Trước khi dứt lời, tôi xin chư Ðạo Hữu, chư Ðạo
muội bái lạy Ðấng Chí Tôn và rập cùng tôi tung hô cầu chúc: "Nam
Mô Cao Ðài Tiên Ông Ðại Bồ Tát Ma Ha Tát, xin bố phước lành cho chúng tôi lo
cho tròn phận sự ..."
Thượng Ðầu Sư
THƯỢNG TRUNG NHỰT
Phụ ghi:
(*) Chúng tôi thêm vào
phần nầy để phân biệt với bài giảng tại nhà ông Cả Hồ văn Nhơn.
(**) Nguyên bản của
tài liệu, so với Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Q.1 ngày 10-01-1927 bài 61 ấn bản năm
Nhâm Tý (1972) có sự khác biệt về cách chấm câu. Ðể cho sự nhất thống chúng tôi
xin thay thế bằng bài Thánh Ngôn nơi TNHT Q1.
Nguyên bản tài liệu gốc:
" ... Ngọc Hoàng
Thượng Ðế Viết Cao Ðài Giáo Ðạo Nam Phương.
Chư môn đệ và chư nhu
nghe,
Chim về cội nước tách
nguồn, từ xưa kiếp con người giữa thế chẳng qua là khách đi đàng, phận sự muốn
cho hoàn toàn, cần phải có bền chí và khổ tâm. Có bền chí mới đoạt được phẩm vị
thanh cao, có khổ tâm mới rõ tuồng đời ấm lạnh. Lăng xăng, xạo xự, mùi chung
đỉnh, vẻ cân đai, rốt cuộc chẳng khác chi một giấc huỳnh lương mộng.
Mỗi bực phẩm đều đặng
một vai tuồng của đấng cầm quyền thế giái ban cho. Dầu thanh cao, dầu hèn hạ,
cũng phải gắng làm cho rồi trách nhiệm, hầu buổi chung cuộc hồn lìa khỏi trần,
đặng đến nơi khởi hành, mà phục hồi công cán.
Ai giữ trọn bực phẩm
thì được Tòa Nghiệt Cảnh tương công chiết tội để vào địa vị thanh cao hơn chốn
địa cầu 68 nầy. Ai chẳng vẹn trách nhậm nhơn sanh phải đi vào nơi u địa để trả
cho xong tội tình công quả, cho đến lúc trở về nẻo chánh, đường ngay mà phục
hồi ngôi cũ, bằng chẳng biết sửa mình, thì luật Thiên Ðiều chẳng chấm, khổ A Tỳ
phải vướng muôn muôn đời đời mà đền tội ác. Bực nhơn sanh vì đó mà phải chịu
thiên niên chìm đắm, vào sổ luân hồi, vay trả, trả vay, căn quả chẳng bao giờ
tiêu đặng.
Các bực Thánh Thần nếu
chẳng biết mối Ðạo, là phương châm tìm nguồn trong rửa bợn tục thì biển trần
khổ nầy cũng khó mong thoát đặng.
Trời Nam may đặng một
yến sáng của Ðấng Ðại Từ Bi dẫn khách bước lần ra con đường hắc ám, để tránh
khỏi bến mê, dùng nâu sồng thế cân đai, mượn khổ tâm thay chung đỉnh, lấy hạnh
đức làm nấc thang bước lên tột lừng trời vẹt ngút mây xanh, trông vào cảnh
Thiêng liêng biết rõ cơ mầu nhiệm mà làm khách u nhàn thanh nhã, núi thẳm, rừng
xanh, phủi hết muôn sự ở cõi trần vô vị nầy, ấy là một sự khó thi hành cho
khách phàm tục. Mấy ai nong nả, tìm đến cảnh Thiêng liêng mà nhiều kẻ lại tìm
vào vực thẳm. Ðạo Trời qua bến tục, đường Thánh dẫn khách trần, nếu chẳng biết
thời thế, giọt nước nhành dương, hết chờ khi rưới khổ đặng."
BÀI GIẢNG ÐẠO
Tại nhà ông Cả Hồ Văn Nhơn Bến Tre
Ngày 24-8 Mậu Thìn (7 Octobre 1928).
Chư Quí Ðạo Hữu, Ðạo Muội, chư Thiện Nam, Tín Nữ,
Ðường xa viễn vọng, cách trở ngàn trùng, anh em
chúng tôi chẳng ngại ngùng đi đến đây, trước khai đàn cho ông Cả Hồ Văn Nhơn và
vợ là Lê Thị Liêng, sau chỉ rõ anh em được biết mục đích tôn chỉ Ðại Ðạo Tam Kỳ
Phổ Ðộ.
Vả chăng hạt Bến Tre đây là chỗ địa linh nhơn
kiệt, xuất hiện nhiều nhà thi văn đặc biệt, tôi đâu dám tự phụ tài hay học giỏi
mà múa búa trước cửa Lỗ Ban, diễn văn nơi làng Khổng Thánh, nhưng sở dĩ có mấy
lời hèn mọn tỏ ra đây mong cho anh em chị em hiểu rõ nguồn cội Ðại Ðạo Tam Kỳ.
Ðạo vẫn rất cao sâu mầu nhiệm, nếu dẫn từ khí Hư
vô sanh ra Thái cực, Lưỡng nghi, Tứ tượng vân vân ... thì dong dài và rất khó
hiểu cho phần nhiều trong em út chưa rõ Ðạo. Vậy tôi xin cắt nghĩa cuộc tuần
hoàn giác thế, nền Ðạo khai và khai tại nước Nam Việt ta cho chư Ðạo Hữu, chư
Ðạo Muội hiểu rõ đặng có đủ đức tin, ngõ hầu sốt sắng lo hành đạo theo thời kỳ
nầy.
Từng nghe: "Thiên Ðịa tuần hoàn, châu nhi
phục thỉ".
Từ tạo Thiên lập Ðịa, càn khôn phát khởi tới ngày
nay biết mấy muôn mấy vạn lần xuân qua hè lại, thu mãn, đông tàn, nay tới đời
Hạ ngươn mạt kiếp cũng gọi là cuối cùng.
Phàm muôn việc đều có thỉ có chung, có khởi có
cùng như một ngày một đêm 12 giờ, khởi ư Tý Sửu Dần Mẹo Thìn Tỵ Ngọ Mùi Thân
Dậu Tuất Hợi.
