Lời chê bai kích bác là thường tình, thế sự, mình cứ mắt ngơ tai điếc, lo tuân theo y Tân Luật mà hành đạo thì đủ rồi, vì Tân Luật làm cơ qui nhứt của Tam Giáo.
Tôi xin sao lục Thánh Ngôn của Thầy hồi năm Bính
Dần ra sau đây, xin Chư Hiền Hữu coi và chiêm nghiệm thì hiểu rõ cái tôn chỉ
của Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.
Ngày 14 tháng 7 năm Bính Dần
Ðàn tại Vĩnh Nguyên Tự
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ
VIẾT CAO ÐÀI GIÁO ÐẠO NAM PHƯƠNG
Hỉ Chư Môn Ðệ,
Lịch: Mời cả Chư Môn Ðệ Minh Ðường của Thầy ra
nghe dạy.
Cười ... Các con đừng quấy tưởng rằng vì chia
Phái, mà riêng Ðạo. Thầy cắt nghĩa các con nghe.
Nguyên từ buổi bế Ðạo, tuy Chánh Pháp ra cũ mặc
dầu, chớ kỳ trung thọ đắc kỳ truyền, luật lệ tuy cũ, chớ Ðạo vẫn như nhiên, do
công đức mà đặng đắc Ðạo cùng chẳng đặng, nhưng mà có một điều là Ngọc Hư Cung
bác luật, Lôi Âm Tự phá cổ, nên tu nhiều mà thành ít. Vì vậy cho nên các con
coi thử lại từ hai ngàn năm nay bên Á Ðông đã đặng bao nhiêu Tiên, Phật. Các
con duy biết có một mình Huệ Mạng Kim Tiên mà thôi. Mạng đổi, chớ luật lệ chưa
hề đổi, vì vậy, Thầy buộc các con tùng Cựu Luật, đặng qui phục Tam Giáo làm
một.
Các con coi nghĩ sự tu hành khổ hạnh dường nào,
đời mạt kiếp nầy dữ nhiều lành ít. Nếu Thầy chuyển pháp lại, thì chưa ai tu
đặng trọn Ðạo, nên Thầy lựa Ngọc Ðầu Sư trong hạng thiếu niên mới có đủ công
phổ độ. Trong phần nhiều các con chưa vừa lòng cho LỊCH ngồi địa vị ấy, cho nên
có điều cản trở trong sự truyền Ðạo. Thầy cũng nhìn như vậy, song vì tiền kiếp
LỊCH là nhờ đức TIỂNG, nên Thầy mới phú thác cái trách nhiệm tối đại ấy cho nó.
Các con đều có Chức Sắc chẳng lớn thì nhỏ, đều thọ Thiên Phong nơi Thầy.
Cứ giữ gìn phẩm vị các con, nhưng Thầy có một điều
yếu thiết là cầu các con lập nhiều công quả nơi trường Thầy sáng tạo cho khỏi
phế hủy nửa chừng. Các con khá gìn luật lệ cho tới ngày Thầy lập thành Tân
Luật. Thành cùng chẳng thành, cũng do tại nơi Thầy. Ðương lúc Thầy khởi Ðạo,
thì luật pháp rẻ rúng đặng dụ kẻ biếng nhác. Các con đừng phế phận.
Thầy ban ơn cho các con
THĂNG
Ngày nay Ðại Ðạo lại ban hành Pháp Chánh Truyền
Chú Giải, thì Tân Pháp đã đoạt đặng.
Xin Chư Ðạo Hữu, Ðạo Tỷ, Ðạo Muội lãnh mà coi, thì
rõ huyền bí trong Ðạo.
Về việc Hành chánh trong Ðạo, thì có Nghị Ðịnh của
Ðức Giáo Tông phân quyền rành rẽ cho Chức Sắc Thiên Phong.
Xin Chư vị Thiên Phong rán lo sắp đặt Chánh, Phó
Trị Sự, và Thông Sự cho có quyền đặc biệt.
Mỗi làng, cử một Chánh Trị Sự.
Mỗi xóm có một Phó Trị Sự và một Thông Sự coi dìu
dắt mấy chục Ðạo Hữu, phải biên tên họ ra và ký tên trong sổ.
Chánh Phó Trị Sự và Thông Sự cứ lo khuyên Ðạo Hữu
làm lành lánh dữ, đừng dự vô cuộc loạn ly hay là việc chi trái đường đạo đức.
An phận tùy duyên, lo làm ăn, khi rảnh thì sùng bái Trời Phật.
Thường ngày được vậy, thì khỏe khoắn tinh thần, đã
yên lòng mình thì chớ, lại thuận lý Trời, xưa nay, thung dung tự toại, an nhàn,
vui vẻ mà ngâm câu của Thánh Hiền đã dạy:
Giàu ngày ba bữa khó ba chiều,
An
phận là hơn hết mọi điều.
Khát uống trà mai, hơi bát ngát,
Nực kề hiên trước, gió hiu hiu.
Giang san tám bức là tranh vẽ,
Hoa thảo bốn mùa ấy gấm thêu.
Ðỏng đảnh khuya nằm, sớm thức,
Khác chi dân thuở đời Nghiêu.
* * *
Hôm mai gió thổi hiu hiu,
Cỏ hoa là bức gấm thêu nên đồ.
Thanh u sẵn cảnh bốn mùa,
Lựa là cứ chốn giang hồ mới vui?
Cảnh ưa, lâu cũng quen mùi,
Bên song hóng mát, nhớ người hòa
thi.
Hẹp hòi nào sá quản chi,
Phen thì dặm liễu, phen thì ngần
mai.
. . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . .
Vắn tắt ít lời khuyên nhủ, xin Chư Ðạo Hữu lãm
tường.
Tòa Thánh, Rằm tháng 2 Tân Mùi.
Thượng Ðầu Sư
THƯỢNG TRUNG NHỰT
ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ
(Ðệ Lục Niên)
Tòa Thánh, le 18 Avril 1931
(Ngày 30 tháng 2 năm Tân Mùi).
TÒA THÁNH
-----
Số:
15
CHÂU TRI
- Cho Chư Chức Sắc Thiên Phong,
- Chư vị Chủ Thánh Thất,
- Chánh, Phó Trị Sự và Thông Sự,
- Chư Ðạo Hữu Lưỡng Phái.
Chư Hiền Hữu,
Ðạo có một, một gốc, một nguồn mà thôi. Hồi xưa
Phật, Tiên, Thánh, mỗi khi truyền Ðạo có người trong Ðạo tẻ ra tự lập, chia
phe, phân phái, rốt cuộc rồi vẽ rồng thành rắn; xin Chư Hiền Hữu xét kỹ coi, cổ
hà, kim hà?
