Luận giải: Mình không sống cho mình, mình
sống cho xã hội nhơn quần là thế nào ?
Đây là
triết lý rất quan trọng trong đạo Cao Đài. Hằng ngày chúng ta cúng tứ thời đều
dâng Tam bửu cho Đức Chí Tôn. Đây là bí mật giải thoát cho chính chúng ta. Từ
lời nguyện nầy các Đấng sẽ giúp chúng ta có cơ hội để sống đời phụng sự cho
chúng sanh. Cái quan trọng là chúng ta không còn sống vì tư lợi, vì cá nhân gia
đình, mà sống toàn thời gian cho chúng sanh thì đoạt cơ giải thoát, tức là tập
tánh thanh nhàn đừng vị kỷ.
Những tấm
gương trong Đạo như Đức Cao Thượng Phẩm, Đức Quyền Giáo Tông nghe theo lời dạy
của ĐCT bỏ hết sự nghiệp đời một cái một và hết lòng lo cho Đạo,... nên mới dễ
dàng đoạt vị Kim Tiên.
Kế đó như
Ngài Phối Thánh Màng cũng vậy, Ngài đem hết vợ con về Tòa Thánh và sống toàn
thời gian cho Đạo nên đã dễ dàng đoạt vị Phối Thánh, Rồi Ngài Phối Thánh Bùi Ái
Thoại cũng vậy mặc dầu tuổi đời còn rất trẻ, khi Đạo gặp cơn nguy biến, Ngài
không về quê như nhiều người khác mà vẫn bám trụ lại Thánh địa tiếp tục lo việc
Đạo...và còn bao nhiêu tấm gương khác nữa...
Cũng
chính vì vậy Đức Hộ Pháp đã ra Thánh Lịnh buộc Chức sắc Thiên Phong phải phế
Đời hành Đạo. Trước đó Ngài Từ Thứ Huyền Hạo Chơn Nhơn có giáng cơ khuyên
ĐHP:(5-12-1933, 18-10-Quý Dậu)
“…Thưa Hộ Pháp, cả Hội Thánh Đại Đạo của Chí Tôn ngày nay cũng vậy. Bần
tăng tưởng gương trước để gián sau. Thảng như Đạo nhân biết đặng toàn nhơn sanh
là trọng mà khinh thế cuộc vô thường, nói cho cùng, dầu phải phủi sạch đạo nhơn
luân, nạp thân vào cửa Thánh cũng đành, có đâu bước lùi bước sụt, lỡ dở đạo đời
thì mong chi xây thế cuộc.
Cười... Chỉn e ngày kia họ sẽ lưu hận y như Bần tăng mà chớ.
Nếu Ngài để hết dạ thương, cầm ngọn đuốc thiêng liêng dìu dẫn, thì xin
quyết định buộc tùng Đạo phế Đời, thì là Ngài tạo Thiên đường cho họ đó”.
Vì vậy
đến ngày 8-11-Giáp Tuất (14-12-1934) Đức Hộ Pháp Chưởng Quản Nhị Hữu Hình Đài
đã ban hành Đạo Nghị Định thứ 38 buộc Chư Chức Sắc HTĐ, CTĐ kể từ ngày ban hành
Đạo Nghị Định nầy phải phế đời hành Đạo.
7 - Con đường dục tấn không có giới hạn.(Bài 23)
Ngày giờ nào, thời buổi nào, chúng ta có thể cầm nơi tay một quyền-năng vô
tận như Đức Chí-Tôn, đặng tạo ra một Càn-Khôn Vũ-Trụ khác, làm đại-nghiệp của
mình. Vì vậy nên con đường dục-tấn không có ngừng, không có giới hạn, vô lượng
vô biên vô cùng tận, cũng như Càn-Khôn Vũ-Trụ chúng ta thấy trước mặt chúng ta
đó vậy.
Luận giải:
Đây nói lên Định luật tiến hóa trong càn khôn vũ trụ, tấn hóa mãi không
ngừng, chúng ta sẽ tạo dựng một càn khôn thế giới khác.
