PHƯƠNG PHÁP TRỊ TÂM. QUA CON ĐƯỜNG THIÊNG LIÊNG HẰNG SỐNG. Phần 3. * Quang Thông.

12
- Phương pháp tu giải thoát là phải xét mình hằng ngày và giờ phút cuối khi hấp hối niệm được danh Thầy. (bài 27)
Ngươn-Linh ấy nó đoán xét muôn muôn quả kiếp chẳng khác gì xét đoán tội nhơn kia vậy, vì cớ cho nên Bần-Đạo có nói mỗi đứa sẽ làm Tòa lấy mình, xử lấy mình là vậy. Cái xử mình còn nghiêm-khắc mà xử lấy mình nữa, mình xử cho mình hỏi còn ai bào chữa cho. Bần-Đạo nói rằng: Cái án không cãi, cái tội không có chối, cái hình-luật không có tránh. Tránh thế nào được, chối thế nào được vì mình xử lấy mình chối thế nào được, Ngươn-Linh của mình xử mình, Ngươn-Linh của mình làm chủ cả quả kiếp, quả kiếp của mình, trái lại nó xử tội mình thì còn ai mà bào chữa cho.
Ấy vậy mà có phương-pháp bào chữa chớ, có mà không biết. Mình có thể tự mình làm trạng-sư đặng bào chữa tội cho mình. Vì khi mình đương sống đây muôn triệu kiếp, mình biết cái lỗi của mình, tức nhiên Ngươn-Linh của mình cãi cho mình, cái Ngươn-Linh cãi tội cho các Chơn-Linh, cãi cho mình thì ngày kia không có bắt tội mình nữa. Ấy vậy chơn-pháp chữa tội của các Chơn-Linh cao siêu đoạt Đạo, để lại chơn-pháp rất đơn giản mà nhơn-sanh đương dùng không tìm-tàng cái trọng-hệ của nó, không tìm phương giải-thoát mình. Phải chăng phương-pháp "Nhựt nhựt tam tỉnh ngô thân" không phải một ngày mình thăm Cha Mẹ mình một lần mà còn phải xét mình ba lần nữa.
Hỏi thử tội tình của chúng ta đã làm trong kiếp sanh, Đức Chí-Tôn để trong phương pháp nói rằng: Tội tình các con đầy dẫy nơi mặt địa-cầu này mà đến giờ chót, các con biết kêu danh Thầy thì Thầy đến cứu, Thầy đem Bí-Pháp giải-thoát để trong tay các con đặng các con đoạt chơn-pháp giải-thoát đó vậy. Kêu danh Thầy là: "Nam-Mô Cao-Đài Tiên-Ông Đại-Bồ-Tát Ma-Ha-Tát".
Chúng ta đã ngó thấy, Bần-Đạo đã thuyết-minh rằng: Khi Ngươn-Linh của chúng ta đã hiện-tượng của nó, thì nó đồng tánh với Càn-Khôn Vũ-Trụ, đồng tánh với Chí-Linh là đoạt Đạo.
Càn-Khôn Vũ-Trụ là nơi sản-xuất Đấng ấy mà Đấng ấy đồng tánh với nhau, tức nhiên Đấng ấy có quyền tự giải-thoát cho mình. Vì cớ cho nên kêu danh Đức Chí-Tôn thì đoạt cơ giải-thoát, dầu tội tình bao nhiêu chúng ta đã tạo thành nơi mặt địa-cầu này, dầu có đầy-dẫy đi nữa mà giờ chót chúng ta biết kêu danh Đức Chí-Tôn tức nhiên biết kêu Ngươn-Linh của chúng ta, tức nhiên chúng ta chối cái quyền làm Tòa buổi chung qui của chúng ta. Hễ ta chối cái quyền làm Tòa thì còn ai xử ta đâu?
Đấng Chí-Linh duy chủ mà để quả-kiếp trong tay Đấng Chí-Linh thì còn ai xử ta đâu, cơ quan giải-thoát đoạt-pháp là vậy đó.
Luận giải:
Mình niệm danh Thầy hằng ngày có giảm tội không ? Làm sao để giờ phút cuối còn tỉnh táo để niệm được danh Thầy?
Đức Hộ Pháp đã giảng rõ dầu mình làm tội lỗi dẫy đầy mặt đât đi nữa mà đến giờ phút cuối mình còn tưởng đến Thầy và niệm danh Thầy là Nam Mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát thì có Thầy đến cứu, tức là về cõi lành chớ không bị đọa lạc. Khi lúc sanh tiền ta biết ăn năn sám hối tội tình, hòa giải với các oan gia trái chủ để lúc ta lâm chung nghĩa là giờ phút hấp hối thì các hương linh oan gia trái chủ không đến đòi nợ ta thì ta mới ra đi thanh thản, không bị hành xác đau đớn, hay hôn mê bất tỉnh sẽ không còn tỉnh táo để niệm được danh Thầy.