Từ hồi Ðại Ðạo Tam Kỳ hoằng khai tới giờ, trong
nền Ðạo có lắm điều trắc trở truân chuyên là vì không giữ trật tự, không có hòa
thuận với nhau, mà huyền bí trong Ðạo là hòa, là trật tự, khiêm cung lễ nghĩa.
Nhiều khi Ðấng Chí Tôn hỏi:
"Các con thấy trong Càn khôn
Thế giới, nội trong vạn vật, Thầy hóa sanh ra có giống nào mà không trật tự,
đẳng cấp chăng?"
Luôn dịp tôi cũng biên ra đây mấy lời khuyên đời
của một vị hiền triết:
Ong
kiến là loài rất tế vi,
Nó
còn ưu ái chẳng quên nghì.
Làm
người
ví biết hai điều ấy,
Thử hỏi ai mà lại dám khi?
Chúng ta học làm được như loài kiến vậy, tưởng
cũng tốt.
Hồi năm Mậu Thìn, Ðức LÝ GIÁO TÔNG giao cho Ông
Phối Sư Thái Ca Thanh lập chương trình Hiến Pháp. Ngày 14 tháng 7 Mậu Thìn (28
Aout 1928) khi Lễ Trung Ngươn có nhóm Hội Thánh, có lập vi bằng ký tên. Tôi xin
lục rút tờ Vi Bằng ấy ra sau đây cho Chư Hiền Hữu xem:
Tòa Thánh Tây Ninh, le 28 Aout
1928
VI BẰNG
Chiều ngày 14 tháng 7 Annam,
năm Mậu Thìn, y theo tờ mời nhóm của Hiệp Lý "Cửu Trùng Ðài",
các Quản Lý "Cửu Viện" tựu tại Tòa Thánh hồi 7 giờ
tối với các Chức Sắc Thiên Phong có mặt kể ra sau này:
Ông Phối Sư Thái Ca Thanh đọc
chương trình Hiến Pháp.
CHƯƠNG TRÌNH HIẾN PHÁP
CHƯƠNG THỨ V
Ðiều thứ 22: -Nghiêm cấm trong Ðạo không ai đặng
lấy danh Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ và dùng THIÊN ÂN, THIÊN NHÃN mà đề vào bìa Kinh
sách, Bố cáo, vân vân... hay là in Thánh Tượng, Kinh sách (bán hoặc phát không)
nếu Kinh sách và Thánh Tượng ấy không có trình ban kiểm duyệt xem xét trước và
đóng con dấu kiểm duyệt.
Ðiều thứ 23: - Ai phạm nhằm hai điều lệ trên đây
thì các Kinh sách, Tượng ấy phải đem nạp cho Tổng Lý hủy bỏ. Người có lỗi ấy sẽ
giao về Bình Viện phân đoán, chiếu theo điều lệ thứ 9 (Chương III)
Thảng như người ngoại Ðạo mà phạm nhằm điều lệ thứ
22 thì Quản Lý Nội Viện chạy tờ Châu Tri cho Chư Ðạo Hữu các nơi biết, mà không
dùng đến Kinh sách, Tượng in sái phép ấy.
Ðiều thứ 24: -Kể từ ngày ban hành "Chương
Trình Hiến Pháp" duy có một mình Hội Thánh "Cửu
Trùng Ðài" được quyền in Kinh sách, Tượng để hiệu "Ðại
Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ".
Lập tại Tòa Thánh, ngày Rằm tháng bảy năm Mậu
Thìn.
Ký tên:
Chưởng Pháp:
Trần Ðạo Quang
Ðầu Sư:
Thượng Trung Nhựt - Ngọc Lịch Nguyệt
Chánh Phối Sư:
Ngọc Trang Thanh - Thượng Tương Thanh - Thái Thơ
Thanh
Phối Sư:
Thái Ca Thanh - Thái Bính Thanh
Giáo Sư:
Thượng Thành Thanh - Thượng Giảng Thanh -
Thượng Vinh Thanh (Nguyễn thế Vinh) -
Thượng Lai Thanh - Ngọc Tựu Thanh
Giáo Hữu:
Lê Châu Trì - Lê Văn Sanh - Ðỗ Quang Ngự -
Trần Quang Minh - Tuyết Tấn Thành
Lễ Sanh:
Nguyễn Văn Phùng
Lục rút y bổn chánh lưu tại Tòa Thánh.
Thượng Ðầu Sư
THƯỢNG TRUNG NHỰT
Tôi cũng xin sao lục Thánh Ngôn của Ðấng Chí Tôn
hồi năm 1928 cho Chư Hiền Hữu xem:
THẦY, các con.
Trung! Thầy đã nhiều phen để lời khuyên nhủ các
môn đệ về việc dùng công tâm hòa thuận mà hành đạo cho vuông tròn phận sự, mà
Thầy những buồn trông thấy các con chưa gì đã vội phân tay chia nẻo, mỗi đứa
đều lấy sự háo danh cầu tiếng mà quên cả nghĩa vụ xứng đáng của Thầy đã lắm
phen ký thác.
Thầy dẫn các con đến khỏi mấy nơi khốn cùng rồi,
mà các con chưa để hết tấc thành, chung lo đặng ngăn ngừa những gay trở xảy đến
sau nầy nữa, thì nền Ðạo thế nào lập thành cho kịp ngày giờ mà vớt muôn ngàn
sanh chúng. Một đứa vun quén, mười đứa cản ngăn, nhỏ lớn chẳng phân minh, xem
Thiên tước của Thầy ban, dường như một chức vô vị ở cõi trần. Lấy thế lớn, bực
cao mà ép đè hạnh nhiều, đức cả.
Than ôi! Các con xa Thầy chưa mấy ngày thì mối Ðạo
lớn lao đã thành nên một bàn hội vô giá trị ở cõi trần thế nầy. Mấy đứa mong
chác sự phá hoại ấy lại là mấy ngọn đèn của Tòa Tam Giáo khêu lên để dìu đường
cho cả chúng sanh nữa thì con phải nghĩ đến hành trình của Ðạo phải đến thế
nào? Công chỉ dẫn của Thầy đã lững đững theo giọt thủy triều mà rốt cuộc lại,
bến khổ cũng chưa xa, ngôi xưa còn lánh mãi. Thảm thay! Tiếc thay! Thầy đã nói
bầy hổ lang, lũ quỉ mị đã sẵn bên mình của mỗi đứa, mà con lớn nhỏ gì cũng
chẳng để ý đến, Thầy nắm cân Thiêng Liêng, há dễ để tay sửa nét công bình sao?
Nhiều đứa lại chẳng kể đến lời Thầy gì cả. Ôi! Con ngỗ nghịch tránh sao chẳng
vướng Thiên Ðiều khổ đọa, chúng nó đã gieo ác cảm lừng đến Tam Giáo Ðài, thế
thì bước đường sau nầy Thầy khó cứu rỗi được.