Tới Hợi rồi thì phải khởi lại Tý. Mỗi tháng khởi
mồng một tới ba mươi cuối tháng rồi khởi lại mồng một nữa. Năm thì khởi tháng
giêng đầu năm, rồi lại tới tháng chạp là cuối năm thì phải khởi lại tháng
giêng. Mỗi tháng chia ba tuần, mỗi tuần 10 ngày; mỗi năm chia ra tam ngươn:
Thượng ngươn, Trung ngươn, Hạ ngươn. Ấy là luật tuần hườn của Trời phân định,
việc thế thì cũng phải có tuần hườn vậy. Hồi tạo Thiên lập Ðịa, càn khôn phát
khởi rồi cũng phải tới cuộc cuối cùng, như cùng năm, cùng tháng, cùng ngày,
cùng đêm, cùng giờ, cùng khắc v.v... Nên cũng chia ra tam ngươn: Thượng ngươn,
Trung ngươn, Hạ ngươn. Mỗi năm trời đất đều lớn hơn ngươn năm trước. Nay tới
đời Hạ ngươn hầu bước qua Thượng ngươn khởi lại nên nhân vật đổi dời. Ðạo là
tối trọng tối quí trong đời, Ðạo vẫn có trước rồi mới có đời. Ðạo đời đi cặp
nhau. Ðạo như cái lưới bao trùm Càn khôn Thế giới, không có việc chi từ lớn chí
nhỏ mà ra khỏi Ðạo. Nay vì cuộc tuần hoàn và vì căn bổn háo sanh nên Ðấng Chí Tôn
chuyển Ðạo lại.
Dẫn hồi tạo Thiên lập Ðịa thì nội vùng Á Ðông đây
văn minh trước, nên từ Bàn Cổ sơ khai, Ðạo cũng khai bên vùng Á Ðông trước,
như: Ðạo Phật thì mở khai tại Thiên Trước là Ðức Nhiên Ðăng Cổ Phật, Thích Ca
khai Ðạo Phật. Ðại Ðạo là Ðạo Tiên thì Lão Tử khai tại Trung Huê, sau nữa Khổng
Phu Tử khai Ðạo Thánh cũng ở Trung Huê là ở miền Á Ðông. Sau lần lần Ðạo trải
khắp qua hướng Tây nên Ðức Chúa Giê Su truyền Ðạo Thánh bên hướng Tây. Kế đó
Ðạo mới rọi truyền ra khắp năm châu.
Ngày nay là châu nhi phục thỉ, nên Ðại Ðạo phát ra
tại Á Ðông nầy. Bởi cớ ấy nên trong bài Khai Kinh của Ðức Lữ Tổ cho hai câu đầu
như vầy:
"Biển trần khổ vơi vơi trời
nước,
Ánh thái dương rọi trước phương
đông... "
Mặt trời mọc hướng Ðông rồi lần lần lặn thì qua
hướng Tây Ðạo truyền ra cũng như thế.
Người nước Nam từ cổ chí kim thiệt không có Ðạo,
trong nước nhà mà người Nam ta có tâm đạo; người Nam trổi danh khắp địa cầu về
bề tín ngưỡng, Ðạo Phật, Ðạo Tiên, Ðạo Nho tuy khai bên Ấn Ðộ và bên Trung Huê,
sau người Nam biết đặng cũng hết lòng sùng bái. Ðạo Gia Tô của mấy Linh Mục bên
Thái Tây đem gieo truyền bên nước ta thì người Nam cũng kính trọng. Phần nhiều
trong người Nam thì hay đi chùa, đi miểu, đi nhà thờ cầu khẩn, vọng tưởng hết
lòng, ngưỡng mộ Trời Phật. Người không đi chùa, đi miểu, không đi nhà thờ, thì
trong nhà cũng thờ ông bà cha mẹ quá vãng ấy là Ðạo Nho. Mấy bằng cớ trên đây
chỉ rõ rằng người Nam Việt tin tưởng Trời Phật, Thánh Thần, tin tưởng chắc rằng
chết thì cái xác phàm nầy chết tiêu diệt, chớ linh hồn bất tiêu bất diệt, vì
đạo tâm ấy mà trong thời kỳ chuyển đạo nầy Ðấng Chí Tôn thương lòng thành thật
của nhơn sanh nơi đây mà khai Tam Kỳ Phổ Ðộ (ân xá lần thứ ba).
Tuy khai Ðạo tại nước Nam mà cũng khởi ư Ðông. Bàn
Cổ sơ khai Thiên khai ư Tý, Ðịa tịch ư Sửu, Nhơn sanh ư Dần. Từ năm Bính Dần,
Ðạo phát khai tại Tây Ninh lần lần truyền ra Gia Ðịnh, Biên Hòa, Thủ Dầu Một,
Chợ Lớn là mấy hạt ở về hướng Ðông. Qua năm thứ nhì thứ ba, Ðạo mới truyền ra
mấy hạt hướng Tây.
Trong thời đại Hạ ngươn đây, nhân loại ở thế gian
phần đông vì ham cái văn minh vật chất, ham ăn mặc sung sướng, giành giựt cấu
xé mồi phú quí, bả vinh hoa, vẻ cân đai, mùi chung đỉnh, mạnh còn, yếu mất đua
chen lẫn lộn.
Than ôi! Nhân loại như thế sao khỏi động lòng
Trời!
Ðấng Chí Tôn vì háo sanh, đại từ đại bi, thấy nhân
loại đang mờ mịt trong vòng hắc ám, lầm đường lạc nẻo, mới khai Ðại Ðạo để độ
dẫn chúng sanh thoát khỏi bến trầm luân khổ hải nầy.
Tôi chỉ rõ cho Thiện Nam Tín Nữ biết rằng: Người
Nam không Ðạo nhà, mà nay Ðấng Chí Tôn thương tâm đạo chúng ta nên khai Ðạo tại
đây. Hồi năm đầu khai Ðạo, Ðấng Chí Tôn có cho ông Nguyễn Thế Vinh cũng là
người đạo đức và con nhà nho phong ở tại Chợ lớn một bài Tứ tuyệt như vầy:
"Từ thử nước Nam chẳng Ðạo
nhà,
Nay Ta gầy dựng lập nên ra.
Ví bằng ai hỏi sao bao nả,
Rằng trẻ noi sau biến hóa
già."
Bài Tứ tuyệt nầy chứng tỏ rằng từ cổ chí kim nước
ta không Ðạo nhà. Nước mà không Ðạo cũng ví như người ta không hồn, nhà không
đạo đức tự nhiên cang thường luân lý phải suy bại.
Ðạo là gì? Ðạo rất cao sâu mầu nhiệm, Ðạo bao trùm
Càn khôn Thế giới, không có vật chi, không có việc chi ra khỏi Ðạo, tôi xin
diễn tắt rằng hễ có Ðời tức nhiên có Ðạo.