Ta cũng biết rằng giờ phút lâm chung thì tứ đại phân ly, thể xác chúng ta sẽ vô cùng đau đớn, ta phải tập luyện niệm danh Thầy hằng ngày mới mong lúc đó còn nhớ theo thói quen mà niệm được danh Thầy.
Hơn nữa khi niệm danh Thầy hàng ngày thì ngay giờ phút đó làn tư tưởng ta xông lên không trung Đức Chí Tôn sẽ nương theo đó ban lại điển lành cho ta. Như vậy ta nên niệm danh Thầy hằng ngày bất cứ lúc nào rổi rảnh và sẽ tạo được nghiệp lành để ta được an ổn thể xác và siêu thoát linh hồn mai sau.
Bên Đạo Phật người ta niệm danh A Di Đà Phật, có câu một câu niệm Phật diệt tội hà sa, Chúng ta niệm danh Thầy thì lợi ích cũng đồng như vậy. Nhứt là những vị đã già yếu bịnh hoạn không còn hoạt động hay làm công quả được thì nên rán thành tâm thường niệm danh Thầy cũng là cách tạo thêm công đức, tạo nên nhân giải thoát cho linh hồn, chúng ta nên khuyên bảo nhắc nhở cho những người gặp hoàn cảnh ốm đau bịnh hoạn là ta tạo thêm công đức cho mình đó vậy.. 
13 - Cơ quan giải thoát do nơi công nghiệp chúng ta phụng sự cho vạn linh. (bài 27)
Càn-Khôn Vũ-Trụ ấy để làm tôi của nó để phụng sự cho Vạn-Linh, từ thử tới giờ chưa có quyền nào dị hợm vậy. Không có quyền nào vô đối vô đoán như vậy. Vì cớ cho nên cái bí-mật của nhơn-loại đem hình ảnh hữu-hình này, làm con vật tại thế-gian này có mục đích tối trọng tối Thiêng-Liêng. Đến đặng phụng-sự cho nhơn-loại, Vạn-Linh của mức hữu hình, phụng-sự đặng định-phận cho chúng ta. Vì cớ cho nên mới có cái thuyết định-phận. Hễ phụng-sự đắc lực thì đoạt-vị đặng, còn phụng-sự bất lực thì phạm tội.
Cơ-quan giải thoát Bần-Đạo lập lại một lần nữa và nói quả quyết rằng: Cơ-quan giải-thoát của Đức Chí-Tôn do nơi công-nghiệp của chúng ta phụng-sự cho Vạn-Linh đó vậy ./.
 
Luận giải:
Trong Thánh giáo Đức Chí Tôn và các Đấng thường khuyên rán lập công quả để lấy công chuộc tội. Nếu chúng ta phụng sự vạn linh đắc lực thì cũng trừ được nghiệp quả đã làm.
Muốn phụng sự vạn linh một cách đắc lực thì không gì hay hơn là vào cơ quan hành chánh Đạo hay Phước Thiện mà lập công vì đó là trường thi công đức cho ta vào thi thố. Thánh giáo Đức Chí Tôn "Thầy đến độ rỗi các con là thành lập một trường công đức cho các con nên Đạo. Vậy đắc Đạo cùng chăng tại nơi các con muốn cùng chẳng muốn". Khi bước vào hàng chức sắc Thiên phong thì luật buộc ta phải phế đời hành Đạo. Đó cũng là cách để chúng ta phụng sự nhơn sanh một cách trọn vẹn toàn thời gian, ta không còn lo cho mình cho gia đình mình nữa tức là bước vào con đường giải thoát đó vậy.