Con đã để hết tấc thành vào Ðạo, thế mà cũng khó
gỡ sự rối rắm ấy, buộc Thầy phú rủi may của chúng nó cho Tòa Tam Giáo định
liệu. Còn sự tự hối của mỗi đứa sau nầy ra sao, thì cân tội phước cũng vì đó mà
châm chế.
Trước khi ngưng cơ, Thầy cho lịnh DÙNG CƠ BÚT THẾ
NÀO, Thầy tưởng mỗi Thiên Phong đều đặng Thánh Ngôn của con ban hành, sao còn
có ra đến việc bất minh ấy, là con chẳng nói tất cho mỗi Thiên Phong rõ và ban
hành Thánh ý, để cho chúng nó chác lỗi vào mình, thì con cũng không khỏi chia
một phần trong ấy.
Từ đây sao lục Thánh Ngôn nào không có con ký tên
và không có con dấu ấn tích của con, thì Chư Tín Ðồ của Thầy được phép không
nhìn nhận.
Sao
lục y bổn chánh,
Thượng Ðầu Sư
THƯỢNG TRUNG NHỰT
Ngày nay, nhiều Chức
Sắc Thiên Phong tự tôn, tự đại, chấp bút cầu cơ rồi in Thánh Ngôn, Kinh sám,
không màng, không do Hội Thánh.
Như quyển Tu Chơn Thiệp Quyết, Thánh Giáo Chơn
Truyền, Thánh Ngôn về Chánh Tà Yếu Lý (Thánh Thất Bạc Liêu, Rạch Giá, Mỹ Tho)
cũng lấy danh Ð.Ð.T.K.P.Ð. để ngoài bìa cho Ðạo Hữu Lưỡng Phái và Nhơn sanh tin
tưởng lầm của Ðại Ðạo Tam Kỳ nảy ra.
Nhiều vị cũng chấp bút, cầu cơ, phong Giáo Sư,
Giáo Hữu, Lễ Sanh, rồi sắm sắc phục và đi các nơi cho Ðạo Hữu biết tước phẩm
mình và khoe khoang chỉ cho người luyện Ðạo, khoe mình huyền diệu, vân vân...
Những sự việc xảy ra đây làm cho tôi nhớ lời Thánh
Giáo của Ðức Thái Thượng nói tiên tri rằng:
"Rồi đây có kẻ muốn tẻ nẻo,
người toan tự lập, trường công quả lao nhao lố nhố.
Người hành đạo không tôn ti cao
hạ, tranh tranh, lấn lấn khác nào như nước không vua, nhà vắng chủ. Cái chất
mảy mún thiêng liêng của Ðức Chí Tôn gieo vào lòng dạ; vì Tà Thần, lần hồi tiêu
tan theo luồng gió. Nhìn lại cho rõ, thì ai cũng còn mang nặng trịu xác thịt,
thân phàm.
Xảo trá chưa sánh đặng cùng Tào
Mạnh Ðức, chí lớn lo xa chưa bì với Tôn Quyền, đoạt máy Thiên Cơ chẳng bằng
muôn một của tài Gia Cát, mà nền Ðạo đã khởi muốn chia ba".
Bởi các cớ ấy, nên Ðức Lý Giáo Tông dạy phải lọc
lừa Chức Sắc Thiên Phong lại.
Bởi muốn ngăn ngừa mấy việc bất chính ấy.
Bởi muốn cho Ðạo Hữu lưỡng phái đừng lầm nghe
những người, vì hờn riêng, nên đi gieo ác cảm đặng chia lìa con cái của Thầy ra
tan tành, manh mún, dường như khuấy tan niềm ân ái, công trình Thầy un đúc xưa
nay.
Nên từ đây:
Chư Chức Sắc Thiên Phong, Ðầu Họ, Ðầu Quận Ðạo, đi
phổ thông thì có Tờ Thuyên Bổ của Tòa Thánh ban quyền.
Mấy Tờ Thuyên Bổ trước khi lập Tòa Tam Giáo, thì
hủy bỏ hết. Tòa Thánh nhìn nhận Tờ Thuyên Bổ ra sau khi Tòa Tam Giáo. Nghĩa là:
từ ngày mồng một, tháng chạp, năm Canh Ngũ (1930) sắp tới mà thôi.
Còn tại Tòa Thánh có sai ai đi việc chi trong Ðạo,
thì có giấy "Ordre de route". (Lộ trình thơ)
Bất luận Thiên Phong, Chức Sắc hay là Ðạo Hữu đi
truyền hay là nói chuyện chi mà không có trình giấy tờ nói trên đây thì là
người giả dối, mạo quyền hay là vì hờn riêng mà đi sanh chuyện phá rối trong
Ðạo.
Xin lưu ý:
Tòa Thánh không nhìn nhận mấy quyển "TU
CHƠN THIỆP QUYẾT, THÁNH GIÁO CHƠN TRUYỀN, THÁNH NGÔN" của (Thánh
Thất Bạc Liêu, Rạch Giá, Mỹ Tho).
Ai không tuân thì sẽ bị tội.
Rồi đây sẽ lọc lừa Thánh Thất không tùng Tòa
Thánh, thì Tòa Thánh không nhìn Thánh Thất ấy là của Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ nảy
ra.
Xin Chư Hiền Hữu rán lập thế phát Châu Tri nầy ra
cho nhiều cho Chư Ðạo Hữu lưỡng phái lãm tường.
Nay kính,
Thượng Ðầu Sư
THƯỢNG TRUNG NHỰT
ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ
(Ðệ Bát Niên)
TÒA THÁNH TÂY NINH
Tòa Thánh, ngày 24 tháng 5 năm Nhâm Thân
(Le 27 Juin 1932)
Kính cùng Chư vị Thiên Phong Nam
Nữ,
Chư vị Chủ Thánh Thất, cùng Chức
Sắc
và Chư Ðạo Hữu lưỡng phái.
Chư Hiền Hữu, Chư Hiền Muội,
Từ ba tháng nay tôi mang bịnh, nên phải an nghỉ
không đặng gần gũi với Chư Hiền Hữu và Chư Hiền Muội.
Trong lúc tôi an nghỉ thì tôi có suy xét, thấy ba
phương diện trong căn bịnh của tôi:
1/. Một phương diện là theo căn số của tôi năm nay
phải mang nạn to, mà nhờ có tu, nên Trời độ qua khỏi nạn, điều cũng phải mang
bịnh một ít lâu, ấy là cân công bình thiêng liêng.
2/. Một phương diện thứ nhì nữa, là tôi có tội với
Thần Thánh Tiên Phật vì cầm mối Ðạo không vững, nên phải đau chốc ba tháng.