Đây cũng
là một triết lý đặc biệt của đạo Cao Đài, Mỗi chơn linh tấn hoá đi từ vật chất,
thảo mộc thú cầm, lên phẩm người rồi tu hành cho đến Tiên vị thì cũng tạm gọi
là giải thoát vì theo PCT chú giải thì hàng Tiên vị là bước vào bực trọn lành
(giống như bậc A La Hán bên Phật giáo) nhưng con đường tấn hoá cũng còn dài và
không ngưng lại ở hàng Phật vị mà theo gương Ông Cha Thiêng Liêng là Đức Chí
Tôn mình sẽ tạo ra một càn khôn thế giới khác, hoặc là được Đức Chí Tôn giao
cho cai quản một Càn Khôn thế giới đã có sẳn như lời Thuyết đạo của Đức Hộ Pháp
(29-4- Đinh Hợi, 1947)
“Tuy
trong buổi Tam Kỳ Phổ Ðộ, Bần Ðạo biết mở Ðạo Cao Ðài đặng tuyển chọn trong
hàng Phật đạt kiếp từ tạo Càn Khôn Thế Giới đến kế vị Ngài. Trong buổi Ðại Từ
Phụ mở Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ có treo bảng ở Ngọc Hư Cung, lập một ông Trời kế
vị Ngài, nhưng chúng ta thấy trong hàng Phật có ba người:
Phật
Thích Ca.
Phật Di
Lặc.
Ðức Chúa
Christ.
Thử hỏi
ba người ai sẽ làm Trời. Ta tưởng ba người sẽ có một người làm được, mà người
đó chúng ta biết chắc có, tuy không quyết đoán trước đặng, chúng ta mơ màng ngó
thấy nhưng không dám nói.”
Câu nói:
“Ðại Từ Phụ mở Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ có treo bảng ở Ngọc Hư Cung, lập một ông
Trời kế vị Ngài”, Câu Câu nầy có nghĩa là Đức Chí Tôn muốn giao lại cho 1 trong
3 vị là : Đức Phật Thích Ca, Đức Chúa Jésua Christ và Đức Phật Di Lạc sẽ cai
quản cái Càn Khôn Thế Giới hiện tại ta đang sống phần hữu hình gồm có Thất Thập
Nhị Địa, Tứ Đại Bộ Châu, Tam Thiên Thế giái.
Đúng ra,
Chúng ta nên phân biệt 2 danh từ Càn Khôn thế giới và Càn Khôn Vũ trụ., trong
Càn Khôn Vũ trụ có vô số Càn Khôn thế giới...
Trong Con
Đướng Thiêng Liêng Hằng Sống (bài số 8) ĐHP có thuyết: " Vả chăng,
trong Càn-Khôn Vũ-Trụ có nhiều Tam-Thiên Thế-Giái, Tứ-Đại Bộ-Châu, Thất-Thập
Nhị-Địa, ngoài cảnh giới ấy, thế-giái này qua thế-giái kia, có nhiều thế-giái
chưa biến hình-tướng cả thế-giái, chưa có Vạn-Linh..."
Tóm lại
Đức Chí Tôn là Đấng Thái Cực Thánh Hoàng là Đấng duy nhứt tạo ra Càn Khôn Vữ
Trụ trong đó có hằng hà sa số Càn Khôn Thế Giới. Mỗi chơn linh đi đến mức tối
cao sẽ tạo ra một Càn Khôn Thế Giới mới là như vậy.
8 - Về nơi Nam Tào Bắc Đẩu dở quyển Thiên thơ ra thấy lại kiếp sanh của
mình rồi mình định tội phước cho mình.(Bài 23)
…Nếu khi về được rồi thân-nhân của chúng ta dắt chúng ta đến một Cung có
một quyển sách Thiên-Thơ để trước mặt ta, dỡ ra xem thấy tên mình và kiếp sanh
của mình đã làm gì thì trong quyển Thiên-Thơ ấy nó hiện-tượng ra hết. Chúng ta
tự xử chúng ta, mình làm tòa để xử cho mình, hoặc mình phải đầu kiếp hay là
đoạt đến địa-vị nào, mình đứng đến mức nào, thì cũng do mình định-đoạt lấy.
Vị Chưởng-Quản nơi Cung ấy theo tiếng phàm của chúng ta đặt tên là Nam-Tào
Bắc-Đẩu. Nơi Nam-Tào Bắc-Đẩu không có ai trị hết, chính ta trị ta; không có ai
định kiếp cho ta, chính ta định kiếp cho ta; chưa có ai phân tội phước cho ta,
chính ta định tội phước cho ta, mạng căn kiếp số ta, ta định, không có một
hình-luật nào buộc được chúng ta, chúng ta có quyền tự-do, quyền sở-hữu định
mạng căn cho ta vậy./.
Luận giải:
Như vậy mình phải xét tội phước mình làm hằng ngày để ngày về trên kia chơn
linh mình không định tội nặng cho mình được. Nếu ta
biết xét mình hằng ngày và ăn năn sám hối tội lỗi đã lở làm thì sẽ qua khỏi cửa
Âm Quang và phải giữ trọn đức tin nơi ĐCT và giữ lời minh thệ thì khi về cõi
Thiêng Liêng chơn linh mình không kết tội mình được. Ta đọc lại bài Thánh giáo
bà Thất Nương dạy về cõi Âm Quang sau đây:
"Âm-Quang
là nơi Thần-Linh-Học gọi là nơi Trường-đình của chư hồn giải thể hay nhập thể.