Trong thế sự chia ra hai bên, một bên hữu hình,
một bên vô hình. Hữu hình hữu hoại, vô hình bất tiêu bất diệt.
Hữu hình là những vật chi mình rờ nắm được như cái
bàn cái ghế, cái xác phàm ta đây là hữu hình, vì ta rờ nắm được, ấy vậy xác
phàm ta phải tiêu phải diệt. Còn vô hình như gió như mây, muôn năm ngàn kiếp,
gió mây có tận diệt bao giờ, mà có ai bắt gió đón mây cho được. Linh hồn ta
cũng như gió như mây vậy bất tiêu bất diệt, nên phải luân hồi chuyển kiếp, tùy
theo công quả của ta cấu kết nơi trần thế đây. Hễ hiền thì thăng, dữ thì phải
đọa, vay vay, trả trả, y theo Thiên Ðiều phán định, lỗ kim không lọt, một mảy
chẳng sai nên Thánh nhơn Ngài có chỉ trong câu: "Thiên võng khôi
khôi, sơ nhi bất lậu!".
Than ôi! Ít người nghĩ cho kỹ, vì trong cuộc trần
thế nầy nhiều bẫy rập, níu kéo chúng sanh đem thân trần cấu gieo miền trầm
luân. Ai ai cũng tranh giành nhau trên đường danh bể hoạn, lo ăn ngon mặc đẹp,
ở lầu cao gác rộng, nhà dọc dãy ngang, thềm gấm sân hoa, tiêu xài huy hoát.
Than ôi! Ðường thế bày trò hư hoại, người bị chôn lấp trong chốn hí tràng qua
lại ngựa xe. Than ôi! Nhân loại chỉ biết Ðời, bao giờ nghĩ đến Ðạo, người một
Ðạo cùng nhau mà nhiều khi nhìn như kẻ Tần người Việt, trong một làng một xóm
với nhau mà coi như cách biển Sở sông Ngô, chỉ bo bo lo cho mình, một mình mình
ấm, một mình mình no, một mình mình yên vui, một mình mình sung sướng, từ sớm
mai đến tối, từ tối đến sáng, thỏn mỏn lần lựa tháng ngày cứ lo giành giựt,
giựt giành, lao thân tiêu tứ. Ít ai nghĩ hồn lìa khỏi xác thì đem theo có một
chữ tội với một chữ phước. Người có tu tâm dưỡng tánh biết thương đồng loại
biết giữ đạo nhơn luân thì hồn được siêu thăng tịnh độ!
Người ít nhơn đức hơn nữa, đều cũng có làm lành lo
âm chất trong khi ở thế, thì được đầu thai lại mà hưởng phước. Còn kẻ vô đạo
đức, không kể nhơn luân, chẳng biết thờ kính Trời Phật Tiên Thánh thì phải bị
đọa A Tỳ, chịu ngục hình khảo phạt trừng trị những tội ác đã kết ra trên thế
sự. Ấy là những việc huyền bí nhiệm mầu trong Ðạo.
Người muốn cho linh hồn khỏi mấy điều khổ nhục ấy,
thì phải biết đạo mà trau giồi hạnh đức, phải lo tu tâm dưỡng tánh.
Tu
nghĩa là trau giồi tánh hạnh.
Tu
không phải từ mơi tới chiều tụng kinh gõ mõ mới gọi
rằng tu.
Tu
có nhiều bực: Bực Thượng thừa phải ép mình hành xác, phải
nâu sồng khổ hạnh, lo làm âm chất, lo công quả cho Trời Phật, chừng quả mãn tìm
chỗ u nhàn mà luyện đạo, ấy là bực Thượng thừa. Nếu trong thế gian mỗi người đều phế
công việc mà tìm chỗ u nhàn như vậy, thì thế sự nầy phải ấm lạnh, có ai đâu mà
lo nhơn đạo.
Con người ở thế mỗi cá nhân đều có phận sự, nếu bỏ
phận sự thì thất nhơn đạo mà không Ðạo nào tránh khỏi nhơn đạo cho được. Người
hành đạo mà bỏ nhơn đạo, không lo nhơn đạo cho hoàn toàn thì hành đạo vô ích.
Ấy vậy trước hết phải biết Ðạo, là biết có Trời,
có Phật Tiên Thánh, phải biết có luân hồi chuyển kiếp. Theo nhơn đạo, trai thì
lo tam cang ngũ thường, gái thì tam tùng tứ đức. Trước hết lo tu tại gia, tại
thiền, tại thị, lo làm lành lánh dữ trau giồi tâm tánh chơn thành, ấy là tu,
đạo làm người nhơn nghĩa lễ trí tín phải giữ hẳn hòi, tam cang phải nắm chặt.
Ở thế phải tùng theo luật thế. Ðối với quan viên
chức sắc phải biết bổn phận làm dân, phải nhớ câu sám hối:
"Chớ làm con giặc tôi loàn,
Thuế sưu đóng đủ đừng toan kế
tà".
Nếu mình sanh rối loạn trong xã tắc, nếu mình
không tuân pháp luật thì mình là người loạn, có đạo đức chi.
Ðối với cha mẹ, anh em chị em vợ chồng con cái thì
phải biết công sanh thành dưỡng dục là ơn trọng không kể xiết, phải giữ câu
hiếu để mà bồi đắp ơn sâu.
Anh em cốt nhục đồng bào, phải giữ chữ thuận hòa
cho vẹn.
Vợ chồng nghĩa nặng, đối đáp nhau như cân thăng
bằng, giữ được vậy mới trọn nghĩa.
Ðạo làm cha là thay mặt cho Tạo hóa đặng dìu dắt
linh hồn ấu nhi trọn bề đạo đức.
Người nào giữ Nhơn đạo cho hoàn toàn thì lo gì
không gần Thiên đạo.
Thượng Ðầu Sư
THƯỢNG TRUNG NHỰT
Phụ ghi: Theo
nguyên bản chánh ghi là:
Từ trước nước Nam
chẳng Ðạo nhà,
Nay Ta gầy dựng lập
nên ra.
Ví dầu ai hỏi sao bao
nả?
Rằng trẻ roi sao biến
hóa già!
Ðối chiếu lại với
Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Q.1 Thi Văn Dạy Ðạo bài thi Tứ tuyệt thứ 100 ghi là:
Từ thử nước Nam chẳng
Ðạo nhà,
Nay Ta gầy dựng lập
nên ra.
Ví bằng ai hỏi sao bao
nả,
Rằng trẻ noi sau biến
hóa già.