3/. Một phương diện thứ ba là cơ thử Thánh, coi có
ngã lòng đổi chí chăng? Và coi trong nền Ðạo có kết mối thương tâm bác ái
chăng?
Phép Trời Phật mầu nhiệm, hư hư thiệt thiệt chúng
ta mang nặng xác phàm làm sao hiểu thấu.
Có lời Thánh Giáo của Ðức Lý Giáo Tông ngày mồng 5
tháng 11 năm Canh Ngũ (24 Décembre 1930) dạy rằng:
"Lão nên nói rõ rằng: Cơ
thưởng phạt của Thiên thơ thì lắm điều trái hẳn với trí người tưởng tượng. Có
nhiều khi lấy cơ thưởng của hữu hình mà làm hình phạt vô vi, mà cũng có khi lấy
phạt hữu vi mà thưởng thiêng liêng công nghiệp. Vậy cái thưởng cái phạt của Lão
dùng điều đình Thánh Giáo, nhiều khi chư Hiền Hữu, chư Hiền Muội không phương
thấu lý đặng, nên khá dè chừng, đừng vội luận nhảm bàn khùng mang tội thiêng
liêng rất uổng".
Trong buổi tôi mang bịnh, tôi thấy rõ trong nền Ðạo
có thân mật cùng nhau và bác ái với nhau lung lắm: Ðạo Hữu mỗi nơi xa Tòa Thánh
không thể viếng thăm tôi đặng thì cũng đồng tâm rập trí với nhau đặng cầu
nguyện cùng Ðại Từ Phụ cho tôi mau lành mạnh, đặng dìu dắt chư Ðạo Hữu lưỡng
phái. Còn chư Ðạo Hữu lưỡng phái ở Tòa Thánh hay là ở gần Tòa Thánh cũng vậy
đều lắm công phu trong việc nuôi dưỡng tôi và thuốc thang không ngớt, không giờ
khắc nào mà chị em anh em không lo cho tôi.
Hồi ở thế, tôi cũng gần nhiều bậc quan lớn, nghiệp
cả ngôi cao, và gần nhiều nhà phú hào có sẵn tay chơn bộ hạ nhứt hô bá ứng, mà
mấy bậc ấy không đặng ân huệ của Trời ban, khiến cho nhơn sanh thương đều cả
như tôi ngày nay vậy. Ấy là ân của Ðại Từ Phụ ban cho những người bỏ dữ theo
lành, thuở nay trong nước Nam ta chưa đặng thấy mối thương tâm như ngày nay
vậy. Thiệt là từ hồi tạo Thiên lập Ðịa tới giờ chưa thấy sắc dân nào được ân
huệ như vầy.
Xin chư Hiền Hữu lưỡng phái phải rán chiêm nghiệm
ân huệ quí báu vô giá trị của Thầy rưới cho trong nền Ðạo. Trước lui sau tới
cũng đều được vậy.
Tôi mới vừa đặng khỏe trong một tuần nay nên rán
đặt mấy lời cảm tạ lòng bác ái thương tâm của cả trong nền Ðạo, cầu nguyện xin
Ðức Ðại Từ Bi ban ân lành cho chư Ðạo Hữu lưỡng phái.
Luôn dịp, tôi xin cắt nghĩa cơ thử Thánh hơn một
năm rồi cho chư Hiền Hữu rõ.
Khi có một mình tôi lo việc hành chánh tại Tòa
Thánh, tôi có nói trước như Châu Tri số 48 ngày 2 Aout 1930 kế đây để chư Ðạo
Hữu lưỡng phái rõ:
Số:
48
ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ
(Ðệ Ngũ Niên)
Tòa Thánh, le 2 Aout 1930.
Kính cùng Chư Ðạo Hữu lưỡng phái,
Buổi nầy là lúc thử Thánh, cho nên có xảy ra nhiều
trở ngại bước đường của Ðạo và tai nạn của Chư Ðạo Hữu.
Vậy Chư Ðạo Hữu hãy giữ lòng gan dạ sắt của Thầy
đã un đúc bấy lâu mà chống chỏi với những cơ thử Thánh đó, thì sẽ đi cùng bước
Ðạo.
Có nhiều Ðạo Hữu chẳng quản khó nhọc mà ra công đi
khuyến nhủ Chư Ðạo Hữu cho đặng tâm thành đức vẹn, ấy là một sự công quả rất
lớn lao.
Nay kính,
Thượng Ðầu Sư
Chưởng Quản Toà Thánh
THƯỢNG TRUNG NHỰT
Sau Châu Tri nầy mấy tháng thì khiến có việc làm
cho nền Ðạo phải chinh nghiêng trắc trở mường tượng như thuyền Bát Nhã bị bão
tố chơi vơi giữa biển, người cầm lái phải ngất ngơ ngất ngưỡng.
Thiên cơ phải vậy. Thầy có tiên tri ngày 20 tháng
6 năm Bính Dần. Lời Thánh Giáo của Thầy có in trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển
trương 31 và 32.
Tôi cũng xin tỏ cho Chư Hiền Hữu rõ biết rằng khi
Ðức Lý Ðại Tiên tái cầm quyền Giáo Tông, Ngài thấy Tà quái lẫn lộn trong nền
Ðạo nhiều lắm, nên Ngài làm cho chường mặt những người phá Ðạo rõ ràng cho chư
Ðạo Hữu ngó thấy xa lánh.
Có Thánh Giáo của Ngài, tôi xin sao lục dưới đây
cho Hiền Hữu xem tường tận:
BỬU ÐIỆN TÒA THÁNH, ngày mồng một
tháng 7 năm Tân Mùi (14 Aout 1931).
ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ, LÝ GIÁO
TÔNG
Chào Chư Hiền Hữu, Chư Hiền Muội. Có Ðấng CHÍ TÔN
ngự, Chư Hiền Hữu, Chư Hiền Muội mừng Người.
Thượng Trung Nhựt, nay Lão đã nhượng nửa quyền
hành cho đó, là cố ý để mắt coi Hiền Hữu đáng phận cùng chăng? Lão đã hạ mình
bỏ quyền Nhứt Trấn, lãnh việc Giáo Tông mà lập vị cho đoàn em bước đến. Lão đã
lắm phen thấy điều khó khăn, mắc mỏ của phần ấy nên ra tay giục loạn đặng phân
rõ Chánh Tà hầu giúp phương cho Hội Thánh trừ khử.
Lão để mắt coi cái công bình phàm của Chư Hiền Hữu
giữa TÒA TAM GIÁO là dường nào. Lão lại còn thấy công bình thiêng liêng mà để
phương cho mỗi phạm nhơn cải lỗi lấy mình, ấy là thể lòng từ bi của CHÍ TÔN,
bằng chẳng thì Lão đã hạ cơ trục xuất cả thảy. Chư Hiền Hữu đừng tưởng lầm
rằng: Vì Ðạo chinh nghiêng mà buộc Lão tùng Ðời, ấy là lời tiên ngôn của Lão đã
hứa quyết.
