là phân thân đầu-kiếp, là một người đặc-biệt riêng ra. Bởi cớ cho nên các bậc cao-siêu chẳng cần tái kiếp, nhưng họ có quyền, quyền vô đối của họ, là họ giáng-linh đặng chuyển-kiếp, câu kinh "Nhứt thân ức vạn diệu huyền thần biến" là vậy đó.
Ngài Nữ Đầu Sư Hương Hiếu.
Luận giải:
Đức Hộ Pháp c ó giải nghĩa thêm:
“Bần-Đạo dẫn vô Niết-Bàn-Cảnh rồi cả thảy đều thấy, dầu nội thân có một mà biến hóa ra ức vạn đi nữa, tới chừng qui liễu lại có một, tới chừng qui pháp-thân cũng có một. Duy có tai hại cho chúng ta hơn hết là phẩm-vị không xứng của nó, hay địa-vị không vừa lòng sở định của nó, nó thúc giục chúng ta đầu kiếp, ngoài ra nữa không có gì hết”.
Trong Tông đường chúng ta phần chính yếu là các kiếp sanh của chính chúng ta và nội thân chúng ta tức là các kiếp sanh do chơn linh ta phân thân đầu kiếp. Mỗi kiếp sanh ta có một lần chết đi nhưng cái tử khí ấy giúp ta tạo thành tòa sen cho ta. Chính cái tâm ganh đua, mong mỏi sự tiến hóa cho kịp người thúc giục chúng ta chuyển kiếp nhiều lần để có một địa vị xứng đáng hơn. Bởi vì các chơn linh người ta luôn tiến hóa còn nếu mình đứng dừng lải tức là ta bị thụt lùi, vậy nên ta phải đầu kiếp mãi không thôi.
 
17 - Khi ta được thăng vị cả Tông đường đều được thăng. (bài 19)
Hễ khi chúng ta đoạt-vị dầu cho một cấp hay là thấp hơn một cấp đều thấy khác nhau xa, Bần-Đạo có tỏa người ta như con chim, mình là con cá không thế gì so sánh được như một trời với một biển vậy.
Chúng ta thắng một phẩm, ối thôi lễ tiếp rước ta không thể gì tỏa được cái vinh-hiển ấy, có liên-hệ với Tông-Đường Thiêng-Liêng của chúng ta kia, họ sẽ làm cho chúng ta một hạnh-phúc vô đối, bởi vì cả thảy trong Tông-Đường đều được nhấc lên một bực hết thảy, vinh-hiển không biết bao nhiêu…
…Phẩm-vị của mình đoạt được cao thấp, trọng hệ hưởng được cùng chăng? Ở yên cùng chăng? Vui hưởng nơi đó gọi là Cực-Lạc Thế-Giới, vui vô cùng tận, cái hạnh-phúc không thể gì tỏa được, hạnh-phúc không cùng. Ở hưởng tại đó một ngàn hai trăm năm (1.200), hay là hai ngàn bốn trăm năm (2.400), hay là ba ngàn sáu trăm năm (3.600), hay là ba mươi sáu ngàn năm (36.000), rồi lại còn tái kiếp lụng lại đặng dục-tấn trên con đường Thiêng-Liêng Hằng-Sống của mình nữa.
Luận giải:
Chúng ta phải tu như thế nào để được thăng vị khi trở về ?
Chúng ta may duyên có mặt trong nền Đại Đạo chính mình Đức Chí Tôn đến khai mở, tức là ta đã nhập vào trường thi Tiên Phật rồi, bây giờ mình chỉ việc cố gắng đi cho trọn đường Đạo thì lo gì ngày về không nhấc lên bậc phẩm. Phương pháp tu hành, các Đấng cũng như Đức Hộ Pháp chỉ dạy hết rồi mình chỉ theo đó tu hành thì đoạt Đạo. Điều cần là phải có sự cố gắng của bản thân ta, cố công thực hành Tam lập, phụng sự chúng sanh. Chúng ta một lòng cặm cụi lo tu tiến, thì ngày về có lẽ cũng cao thăng hơn chút ít. Ngài Từ Thứ Huyền Hạo Chơn Nhơn có để câu thi:
Trường công quả ấy không thường gặp,
Cửa võ thiêng liêng gắng vẫy vùng.
như một lời nhắc nhở chúng ta kiếp sanh nầy thật quí hóa vô cùng, ta phải biết tận dụng để ngày về không hối tiếc.