Chúng tôi xin căn cứ
theo bản in của Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Ai Ðiếu
THƯỢNG PHẨM CAO QUỲNH CƯ
Ðăng Tiên ngày mồng 1-3 Quí Tỵ (10 Avril 1929).
Quí Ông, Quí Bà,
Chư Ðạo Hữu lưỡng phái,
Ngày mồng một tháng nầy vì phận sự tôi phải đi Nha
Mân, qua mùng hai tôi đi Vũng Liêm cùng Hiền hữu Ngọc Trang Thanh.
Lúc thượng lộ lòng tôi bắt buồn bực không kể xiết.
Tôi thầm hỏi: "Mình đi lo việc đạo, cớ sao không đặng vui như mấy
lần khác?"
Sáu giờ rưỡi chiều tới Thánh Thất Vũng Liêm, có
Hiền hữu Thái Thơ Thanh, Thượng Giảng Thanh, Thượng Lân Thanh hành lễ vừa rồi
chạy ra liền nói:
- Thượng Phẩm décédé.
Nghe qua dường như sấm nổ, người dầu gan sắt, dạ
đồng nghe tin nầy cũng bắt động tình thương xót, huống chi tôi cùng Ðức Cao
Thượng Phẩm trong mấy năm dư cùng nhau keo sơn gắn chặt, thọ thánh chỉ của Ðấng
Chí Tôn đi phổ thông Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.
Nay: Người ly trần cỡi hạc về quê, kẻ nhơn thế còn
lo độ chúng.
Khiến cho ta nghĩ:
Nhiều bậc công hầu vương bá, tài lực biết bao, mà
chừng Trời không ngó cũng chác sầu tây.
Nay một Ðấng hiền lương đạo đức, chừng Trời kêu
đến phải mau hồi cựu vị.
Ấy chỉ rõ quyền Chí Tôn rất lớn lao vô cực, vô
đại, mà thương hại cho những người vô đạo đức không suy xét lời Thánh
Hiền: "Vạn ban đô thị mạng, bán điểm bất do nhân".
Ấy chỉ rõ Thiên cơ.
Thời kỳ Thầy lập Ðạo vô vi.
Hồi chưa khai Ðạo nhơn sanh còn phàm, nên mượn xác
phàm của Tín đồ, Thầy độ rỗi chúng sanh. Nay Ðạo thành có người lập đặng chí
Thánh.
Thượng Phẩm là Ðạo phải trở lại Thiêng liêng chi
vị đặng đem các chơn hồn vào cửa Thiên.
Suy xét kỹ đâu dám để dạ ưu phiền.
Trách là trách trong Ðạo còn nhiều người tật đố
làm cho trong Ðạo nhiều phen bất hòa, khiến thuyền Bát Nhã gần ra khỏi bến.
Than ôi! Nhiều người lấy sức lực phàm phu, không
lòng từ bi bác ái, giành xé nhau vì chút quyền vô vị nơi trần thế đây mà làm
cho lắm người tâm thành trí vẹn, may chút nữa phải mỏi lòng đạo đức.
Than ôi! Một năm qua rồi nhìn Ðền Thánh như cảnh
sầu bi, xem nền Ðạo giống nhà vô chủ!
Kìa cây sầu lá xủ!
Nọ cỏ úa sương gieo!
Thiên ý muốn một điều là phải ăn năn sám hối, ai
có lỗi mau mau tự hối cải, tập từ bi bác ái nhịn nhục nhau thì Ðạo mới hòa.
Thầy chỉ rõ: Thiên cơ đã định đều cũng kết một
cuộc tương thân tương ái.
Tuy Thượng Phẩm về cùng Thầy là nơi phước hạnh không
chi sánh kịp.
Non chiều phụng gáy,
Ðộng Thánh qui chầu.
Là
nơi u
nhàn cực lạc.
Song nhìn còn tại thế: Một Từ Huyên bóng xế trăng
lờ, lại gặp cảnh tre già khóc măng, nhớ con thảo biết bao tình thảm thiết.
Vợ hiền lương lẻ bạn giữa đường,
Mà cuộc gia thê trăm bề quạnh
quẻ.
Không xiết nỗi thương!
Ôi! Chiếc nhạn kêu thu cũng là một cảnh sầu nơi
trầm luân khổ hải nầy.
Một con thơ còn bơ vơ nơi đất khách, sau dầu bước
đặng thang mây, vinh qui bái tổ, ôm Tháp nầy khóc than.
Nhớ cha hiền đà cỡi hạc qui Tiên,
Mẹ góa con côi trăm bề eo hẹp.
Ấy gương nâu sòng chập chồng trên
một nền nhà đạo đức.
Ðạo lập thành người chí Thánh đâu
ngỡ ngó ngơ.
Hỡi ôi! Thương thay!
THƯỢNG TRUNG NHỰT
Tòa Thánh, ngày 14 tháng 7 năm Kỷ Tỵ (dl. 18 Aout
1929).
Lễ phát thưởng cho học sinh Ðạo
Ðức Học Ðường
Chư Ðạo Hữu lưỡng phái,
Bóng thiều quang nhặt thúc, cuộc ngày tháng lụn
qua, Mậu Thìn bước sang Kỷ Tỵ, nay trót ba năm dư, lần tay tính Lễ Trung Ngươn
đây là Lễ Trung Ngươn thứ ba. Thiên Ðịa tuần hườn, chia ba ngươn dựng lại, mỗi
năm cũng chia ra ba ngươn, cũng như người có tam tiêu, ai biết điều lành chánh
lý cũng tùy âm dương vận chuyển, được một điều nên biết trước là đường Ðạo lắm
chông gai, hằng ngày lo lắng, bước từ bước gìn cho chặt bước.
Ngoảnh lại, ba năm trước chúng ta là một lũ con
hoang, lớn nhỏ mê đường danh lợi, sa đắm trầm luân đã đến đỗi, khi biết hồi đầu
toan trở bước, mà chẳng có nhà thọ truyền chánh giáo. Trời hằng thương con dại
biết bao, mới vận trù thiết kế lập thế độ nhà Thiền, mượn cảnh Chùa Gò Kén cheo
leo, lập Pháp Chánh Truyền mà khai Ðại Ðạo, mười bốn tháng mười (14-10) năm
Bính Dần sang năm Ðinh Mão lúc hạ tuần Thượng ngươn, đất bằng sóng dậy. Trời
đương thanh bạch, khiến ngút tỏa mây giăng, trong mối Ðạo hằng mang ách nạn, vì
có đơn vào nơi Chánh phủ. Bốn muôn dư đồ đệ của Ðấng Chí Tôn lòng dạ ủ ê, ngồi
nhìn cảnh non sầu tuyết xủ, giọt lụy tuôn dầm.