Hiền Hữu làm thế nào cho vừa trách nhậm thì làm
cho Lão xem thử.
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Bởi Thiên cơ tiền định, nên nền Ðạo phải chịu
truân chuyên cả năm rồi. Cũng một phương khảo đảo làm cho chúng ta phải từ tâm
mà xét lỗi của mình.
Tôi hằng nói:
Nội trong nền Ðạo từ lớn chí nhỏ ai cũng có lỗi,
ai cũng có sai lầm, vì lòng nôn nóng lo cho Ðạo không thành lập, sợ để trò cười
nơi thế.
Từ bảy năm rồi chúng ta đây như một đám học sanh,
từ thuở nay bị trò đời dìu dắt, vùi trong cuộc vinh huê phú quí, ham mùi chung
đỉnh bả vinh hoa, tranh tranh đấu đấu, khoe tài trí, có biết Ðạo là gì? Tu làm
chi? Nhờ Ðại Từ Phụ thấy bầy con dại đang chui trong hang sâu vực thẳm, bị lượn
sóng vô tình gần chụp lấy, Thầy ngồi Huỳnh Kim Khuyết chẳng an nên lo phần thức
tỉnh đám thơ ngây, lùa chúng ta vào trường học Ðạo.
Bầy con hoang xa cách bấy lâu mới đem về đặng. Bởi
câu PHỤ MẪU ái tử vô ngằn nên Cha khó dạy con, Thầy mới giao cho Ðức Lý Ðại
Tiên dạy bảo mấy năm vừa sửa tánh hoang đàng, táo bạo chút ít, kế tới kỳ thi
chấm công quả Ðức Lý Ðại Tiên sắp từ bực cho có đẳng cấp mà dạy thêm, ngỏ hầu
nhập trường Cao Ðẳng, chớ nào có một ai trong sạch lập thành chí Thánh.
Công lao của Ngài đáng mấy với lũ con hoang của
Thầy.
Tội câu kết muôn năm uế trược đầy mình, mới tắm ít
gáo làm sao sạch đặng. Công trình Từ Phụ như thế mà cũng chưa vừa lòng làng xa
mã. Than ôi! Có kẻ trốn trường bỏ học (nhập môn rồi không thờ không hành đạo)
lắm người tính làm reo (grève) phá Ðạo, chuyên quyền tự lập, dỗ dành những
người tâm thành đức vẹn theo mình đặng tôn mình là một ông Tôn Sư tại thế. Tội
tình biết mấy! Xa Thầy tách bạn, theo tình mới, bỏ nghĩa xưa, là người phi
nghĩa, vương nhơn chi ác, bán cú phi ngôn tổn bình sanh chi đức.
Biết như vậy, chớ tôi vừa thức tỉnh nghĩ lại ai
cũng còn mang nặng xác phàm sao cho khỏi lầm lạc nên tôi cũng cất đầu lạy xin
anh em chị em dứt tánh phàm, rèn lòng nhẫn nại khỏa lấp các việc tình tệ xưa
nay trở lại Tòa Thánh thìn lòng học Ðạo ngõ hầu trở về cùng Ðại Từ Phụ kẻo
Người trông đợi.
Tôi cũng phát nguyện cùng Ngọc Hư, nghiêng vai
gánh vác tội chung của chúng ta hết, dầu tôi phải chuyển thế đời đời công quả
đặng chuộc tội cho cả thảy con cái của Thầy thì tôi cũng cam lòng chịu, miễn
cho cả thảy về cùng Thầy, thì tôi cũng phỉ nguyện ở chốn nầy độ chúng.
Lòng trông Ðạo Hữu thứ dung,
Hiệp nhau lo Ðạo hưởng chung
phước Trời.
Nay kỉnh đốn,
Thượng Ðầu Sư
THƯỢNG TRUNG NHỰT
Ai Ðiếu
Cho Vương Thành Tông PHỐI SƯ
THƯỢNG TÔNG THANH
Qui liễu ngày 24 tháng 10 năm Quí Dậu (1933)
Quí Ông, Quí Bà, Chư Ðạo Hữu lưỡng phái,
Gió thu phưởng phất như gợi cơn
sầu,
Tiết đông lố dạng dường soi mạch
thảm.
Kìa rừng Thiên Nhiên cây sầu lá
ủ,
Ðây miền Thánh Ðịa cỏ úa sương
gieo,
Thảm thiết bấy trọn tháng trường
mưa sa.
Não nồng thay trót tuần hoa sầu
rỉ rả!
Ấy cảnh bi ai Trời cho biết trước một vị Ðại Thiên
Phong phải qui liễu. Tôi cùng Ðức Hộ Pháp có dạ nghi ngờ, nên cầu hỏi Diêu Trì
Cung cho biết chắc Hiền Hữu Thượng Tông Thanh phải qui liễu. Tình đồng đạo kẻ ở
người đi xưa nay vẫn có.
Trước khi khép nấm mồ.
Tôi xin bày tỏ lai lịch của Thượng Tông Thanh ngõ
hầu ngày sau ghi trong Sử Ðạo.
Hiền Hữu Thượng Tông Thanh sanh trưởng Trung Huê,
Quảng Ðông Tỉnh, Triều Châu Phủ. Vì câu: Làm trai hồ thỉ tứ phương, nên thuở 18
tuổi trải qua Nam Việt, hồi buổi ban sơ theo người đồng hương ở Chợlớn lập thân
lần đầu, nhờ tánh tình siêng năng hay lo cần kiệm mới có tư bổn riêng, lên Soài
Riêng khẩn đất sắm vườn lập nên cơ nghiệp, Trời khéo đưa duyên kết Châu Trần
người Nam Việt, sanh con, sanh cháu thiệt đông, nhành quế nảy chồi Chi Lan đượm
nhánh, phước hậu nhờ nhiều cháu, nhiều con ít ai bì kịp.
Người Trung Quốc mà lòng rất mến Nam Thổ, tánh
tình độ lượng bao dung ngoài xóm làng cũng ngợi khen, gặp người hèn ra tay tế
độ, lòng hằng chẳng vạy chẳng tham, nên người Annam và Cao Miên tôn lên làm
Hương Cả, giúp việc Ðình, việc Miễu, tu kiều bồi lộ chẳng tiếc công và của, âm
chất người đều bổ tứ phương, chí hào kiệt qui dân lập ấp, lòng kia không ngớt,
của tiền bù sớt cho anh em Nam Thổ như thể đồng hương.