Ðại-Từ-Phụ đã định nơi ấy cho Phật gọi là "Tịnh-Tâm-Xá" nghĩa là nơi
của chư hồn đến đó đặng tịnh tâm, xét mình coi trong kiếp sanh bao nhiêu
phước-tội. Vậy thì nơi ấy là nơi xét mình. Chớ chi cả nhơn-sanh biết xét mình
trước khi thoát xác, thì tự nhiên tránh khỏi Âm-Quang. Nói cho cùng nếu trọn
kiếp, dầu gây lắm tội-tình, mà phút chót biết ăn-năn tự-hối cầu-khẩn Chí-Tôn
độ-rỗi, thì cũng lánh xa khỏi cửa Âm-Quang, lại còn hưởng đặng nhiều ân-huệ của
Chí-Tôn, là các chơn-hồn đặng tự-hối hay là đặng giáo-hóa mà hiểu trọn
chơn-truyền lập phương tự độ, hay là con cái của các chơn-hồn cầu rỗi.
Ôi! Tuy
vân, hồng-ân của Ðại-Từ-Phụ như thế mà vẫn thấy các chơn-hồn sa-đọa hằng-hà,
mỗi ngày xem chẳng ngớt, là tại thiếu kém đức tin và lòng trông cậy nơi Thầy;
đó là mấy đạo-hữu tín-đồ bị thất thệ. Em trông thấy bắt đau lòng, phái Nữ lại
là phần đông hơn hết".
Tóm lại,
muốn khi về cõi thiêng liêng chơn linh mình không bắt tội mình thì hằng ngày ta
phải biết xét mình, nếu có lỗi lầm thì ăn năn sám hối tội tình không tái phạm
nữa. Kế tiếp là chúng ta luôn giữ vững đức tin nơi Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu
và với Hội Thánh là đại diện cho Đức Chí Tôn tại thế. Và sau nữa ta cũng luôn
ghi nhớ lời minh thệ lúc nhập môn vào Đạo: "…Biết một Đạo Cao Đài Ngọc Đế,
chẳng đổi da đổi lòng, hiệp đồng chư môn đệ gìn luật lệ Cao Đài…"
9 - Nếu chúng ta làm tội, cả tông đường cũng đồng chịu tội với ta. (bài 24)
…Chúng ta ngó thấy một tấn tuồng quan lại, chúng ta nghĩ lấy làm
ngộ-nghĩnh, nếu chúng ta chịu tội tình một mình ta, thì không lấy làm đau-đớn
gì mấy. Ngặt một nỗi, phép huyền-vi vô-đối của Càn-Khôn Vũ-Trụ, buộc cả
Tông-Đường, Tổ-Tông từ trước phải chịu cho ta, làm chứng cho ta, có đau-đớn
chăng là vậy đó.
Một linh-hồn chịu quả kiếp nơi cảnh trần lúc trở về Ngọc-Hư-Cung, thì cả
thảy Tông-Đường họ đều có mặt tại Ngọc-Hư-Cung để đón tiếp, quan-sát coi con
đường mình đã đi qua, quả kiếp đã đi qua, quả kiếp có điều chi sửa đổi hay
chăng? Có làm chi tội tình nữa hay chăng? Thay vì quả kiếp mình đi trong con
đường Chí-Thiện, đoạt được Bí-Pháp Chí-Linh. Còn một vài chơn-linh đi ngược
lụng lại thú hình gây thêm tội ác, mình thấy vì mình mà cả Tông-Đường đều chịu
tội nên đau-đớn vô cùng…
…Chúng ta đã ngó thấy Càn-Khôn Vũ-Trụ, nắm quyền-lực làm cho chúng ta sợ
hơn hết là làm cho Tông-Đường ta phải chịu khổ, trước cái thương của Tông-Đường
ta, ấy là cái hình phạt vĩ đại ở cảnh Thiêng-Liêng, đến khi mãn kiếp trở về
đoạt được cái thương hay là cái khổ của Tông-Đường thì mình đau khổ vô cùng.
Hình phạt ấy vĩ-đại lắm nên các Chơn-Hồn đều sợ-sệt hơn hết.