 
18 - Ta nên từ bỏ cừu hận oán ghét mà tạo nghiệp bác ái từ bi để vui hưởng nơi Cực Lạc Thế giới. (bài 30)
Sự vui hưởng nơi Ngọc-Hư-Cung không bằng vui hưởng nơi Cực-Lạc Thế-Giới, ta tạo nghiệp ấy, là Tiểu-Thiên-Địa của ta cũng như Đức Chí-Tôn tạo Đại-Thiên-Địa của Ngài. Trong Tiểu-Thiên-Địa của chúng ta cũng có Ma, cũng có Phật.
Tại khôn khéo của ta trong mấy kiếp sanh, vì thù hận chẳng vì yêu ái, vì oán cừu chẳng vì bác-ái. Hễ oán cừu thì tạo nghiệp Quỉ-Ma, còn bác-ái từ-bi thì tạo nghiệp Phật, cũng như oán cừu của Đức Chí-Tôn tạo nghiệp là Quỉ-Vương, bác-ái từ-bi của Ngài tạo nghiệp là Trời.
Chúng ta dầu có quyền-năng trong kiếp sanh đoạt Tiểu-Thiên-Địa mà sửa đổi những điều gì giục ta cừu hận, oán ghét thì ta tuyệt bỏ lần nó đi, mỗi kiếp sanh mua chuộc sự thương yêu đặng sống hưởng nơi Cực-Lạc Thế-Giới, một ngàn hai trăm năm, hay là hai ngàn bốn trăm năm, hay là ba ngàn sáu trăm năm, hay mười hai ngàn năm, hay hai mươi bốn ngàn năm, hay ba mươi sáu ngàn năm, theo thời gian hữu-giới của nó. Ta có phương-pháp mỗi kiếp sanh các chơn-linh trừ bớt thù hận đoạt quyền-lực thương yêu y như trên hình-tượng trước Đền-Thánh Đức Chí-Tôn để Tam-Thánh ký hòa-ước với Ngài đó vậy.
Nhờ khi mới khai Đạo, Bát-Nương đến để một bài Thánh-Giáo về thương yêu rất chí thiết, cả thảy rán hiểu thấu thêm Bí-Pháp bà Bát-Nương đã cầm cây viết mà biên cho mình, ấy là Bí-Pháp trọng-hệ, đến nỗi Đức Chí-Tôn đến ký hòa-ước buộc chúng ta chỉ có Luật Thương-Yêu mà thôi. Bởi do Luật Thương-Yêu mà Ngài cầm-quyền cả Càn-Khôn Vũ-Trụ trong tay, mà chúng ta đã định-nghiệp được cao trọng cũng do nơi quyền-lực của luật ấy. Nói thật trong kiếp sanh của chúng ta rủi có kẻ trong thân ta oán thù ta, kẻ ấy tức là Ma nghiệt ta không nên sợ, mà nếu ta khôn ngoan thì ta lấy tình yêu ái đối lại đặng cho họ diệt tận oán cừu đi, ấy là cơ-quan Bí-Pháp mà Bần-Đạo vừa hé màn bí-mật cho con cái của Đức Chí-Tôn nhìn thấy để tìm cơ-quan giải-thoát.
Đức Phạm Hộ Pháp.
Luận giải:
Làm sao để không còn thù hận oán ghét một ai cả ?