Tháng qua, ngày lụn tuổi sáu mươi dư, lòng thiết
thiết tư tư muốn tầm chốn u nhàn, tu tâm dưỡng tánh. Nghe Gò Kén Thiền Lâm Trời
khai Ðại Ðạo, lúc Hạ ngươn năm Bính Dần, thiên hạ tứ phương dư ngàn cầu Ðạo.
Thầy giáng cơ kêu: Trung, con mời Vương Thành Tông vô đây Thầy dạy việc. Tôi
cùng mấy Môn đệ của Thầy hồi đó không biết kêu ai, nên tôi phải kêu lớn lên,
Hiền Hữu Thượng Tông Thanh mới vào đàn nội, tôi biểu trình giấy thuế thân và tờ
Sớ thì rõ như tên của Thầy giáng viết ra, Thầy thâu Hiền Hữu Thượng Tông Thanh
ở luôn tại Chùa lo làm công quả. Nào làm Thông ngôn tiếng Ðàn Thổ, nào thâu Sớ
nhập môn, phát Kinh sách, lo lúa gạo nuôi người tới lui được ba tháng trời,
bước qua năm Ðinh Mão, Thầy mới phong Thượng Tông Thanh Phối Sư Phái Thượng.
Ðây qua năm Ðinh Mão lúc hạ tuần Thượng Ngươn đất
bằng sóng dậy. Trời đang thanh bạch khiến ngút tỏa mây giăng, mối Ðạo hằng mang
ách nạn, nhà thoàn đòi đất Chùa phải trả mau mau vì có đơn vào Chánh Phủ.
Bốn muôn dư Ðồ đệ của Ðấng Chí Tôn lòng dạ ủ ê,
ngồi nhìn cảnh non sầu tuyết phủ, giọt lệ tuôn dầm, lo dời quả Càn Khôn cốt Phật
Tổ, Tòa Bát Quái, Tượng Ngũ Chi phải đem qua đất mới Long Thành nơi Ðại Từ Phụ
và Ðức Lý đã chọn. Hết lớp dời Chùa tới cường quyền áp chế, nếu kể hết truân
chuyên khổ não thì Hiền Hữu Thượng Tông Thanh đồng chịu ráo. Tôi nhớ lắm khi
hết gạo tôi cùng Hiền Hữu Phối Sư Tông lo sắp lo ngửa đặng nuôi Ðạo Hữu nhứt là
Bắc Chiên và Soài Riêng bị lụt, Tòa Thánh phải nuôi ăn hàng ngày trên hai ngàn
miệng ăn. Người hùng anh, chí chẳng hề xao lảng, giữ một dạ thủy chung như
nhứt, thương mấy hồi khốn cực nhiều nỗi, bị nhiều Ðại Thiên Phong áp bức mà
Hiền Hữu Thượng Tông Thanh than cùng tôi rằng: Một lòng son sắt theo cùng tôi
như hồi buổi ban sơ Thầy đã dạy bảo. Vì lòng giao hảo nên một tháng trước ngày
qui liễu, anh kêu tôi và mượn viết tờ di chúc để dạy cho con cháu.
NHỚ TỚI KHI ẤY:
Tay cầm tay ruột tợ kim châm,
Mặt nhìn mặt khôn ngăn giọt lệ!
Hỡi ôi! Người nước khác mà lòng không khác, nghĩ
cùng lý cũng là một cuộc Ðại Từ Phụ tác thành, buộc mối thương tâm, chẳng nệ da
vàng trắng đen tinh thần đều vẫn một, thương là thương cũng một người rường cột
trong nền Ðại Ðạo, đồng cùng nhau chịu mấy nỗi truân chuyên mà đường qui liễu
sớm chầy không cãi số Trời đã định, nơi Bồng Ðảo anh về trước, anh sùng bái
Ðấng Chí Tôn, dương trần em ở lại, còn lo độ chúng. Mừng phận anh rảnh nợ tang
bồng, song em thấy:
Nầy vợ yếu con thơ, dâu hiền cháu dại vắng người
khuyên nhủ. Thảm thiết bấy khoác màn loan, chẳng thấy dạng chồng nhìn bàn thờ
khói hương hiu hắt.
Não nùng thay hé cửa ngõ vắng cha, dòm nhà khách
gió thổi lai rai.
Gẫm cuộc đời nhiều nỗi đắng cay,
Song xét kỹ cũng vì vay trả,
Biết Ðạo mầu có chi là lạ.
Người qui liễu xác thịt lìa xa chớ hương hồn
thường về ám trợ dìu dắt vợ yếu con thơ, giúp Ðại Ðạo về phần vô vi như chúng
ta thường thấy.
Lấp mạch sầu, un đúc đức tin rập cùng nhau cầu
nguyện cùng Thầy độ rỗi hương hồn Phối Sư Thượng Tông Thanh tiêu diêu cõi thọ,
giúp nền Ðại Ðạo dìu dắt chúng sanh rửa sầu thế sự.
THƯỢNG TRUNG NHỰT
ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ
(Ðệ Cửu Niên)
TÒA THÁNH TÂY NINH
BÀI DIỄN VĂN của ÐỨC QUYỀN GIÁO
TÔNG
Ðọc tại Tòa Thánh ngày mồng 8 tháng 4 năm Giáp
Tuất (1934)
VÍA ÐỨC PHẬT THÍCH CA
Về: Phương diện Chánh Thể của Ðạo
Chư Ðạo Hữu cùng chư Ðạo Muội,
Buổi chênh nghiêng Ðạo đã hầu qua, tâm lý toàn con
cái của Ðức Ðại Từ Phụ dường như đặng chững chàng an tịnh đủ để trọn trí thức
tinh thần suy gẫm, nên Tệ Huynh ngày nay toại chí lượm lặt những lời châu ngọc
của Ðức Chí Tôn và các Ðấng Thiêng Liêng thuyết giáo đặng chỉ rõ Thánh ý nơi
nào để cho Ðạo chịu khảo đảo dường ấy. Cái hữu ích của sự khảo đảo sẽ tỏ tường
nơi Bài Thuyết Pháp này, xin chư Hiền Hữu, chư Hiền Muội cố tâm kiếm hiểu.
Các Tôn Giáo đã lập thành tại mặt thế ngày nay đã
đoạt đặng một cái quyền hành hữu vi kiên cố, thì trước kia cũng phải chịu khổ
hạnh nương lấy một quyền hành bạc nhược yếu ớt của tâm lý mà thôi.