14 - Rất hữu hạnh cho những kẻ ở thế gian chịu cái khổ vì Đạo vì Đức Chí Tôn.(bài 28)
Có nhiều Đấng đến gần Đức Chí-Tôn xấp-xỉ cùng Đức Chí-Tôn cao sang vinh-hiển dường ấy, họ đã đoạt đặng huyền-bí mà chúng ta ngó thấy những vinh-quang đều hiện ra một chữ Khổ. Các Đấng ấy lập vinh-quang cao trọng là thắng khổ đó vậy. Họ đoạt được cái quyền-năng vi-chủ của họ mà cái khổ muôn triệu vô số trong kiếp sanh của họ, họ đã chịu mà lập-vị vinh-quang. Chính mình ngó thấy ngay Đức Chí-Tôn thấy chữ Khổ mà Ổng là Càn-Khôn Vũ-Trụ, bởi vì Ổng có quyền-năng vi-chủ cái khổ của chúng ta, tưởng-tượng lại coi cái khổ tại sao thắng hơn mình? Tại sao mình không thắng nó nỗi? Xét đoán là tại mình không đủ can đảm, không đủ tinh-thần chịu khổ, sợ khổ rồi không biết vi-chủ cái khổ…
…Bần-Đạo dám chắc và nói quả quyết rằng: Rất hạnh-phúc cho những kẻ nào đã chịu nhục-nhã về xác-thịt thì linh-hồn họ sẽ được một hạnh-phúc vô đối, vì kẻ ấy phải chịu một thống-khổ của Đời mới được Đức Chí-Tôn an-ủi.
Rất hữu-hạnh cho những kẻ chịu trong kiếp sanh bị thiên-hạ đè nén, khinh rẻ, chê bai, thì Đức Chí-Tôn đem họ vào một địa-vị phi thường vinh hiển, những kẻ ấy do nơi tay Đức Chí-Tôn nâng đỡ cho họ được vinh-hiển oai-quyền.
Nếu chúng ta đủ can-đảm mà chịu nỗi cái khổ của Đức Chí-Tôn là chúng ta được một kho vô tận vinh-hiển đó vậy./.
 
Luận giải:
Chịu nỗi cái khổ của Đức Chí Tôn là sao ?
Nền Đạo từ buổi sơ khai đến giờ đã trải qua biết bao cuộc khó khăn, thử thách. Nào các bậc đàn anh với dụng cụ thô sơ phá rừng khai khẩn đất hoang ngày nay mới có vùng Thánh địa đẹp đẽ khang trang. Rồi những tấm lòng trung kiên hẩm hút muối dưa, rau cỏ mà xây dựng nên ngôi Thánh Tòa đồ sộ đáng là một kỳ quan cho nhơn sanh ngày nay chiêm ngưỡng, trụ vững Đức tin nơi Đấng Cha Lành. Đó là những con cái Chí Tôn chịu khổ vì Thầy vì Đạo và Đức Chí Tôn đã ban thưởng cho họ ngôi vị xứng đáng trên cõi Thiêng Liêng điển hình qua hai vị Phối Thánh và những thệ hữu Phạm Môn đã giáng cơ linh hiển.
Rồi những khi nền Đạo thăng trầm, con cái Chí Tôn bị bắt bớ tù đày, có vị chịu bỏ mình nơi ngục thất, nhưng thể xác họ chịu đau đớn khổ não nhưng linh hồn họ được hưởng ân huệ thiêng liêng vinh diệu của Đấng Cha Lành ban cho nơi cõi Thiêng Liêng Hằng Sống. Đức Hộ Pháp từng thuyết Đạo, Đức Chí Tôn không khi nào chịu thiếu nợ của con cái Người mà Người luôn trả công nhiều hơn là hẳn vậy.
Tóm lại , đối với những con cái hiếu hạnh với Chí Tôn và Phật Mẫu thì Người sẽ ban cho phần thường thật vinh diệu, xứng đáng.

15 - Sự khác biệt giữa cảnh thăng và cảnh đọa. (bài 28)
Nếu chúng ta đoạt-vị đặng thì con đường dục- tấn của chúng ta, cả hạnh-phúc đạo-đức cả tinh-thần cảnh thăng của chúng ta có nhiều tay nâng đỡ. Rủi thay, nếu chúng ta bị tội tình phải đọa thì cảnh vinh hiển ấy từ từ xa, xa lần chúng ta đứng một chỗ cảnh tượng vinh-hiển ấy, cảnh tượng hạnh-phúc ấy, nó dường như thối bước lần lần xa mút chúng ta, chúng ta hết thấy nó, cảnh đi ngược lụng lại, cảnh chạy ta chớ chẳng phải ta chạy cảnh, hạnh-phúc ta sợ ta, chạy ta, lánh ta, rồi thoạt nhiên trong con đường dục-tấn của chúng ta đi biết bao nhiêu khó khăn, thường trong miệng thiên-hạ có nói Thiên-Đàng, Địa-Ngục, tức nhiên Ngọc-Hư-Cung với Thập-Điện Diêm-Vương cũng không có gần nhau, mà gần nhau mới lạ lùng.(*)
Nếu chúng ta làm điều gì trọng-hệ, nói tỷ-thí như chúng oán giận giết người thì đó liền có kẻ đó đứng trước mặt chúng ta tỏ vẻ sầu thảm, thiên-hạ tưởng đâu kẻ đó oán giận giết lại mình. Không! Không khi nào vậy, kẻ ấy buồn thảm cho ta một cách đau-đớn. Vừa ngó thấy kẻ đó rồi linh-hồn chúng ta tức nhiên là đệ-nhị xác thân của chúng ta tùy theo cái tội của nó mà đi lần xuống cảnh Diêm-Cung. Trong cảnh tội tình của chúng ta đã quyết định, liền giờ ấy người tội nhơn ấy đứng nơi cửa Diêm-Cung Địa-Ngục đó vậy, rồi tự mình kết án cho mình.