Ðêm 13 tháng 2 năm Ðinh Mão (1927) quả Càn Khôn,
cốt Phật Tổ, Tòa Bát Quái, Tượng Ngũ Chi, vậy phải dời đi hết. Ðức Lý Giáo Tông
truyền dạy mua đất Long Thành, cất chòi tranh, y lời Ngọc Trang Thanh khẩn vái,
thảm thiết bấy đêm dời cốt Phật, trời vần vũ tỏ cuộc bi ai, thương bầy con đỏ,
đất rung rinh dường đưa cốt Phật qua miền Chùa mới, từ Gò Kén qua tới đây Ðạo
Hữu Nam Nữ lao nhao, lố nhố, chen chật đường sá sáng đêm, qua tảo Thìn chư Phật
được yên nơi yên chỗ, đều cũng ở ngoài rừng trống, dãi nắng dầm mưa. Kế đó
người phá rừng, đánh gốc bứng chồi. Kẻ dỡ gỗ, đánh tranh, tạm một lều tranh che
cốt Phật. "Mái tranh thưa thớt, bóng trăng rằm giọi thấu lòng son,
vách tre xịch xạc, ngọn gió thổi lồng tạt sương trắng". Ấy cảnh chùa
nguồn Ðại Ðạo hồi năm Ðinh Mão, còn kể chi sao xiết, việc đắng cay ngăn đường
đón ngõ, như mường tượng phần nho khanh sĩ.
Ôi! Khi ấy, thương bấy chí hào kiệt trí tri chẳng
núng, ngày nay nhìn mặt anh hùng nước mắt lại nhỏ sa, tuy mạch sầu như thế.
Nhưng Thượng Ðế lắm phen độ chúng sanh qua khỏi tai nàn, cảnh chùa rách Phật
vàng chỉ rõ. Tuy tạo phạo chùa tranh, trong Ðạo thật là rất thạnh hành, thảy
thảy đều trọn câu Phổ Ðộ; tôi hằng nhớ lễ Trung Ngươn năm Ðinh Mão, nhũ người
đến dư muôn, sang Mậu Thìn cuộc tuần hườn cơ tạo hóa vần xây, mà cuộc thạnh suy
khiến cái dây liên ái Thầy ung đúc bấy lâu, thế ý cũng muốn lơi. Máu anh hùng
không phai lợt, kế tà quái xen vào, xem đường Ðạo thể như dừng bước, người cậy
sức, kẻ lại khoe tài, tranh quyền lấn bước, khiếm trật tự, mất khiêm cung, Ðạo
rấp lạc đường, người hành Ðạo gần xa Thánh Giáo, kẻ muốn tẻ nẻo, người toan tự
lập, đem thế lực phàm phu, đánh đổ lẫn tâm thành, đức vẹn, người hành Ðạo chẳng
tôn ti thượng hạ, tranh lấn chẳng khác nào như nước không Vua, như nhà vắng
chủ.
Tòa Thánh đìu hiu không người lui tới... trong
buổi ấy:
Trống Lôi Âm giéo giắc như khải
cơn sầu!
Chuông Bạch Ngọc rền rang dường
khêu mạch thảm!
Trách bấy những người gieo ác cảm, làm cho Trời đổ
lụy đòi phen, thương bầy con dại cấu xé tranh đua chẳng hòa theo Thiên ý.
Nay Thầy chấn chỉnh nền Ðạo, kêu Chức Sắc Hiệp
Thiên và Cửu Trùng có trách nhiệm lớn lao về Tòa Thánh vun trồng cây đức, ba
tháng nay nhờ Thiêng liêng giúp sức, cùng anh em xây cật đâu lưng lo chấn hưng
chơn Ðạo trở nên thạnh hành, cất tiếng than với người ngoan ngạnh, lỗi một thuở
làm chênh nghiêng nền Ðạo. Thiếu chút nữa thuyền Bát Nhã dang ra khỏi bến, nhờ
ơn trên Ðại Từ Phụ quá yêu tha lỗi trước, dắt dìu lại nữa, khuyên từ đây phải
rèn lòng cải sửa lỗi xưa, bỏ tánh tự kiêu, tự bạo mà trau giồi đạo đức. Vậy rán
nhớ các việc hồi năm Mậu Thìn kiêng dè chừa lỗi, nên mấy vị Giáo Hữu, mấy em học
sinh, cùng nhi nữ. Trong mấy năm dư Ðạo nghèo, nên mấy em chịu phần hui hút,
còn mấy anh đây lại bị kẻ thúc người đè, cũng không săn sóc mấy em trẻ dại, để
mấy em chiu chít như gà kia mất mẹ.
Ít người xét cổ suy kim, mới biết rằng Tôn Giáo
nào cũng nhờ học thức mà thìn mối Ðạo, truyền Chánh Giáo mới đặng tròn câu phổ
độ. Ðạo nghèo đồng tiền eo hẹp, còn thầy giáo huấn không một đồng lương, lại
thêm ngày ngày dạy dỗ ấu nhi, phải làm công quả vui cùng sanh chúng, học sinh
Ðồng nhi Nam Nữ tập viết bằng lá buông, chỗ ngủ lấy ván sạp làm giường, bề ăn
uống tương rau hẫm hút. Ba năm dư mới rảnh chút thì giờ, mấy anh đây mới lập
trường mà phát thưởng, lễ đơn sơ để dạ yêu thương, giục mấy cháu hết lòng lo
đạo đức.
THƯỢNG TRUNG NHỰT
Bài Diễn văn của Thượng Ðầu Sư
VỀ LỄ KỶ NIỆM KHAI ÐẠO
Tòa Thánh, ngày 14 tháng 10 năm Kỷ Tỵ (1929)
Chư Ðạo Hữu lưỡng phái,
Trung Ngươn vừa mãn, Hạ Ngươn vừa qua. Hôm Trung
Ngươn tôi đã có nhắc ngày Ðấng CHÍ TÔN hoằng khai Ðại Ðạo Tam Kỳ gieo truyền
Chánh Giáo là ngày 15 tháng 10 giờ Tý năm Bính Dần (1926).
Chúng ta biết noi gương hiền triết, cổ nhơn, vầy
cùng nhau phủi bụi phồn hoa, đặng tùng theo Tam Giáo là kể từ ngày 15 tháng 10
năm Bính Dần, nên lấy ngày Lễ Hạ Ngươn đây làm lễ kỷ niệm ngày Ðấng CHÍ TÔN hạ
trần tại vùng Nam ta đặng hoằng khai Chánh Giáo để gieo truyền hậu thế.