Ôi! Quyền hành tâm lý buổi nào thì cũng gặp sẵn
một tay thù địch mạnh mẽ, cường thạnh, oai nghiêm là quyền Ðời hiện hữu; sự
xung đột của quyền Ðời và quyền Ðạo từ cổ chí kim tự nhiên đều có, chúng ta đã
chán biết rằng những quyền lực hành thế đều nương theo tinh thần mà sản xuất;
trứng tinh thần nảy nở sanh quyền lực, vì cớ cho nên các quyền hành đã có đủ
thế lực mạnh mẽ nắm thế trị vào tay, hễ vừa thấy trí thức tinh thần của nhơn
sanh ướm mòi sản xuất một cái trứng quyền hành chi khác nữa, thì đã sợ lưu hại
cho mình nên toan phương đập đổ.
Cuộc kết quả sự phản kháng ấy, hoặc thành hoặc
bại, có ảnh hưởng của tương lai sinh hoạt quyền lực đương nhiên của họ, vì cớ
mà sự xung đột hằng xem dữ dội.
Ấy là phương khảo thí tài lực của trí thức tinh
thần, hầu làm cho trí thức tinh thần sanh điều hay, bày điều dở; hay thì chánh,
dở thì tà, chánh thì còn, tà thì dứt. Ấy vậy dầu cho sự xung đột của quyền Ðạo
với quyền Ðời, thoảng đã làm cho lao tâm tiêu tứ của những trang chấp chánh Ðạo
quyền đi nữa, phương chước tô điểm vẽ vời cho lịch xinh mặt Ðạo. Phận sự bảo
trọng lấy mình là dễ, còn phận sự bảo Ðạo vốn khó vô cùng; đáng lẽ những kẻ
khuyến khích cho Tệ Huynh bảo trọng lấy mình nên gọi là người ơn, còn những
người khuyên lơn bảo tồn nền Ðạo nên cho là kẻ nghịch mới phải. Tệ Huynh tưởng
khi chẳng cần nói thì chư Hiền Hữu, chư Hiền Muội cũng đoán biết rằng chẳng lẽ
Chí Tôn chọn lựa Tệ Huynh giao cầm giềng mối Ðạo đặng bảo trọng lấy Tệ Huynh mà
thôi, trái ngược thì lại nhủ rằng: Phải hủy mình đặng bảo tồn sanh chúng. Chẳng
lẽ chúng ta đành cho rằng trọng mình hơn trọng Ðạo là chơn lý?
Ôi! Biết bao phen, đêm khuya thanh vắng Tệ Huynh
nằm gát tay lên trán thầm hỏi lấy mình:
Một mảnh thân phàm nầy, cô thân bạc nhược nầy, yếu
ớt hèn mọn nầy, có đủ tài đức chi mà Ðại Từ Phụ lại tin giao một cái giang san
sự nghiệp của toàn nhơn loại hoàn cầu đặng cho gánh vác?
Càng nghĩ, càng lo, lo rồi lại sợ, sợ không kham
trách nhậm mạng lịnh Trời; càng suy, càng tủi, tủi rồi lại khóc, khóc sợ không
phương nâng đỡ nổi Chơn truyền.
Ðại Từ Phụ lại quy tụ con cái của Ngài gần trên
một triệu sanh linh biểu bảo hộ nâng niu dạy dỗ.
Anh thì nghèo, em thì khó, gia nghiệp không mà
quyền thế cũng không, bị cưỡng bức ép đè mang khổ hạnh.
Ðã chín năm Tệ Huynh thấy ngờ ngờ trước mắt, nhiều
thảm trạng khó khăn, tinh những tiếng khóc than chẳng dứt: Kẻ thì đói, người
thì đau; Chức Sắc thì hèn, Tín đồ thì dở, nỗi thương tâm chất chứa đầy lòng,
giọt huyết lệ toàn đêm chẳng ngớt.
An đâu đặng mà tịnh, vui đâu đặng mà nhàn. Chúng
sanh thì khóc, Hội Thánh thì than mà chẳng thấy một ai lo trọn Ðạo. Tệ Huynh
xem lại những tay yếu trọng chấp chánh Ðạo quyền thay vì chia đau sớt thảm, lo
giải khổ cho chúng sanh, lại cố ý giựt giành quyền thế. Nhiều vị lại muốn cho
Tệ Huynh ngồi đó điềm nhiên, những thảm khổ ngơ tai, bịt mắt, lại buộc Tệ Huynh
phải an tịnh đặng đắc Ðạo thành Tiên dầu mối Ðạo chênh nghiêng đừng ngó đến.
Cái sở vọng của các người ấy, Tệ Huynh để cho chư
Hiền Hữu, chư Hiền Muội kiếm hiểu coi họ để tại nơi nào, không cần cạn tỏ.
Vì Tệ Huynh biết đặng cái bí mật huyền vi ấy, nên
không khứng nghe lời mới nảy sanh ra trường ác cảm.
Nào là lường gạt nhơn sanh, nào là tranh giành
quyền tước gieo nhục nhã khắp nơi, lấy quyền Ðời chế Ðạo. Một trường ngôn luận
xảo ngược, dối gian truyền cùng làng, khắp xóm, nhưng sự kết cuộc cũng không
hại chi cho danh thể của Tệ Huynh, duy làm cho thiên hạ chê khinh Chánh giáo.
Chẳng biết lương tâm của những kẻ phá Ðạo ngày nay nó phải thế nào, lẽ tà chánh
trọng khinh sao chẳng rõ.
Tệ Huynh ngồi nhớ lại đã cách mười năm nghĩa là hạ
tuần năm Sửu, Tệ Huynh còn làm Thượng Nghị Viện vào lầu ra các, trong thì bạn,
ngoài thì quan, nẻo hoạn lộ hèn sang đã chán; lẽ nhục vinh đã ngán với tuồng
đời, mùi cay đắng đã từng quen với mặt thế, nào là mày trung, nào là mặt nịnh,
đã trông nom mỏi mắt mòn hơi, nên mới biết chê đời mến Ðạo.
Nay lục tuần hầu đến, lẽ nên hư quyền biến cũng đã
thừa; có chi hay phòng mến phòng ưa, có chi trọng phòng yêu phòng chuộng. Tệ
Huynh hằng hỏi lấy mình, cái ngày của Ðại Từ Phụ sai Hộ Pháp và Thượng Phẩm đem
lịnh vào nhà mà dạy một đứa tội tình nầy phải dâng trọn xác hồn cho Ngài làm
lợi khí mở Chơn truyền, nên gọi là ngày hữu duyên hay là ngày trả nợ? Nếu phải
trả nợ thì Thầy lẽ nào đành giao một cái gia nghiệp vĩ đại của nhơn sanh cho
một kẻ tham gian bạo ngược, còn như gọi rằng duyên thì chắc đủ lực quyền cầm
vững Ðạo. Ðã chín năm xông lướt trên con đường đi than lửa, bước chông gai, mà
cũng có thể bảo thủ Chơn truyền của Thầy vững vàng toàn hảo, thì không phải là
một tay giả mạo hay là một đứa tội nhơn mà làm cho Thánh chất đặng thắng hơn
phàm tánh.