Thảm thay! Những kẻ nào không biết thương yêu nhau, những kẻ thiếu tình ái thương yêu nhau, những kẻ đó không được lời nào của một chơn-hồn nào an-ủi, chỉ xung quanh mình nghe tiếng than, tiếng trách móc, không biết thời gian nào định tội cho mình, hay tội tình mình mình định cho mình, vì cớ tức mình không biết chừng nào án ấy đã hết, khổ não chăng là điều ấy.

Luận giải:
Làm sao tránh được địa ngục, Diêm cung hay ngày nay gọi là Âm Quang luyện tội ?
Nay là buổi Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Chí Tôn ân xá các đẳng chơn hồn nên đóng địa ngục mở tầng Thiên. Các hồn phạm tội bị đày xuống cõi gọi là Âm Quang.
Theo Thánh giáo Bà Bát Nương có giải thích: "nơi ấy là những chốn phạt tù những hồn vô căn vô kiếp, nhơn-quả buộc ràng, luân-hồi chuyển thế, nên gọi là âm-quang", Bà Thất Nương còn giải thích thêm:
“Ðại-Từ-Phụ đã định nơi ấy cho Phật gọi là "Tịnh-Tâm-Xá" nghĩa là nơi của chư hồn đến đó đặng tịnh tâm, xét mình coi trong kiếp sanh bao nhiêu phước-tội. Vậy thì nơi ấy là nơi xét mình. Chớ chi cả nhơn-sanh biết xét mình trước khi thoát xác, thì tự nhiên tránh khỏi Âm-Quang. Nói cho cùng nếu trọn kiếp, dầu gây lắm tội-tình, mà phút chót biết ăn-năn tự-hối cầu-khẩn Chí-Tôn độ-rỗi, thì cũng lánh xa khỏi cửa Âm-Quang, lại còn hưởng đặng nhiều ân-huệ của Chí-Tôn, là các chơn-hồn đặng tự-hối hay là đặng giáo-hóa mà hiểu trọn chơn-truyền lập phương tự độ, hay là con cái của các chơn-hồn cầu rỗi.
Ôi! Tuy vân, hồng-ân của Ðại-Từ-Phụ như thế mà vẫn thấy các chơn-hồn sa-đọa hằng-hà, mỗi ngày xem chẳng ngớt, là tại thiếu kém đức tin và lòng trông cậy nơi Thầy; đó là mấy đạo-hữu tín-đồ bị thất thệ. Em trông thấy bắt đau lòng, phái Nữ lại là phần đông hơn hết”.
Theo Thánh giáo Bà Thất Nương muốn tránh xa khỏi cửa Âm Quang chúng ta : phải biết ăn-năn tự-hối lỗi lầm và cầu-khẩn Chí-Tôn độ-rỗi, đó là ta lập phương tự độ, hoặc các chơn hồn khi qui vị rồi mà con cái thành tâm cầu khẩn Chí Tôn độ rổi thì cũng lánh xa khỏi cửa Âm-Quang, 
Kế nữa ta là phải giữ vững Đức tin và lòng trông cậy nơi Thầy cùng giữ lời minh thệ. Nghĩa là lời minh thệ lúc nhập môn hay là minh thệ khi nhận lảnh nhiệm vụ Chức sắc, Chức việc ta phải nhớ đừng để thất thệ. Các điều nầy bình thường  thấy cũng dễ giữ nhưng khi Đạo trải qua những cuộc thử thách cam go, người ta vì quyền lợi vật chất hay vì sợ hãi thì dễ thay lòng đổi dạ mà phạm lời minh thệ.

Home . PHẦN: [ 1 ]   2 ]   3 ]   4 ]
Home Mục Lục: [ 1 ]  [ 2 ]  [ 3 ]  [ 4 ]  [ 5 ] [ 6 ]  [ 7 ]  [ 8 ]  [ 9 ]  [ 10 ]  [ 11 ]  [ 12 ]  [ 13 ]  [ 14 ]  [ 15 ] [ 16 ]  17 ]  [ 18 ]  .