Xuân qua, hè lại, thu mãn, đông tàn, cuộc tuần
hoàn kim cổ, cổ kim, nhơn sanh chung hưởng Thiên ân biết bao.
Hại thay! Ít người hiểu riêng rằng có Thiên lực
trợ thế, nên ngày nay cõi dinh hoàn đặng tấn hóa nguy nga, văn minh đồ sộ; hiềm
một nỗi nữa là tánh phàm lòng tham không đáy, nên đường đời sanh trăm mối tơ
vò, ách nạn không xiết kể.
Từ Hiên Viên Huỳnh Ðế chí dĩ Hạ Ngươn, biết bao
nhiêu cuộc tuần hoàn thạnh suy bỉ thới. Xem lắm nghiệp bá đồ vương dựng nền Võ
trụ mà rốt cuộc lòng tham tràn nhẫy, tánh bạo ngược lẫy lừng, làm cho nhơn sanh
đồ thán. Ðấng Chí Tôn (Hóa công) đòi phen đổ lụy phải lập cuộc tang thương
trừng trị, vì câu: "Thiện ác đáo đầu chung hữu báo". Xét
cho kỹ Tần Thỉ Hoàng tìm thuốc trường sanh lòng muốn giữ chặt ngôi muôn thuở;
ngăn Hồ Lỗ, lập Vạn Lý Trường Thành công sanh mồ hôi giọt nhỏ. Cảnh Ðế Thiên Ðế
Thích to tát biết bao, vạn quốc nhận vào cơ xảo tuyệt thế. Gian hùng mưu sâu
quyệt kế ai bằng Lữ Bất Vi mà rốt cuộc rồi vi cũng vơ vi.
Hào kiệt sức năng cử đảnh, ít sánh Sở Bá Vương sau
cũng dâng thủ cấp cho Ô Giang Ðình Trưởng. Nào Vạn Lý Trường Thành, Ðế Thiên Ðế
Thích bền chặt cổ kim ít có, mà cũng hóa ra cuộc thành xiêu vách ngã, cỏ loáng
rêu phong; Lữ Bất Vi cùng Sở Bá Vương lịch sử ngàn năm đều nêu danh ác.
Người trong vòng Trời Ðất chẳng nên cãi quá lòng
Trời, vì Tạo Hóa rất công, lòng Trời vô tận.
Tôi
xin nhắc lại lời Thánh Giáo của một vị Langsa hồi thế kỷ 18e Siècle, Malherbe a
dit: "Vouloir ce que Dieu veut c'est la seule science qui nous
mettre en repos".
Theo
ý Trời muốn là phương châm hay cho làm cho chúng ta êm tịnh. Lời ông hiền triết nầy cũng như
lời Thánh trong sách Nho: "Thuận Thiên giả tồn, nghịch Thiên giả
vong".
Một kiếp con người tựa như giấc Huỳnh lương, thì
giờ ngắn ngủi, phải tùy theo phận sự trả nợ cho Ðấng Hóa Công, phải tùng chánh
lý, từ côn trùng thảo mộc tới bực nhơn sanh các tư kỳ phận, bởi có câu: "Nhứt
toán họa phước lập phân". Hại thay cuộc chen lấn ở cõi trần
thường giục lẫn người thây phàm hay tự bạo tự kiêu, ít suy, ít nghĩ; còn nơi
vinh hoa phú quý thường ngăn cản đường tu, cân đai lòe loẹt hay buộc chặt xác
phàm.
Bởi vậy bốn năm dư chuông Thánh truy hồn, thuyền
Bát Nhã đổ bến mê tân chờ rước khách trần, hầu tế độ kẻ vô phần không phước,
phần nhiều vì mắt thịt với trí phàm xa không thấu đáo Ðại Ðạo Tam Kỳ mà chưa
trọn hiểu, tánh vẫn còn mờ hồ kết thêm tội lỗi, vào đường tu mà chưa cổi tánh
phàm, còn tranh tranh lấn lấn chức quyền mọn trong Ðạo. Ít người khắc kỷ tu
thân, vùi lấp cho chúng sanh mà còn lấn người trong nền Ðạo, mến chỗ cao sang
quyền thế như hồi trần thế. Ðã lánh chốn phồn hoa đem gót ngọc dựa cửa thiền,
phải rán ngăn ngừa tục lự, mắt ngơ tai điếc, diệt tận phàm tâm trau giồi hạnh
đức, cầu khẩn Ðức Từ Bi rưới giọt nhành dương, giục tắt lửa lòng, hằng ngày lo
tụng kinh cầu sám chuộc tội tiền khiên nên danh hiền triết.
Mong thay! Mong thay!
THƯỢNG TRUNG NHỰT
ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ
(Ðệ Ngũ Niên)
Tòa Thánh, ngày 28 Décembre 1930.
TÒA THÁNH
-----
Số:
66
Châu Tri cho chư Hiền Hữu Ðầu Quận Ðạo, Ðầu Họ Ðạo
và chủ Thánh Thất.
Chư Hiền Hữu,
Từ cổ chí kim trong Tôn Giáo nào cũng phải có trật
tự lễ nghĩa.
Trong Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ đã có định:
1 - Trách nhậm của mỗi Chức Sắc.
2 - Kinh sách, Châu Tri, tờ giấy chi cũng do nơi
Tòa Thánh ban hành ra cho Ðầu Quận, Ðầu Họ và Chư vị Chủ Thánh Thất do theo mà
bố cáo cho Ðạo Hữu thông hiểu.
Mới đây nhiều Chức Sắc không có quyền ban hành
việc chi cho chư Hiền Hữu, tự do không tuân luật Ðạo, in kinh sách lấy danh
Ð.Ð.T.K.P.Ð. để trên bìa sách mà gởi cho chư Hiền Hữu, ấy là một việc làm cho
rối loạn trong nền Ðạo.
Ðức Lý Giáo Tông đã ban hành rành rẽ cho ba vị
Chánh Phối Sư Nam Phái và Nữ Chánh Phối Sư lo hành chánh.
Vậy từ đây giấy tờ, kinh sách chi không phải tôi
hay là ba vị Chánh Phối Sư ký tên và có đóng dấu của mỗi Phái (Ngọc, Thượng,
Thái) của Ðấng Chí Tôn định; và tờ giấy Châu Tri của bà Chánh Phối Sư Nữ Phái
Hương Thanh thì bà ký tên và con dấu của bà.
Không phải mấy vị trên đây ký tên và con dấu ấn
tích thì đừng tuân theo và đừng nhìn là tờ giấy của Chức Sắc trong Ðạo.