Bởi biết mình, bởi biết Thầy, biết người, biết
Ðạo, mới yên trí tịnh tâm giữ gìn Ðạo mạch.
Tệ Huynh duy có một sở vọng là ngày nào Ðạo đắc
thành, đời đặng thật thái bình thì thối bước lui chơn liền, đặng thích chí du
sơn ngoạn thủy, cái vui cùng tận của Tệ Huynh ở tại nơi đó mà thôi, chớ chẳng
phải tại mến đời ngồi chịu khổ.
Ngày nay là ngày vía Ðức Thích Ca Mâu Ni mà Tệ
Huynh không giải thích Ðức Thích Ca vì chư Hiền Hữu lưỡng phái cũng hiểu rõ
tích của Ngài và chư Hiền Hữu cũng thông suốt Phật Ðạo chút ít rồi.
Tệ Huynh chỉ để thì giờ quí báu đặng nhắc cho chư
Hiền Hữu lưỡng phái nhớ một hai tôn chỉ quí trọng của Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ
đương thời, nhứt là phương diện chánh thể của Ðạo.
Tuy Tệ Huynh không giảng Phật Ðạo chớ Ðại Ðạo ngày
nay cũng là Phật Ðạo vì gồm hết Tam Giáo (Nho, Thích, Ðạo) vì Thích Ca cũng là
Thầy, Thầy là Thích Ca.
Tệ Huynh hằng nhắc chư Hiền Hữu, chư Hiền Muội
rằng Ðạo vẫn một, mà mỗi thời kỳ khai Ðạo thì phương diện khác nhau, vì Ðạo
khai phải phù hạp với dân trí đương thời khai Ðạo.
Khi Ðức Thích Ca mở Ðạo Phật thì nhơn sanh buổi
ấy còn Thánh Ðức nhiều, cả cá nhân đều ngán sự khổ não truân chuyên ở thế, nên
Thiên Ðình phú cho Ngài lấy tôn chỉ tiêu cực diệt Tứ Khổ (Sanh, Lão, Bịnh, Tử)
mà độ chúng.
Ngài cũng bị lắm điều truân chuyên khổ não, lao
thân tiêu tứ với đời mà chừng thành Ðạo cũng bị quỉ phá một hồi dữ dội rồi mới
thành Ðạo.
Ðức Lão Tử khai Ðạo Tiên thì dùng huyền diệu
pháp làm tôn chỉ cao thượng vì đương buổi ấy thì nhơn sanh ưa huyền diệu phép
tắc.
Ngài cũng bị nhơn sanh cho là Lão già mê hoặc
chúng. Ðệ tử của Ngài cũng lần lần xa Ngài cho đến đổi khi Ngài đi ngang qua
Hàm Cốc Quan vô Nha môn của Doãn Hỉ đặng độ ông nầy là chơn linh Ngươn Thỉ thì
Từ Giáp là học trò hầu cận Ngài vì mê sắc mà sa ngã rồi cũng xa Ngài.
Mà Ðạo Tiên cũng thành tựu và cũng truyền bá tứ
phương vậy.
Khổng Phu Tử thọ lịnh Thiên Ðình
xuống khai Ðạo Nho đặng sửa nhơn luân trong buổi Châu mạt, vì trong buổi ấy, cang thường
luân lý suy đồi, nên nhơn sanh thấy cái Ðạo Nhơn luân của Ngài hay, sửa đời
đặng thì khâm phục.
Ngài cũng lắm công nhọc nhằn với đời. Qua Tề bị
Yến Anh, qua Yên bị phế, qua Triệu bị đuổi, kẻ bắt người buộc, ăn vác nằm sương
nhọc nhằn biết mấy. Ðến đổi nhà Tần tàn bạo không xiết kể, phần thi khanh Nho
(đốt sách chôn học trò), mà Ðạo Nho cũng loan truyền khắp hoàn cầu.
551 năm sau Khổng Phu Tử, mới có khai Ðạo bên Thái
Tây nên Thầy cho Ðức Chúa Jésus Christ giáng sanh khai Ðạo Thánh cho phù hạp
với dân trí Âu Châu.
Ðức Jésus cũng bị cường quyền Israel áp bức cho
đến đổi hồi ban sơ thì có 12 vị Thánh Tông Ðồ theo Ngài mà sau còn có một vị
Thánh Pierre mà thôi. Nhưng Người cũng phải chối Chúa ba phen đặng tránh cường
quyền bắt buộc.
Chừng Ðạo thành thì có Du Già bắt Ngài mà nạp cho
Chánh Phủ hành hình, đóng đinh trên cây Thánh Giá. Hành xác Ngài gớm ghiếc như
thế đặng cho nhơn sanh kinh khủng bỏ Ðạo, mà Ðạo Thánh cũng gieo truyền khắp cả
hoàn cầu.
Lúc Ðạo Gia Tô truyền qua Ðông Pháp thì vua An Nam
cũng nhặt cấm, bắt mấy người theo Ðạo Gia Tô quá Thập Tự, ai không bước ngang
qua thì bị tử hình.
Hình phạt gớm ghê như thế mà cũng có người Chí
Thánh thọ tử mà thôi chớ không chịu chối Ðạo.
Xét kỹ lại, thiệt người xưa là Thánh Ðức, ít ai bì
kịp, cứ giữ chánh tâm làm trọng, thỉ chung như nhất mà thôi.
Ngảnh lại đời nay mà ngán cho đời!
Ôi! Trong tám năm dư chuông Thánh truy hồn, Ðạo
Trời đem tin cứu thế mà hễ có nghe phưởng phất lời đồn huyễn hoặc chi của người
toan phá Ðạo thì mau mau cuốn Thánh Tượng, dẹp Thiên Bàn, lòng toan chối Ðạo.
Biết bao nhiêu người nịnh quyền hiếp thế, xu phụ
theo nịnh tà mong toan phá Ðạo, rước rắn rừng vô cắn gà nhà, nạp Chí Thánh vô
đề lao cho phỉ lòng oán hận.
Con một cha, gà một ổ, mà làm cho đổ lụy rơi châu,
gieo thảm sầu cho lắm người tâm thành trí vẹn phải dừng chơn thối bước!
Quạ nuôi tu hú cũng còn biết thương, người đi một
đường sao lại nỡ hại nhau như thế?
Home. Mục Lục: [ 1 ] [ 2 ] [ 3 ] [ 4 ] [ 5 ] [ 6 ] [ 7 ] [ 8 ] [ 9 ] [ 10 ] [ 11 ] [ 12 ] [ 13 ] [ 14 ] [ 15 ] [ 16 ] [ 17 ] [ 18 ] .