Chúng ta hằng ghi nhớ Đức Chí Tôn đến ký hòa ước với nhân loại thực hành hai chữ thương yêu, Chúng ta thường nói luật thương yêu, quyền công chánh, vậy luật thương yêu là một điều luật vô cùng quan trọng và to lớn của Đạo. Nếu ta không giữ được luật thương yêu thì ta chưa "gìn luật lệ Cao Đài" như lời minh thệ nhập môn. Ta cũng hằng ghi nhớ thương yêu là của Đức Chí Tôn, và Thầy cũng từng dạy "Nếu các con không đủ sức thương yêu thì cũng đừng ghét nhau nghe à".
Mỗi lần tâm cừu hận nổi lên ta lấy câu của cổ nhân thường dạy: lầy oán báo oán, oán chập chồng, lấy ân báo oán thì oán tiêu tan. Ta không muốn lấy oán cừu trả lại oán cừu bởi vì sẽ gây nên oan nghiệt từ đời nầy sang đời khác. Đó là điều mà người tu chúng ta vô cùng sợ hãi. Có ai còn oán thù ta ta cũng lấy sự thương yêu mà đối đãi họ, thì lần hồi họ sẽ suy nghĩ lại mà thay đổi thái độ với ta.
Tóm lại trong mọi trường hợp ta lấy tâm từ bi hỉ xả mà đối đãi với mọi người thì không còn ai coi ta là kẻ thù nữa.
19 - Long Hoa Hội nơi Bạch Ngọc Kinh.
Long-Hoa-Hội đó; Long-Hoa-Hội chúng ta đang ngự tại Bạch-Ngọc-Kinh đó vậy. Đức Chí-Tôn cho Bần-Đạo thấy trước và ngó thấy các Chơn-Linh ngự trước đó đặng ngày kia con cái của Ngài cũng ngự như vậy. Bần-Đạo làm chứng đặng nói lại với con cái của Ngài. Tôi tưởng nếu chúng ta đoạt được cơ giải-thoát về hiệp một cùng Đức Chí-Tôn được ngồi hưởng ngôi-vị nơi đó. Chúng ta đã đầu thai chịu cái khổ của đời mà lập-vị mình, đối với cái khổ hạnh muôn kiếp của mình nó trả lụng lại một cách vô đối. Nếu có thấy mới tưởng-tượng rằng Đức Chí-Tôn chẳng hề khi nào chịu thiếu nợ ai cả.
Rất hạnh-phúc cho kẻ nào dám cả gan cho Ngài vay, rất hạnh-phúc cho những kẻ nào biết yêu ái, biết làm tôi tớ cho Ngài, Ngài sẽ đáp lại cái ơn ấy cho mình. Tới chừng Đấng ấy làm tôi tớ lại cho mình thì không có cái hạnh-phúc hay giá-trị gì ở mặt thế-gian này bằng đặng.
 
Luận giải:
Hoàn cảnh ngày nay ta có thể làm gì để đoạt được công quả về dự Long Hoa Hội được ? Chúng ta hãy đọc lại lời Thánh giáo Đức Chí Tôn sau đây:
“Thầy trông mong nơi con, khá cải-sửa chút-ít phàm tâm, thì đức tánh mới đặng trọn vẹn. Công-quả tuy nhọc-nhằn, nhưng địa-vị cao-thượng cũng chẳng phải dễ đoạt được. Có vì chúng-sanh mà khổ tâm hành đạo, có khó-nhọc, có dãi-dầu sương mơi nắng xế, mà quên bậc-phẩm vô-vị ở cõi trần nầy, có vày-vả nẻo gai-chông lần theo bước đường hạnh-đức, mới có ngày vui-vẻ bất tận, mới có buổi an hưởng địa-vị thiêng-liêng, tránh điều phiền-não, thoát đọa luân-hồi, mới có lúc rảnh nợ phong-trần, nhàn xem sự thế, non cao suối lặng, động mát rừng thanh, là chỗ con lấy đạo-đức làm thang, để bước lên cho cùng tột; khá gắng nghe và hành-trình liệu bước. (TNHT, trg 131)
Vậy muốn đắc quả thì chỉ có một điều phổ độ chúng sanh mà thôi. Như không làm đặng thế nầy, thì tìm cách khác mà làm âm chất, thì cái công tu luyện chẳng bao nhiêu cũng có thể đạt địa vị tối cao.(TNHT, Q1, Bài 80)
 
Thánh Huấn Hành Thiện Bài 98:
"Các con vào trường Long Hoa học những gì ? Các con thi đề tài gì hả các con ??