Xin Chư Hiền Hữu lưu ý và phát Châu Tri nầy cho
Chánh, Phó Trị Sự và Thông Sự bố cáo cho Chư Ðạo Hữu lưỡng phái biết mà ngăn
ngừa những người vì ganh hiền ghét ngõ mà muốn phân chia con cái của Thầy,
không khác nào như phân thây xẻ thịt của Thầy.
Nay kính,
Thượng Ðầu Sư
THƯỢNG TRUNG NHỰT
ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ
BỐ CÁO
CÙNG CHƯ ÐẠO HỮU
Nay là buổi Thiên Ðịa tuần huờn, hoằng khai Ðại
Ðạo, Ðức Ngọc Hoàng Thượng Ðế, vì thương nhân loại, rộng mở Ðạo Trời, để dìu
dắt sanh linh vào đường đạo đức, hầu hưởng phước về sau.
Trót một năm trường, chúng ta đã chẳng nài khó
nhọc, ra công phổ độ khắp nơi, mong sao cả dân chúng cải ác tùng lương mà chung
hưởng ngày Nghiêu tháng Thuấn.
Nay Ðại Ðạo lập thành, Tân Luật đã ban ra, chúng
ta cứ do theo đó mà hành đạo.
Về phần Thiên Ðạo, phải hết lòng thành kính Ðức
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ cùng chư Thần, Thánh, Tiên, Phật, phải gắng trau giồi đức
hạnh, dưỡng tánh tu tâm mà hồi minh khử ám.
Còn về phần Nhơn Ðạo, ta phải tuân theo phép nước,
giữ phận thần dân, làm lành lánh dữ, mỗi mỗi phải do luật pháp mà cư xử, sưu lo
thuế đóng, kính trọng quan viên, giúp nạn kẻ khó.
Xin nhớ mấy câu trong Kinh Sám Hối đây cho lắm:
Chớ làm con giặc tôi loàn,
Thuế sưu đóng đủ đừng toan kế tà.
Trong Ðạo Hữu mới nhập môn, có một ít người chưa
rõ tôn chỉ tối cao tối trọng của ÐẠO TRỜI buông lời đồn huyễn rằng: Vô Ðạo rồi
thì tùng LUẬT ÐẠO mà thôi, khỏi chịu dưới quyền QUỐC PHÁP.
Lời đồn huyễn ấy rất trái lẽ, tuy tu hành mặc dầu,
chớ không ra khỏi luật pháp Chánh Phủ đặng. Làm đến bực Hòa Thượng mà có tội
cũng chẳng khỏi bị xử theo luật hình mà được.
Về phần tin tưởng tự do, tôi cũng nên tỏ cho chư
Ðạo Hữu hay rằng: Không ai đặng phép ngăn cản chúng ta trong việc phụng thờ
TRỜI PHẬT. Ta tin tưởng Ðức NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ, ta sùng bái Ngài, không một
ai phạm đến quyền tự do ấy của ta được.
Chớ nghe đồn huyễn rằng Chánh Phủ bắt Ðạo mà sợ,
rồi dẹp Thiên Bàn, cuốn THÁNH TƯỢNG, ấy là một điều đại tội cùng TRỜI PHẬT đó.
Chánh Phủ Ðại Pháp rất công, ai làm lành được bề
êm tịnh, ai làm dữ bị tội tù, chúng ta tu là lo làm lành, mà đã lo làm lành thì
bị tội nỗi gì?
Nếu Chánh Phủ muốn ngăn cấm điều chi thì chạy tờ
Châu Tri, dán Yết Thị khắp nơi cho nhơn dân rõ biết, đâu đó phân minh, đường
đường chánh chánh.
Còn nếu không có Châu Tri cùng Yết Thị thì xin chư
Ðạo Hữu chớ vội tin mà lầm mưu kẻ nghịch Ðạo.
Trong chư Ðạo Hữu thảng như có ai bị cường quyền
áp chế về việc phụng thờ THƯỢNG ÐẾ, xin mau mau gởi thơ cho tôi. Tôi sẽ dụng
hết công tâm kêu nài cùng Chánh Phủ để làm cho kẻ ấy biết trọng quyền tin tưởng
tự do của chúng ta.
Nay kính,
LÊ VĂN TRUNG
Thiên ân
THƯỢNG TRUNG NHỰT
Ai Ðiếu
PHỐI SƯ THÁI BÍNH THANH (Rạch
Giá)
Quí Ông, Quí Bà, chư Ðạo Hữu lưỡng phái,
Tôi vẫn biết miền Kiên Giang có lắm hiền triết thi
văn đặc biệt, tôi đâu dám múa búa trước cửa Lỗ Ban, đọc văn nơi làng Khổng
Mạnh.
Vì phận sự trong nền Ðại Ðạo, nên xin lỗi Quí Ông,
Quí Bà, cho phép tôi thay mặt chư Hiền Hữu lưỡng phái, tỏ ít lời tâm huyết đưa
Hiền Hữu THÁI BÍNH THANH nhàn du Tiên Cảnh. Ðất bằng sóng dậy, nền Ðại Ðạo
chuyển xây, trên Tòa Thánh đêm 16, ve ngâm sầu lác đác, kế trưa 17 một mảnh
giấy xanh đem tin báo rằng: Anh Phối Sư Thái Bính Thanh liễu Ðạo.
Ðoái Ðiện Bà non sầu tuyết xủ,
Nhìn Thánh Ðịa cây ủ lá rơi.
Chiều năm giờ nơi Bửu Ðiện người cầu kinh không
ngăn giọt lụy.
Hỡi ơi! Gương vỡ bình tan!
Châu trầm ngọc nát!
Tưởng câu, nhứt đán mà ngậm ngùi, nghĩ chữ vô
thường càng bát ngát, những tưởng trăm năm tuổi hạc, truyền nhơn luân rải khắp
non sông, nào hay đâu một phút bóng câu, đem hồn phách gởi theo mây gió, đã
biết người tu hành coi qui liễu hằng như Ðạo mở.
Nhưng mà, tình Ðạo Hữu nhìn biệt ly lòng dường
muối xát.
Nhớ Linh xưa:
Ý tứ từ hòa, tánh tình liên lạc, nghĩa lân cận
không kiêu không hãnh, gặp kẻ nghèo chẳng nỡ làm lơ, tình anh em cư xử chẳng
dễ, chẳng khinh, thấy lúc ngặt không hề phai lạt. Lúc khai Ðại Ðạo Tam Kỳ, Thầy
dạy làm Quả Càn Khôn. Nhớ anh! Nào ra công, nào tốn của, hiệp cùng Ðạo Hữu mới
hoàn thành, khi lập Tân Pháp Chánh Truyền, Thầy bảo lập Tân Luật, nhờ anh, nào
sắp ghế, sắp bàn hội với Thiên Phong mới kết tác, buổi dọn đất Tổ Ðình, Thầy
chỉ phương hướng cho anh đo độ thước tấc mới thành một cảnh thiên nhiên, khi
dựng hình Phật Tổ, Thầy nhắm chỗ cho anh sắp phương hướng mới nên một nền địa
hượt.