Luận giải:
Đây là một hình phạt rất đáng sợ cũng như hình phạt tru di tam tộc ở thế
gian nên chúng ta phải rán giữ mình cẩn thận đừng gây nên tội lỗi gì nữa. Theo
luật công bình khi chúng ta tu hành được thăng cấp khi về cõi thiêng liêng
thì cả tông đường chúng ta cũng được thăng cấp, còn khi ta làm tội bị đọa thì
cả tông đường ta cũng chịu ảnh hưởng chung. Cho nên chúng ta hằng nhớ điều nầy
phải rán lo tu khi còn tại thế là thời gian quí báu, nhất là may duyên mới gặp
được thời kỳ đại ân xá như ngày nay. Ấy vậy nếu ta biết thương tông đường thì
phải rán lo tu.
Ngoài ra
chúng ta còn phải dạy dỗ con cháu biết noi theo đường Đạo vì nếu con cháu ta mà
gây lắm tội tình thì bản thân ta cũng chia tội với chúng vì dạy dỗ bất nghiêm.
10 - Nếu ta bị hình phạt trục xuất ở thế gian nầy thì trên kia ta cũng bị
trục xuất (bài 24)
Một hình-phạt đương nhiên nơi cửa đọa này chúng ta sợ hơn hết là hình-phạt
trục-xuất. Trục-xuất là gì? Là đuổi ra khỏi cái đại gia-đình, Đại Tông-Đường
của Đức Chí-Tôn đến đào tạo cho chúng ta. Một hình-luật tại mặt thế này đặng
cho chúng ta không ra khỏi các Tông-Đường ấy, cốt yếu là vậy, sợ hay chăng là
cái đó, án trục-xuất là vậy đó.
Người nào bị trục-xuất là bị đại gia-đình mình trừ bỏ, mà từ bỏ rồi thì
thân mình là con vật không phải tìm hạnh-phúc riêng một mình được, vì hình-luật
nó biểu nó, phải già rồi nó phải chết, nó không còn sống.
Cái quyền của Hội-Thánh trục-xuất chẳng khác nào bị đuổi ra khỏi Đại
Tông-Đường của Đức Chí-Tôn đến tạo dựng, bị đuổi ở dưới này ở trên kia cũng
vậy, đuổi phần xác thì phần hồn cũng bị đuổi vậy.
Ngày mình không còn ở trong Tông-Đường của Đức Chí-Tôn là ngày mình bị
nhục, tưởng sống mà thân mình trả đặng nợ hay chưa cũng không đáng sợ, trong
Tông-Đường của mình bị nhục mới đáng sợ./.
Luận giải:
Mình phải tuân theo luật lệ Đạo để không bị Hội Thánh trừng phạt vì sẽ bị
ảnh hưởng cả tông đường chúng ta trên cõi thiêng liêng.Theo Thập Hình của Đức
Lý Giáo Tông có 2 điều khoản bị hình phạt trục xuất như sau:
THẬP HÌNH CỦA ĐỨC LÝ GIÁO TÔNG
(1930)
Ngay sau khi ban hành sáu Đạo Nghị Định, Đức Lý Giáo Tông đã giáng linh ban
hành bản Thập hình như sau :
PHẠM PHÁP
(tức là Pháp Chánh Truyền và Đạo Nghị Định)
Đệ nhứt hình : Trục xuất :
1/- Không tuân Pháp Chánh Truyền và Đạo Nghị Định.
2/- Phản loạn Chơn truyền.
3/- Chia phe phái và lập tả đạo bàng môn.
PHẠM LUẬT
(tức là Tân Luật và Luật Hội Thánh)
Đệ nhứt hình: Trục xuất: những ai:
1/- Không tuân Tân Luật và
luật Hội Thánh.
2/- Công kích Hội Thánh.
3/- Nghịch mạng.
Khi nhập môn vào Đạo chúng ta thề rằng:…hiệp đồng chư môn đệ
gìn luật lệ Cao Đài, cho nên ta phải nhặt gìn luật pháp của Đạo, nhất là Tân
Luật. Đây là điều vô cùng hệ trọng như lời Đức Chí Tôn dạy:
"Thầy
tỏ thật, cái Luật lệ Thầy khiến các con hiệp chung trí mà lập thành đây, nó có
ảnh hưởng về đạo đức Tiên phong Phật sắc của các con, nên Thầy buộc mình cam
chịu vậy, chẳng Luật lệ thì trái phép, mà trái phép thì thế nào vào Bạch Ngọc
Kinh cho đặng..."