Thầy nói trước cho các con biết đề tài thi: THƯƠNG YÊU, CÔNG CHÁNH, LUÂN THƯỜNG, ĐẠO LÝ, Các con có hiểu không ? Khá nhớ đó nghe .
Thầy căn dặn các con không nên để tâm khinh thường coi rẻ luật lệ của Đạo và bất cứ một việc gì của THẦY ban ra đó nghe. Thầy sợ các con mắc tội Thiên Điều.
Trong lúc các con ở trong phòng thi Long Hoa Đại Hội, Quỉ nó khảo lung lắm, nó tìm đủ mọi cách giục loạn làm cho các con phản Đạo, phản Thầy, phản bạn, mà các con có biết việc làm tội lỗi của mình đâu.
Nó làm chủ trong tâm trí của các con, các con làm tôi tớ cho nó sai khiến vì các con mất hết tâm Thánh Thiện.
Vậy các con nên giữ tâm cho còn Thánh Thiện. Còn tâm tức còn Đạo. Toàn thể các con của Thầy gắng nhớ đó nghe các con".
Lời Kết:
Qua Con đường Thiêng Liêng Hằng Sống chúng ta đã tìm lại được phương pháp trau dồi cái tâm để ngày kia được dự Hội long Hoa hay trở về cùng Thầy. Chiêm nghiệm kỹ ta thấy rõ đây là những điều căn bản mà Đức Hộ Pháp đã dạy qua Phương Luyện Kỹ đặng bước vào con đường thứ ba Đại Đạo như là:
- Đức tin và khôn ngoan là kho chí bửu, ngoài ra là của bỏ, là đồ vô giá trị.
- Phải thanh nhàn , đừng vị kỷ,
- Phải vui vẻ điều hòa, tự chủ quyết đoán.
- Giữ linh tâm làm căn bổn, hiếu hạnh với Chí Tôn và Phật Mẫu.
- Sự cừu hận là khối thảm khổ đệ nhứt của nhơn sanh.
- Ai chẳng oán hận mới thắng được kẻ thù nghịch cùng mình,
- Tín ngưỡng mạnh mẽ nơi Chí Tôn và Phật Mẫu,
- Thương yêu vô tận,
Ấy là chìa khóa mở cửa Bát Quái Đài tại thế.
Ngoài ra còn vài đức tính khác như:  vui chịu cực khổ, nhục nhã vì Thầy vì Đạo, quên mình phụng sự cho chúng sanh, ăn năn sám hối tội tình, xét mình hằng bửa, thành tâm niệm danh Thầy...cộng với những công nghiệp tạo thành cho sanh chúng sẽ tạo nên ngôi vị xứng đáng cho chúng ta nơi cõi thiêng liêng đó vậy.
* Quang Thông (luận giải. 12-2023)

Home . PHẦN: [ 1 ]   2 ]   3 ]   4 ]

Home Mục Lục: [ 1 ]  [ 2 ]  [ 3 ]  [ 4 ]  [ 5 ] [ 6 ]  [ 7 ]  [ 8 ]  [ 9 ]  [ 10 ]  [ 11 ]  [ 12 ]  [ 13 ]  [ 14 ]  [ 15 ] [ 16 ]  17 ]  [ 18 ]  .