Ôi! Trước mặt đây, con khóc cha, cha sao nỡ biệt
ly, day lưng lại vợ khóc chồng, chồng bao đành phân cách, cảnh dường nầy, anh
há vội tách gió lướt mây, tình dường ấy, anh bao đành tầm Tiên cỡi hạc. Thôi!
Mây bay vì gió hết nỗi nì nằng, trăng án vì mây, không cùng than thở.
Ô qua, thố lại, cuộc hằng đổi xây, vật đổi sao
dời, vân cẩu bóng câu thường tan tác. Vậy thì đồng đạo chẳng chi là trọng,
nguyện cho linh hồn tảo đắc siêu thăng, cầu cho được sớm tiêu diêu nơi cõi thọ.
Thượng Ðầu Sư
THƯỢNG TRUNG NHỰT
ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ
(Ðệ Ngũ Niên)
Tòa Thánh, 20 tháng chạp Canh Ngọ (7 Février
1931).
TÒA THÁNH
-----
Số:
3
Kính cùng:
- Chư vị Chủ Thánh Thất,
- Chư vị Ðầu Họ Ðạo,
- Ðầu Quận Ðạo,
- Chư Chức Sắc Thiên Phong lưỡng phái,
- Chư Ðạo Hữu Nam Nữ,
- Chư Hiền Hữu, Ðạo Tỷ, Ðạo Muội,
Vừng nhựt nguyệt vần xây,
Bóng thiều quang nhặt thúc.
Ngảnh lại hứng xuân Canh Ngọ chưa đặng bao lâu,
nay đã sắp sang Tân Mùi, nền Ðại Ðạo bước qua năm thứ sáu.
Công trình Chư Ðạo Hữu biết bao:
Lắm phen vày vò thân thể, hằng buổi mòn mỏi tinh
thần, đặng khuyến nhủ nhau làm lành lánh dữ, cải ác tùng lương, giữ dạ sắt đinh
thờ Trời, kỉnh Phật.
Tôi thay mặt Hội Thánh cảm tạ công trình của Chư
Ðạo Hữu và hết lòng cầu nguyện Ðấng Chí Tôn ban ơn lành cho Chư Ðạo Hữu lưỡng
phái.
Rồi kế đây, đông mãn, xuân sang, chầu lễ Ngươn
Ðán, Hội Thánh chúc mừng Tân xuân cho cả thảy chư Ðạo Hữu lưỡng phái.
Chúng ta vui mừng vì có Ðức Lý Giáo Tông cầm
quyền. Chúng ta cầu nguyện xin Ngài đem sức Thiêng liêng giúp anh em chị em
chúng ta siêng năng sốt sắng đặng mau lập thành Chơn Ðạo.
Tôi chúc mừng cho anh em, chị em, tinh thần minh
mẫn, hết lòng hòa nhã, thảo thuận, đặng trông vào cảnh thiên nhiên, biết rõ cơ
mầu và lo vun trồng cây đức, độ rỗi nhơn sanh lo làm lành, tránh được hung ác,
lánh xa cuộc loạn ly làm cho đổ máu nhơn sanh, khiến cho Thiên sầu Ðịa thảm.
Làm sao cho cảm lòng Trời,
Sửa cơn ly loạn ra đời an vui.
Sửa thế nguy ra an mới vẹn,
Lấy từ bi, vun quén cây nhân.
Ðừng ham gây oán chác hờn,
Phải hơn đạo đức chớ hơn tài
tình.
Chi chi cũng có khuôn linh ...
Nay kỉnh đốn,
Thượng Ðầu Sư
THƯỢNG TRUNG NHỰT
ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ
(Ðệ Lục Niên)
TÒA THÁNH
-----
Số:
11
CHÂU TRI
- Cho Chư Chức Sắc Thiên Phong,
- Chư vị Chủ Thánh Thất,
- Chánh Phó Trị Sự và Thông Sự,
- Chư Ðạo Hữu lưỡng phái,
Chư Hiền Hữu,
Trong 5 năm rồi, nền Ðại Ðạo biết bao khổ não
truân chuyên mà tai nạn còn chưa dứt!
Ôi! Mới rồi đây, trong bị Tà quyền tàng ẩn, xô cho
chúng ta dang nhau, kẻ tính độc quyền, người toan tự lập, cắn rứt nhau như kẻ
khác nhà, gà riêng ổ.
Ngoài người chưa rõ chơn lý Chánh Truyền của Ðại
Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ, lại nghe nội công, vì hờn riêng mà phản đối, nên đem lời
kích bác Thánh Giáo.
Ấy cũng một hồi thử thất, một lúc khảo căn tu.
Khuyên chư Ðạo Hữu chớ sờn chớ rúng, bền lòng chặt dạ, dìu dắt nhau qua khỏi
sông mê.
Ðạo khai để tạo thế, sửa đời. Có thiếu mới có tạo,
có hư mới có sửa. Vậy thì cái khổ tạo thế, sửa đời vẫn là phận sự của chúng ta
đã hẳn. Phải biết phận mình mới an tâm, tỉnh trí, liệu thế chuyển xây. Ðã khó
ắt có hay đã gay thì có thuận, bền chí xem mảy mún cơ đời.
Ðã lâu rồi Ðức Lý Giáo Tông cho biết cuộc biến của
Ðạo ngày nay.
Xin xem bài thơ dưới đây thì rõ:
Màn trời đặng vẹt ngút mây
trương,
Bước đến đài hoa thấy tỏ tường.
Ngọc sáng non Côn đà gặp nẻo,
Lối mòn động Bích chớ lầm đường.
Chánh tà hai nẻo tua tìm chước,
Hư thiệt muôn phần gắng định
phương.
Mê tỉnh chuông khua, phân biệt
tiếng,
Rừng thiền nô nức loáng mùi
hương.
CHƯƠNG [ 1 ] [ 2 ] [ 3 ] [ 4 ] [ 5 ]
Home. Mục Lục: [ 1 ] [ 2 ] [ 3 ] [ 4 ] [ 5 ] [ 6 ] [ 7 ] [ 8 ] [ 9 ] [ 10 ] [ 11 ] [ 12 ] [ 13 ] [ 14 ] [ 15 ] [ 16 ] [ 17 ] [ 18 ] .