11 - Vào cung
Phục Linh thấy lại muôn triệu kiếp sanh của mình. (bài 25)
Bần-Đạo sẽ giảng có ảnh-hưởng với kiếp sanh khi chúng ta chưa vô cửa, thì
những anh em trong Tông-Đường ta có dặn trước khi vô cửa đừng có sợ-sệt gì hết,
phải bình-tĩnh. Có điều chi thay đổi đừng sợ-sệt nao núng. Có dặn trước mà khi
vô dường như mất thần, mất trí, hết thảy mê-muội, tưởng như không có ở trong
cảnh ấy làm như thể chúng ta ám muội không biết đó là gì? Không biết đó là ở
đâu? Không biết gì hết. Tới chừng tỉnh thấy một vị Phật Cầm cây Kiêm-Câu đứng
trước mặt chúng ta và thấy Hộ-Pháp đang đứng bắt ấn giữ linh-hồn chúng ta lại.
Vị Phật ấy không ai xa lạ hơn chính là Phục-Linh Tánh-Phật đó vậy. Cầm cây
Kiêm-Câu quơ một cái thì chúng ta tỉnh lại một kiếp sanh, tới chừng sống lụng
lại thấy trong kiếp sống trước nữa. Hễ mỗi lần quơ thì chúng ta thấy mỗi kiếp
sanh, chúng ta sống lụng lại trong cả kiếp sống của chúng ta, chúng ta đi thối
lại từ mức Đại-Hồi cho tới Tiểu-Hồi, qua cho tới vật-loại, bởi chúng ta cả thảy
đều là Hóa-nhân, không ai ở mặt địa-cầu này là Nguyên-nhân cả. Nguyên-nhân
chúng ta đã đoạt được trong lần thứ ba là Đệ-Tam Chuyển, còn bao nhiêu đều là
Hóa-nhân, cả thảy đều ở trong vật-loại mà đoạt kiếp cả…
…Thành thử, nơi Ngọc-Hư-Cung là nơi an-ủi các Chơn-Linh trong Càn-Khôn
Vũ-Trụ, chính tay ấy cầm-quyền trị Càn-Khôn Vũ-Trụ để dìu-dắt binh-vực, chớ
không phải để trị, các Chơn-Linh tự trị lấy mình, các bạn nên nhớ điều ấy, nhứt
là mấy anh mấy chị vẫn phải biết cái bí-mật ấy đặng tự-tỉnh, tại mặt thế này
mình trị mình trước đi. Trị theo cái thói của mình đấy, làm cho lấy có đi, để
nữa Chơn-Linh mình về trển không có nóng, đặng ngày kia không có buộc tội mình
nặng, làm theo kiểu quẹt lọ vậy mà biết tự-trị lấy mình, đừng hồi-hộp, đừng
sợ-sệt gì hết, cho nên Đức Chí-Tôn thường dùng tiếng ăn-năn là vậy đó, tiếng
ăn-năn nó hay ho làm sao đâu, đặng cho mình khỏi tự-trị lấy mình, quyền nơi
Ngọc-Hư-Cung là vậy đó./.
Luận giải:
Muốn được giảm trừ nghiệp cũ ta phải biết tự trị lấy mình dầu làm cho lấy
có, theo kiểu quẹt lọ là như thế nào? Hoặc ăn năn sám hối những tội lỗi ta đã
làm. Ăn năn sám hối bằng cách nào?
Đức Hộ
Pháp khi sanh tiền có khuyên nếu mình làm tội lỗi gì mà Hội Thánh không biết,
mình nên đến khai tội với chư vị Thời Quân để các vị quẹt lọ cho, tức là các vị
ra hình phạt nhẹ cho mình để tội ấy được tiêu trừ, vì nguyên tắc là một tội thì
chỉ bị phạt một lần, tức là khi về cõi hư linh chơn linh của mình không bắt tội
mình nữa.
Còn về việc ăn năn sám hối, thí dụ mình vô tình làm hại đến mạng sống người khác, bây giờ hằng ngày mình cúng kiếng, tụng kinh Di Lạc, Sám hối, mình cầu nguyện cho các hương linh ấy được siêu thăng Tịnh độ. Mình rán lo làm viêc phúc đức, giúp người nghèo khổ ốm đau tật nguyền để lấy công quả nầy bù đắp những lỗi lầm mình đã tạo nên trong quá khứ.
Home . PHẦN: [ 1 ] [ 2 ] [ 3 ] [ 4 ]
Home. Mục Lục: [ 1 ] [ 2 ] [ 3 ] [ 4 ] [ 5 ] [ 6 ] [ 7 ] [ 8 ] [ 9 ] [ 10 ] [ 11 ] [ 12 ] [ 13 ] [ 14 ] [ 15 ] [ 16 ] [ 17 ] [ 18 ] .